Chế độ tù ngục vô nhân đạo ở Nga
Sergej Magnitskij – ảnh: DayLife.
Hoài Mỹ/Viễn Đông
Một trong những nạn nhân của tệ trạng này là cố luật sư Nga Sergej Magnitskij (37 tuổi), người được mệnh danh là ”Thợ săn tham nhũng”, nhưng cũng vì vậy mà ông đã bị chết thảm ngày 16-11-2009 trong nhà tù Butyrskaja, ở thủ đô Mạc Tư Khoa, vốn khét tiếng khủng khiếp.
Theo sự đời, ”chó chết thì hết chuyện” - thân phận của tù nhân ở Nga không khác gì, có khi còn thua xa một con chó ghẻ ở một xứ nghèo - thế nhưng, Sergej Magnitskij chết đã không kết thúc câu chuyện về tham nhũng, mà nay còn làm nổ tung tấm màn sắt vẫn che phủ chế độ tù ngục ở Nga. Nguyên nhân là trước ngày qua đời, luật sư Sergej Magnitskij đã viết một bản văn gửi lên chưởng lý tòa hình sự để khiếu nại về tình trạng vô nhân đạo và cực kỳ cẩu thả không ngừng diễn ra sau những cánh cửa nhà tù. Chưởng lý đã ”câm miệng hến”, nhưng hôm Chủ nhật, ngày 20-12-2009, sau khi đã lo ”mồ yên mả đẹp” cho người quá cố - và cũng là đúng ”ngày giỗ” đầy tháng của kẻ chết oan mạng - gia đình của cố luật sư Sergej Magnitskij đã thuận ý cho phổ biến đầy đủ bản văn nói trên. Nhật báo Vedomosti đã đăng tải tài liệu có tính cách lịch sử này. Dư luận quần chúng Nga đã phản ứng mãnh liệt đối với chính quyền Nga.
Một câu hỏi được đặt ra là: Làm sao mà nhật báo Vedomosti có được trọn vẹn bản văn khiếu nại của cố luật sư Sergej Magnitskij? Cho tới bây giờ, không ai biết!
Nhắc lại sự việc
Thuở sinh thời, luật sư Sergej Magnitskij đã làm việc cho công ty Firestone-Ducan ở Mạc Tư Khoa. Quỹ đầu tư Hermitage là một trong những thân chủ quan trọng nhất của công ty này. Nhân vật chỉ huy cao cấp nhất của Hermitage là William Browder, người Mỹ. Ông quả quyết là quỹ đầu tư Hermitage đã bị một viên chức trong cơ quan cảnh sát thuế vụ Nga tống tiền và lường gạt. Thế nhưng khi công ty này không chịu chi tiền thì nhà đầu tư Hoa Kỳ William Browder bị từ chối nhập cảnh Nga và các văn phòng của Hermitage và Firestone-Ducan bị ”cướp cạn”; rất nhiều giấy tờ bị tịch biên. Một số hồ sơ được sử dụng để chiếm đoạt tài sản của công ty.
Tới đợt hai, công ty này đòi được hoàn lại 230 triệu đô la tiền thuế (đã trả thặng dư), nhưng số tiền này đã ”không cánh mà bay”. Công ty Hermitage và Firestone-Ducan trao công tác điều nghiên cho luật sư Sergej Magnitskij nhằm tìm xem những gì đã xẩy ra. Ông Magnitskij chưa kịp chính thức bắt tay vào việc thì công tố viện Nga đã lập tức ”quật” ngược lại bằng cách xác quyết đó chỉ là một sự ngụy tạo trốn thuế do Hermitage thực hiện với sự trợ lực của Sergej Magnitskij.
Thương gia giám đốc William Browder bèn đề nghị các luật sư bất mãn trước sự vu khống của cơ quan pháp lý nhà nước hãy ra đi khỏi Nga, nhưng ông Magnitskij nhất quyết ở lại tranh đấu, ”săn tham nhũng”. Nhưng ông chỉ là một con kiến nhỏ bé chống với cả một guồng máy khổng lồ, thành ra cuối cùng ông đã bị ”guồng máy” trả thù, giam vào một nhà tù khét tiếng ”hỏa ngục trần gian” và sau cùng ông đã bỏ mạng ở đấy, trong khi công việc điều tra của ông vẫn chưa hoàn tất.
Từ trong ngục tù
Như trên đã kể, trước một thời gian ngắn ngày qua đời vào chiều tối 16 tháng 11, ông Sergej Magnitskij đã viết xuống các điểm khiếu nại của mình trong một bản văn dài đệ trình chưởng lý tòa hình sự. Mặc dù chính quyền muốn giấu nhẹm vụ này, nhưng các bạn đồng tù với tác giả đã tìm cách cho lọt phần nào sự việc ra ngoài, gây được sự chú ý của nhiều người Nga đồng thời tạo thành một thứ dư luận ồn ào đến độ tổng thống Dmitry Medvedev phải can thiệp. Sau đó, có thể vì nhằm xoa dịu phản ứng tức giận của dân chúng, nhưng cũng có thể vì nhu cầu tranh cử sắp tới, ông Medvedev đã ra tay làm một mẻ lớn: Trước hết, cách chức tướng Anatolij Mikhalkin, chỉ huy trưởng hệ thống hình sự thuế vụ; sau nữa, sa thải 20 giám đốc nhà tù. Nhiều viên chức cao cấp đề lao và cảnh sát đã phải ”quẳng ’job’ mà ra đi”. Theo nhật báo Anh Finance Times, sự việc này đã gây sự bất ngờ ở một quốc gia mà những sự bình phẩm chính quyền luôn luôn bị triệt hạ trong suốt thập niên vừa qua, kể cả trong hai nhiệm kỳ tổng thống của ông Vladimir Putin. Nay ông Dmitry Medvedev muốn chứng tỏ ông ”khác” với vị tiền nhiệm.
”Họ đã giết ông ta”. Nhật báo Vedomosti đã viết như vậy về nguyên nhân cái chết của luật sư Sergej Magnitskij. Bài báo viết tiếp: ”Trong 4 tháng cuối đời của ông Magnitskij chỉ toàn những lần di chuyển từ xà lim tồi tệ này tới xà lim tồi tệ hơn nữa bên trong một nhà tù tồi tệ nhất của nước Nga. Nhưng vị luật sư này đã không chịu đầu hàng. Mỗi lần ông khiếu nại về tệ trạng trong tù, ông lại bị dời đến các xà lim còn tệ hơn trước. Ông đã được đề nghị nhiều lần là sẽ được trả lại tự do nếu ông chỉ việc tố cáo những người khác”.
Ông Magnitskij thuật lại trong một lá thư mà nhật báo Vedomosti vừa phổ biến: ”Những khi tôi lập lại là tôi từ chối các đề nghị ấy thì lập tức hoàn cảnh giam giữ tôi lại càng trở nên tệ hại hơn và càng tệ hại hơn nữa”.
Các trại ”tạm giam” ở Nga hiện giữ trên 150.000 tù nhân, những người chờ đợi được xét xử trước tòa. Tuy gọi là ”tạm giam”, nhưng nhiều người trong số này đã ở đây qua nhiều năm trong cảnh ngộ bi thảm vốn có thể quật ngã họ vĩnh viễn.
Con số ước lượng tù nhân ”tạm giam” bị chết có thể từ mấy trăm lên tới nhiều ngàn người. Những người chết bởi hệ quả của thể chế trừng phạt vốn không còn để lại bất cứ một thứ giá trị nào cho những kẻ ngồi tù.
"Thế giới thứ ba”
Bình luận gia Julia Lattynia của đài phát thanh ”Tiếng vọng Mạc Tư Khoa” cho rằng cái chết của ông Sergej Magnitskij là một bằng chứng cụ thể là nước Nga đã xuống cấp tới hạng các nước trong thế giới thứ ba trên thế giới này. Mặc dù nước Nga đã bãi bỏ án tử hình, nhưng họ vẫn có các phương pháp riêng của họ. Bà Julia nhấn mạnh rằng cho dù người ta nhìn nhận ra sao sự kiện thì việc ông Magnitskij bị tra tấn tới chết cũng đã tạo nên một tang chứng nghiêm khắc chống lại những người chỉ huy ông ta (giám đốc và các cai tù).
Vốn là một luật sư đã thuộc hệ thống và giầu kiến thức, nhưng ông Magnitskij vẫn tin tưởng rằng có thể cuối cùng ông sẽ được các cấp trên hữu trách liên hệ lắng nghe. Vào tháng 9, ông đã gửi bản văn khiếu nại dày 40 trang viết tay cho chưởng lý tòa hình sự Jurij Tsjaika.
Được biết là vào tháng 11 năm 2008, luật sư Sergej Magnitskij lần đầu tiên bị quản thúc trong nhà tù tạm giam Matrosskasja Tisjina, một trong những nơi được đánh giá là ”đàng hoàng” hơn cả ở vùng Mạc Tư Khoa. Nhưng vì ông đã không ”thành khẩn khai báo” về những gì mình đã lỗi lầm và cũng không tố cáo người khác, do đó áp lực gia tăng. Ngày 26 tháng 6 năm nay, ông bị di chuyển tới xà lim số 267 trong nhà tù Butyrskaja. Nhà tù này vẫn được mô tả là khủng khiếp vào bậc nhất ở Nga. Các phòng xà lim này vẫn liên tục được sử dụng từ thời Katarina, thập niên 1700.
Luật sư Sergej Magnitskij viết: ”Một hôm chúng tôi dùng một cái nút đậy vào cái lỗ cầu tiên để ngăn chận mùi hôi thúi xông nồng nặc trong xà lim. Chúng tôi làm cái nút này bằng một cái ly nhựa vẫn đựng cháo. Sáng hôm sau cái ly nhựa ấy đã bị đục thủng một lỗ bự. Thưa, đó là vì các con chuột cống đã ăn hết những vết cháo còn lại, gặm luôn cả lớp nhựa. Những con vật này chạy tự do khắp các ngõ ngách dưới xà lim. Chúng kêu suốt đêm”.
Hôi thối và lạnh buốt: Lời thuật lại của luật sư Sergej Magnitskij đã rọi ánh sáng vào tệ trạng tàn khốc trong các nhà tù ở Nga. Theo đó, tiêu chuẩn vệ sinh và y tế trong các xà lim quá tồi tệ.
Ông Magnitskij đã viết: ”Một ngày nọ, sàn xà lim ngập nước cống rãnh tràn vào đến độ chúng tôi không thể đi lại được bằng cách nào nữa ngoài việc leo từ ’giường’ này nhẩy qua ’giường’ khác như những con khỉ. Mùi hôi thối xông lên nghẹt mũi. Khí lạnh gia tăng bao phủ xà lim”.
Trong khi nước cống rãnh, phân và rác rưởi càng dâng cao, các tù nhân vẫn phải ngồi trên ”giường” trong xà lim cả một ngày đêm rồi người ta mới di chuyển họ sang một xà lim khác.
Từ chối cho giải phẫu tử thi: Theo chính quyền nhà tù, nguyên nhân chính thức gây nên cái chết của luật sư Sergej Magnitskij là suy tim. Nhưng, hoặc là chứng bệnh này đã phát triển - hoặc là người thanh niên 37 tuổi này vẫn mạnh khỏe, nhưng đã phát nhiều triệu chứng với những cơn đau kịch liệt theo thời gian bị giam cầm. Khi bà mẹ của luật sư Sergej Magnitskij đến nhà tù sau khi con của bà đã qua đời, bà được báo cáo là ”đương sự chết vì vỡ lá lách”. Gia đình yêu cầu một cuộc giải phẫu độc lập, nhưng bị từ chối.
Trong bản văn khiếu nại, chính luật sư Sergej Magnitskij đã viết: ”Vào tháng 6 năm 2009, có sự xác nhận là tôi bị chứng sạn trong túi mật, viêm túi mật và viêm lá lách. Những cuộc khám nghiệm đã được thệ hiện nhiều lần, và phẫu thuật cũng đã được hoạch định vào tháng Tám”.
Nhưng rồi ông đã phải chờ đợi dài cổ vẫn không có gì xẩy ra. Trong nhà tù Butyrskaja không một ai quan tâm tới tình trạng bệnh tật và đau đớn của ông hay của bất cứ tù nhân nào. Ông cũng đã thuật lại những sự đau đớn của ông vào cuối tháng Tám, gần 3 tháng trước khi ông chết.
Ông kể tiếp: ”Ngày 24 tháng Tám, các cơn đau mỗi lúc một khủng khiếp, chịu không nổi đến độ tôi không còn có thể nằm xuống. Một trong những người bạn tù đập mạnh vào cánh cửa, kêu gào thật lớn tiếng là tôi cần được đưa đi bác sĩ. Viên gác tù hứa là anh ta sẽ hỏi xem bác sĩ có tới được không. Rồi mặc dù những thúc đẩy không ngừng của người bạn tù của tôi, vẫn chẳng có gì xẩy ra. Mãi hơn 5 tiếng đồng hồ sau, tôi đã như sắp chết, lúc đó mới được mang đi tới bác sĩ”.
Nhưng bác sĩ này làm việc cũng chỉ lấy lệ, khám qua loa để rồi sau đó luật sư Sergej Magnitskij đã không được chuyển tới bệnh viện và cũng không được lãnh viên thuốc nào.
Không đầy tháng sau, ông đã tắt thở giữa những cơn đau khủng khiếp. Ông chết trong xà lim lạnh buốt khi thời tiết ở Mạc Tư Khoa đã khởi sự vào đông và tuyết cũng đã bắt đầu rơi.
*******************
source
Vien Dong Daily
No comments:
Post a Comment