Sunday, 8 August 2010

Hoa Kỳ-Việt Nam: ‘Cựu thù’ nay thành ‘chiến hữu’ Sunday, August 08, 2010 Bookmark and Share Ngăn chặn tham vọng của Bắc Kinh USS GEORGE WASHINGTO


Hoa Kỳ-Việt Nam: ‘Cựu thù’ nay thành ‘chiến hữu’
Sunday, August 08, 2010







Ngăn chặn tham vọng của Bắc Kinh


USS GEORGE WASHINGTON (NV)
- Hai kẻ từng là ‘cựu thù’, Hoa Kỳ và Việt Nam, đang biểu lộ cho thấy mối quan hệ quân sự đang phát triển khi hàng không mẫu hạm USS George Washington di chuyển ngang khu vực ngoài khơi miền Trung Việt Nam.

Theo bản tin phân tích của nữ ký giả Margie Mason, hãng thông tấn AP, khi tháp tùng, hôm Chủ Nhật 8 tháng 8 năm 2010, phái đoàn quan chức quân sự, chính trị của Việt Nam được hướng dẫn xuống thăm mẫu hạm USS G. Washington ở một địa điểm nằm giữa Ðà Nẵng và quần đảo Hoàng Sa. Hành động này nhằm gửi một thông điệp cho Bắc Kinh biết rằng họ không phải là ông trùm duy nhất ở khu vực biển Ðông.





Chiến đấu cơ F18 chuẩn bị cất cánh trên mẫu hạm nguyên tử USS George Washington khi chiến hạm dừng ở khu vực cách xa ngoài khơi Ðà Nẵng 320km (khoảng 200 dặm) hôm Chủ Nhật 8 tháng 8 năm 2010. Khu vực này nằm giữa Ðà Nẵng và quần đảo Hoàng Sa. Một phái đoàn ‘liên ngành của Việt Nam’ được mời xuống thăm mẫu hạm như một thông điệp gửi cho Trung Quốc biết họ không phải là ông trùm duy nhất của khu vực. (Hình: AP/Photo/Margie Mason)


Cuộc thăm viếng của phái đoàn Việt Nam, bề ngoài đánh dấu 15 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, nhưng diễn ra vào dịp nhiều tin tức liên quan đến sự tranh chấp chủ quyền biển đảo trên biển Ðông, các cuộc tập trận bắn đạn thật qui mô dương oai của Trung Quốc ở các vùng biển đảo tranh chấp với Việt Nam, và tin tức thương thuyết hợp tác hạt nhân giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, càng làm tăng thêm sức chú ý cho vấn đề.

Thời điểm của cuộc thăm viếng phản ảnh chủ đích của Hoa Thịnh Ðốn muốn duy trì sự ổn định và an ninh khu vực Á Châu Thái Bình Dương, mà nói riêng biển Ðông, tiếp theo biến cố chiến hạm Nam Hàn bị Bắc Hàn bắn chìm và mới tuần trước, Trung Quốc tập trận hải quân qui mô trên biển Ðông.

Tháng trước, khi tham dự Diễn Ðàn An Ninh Khu Vực ASEAN tổ chức ở Hà Nội, Ngoại Trưởng Hillary Clinton đã làm Trung Quốc tức giận khi bất ngờ kêu gọi Bắc Kinh giải quyết các tranh chấp chủ quyền biển đảo với các nước láng giềng.

“Sự hiểu ngầm về chiến thuật và về sự quan trọng của vùng nước biển Ðông cũng như sự tự do hải hành là quan trọng cho cả Việt Nam và Hoa Kỳ.” Ðại Tá Ross Myers, phi đoàn trưởng phi đoàn của mẫu hạm G.W., nói với AP hôm Chủ Nhật khi các máy bay chiến đấu gầm rú cất cánh biểu diễn.

“Tôi tin chính quyền Bắc Kinh và người Trung Quốc đang cố gắng bảo vệ lợi ích của họ.” Ông nói như thế khi được hỏi về sự gia tăng hung hăng của hải quân Trung Quốc ở khu vực. “Nó còn quan trọng hơn cho Việt Nam và các đối tác có các hành động cho thấy mình cũng có quyền ngang bằng như thế để đạt thịnh vượng kinh tế và hòa bình trong khu vực.”

Ký giả Mason thuật lời viên chức Hải Quân Hoa Kỳ trên mẫu hạm cho hay, “một số tàu chiến của Trung Quốc thấy bám theo mẫu hạm USS George Washington suốt mấy ngày qua khi mẫu hạm di chuyển từ phía Bắc xuống phía Nam của biển Ðông.”

Ngăn chặn tham vọng của Bắc Kinh

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên gần hết biển Ðông dù nước họ nằm lọt hẳn về hướng Bắc. Các nước trong khu vực Ðông Nam Á, từ Việt Nam, Phi Luật Tân đến Mã Lai, Nam Dương chỉ còn chút rẻo biển sát bờ. Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1974, mãi đến năm 1988 đến 1995 mới cướp một số đảo trong quần đảo Trường Sa mà Việt Nam và Phi Luật Tân xác định chủ quyền.

Quần đảo Trường Sa hiện đang có sự tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam, Trung Quốc, Phi Luật Tân, Ðài Loan, Mã Lai và Brunei. Khu vực biển này, ngoài tiềm năng hải sản, theo các khảo cứu khoa học ước lượng chứa đựng dầu khí quan trọng dưới lòng biển. Bà Clinton tuyên bố ở Hà Nội ngày 23 tháng 7 năm 2010 là Hoa Kỳ có lợi ích quốc gia nên muốn thấy các tranh chấp chủ quyền biển Ðông được giải quyết qua đường lối thương thuyết ngoại giao.

“Cái rắc rối là Trung Quốc công khai công bố chủ quyền toàn bộ các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các vùng biển chung quanh, nên để đẩy lùi được cái đó, cho dù chỉ ở mức độ chỉ có tuyên bố chủ quyền mà không có thi hành, sẽ rất khó khăn.” Arthur Waldron, chuyên viên về quan hệ quốc tế tại đại học Pennsylvania nhận xét.

“Nay thì chúng ta đang cố đuổi theo biến cố thời sự, nhắc cho người Trung Quốc biết chúng ta chưa suy sụp và chúng ta cũng có các bạn hữu trong khu vực”.

Việt Nam từng nhiều lần lên tiếng phản đối các hành động của Trung Quốc trên biển Ðông nhưng chẳng có tác dụng gì. Từ chuyện tổ chức du lịch, xây dựng cơ sở quân sự và hành chính, phi trường, cảng ở các quần đảo tranh chấp hay dò tìm dầu khí các vùng biển chung quanh, Trung Quốc vẫn ngang nhiên tiến hành.

“Việt Nam không ủng hộ chặn giữ Trung Quốc mà cũng giống như phần lớn các nước ASEAN khác, chỉ muốn thấy có các siêu cường khác hiện diện cân bằng lực lượng trong khu vực.” Giáo Sư Carl Thayer, một chuyên viên các vấn đề Việt Nam của nước Úc nhận xét. “Không phải tinh tế lắm cũng nhìn thấy Việt Nam chỉ muốn Hoa Kỳ hiện diện trong khu vực để cân bằng lực lượng với Trung Quốc.”

Mẫu hạm nguyên tử USS George Washington, căn cứ ở Nhật Bản, hiện diện thường trực trên biển Á Châu Thái Bình Dương. Nó là một trong những chiến hạm lớn nhất của Hoa Kỳ. Như một thành phố nổi, có thể mang hơn 70 phi cơ, hơn 5 ngàn thủy thủ và đoàn viên phi hành, mang theo 1.8 triệu kg bom.

Báo điện tử Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) chỉ vắn tắt loan báo quan chức “liên ngành” của chế độ có chuyến thăm mẫu hạm nói trên mà không đưa ra thành phần. Chuyến thăm viếng được nói là theo “lời mời của Ðại Sứ Quán Hoa Kỳ tại Việt Nam” và “Ðây là một trong những hoạt động nhân kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ (ngày 12 tháng 7)”.

Hồi tuần trước, báo Trung Quốc đăng một bài viết dài bày tỏ bất mãn cao độ nếu như Hoa Kỳ thỏa thuận cung cấp kỹ thuật giúp Việt Nam tự tinh luyện các thanh nhiên liệu hạt nhân.

Phát Ngôn Viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ P.J. Crowley xác nhận Bắc Kinh không được tham khảo vấn đề này vì nó không liên quan gì tới Trung Quốc. Một số nhà lập pháp sau khi được báo cáo về diễn tiến thương thuyết với Việt Nam tiết lộ thỏa hiệp có thể sẽ không áp đặt Việt Nam lời cam kết không tự làm giàu uranium mà Hoa Kỳ từng coi như “tiêu chuẩn vàng” cho các sự hợp tác năng lượng hạt nhân phục vụ dân sự.

Mục đích là tránh các nước khác dùng kỹ thuật của Hoa Kỳ để chế tạo bom nguyên tử. Hà Nội phủ nhận rằng họ không có kế hoạch nào tự làm giàu uranium ở Việt Nam.

Trong tuần này, khu trục hạm USS John S McCain, (mang tên ông nội và ông bố Thượng Nghị Sĩ John McCain vốn là thủy sư đô đốc của Hải quân Hoa Kỳ) sẽ ghé thăm cảng Tiên Sa, Ðà Nẵng. Theo tin tức, sĩ quan của chiến hạm sẽ cùng tập huấn với các sĩ quan hải quân Việt Nam về một số hoạt động không có tính “nhạy cảm”. (T.N.)

source

NGUOI-VIET Online

No comments:

Post a Comment