Đúng một năm kể từ ngày ‘Mùa xuân Ả Rập’ bùng nổ, phóng viên BBC Frank Gardner nhìn lại câu chuyện về người thanh niên được cho đã châm ngòi phong trào phản kháng ở Trung Đông và Bắc Phi. BBC xin trân trọng giới thiệu bài viết này.
Người đàn ông đã khai hỏa phong trào phản kháng trong thế giới Ả rập và Bắc Phi đúng một năm trước đây không phải là một nhà cách mạng nhiệt thành.
Mohamed Bouazizi chỉ là một người bán hoa quả trẻ tuổi ở Tunisia. Anh nuôi một gia đình đến tám người với thu nhập ít hơn 150 đô la một tháng.
Tham vọng của anh là có thể chuyển từ xe đẩy sang xe tải nhỏ để bán hàng.
Thổi bùng cơn giận
“Vào ngày hôm đấy, Mohamed rời nhà để đi bán như mọi ngày,” Samya, chị gái của Mohamed kể lại.
“Nhưng khi cậu ấy vừa chất hàng lên bán, ba thanh tra viên của hội đồng đến vòi tiền trà nước. Mohamed không chịu đưa,” cô nói.
“Họ tịch thu hàng hóa và chất lên xe của họ. Họ cố giật lấy mấy cái cân nhưng Mohamed không chịu để họ lấy, do đó họ đã đánh cậu ấy,” cô nói thêm.
Việc anh có bị một nữ quan chức nhục mạ và phun nước bọt hay không vẫn còn tranh cãi, nhưng có cái gì đó đã thổi bùng cơn giận dữ bên trong người bán hoa quả chỉ mới 26 tuổi này.
Anh đến văn phòng tỉnh trưởng để đòi lại hàng nhưng vị tỉnh trưởng không thèm tiếp anh.
Sau đó anh mua một can xăng, tưới khắp người và bật diêm.
Mohamed Bouazizi được nhanh chóng đưa đến bệnh viện trong tình trạng hôn mê với tỷ lệ bỏng lên đến 90%.
Hành động tuyệt vọng của anh đã khiến cho hàng ngàn người Tunisia giận dữ kéo xuống đường.
Sự tuyệt vọng của anh trước tình trạng tham nhũng của cơ quan công quyền, vật giá leo thang và không có cơ hội trong cuộc sống có cái gì đó đã thổi bùng một làn sóng cảm thông trong công chúng.
Những người biểu tình không hề lùi bước mà còn trở nên quyết liệt hơn khi đương đầu với lực lượng an ninh tàn bạo của chính quyền.
Tổng thống Ben Ali dưới sức ép ngày càng tăng của người biểu tình lúc đó đã đến thăm Bouazizi ở bệnh viện.
Khi anh qua đời do những vết thương quá nặng vào ngày 5/1, bạo loạn càng bùng phát dữ dội. Hàng trăm người chết và hàng trăm người khác bị bắt.
Đánh giá thấp bất bình
Tổng thống Ben Ali, một nhà độc tài quân sự đã nắm quyền suốt 23 năm, đã lên truyền hình đã kêu gọi người dân bình tĩnh.
“Thất nghiệp là một vấn đề toàn cầu,” ông nói.
Ông đổ lỗi cho các băng nhóm đeo mặt nạ đã gây ra tình trạng bạo lực và gọi họ là ‘những kẻ khủng bố’.
Giống như rất nhiều nhà lãnh đạo khác trong thế giới Ả Rập, Tổng thống Ben Ali tự xem mình là một bức tường thành chống lại chủ nghĩa cực đoan trong thế giới Hồi giáo.
Ông tin rằng chỉ riêng điều đó cũng đủ cho phép ông đàn áp bất cứ điều gì tấn công nền dân chủ.
Tuy nhiên ông đã đánh giá thấp mức độ bất bình của người dân của ông đối với tình trạng tham nhũng, bè phái, những khó khăn kinh tế và sự điều hành yếu kém của chính phủ.
Chỉ chín ngày sau cái chết của người bán hoa quả, người dân Tunisia nghe thủ tướng của họ thông báo rằng Tổng thống Ben Ali ‘không thể thực thi chức trách’.
Thật ra ông ta đã đột ngột bỏ trốn cùng với gia đình. Lúc đầu ông ta tìm cách sang Pháp nhưng bị nước này từ chối cho máy bay vào không phận. Sau đó ông chạy sang Ả Rập Saudi, nước đồng ý trao cho ông quy chế tỵ nạn nếu ông từ bỏ mọi hoạt động chính trị.
Thời kỳ cai trị của Tổng thống Ben Ali đã chấm dứt. Tất cả những việc này được châm ngòi bởi hành động tự thiêu của một thanh niên bán hoa quả bất bình.
Hình ảnh của người thanh niên này đã được dùng để tạo cảm hứng cho những người biểu tình trên khắp thế giới Ả Rập.
Nếu không phải là Mohamed Bouazizi, một điều gì khác cũng gần như chắc chắn sẽ làm bùng nổ cái gọi là ‘Mùa xuân Ả Rập’ – sự phản kháng này vốn đã được tích tụ trong hàng chục năm.
Tuy nhiên trên khắp thế giới Ả Rập và thậm chí cả những nơi khác, tên anh và tên đất nước anh đã được ca ngợi trong thơ ca và những bài diễn văn.
Mẹ của Bouazizi nói rằng bà vui vì cái chết của con trai bà giúp đất nước Tunisia tiến về phía trước.
source
BBC Vietnamese
No comments:
Post a Comment