Sáng nay 08/10/2010, vài giờ trước lúc danh tánh người nhận giải Nobel Hòa bình 2010 được công bố, chủ tịch Ủy ban Nobel của Na Uy đã xác nhận là quyết định của Ủy ban chắc chắn sẽ gây ra tranh cãi. Quả đúng là như vậy. Khi tên tuổi nhà ly khai Trung Quốc Lưu Hiểu Ba là người được giải Nobel Hòa bình được công bố vào đúng 9 giờ GMT, sự kiện đã lập tức gây chấn động trong dư luận do tính chất bạo dạn của nó.
Quốc gia bị chấn động nhiều nhất có lẽ là Trung Quốc, vì trong những tháng qua, chính quyền Bắc Kinh đã không ngừng gây sức ép trên Oslo để ngăn cản việc trao giải Nobel Hòa bình cho ông Lưu Hiểu Ba. Chỉ ít lâu sau khi danh tánh giải Nobel Hòa bình 2010 được loan báo, bộ Ngoại giao Trung Quốc có phản ứng rất gay gắt đối với Ủy ban Nobel Hòa bình và đối với chính quyền Na Uy.
Theo phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Triêu Húc, thì Ủy ban Nobel Hòa bình đã vi phạm và thóa mạ tinh thần của giải thưởng này, vốn phát huy quan hệ hài hòa giữa các dân tộc cũng tình hữu nghị quốc tế. Đối với với phía Trung Quốc, Lưu Hiểu Ba là một tội phạm đã bị kết án tù vì đã vi phạm luật lệ quốc gia. Các hành động này của ông Lưu Hiểu Ba , theo Bắc Kinh, hoàn toàn đi ngược lại mục tiêu của giải Nobel Hòa bình.
Ngoài ra, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc còn lên tiếng đe dọa chính quyền Na Uy khi cho rằng việc trao giải cho ông Lưu Hiểu Ba sẽ gây tổn hại cho quan hệ song phương Trung Quốc – Na Uy. Tuyên bố dọa nạt chính quyền Oslo này đã lập lại luận điệu mà nhiều quan chức ngoại giao Trung Quốc từng đưa ra trong thời gian qua để gây áp lực.
Như tin chúng tôi đã loan, gần đây, thư ký Ủy ban Nobel Hòa bình ông Geir Lundestad đã tiết lộ là ngay từ tháng sáu vừa qua, nhân một chuyến công du Na Uy, một quan chức ngoại giao Trung Quốc cao cấp đã gặp đại diện Ủy ban Nobel và tuyên bố rằng việc trao giải thưởng cho một nhà ly khai là « một hành động không hữu nghị, có thể gây ra những hậu quả tiêu cực cho quan hệ giữa Na Uy và Trung Quốc ».
Theo hãng AFP, khi đe dọa như trên, Trung Quốc đã nhắm vào việc chính phủ Oslo đang mong muốn ký kết được với Bắc Kinh càng sớm càng tốt một thỏa thuận tự do mậu dịch song phương. Thế nhưng, Bắc Kinh đã quên đi một điều là trên nguyên tắc, Ủy ban Nobel là một định chế độc lập, không chịu áp lực của chính quyền khi ra các quyết định.
Chủ trương của Trung Quốc dùng sức ép chinh trị và kinh tế để ngăn không cho một công dân của mình đươc giải Nobel Hòa bình như vậy đã hoàn toàn thất bại trước quyết định độc lập của Ủy ban Nobel vào hôm nay. Và đây quả là một vố đau cho chính quyền Bắc Kinh, vốn không muốn thế giới chú mục vào vấn đề thiếu vắng dân chủ và nhân quyền mà nhà ly khai Lưu Hiểu Ba đã luôn luôn tố cáo.
Ngay sau khi có thông tin về việc ông Lưu Hiểu Ba được trao giải thưởng cao quý này, hai tổ chức bảo vệ nhân quyền hàng đầu thế giới là Ân xá Quốc tế, trụ sở ở Luân Đôn, và Human Rights Watch, trụ sở ở New York đã lập tức lên tiếng hoan nghênh sự kiện này, đồng thời lên tiếng kêu gọi Bắc Kinh trả tự do cho nhà ly khai, cũng như tất cả các tù nhân vì chính kiến khác.
Đói với hai tổ chức này, giải Nobel Hòa bình về tay ông Lưu Hiểu Ba là một hậu thuẫn quý giá cho tất cả các nhà ly khai Trung Quốc. Tuy nhiên, không chỉ có các tổ chức bảo vệ nhân quyền là có phản ứng như trên. Nhiều chính phủ và chính khách tên tuổi trên thế giới cũng lên tiếng hoan nghênh quyết định của Ủy ban Nobel Hòa bình năm nay.
Ngoại trưởng Pháp Bernard Kouchner còn kêu gọi Trung Quốc trả tự do cho ông Lưu Hiểu Ba , một yêu cầu cũng được phát ngôn viên chính phủ Đức Steffen Seibert đưa ra. Riêng thủ tướng Na Uy, nước bị Trung Quốc đe dọa nhiều nhất trong vụ này cũng lên tiếng chúc mừng nhà ly khai Lưu Hiểu Ba, vài phút sau khi ông được tuyên bố nhận giải.
Giới phân tích ghi nhận : Đây không phải là lần đầu tiên mà Bắc Kinh bị Ủy ban Nobel Hòa bình giáng cho một vố đau. Lần trước đây là vào năm 1989, khi giải Nobel Hòa bình được trao cho lãnh tụ tinh thần người Tây Tạng là Đức Đạt Lai Lạt Ma, bất chấp các thủ đoạn ngăn chặn của Trung Quốc.
Thế nhưng lần này, thất bại của Trung Quốc còn đau đớn hơn. Theo chuyên gia Pháp Jean Philippe Béja, giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Pháp CNRS/CERI, thì vào năm 1989, Bắc Kinh còn bị cô lập sau vụ thảm sát Thiên An Môn vào tháng 6, đo đó không có nhiều uy thế trên trường quốc tế. Thẽ nhưng hiện nay, tình hình đã hoàn toàn khác. Từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính, hầu hết các quốc gia phương Tây đều tìm cách chiều chuộng Trung Quốc.
Trả lời phỏng vấn của AFP, chuyên gia Pháp cho rằng cho dù Trung Quốc ngày ngày càng hùng mạnh, thế nhưng, nếu họ muốn đóng một vai trò quan trọng trên trường quốc tế thì họ phải « tuân thủ các giá trị phổ quát và tôn trọng quyền tự do ngôn luận ».
source
RFI Vietnamese
No comments:
Post a Comment