January 15, 2010
Nguyễn Xuân Nghĩa-Việt Tribune
Vừa bước vào năm mới, thủ đô Port-au-Prince của xứ Haiti đã bị một trận động đất với cường độ 7.0 trên địa chấn kế.
Từ dinh Tổng thống đến trụ sở Liên hiệp quốc, nhà thờ, nhà thương, nhà tù, khu ổ chuột, xóm nhà lá,... nơi nào cũng bị thiệt hại và Thủ tướng Jean-Max Bellerive dự đoán số tử vong sẽ vượt trăm ngàn người. Nhiều chuyên gia cũng xác nhận như vậy vì tâm điểm cùa động đất ở quá gần. Sau cơn địa chấn, hàng loạt những trận dư chấn vẫn còn làm thủ đô rung chuyển…
Quang cảnh thủ đô Port-au-Prince, Haiti sau trận động đất tại ngày 14 tháng 1/2010.Logan Abassi/MINUSTAH via Getty Images
Các quốc gia và tổ chức quốc tế lập tức phát động kế hoạch cứu trợ, nhưng với nạn nhân đang bị vùi dưới gạch vụn thì việc cấp cứu vẫn là quá chậm. Và họ oán chính quyền, khi đó cũng đang bị chấn động vì công sở có khi đã sụp đổ, việc liên lạc để thẩm định và ứng phó bị cản trở.
Trận động đất chỉ là một trong nhiều tai họa đã giáng xuống đảo quốc nằm trong vịnh Caribbean, giữa Cuba và sát với Cộng hoà Dominican, cách Florida của Hoa Kỳ có mấy trăm cây số.
Haiti là một xứ không may, một bậc thềm của địa ngục ngay từ lịch sử.
Trong cái trớn của cuộc Cách mạng Pháp, và sau 13 năm chiến tranh, Haiti tuyên bố độc lập với Đế quốc Pháp vào năm 1804. Lực lượng nổi dậy là gốc nô lệ từ Phi châu, họ đánh đuổi các thành phần địa chủ và lãnh tụ chính trị của chế độ thực dân. Đây là cuộc khởi nghĩa thành công đầu tiên của dân nô lệ trên thế giới, và để thành lập một quốc gia đầu tiên do dân nô lệ cầm quyền trên Tây bán cầu.
Chính là thành tích ấy mới khiến các đế quốc khác và giới khai thác nô lệ trên các thuộc địa Âu châu tại Trung Nam Mỹ mới lo ngại. Họ tránh không liên lạc và công nhận Haiti. Hoa Kỳ chỉ chính thức công nhận xứ này năm 1860, sau khi nước Mỹ đã vượt qua trận Nội chiến vì muốn xoá bỏ chế độ nô lệ.
Ngoại kiều vội vã lên tàu bay rời thủ đô Port-Au-Prince, Haiti sau cơn địa chấn. Getty Images
Bị cô lập quá lâu như vậy, Haiti chật hẹp, nghèo nàn và thưa thớt dân cư càng khó phát triển nhờ buôn bán và liên lạc với bên ngoài. Chẳng hạn, để xuất cảng một chút nông sản qua Pháp, Haiti phải bồi thường tiền truất hữu đất đai của các địa chủ Pháp. Vốn chỉ trồng mía, xứ này hết nhân công nô lệ cho các ruộng mía và đất đai giành lại được thì chia thành từng mảnh nhỏ cho cư dân cào xới qua ngày.
Tai họa thứ hai là nạn… độc tài nội hóa của các lãnh tụ. Nổi tiếng nhất là cha con Francois và Jean-Claude Duvalier (“Papa Doc”và “Baby Doc”) theo nhau cai trị từ 1957 đến 1986. Triều đại này còn có lực lượng bảo vệ là “Dân quân Thiện nguyện”, khét tiếng dưới hỗn danh là “Tontons Macoutes”, những hung thần chỉ nhận lệnh từ cha con Duvalier, và có toàn quyền sinh sát. Kế tiếp ba chục năm hắc ám của hai lãnh tụ này là hơn hai chục năm hỗn loạn với các tướng tá rồi các tổng thống được dân bầu lên mà không có thực quyền, và lại bị lật đổ. Trước đương kim Tổng thống là René Preval thì có Jean-Bertrand Aristide, được bầu lên hai lần và bị lật đổ hai lần.
Bị cô lập, bị bỏ đói, rồi bị nội loạn vì các lãnh tụ tranh quyền, Cộng hòa Haiti cứ vậy mà chìm xuống đáy. Có mức sống dân cư thấp nhất Tây bán cầu, đứng đầu thế giới về tệ nạn tham nhũng Haiti cũng là hang ổ của buôn lậu và băng đảng tội ác, gần phân nửa dân số 10 triệu vẫn còn thất học. Xã hội là nơi du đãng tung hoành, nếu không bị loạn vì đảo chánh. Tài sản quốc gia thì tập trung trong tay một thiểu số, sống rất vương giả tại các thành phố.
Vì nằm tại một vị trí địa dư chiến lược đối với Hoa Kỳ, Haiti thường xuyên được Mỹ chiếu cố, và đưa quân can thiệp nhiều lần, như vào các năm 1915-1934 hoặc năm 1994 dưới thời Tổng thống Clinton. Haiti là cửa ngõ của thương thuyền Hoa Kỳ từ vùng châu thổ sông Mississippi tiến ra các thị trường quốc tế và xuống tới Mỹ châu La tinh, nhưng cũng có thể là trạm trung chuyển ma túy từ Nam Mỹ vào thị trường Hoa Kỳ. Chưa nói đến di dân nhập lập hay các băng đảng tội ác. Vì vậy, Chính quyền nào tại Washington cũng phải quan tâm đến Haiti.
Không chỉ bị tai họa do con người gây ra, Haiti còn là nơi thường xuyên bị thiên tai vì yếu tố địa dư khí hậu. Haiti nằm trên đường quét của các trận bão nhiệt đới, từ Đại Tây dương thồi vào trước khi tới Cuba, Mexico hoặc quạt lên hướng Tây-Bắc vào lãnh thổ Hoa Kỳ. Lãnh thổ với diện tích rừng bị tiêu hủy càng dễ bị tàn phá bởi cuồng phong, lũ lụt. Đã thế, xứ này lại nằm trên lằn rãnh giữa hai tảng địa chất ưa cọ sát, và gây ra động đất. Cơn địa chấn 12 tháng Giêng vừa rồi là một cú cựa mình kinh hoàng của thiên nhiên.
Trận động đất sau Giáng sinh 2004 là một thiên tai hãi hùng gây tử vong cho gần 230 ngàn người tại 14 nước Á châu, nặng nhất là tại Indonesia, một quốc gia quần đảo vừa bị khủng hoảng kinh tế và chính trị thời 1998-1998. Nhưng thiên tai không đánh gục Indonesia và xứ này đã đứng dậy, tiếp tục cải cách về kinh tế và chính trị cho dân chủ và công bằng hơn. Dù là nhỏ xíu so với Indonesia, Haiti lại không được như vậy.
Vì thế, trong những ngày tới, quốc tế phải ra sức cấp cứu và tái thiết, một công trình sẽ mất vài năm mới tạm hoàn thành. Để đi tới đâu? Trở về chốn cũ, với thiên tai và nhân hoạ sẽ là cái nghiệp? Sau trận động đất, nhiều băng đảng ma túy động ổ sẽ tìm cách lưu vong, nhiều người dân cũng sẽ nghĩ kế vượt biên. Và Hoa Kỳ có thể là bãi đáp, vì gần 13% dân Haiti hải ngoại đang sống tại Mỹ. Cơ quan viện trợ USAID của bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sẽ rất bận rộn trong những ngày tới.
Nhưng rồi bộ Ngoại giao sẽ phải nghĩ đến những năm tới.[NXN]
source
Viet Tribune Online
No comments:
Post a Comment