Monday, 31 August 2009

Dân chủ tự ải

Dân Honduras biểu tình ủng hộ TT bị truất phế Manuel Zelaya tại Tegucigalpa, 11/8, 2009. Orlando Sierra/Getty Images
August 31, 2009
Dân chủ tự ải
Nguyễn Xuân Nghĩa-Việt Tribune
Các nền dân chủ có thể tự treo cổ...Bị vùi sâu dưới những chuyện quốc gia đại sự, có một tin rất nhỏ đã bị truyền thông Hoa Kỳ quên không đăng tải….Jamal Yousef là một cựu sĩ quan của quân đội Syria, nhưng lại buông súng để thành tay buôn súng, mà chỉ buôn súng cho quân khủng bố. Ba năm về trước, nhân viên tình báo Hoa Kỳ tại Honduras đã phát giác một nghiệp vụ cung cấp của Yousef. Hàng hoá là một kho võ khí vĩ đại gồm các loại súng AR-15, M-16, M-60, chất nổ C-4, lựu đạn (2.500 quả), súng phóng lựu và 18 hoả tiễn địa không. Bên mua là lực lượng phiến quân Mác-xít FARC của xứ Colombia, chuyên trị về nghệ thuật kết hợp khủng bố với buôn ma túy.
FARC trả tiền xương máu đó bằng một tấn nha phiến, cho Yoursef thoải mái phân phối khắp nơi, kể cả vào nước Mỹ.Yousef bị nhà chức trách Honduras bắt được và kết án ba năm tù vì những tội nhỏ. Ba năm đã mãn. Ở bên ngoài, từ nhiều năm nay, giới chức Hoa Kỳ xin dẫn độ Yousef qua Mỹ để ra toà về tội buôn bán ma túy và tiếp tế cho quân khủng bố. Hôm Thứ Tư 19 tháng Tám vừa qua, Yousef đã “hạ cánh” tại New York và có thể ngồi bóc ít ra là hai chục cuốn lịch: Chính quyền Honduras thoả mãn lời yêu cầu của Hoa Kỳ. Tin ấy vuột khỏi mối quan tâm của dân Mỹ vì bị truyền thông bỏ quên, cũng như bộ Tư Pháp Mỹ cũng quên không cám ơn Chính quyền Honduras về cử chỉ này. Chỉ vì Chính quyền Obama và bộ Ngoại giao Mỹ kết án việc Tối cao Pháp viện Honduras truất phế Tổng thống Mel Zelaya, một quyết định hợp hiến và hợp pháp của Honduras. Zelaya là một Tổng thống có tham vọng dùng quân đội cải sửa Hiến pháp để lại ra tái tranh cử sau khi mãn nhiệm và khi bị quân đội từ chối thì cách chức các tướng lãnh. Ông ta cũng thuộc khuynh hướng cực tả, coi Fidel Castro của Cuba hay Hugo Chavez của Venezuela là đồng chí, thần tượng nên được mấy xứ này cực lực bênh vực.Vì vụ “đảo chính” đó, Chính quyền Obama đòi trừng phạt Chính quyền của một xứ nhỏ bé và đang bị hăm dọa tứ bề. Vậy mà Honduras vẫn chơi bảnh và giúp Mỹ giải trừ nạn khủng bố và buôn lậu ma túy. Một ngày sau, một chuyện khác đã nổ lớn – cũng liên quan đến khủng bố.Chính quyền xứ Scotland – một quốc gia trong Vương quốc Anh (United Kingdom) – đã trả tự do cho một tay khủng bố của xứ Libya là Abdel Basser Ali al-Megrahi. Al-Megrahi là tay đặc công đã đánh bom phi vụ 103 của hãng Pan-Am vào tháng 12 năm 1988. Chiếc Boeing 747 nổ tung trên ngôi làng Lockerbie của Scotland khiến 270 người tử nạn – và vài năm sau Pan-Am phá sản. Các cuộc điều tra của quốc tế đã tìm ra bàn tay Lybia trong vụ khủng bố này và do áp lực của Liên hiệp quốc và các nước khác, al-Megrahi được giải giao cho toà án Scotland xét xử, để lãnh án tù chung thân, về sau được đổi ra 27 năm. Chưa đầy tám năm sau, ngày 20 vừa qua, Chính quyền Scotland viện lý do nhân đạo vì al-Megrahi lâm bệnh mà cho phép tay khủng bố này được tự do bay về Lybia. Chính quyền Lybia cho đón tiếp al-Megrahi như anh hùng dân tộc và được gặp lãnh tụ Moammar Gaddafi trong một lễ liên hoan! Chính quyền Obama cực lực lên án quyết định ấy của Scotland và một người cực kỳ kín đáo như Giám đốc FBI Robert Mueller cũng phải công khai than phiền. Tại Anh, vụ này làm Thủ tướng Gordon Brown lúng túng không ít và hy vọng tái đắc cử lại càng thêm mịt mờ.Mà chuyện không chỉ có vậy!Ngày 24 vừa qua, Bộ trưởng Tư pháp Scotland giải trình trước Quốc hội lý do nhân đạo khi tha bổng al-Megrahi. Nhưng, giới chuyên gia y khoa hoài nghi lý do bệnh lý trong khi dư luận nói ra nguyên nhân thật: Bộ trưởng Kinh doanh của Chính quyền Gordon Brown là Peter Mandelson đã trực tiếp thương thảo với Lybia về các hợp đồng cung cấp dầu khí của Lybia cho nước Anh. Cái giá là tự do cho al-Megrahi. Và cái tát là tay khủng bố này được Lybia chào mừng như một anh hùng – ngược với thoả thuận trước đó. Sau khi lên máy bay đưa “anh hùng” al-Megrahi từ Scotland về Tripoli, con trai của lãnh tụ Gaddafi là Saif al Islam Gaddai đã lên truyền hình Lybia xác nhận chuyện bán chác này!Nước Mỹ đâm ra ngẩn ngơ về chuyện đổi bạn lấy dầu! Một đồng minh chí thiết là nước Anh lại vì nhu cầu năng lượng – để thoát khỏi vòng phong toả của Liên bang Nga – buông tha quân khủng bố. Trong khi Obama coi cử chỉ hào hùng của xứ Honduras là không đáng kể! Lybia có dầu khí, Honduras thì nghèo kiết xác! Chuyện chưa hết. Ngày al-Megrahi được thả thì cũng là lúc Tổng thống Thụy Sĩ Hans-Rudolf Merz chính thức qua thủ đô Tripoli để xin lỗi lãnh tụ Gaddafi về việc tháng Bảy năm ngoái Thụy Sĩ đã bắt con trai và con dâu của Gaddadi tại trong một khách sạn cực sang ở Genève. Hannibal Gaddafi và vợ đã đánh đập người làm ngay trong khách sạn (và còn đòi quăng một người qua cửa sổ!) Năm ngoái, Lybia bèn trả đũa bằng cách ngưng bán dầu cho Thụy Sĩ. Bị mất 20% số dầu tiêu thụ vì một chuyện “không đâu” như vậy thì Tổng thống đành chắp tay đi xin lỗi, khiến thần dân của xứ sở văn minh hiền hoà này thấy nhục không ít!Scotland, Vương quốc Anh hay Thụy Sĩ là những tấm gương sáng về nền dân chủ của Tây phương. Mà sáng chỉ một phía! Khi bị Liên bang Nga chơi ép với đòn tấn công Georgia và xiết ống dẫn khí tại Ukraine, các ước Tây Âu đều biết mở bản đồ: tìm dầu ở đâu bây giờ? Tại Trung Đông hay Bắc Phi? Iran, Iraq, Al1gérie hay Lybia? Suy đi tính lại thì lãnh tụ khật khùng Gaddafi vẫn là người có thể nói chuyện phải quấy được. Miễn là ta hơi hèn một chút. Miễn là ta chịu hèn một chút nên ngày xưa dân Âu Châu đã từng lùi dần và nhượng bộ quyền tự do của từng người cho chủ nghĩa phát xít – để rồi chế độ Đức quốc xã lớn mạnh và đưa cả lục địa vào đại chiến khiến Hoa Kỳ phải nhập trận. Nhưng Hoa Kỳ ngày nay không là quốc gia có thể phê phán các đồng minh bên kia Đại Tây dương về sự thiếu đởm lược hoặc tinh thần thực dụng tới mức thành đồng lõa với tội ác.Năm xưa, 1975, một vị Tổng thống hiền lành như Gerald Ford còn từ chối gặp gỡ nhân vật bất đồng chính kiến khét tiếng của Liên bang Xô viết là nhà văn Aleksandr Solzhenitsyn, để khỏi làm Moscow phật ý. Ngày nay, nguyên Tổng thống Bill Clinton cũng… đeo đồng hồ Thụy Sĩ của Tổng thống Merz mà bay qua Bình Nhưỡng nói chuyện với lãnh tụ Bắc Hàn và đem về hai ký giả bị bắt làm con tin. Cũng thế, việc bộ Ngoại giao Mỹ rà lại đối sách với chế độ quân phiệt Miến Điện để giải tỏa dần lệnh cấm vận chưa chắc đã giúp gì cho lãnh đạo phong trào dân chủ là bà Aung San Suu Kyi. Nhưng có khi lại đem về nhiều hợp đồng năng lượng cho doanh nghiệp Mỹ, được tráng men là “nhằm kéo Miến Điện ra khỏi quỹ đạo Trung Quốc”. Các nhà đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam cũng sẽ được nhắc khéo như vậy! Đấy là tinh thần thực dụng của ngoại giao. Một lý do có vẻ như chính đáng vì mục tiêu sau cùng vẫn là để bảo vệ quyền lợi của Hoa Kỳ. Nhưng, chìm sâu bên dưới vẫn là phản ứng tự sát của các nền dân chủ. Và Hoa Kỳ đang dẫn đầu tinh thần đó.Chuyện thả quân khủng bố thì đang trở thành hiện thực ngay tại Mỹ với quyết định đóng cửa trại giam Guantanamo mà chưa biết sẽ đưa 240 tù phạm đi đâu. Không chỉ thả quân khủng bố mà còn truy tố nhân viên tình báo vì phương cách thẩm tra nghi can khủng bố đầy tính chất tra tấn! Người ta tra tấn nhau về định nghĩa của tra tấn và tổ chức việc thanh toán chính trị bằng tòa án. Chuyện này, bộ Tư pháp Mỹ đang làm thủ tục tiến hành, khiến Giám đốc Trung ương Tình báo CIA là Leon Paneta nổi điên – có khi sẽ đòi từ chức nay mai. Ông Panetta là nhân vật Dân Chủ ôn hoà, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Chính quyền Bill Clinton, nay đang phải xoay chuyển trong cơn tự sát tập thể ở chung quanh khi nhân viên bảo vệ an ninh cho nước Mỹ lại bị Chính quyền Obama coi là đáng nghi và đáng sợ hơn quân khủng bố. Nhưng, chuyện tự sát quy mô và rắc rối nhất vẫn là kế hoạch cải tổ chế độ bảo dưỡng sức khoẻ (health care) đang được xoay thành cải tổ chế độ bảo hiểm y tế (medical insurance). Những vấn đề chính đáng và nguy ngập của xã hội Mỹ – chi phí bảo dưỡng gia tăng, một số người không có bảo hiểm, sự phá sản tất yếu và kinh hoàng của quỹ An sinh Xã hội Social Security, Quỹ trợ cấp Y tế cho người già (Medicare) hay người nghèo (Medicaid) – bị chìm sâu trong cuộc vận động đại quy mô của các thế lực kinh doanh và chính trị, kể cả các nghiệp đoàn. Với những giải pháp giả tạo và chắc chắn là còn gây tốn kém lớn lao hơn nữa. Lồng trong đó là giải pháp trợ tử – giúp cho người già chóng đi theo quy luật đào thải thực dụng – hoặc việc phá thai nhờ tiền của công quỹ, và nhiều tính toán tàn nhẫn khác.Trong khi ấy, truyền thông vẫn không thể giải thích được sự việc cho rõ ràng vì chưa ai đưa ra được một kế hoạch phân minh ngoài đạo luật ngàn trang của Hạ viện. Nhiều nhà bình luận thiếu am hiểu còn nhảy vào trong cuộc với những giải thích không ngây ngô thì nhuốm mùi xuyên tạc. Có người ngớ ngẩn cao độ, trí nhớ lại rất kém, còn mơ ước một loại “hợp tác xã y tế” để bảo đảm sức khoẻ cho mọi người! Chế độ công quản y tế đó đã có một tiền lệ vừa tanh bành mà cứ vội quên. Đó là hai công ty bán công về tài trợ tín dụng gia cư Fanny Mae và Freddie Mac bị phá sản năm ngoái! Khi nhà nước bao cấp của Obama nhân cơn suy thoái kinh tế mà nắm lấy việc chi thu cho mục tiêu “kích thích kinh tế” và cải tạo xã hội thì bội chi ngân sách đã vội bốc lên trời: chín ngàn tỷ đô la trong suốt 10 năm tới. Gánh nặng công trái sẽ vượt mọi kỷ lục cổ kim và sụp lên đầu các thế hệ kế tiếp. Khi nhà nước bao cấp đó lại đòi quản lý luôn sức khoẻ của toàn dân, chúng ta nên chờ đợi nhiều chuyện kinh hãi khác! Các nền dân chủ thường có sức mạnh nhờ quyền tự do của người dân nên khó sụp đổ nếu bị tấn công từ bên ngoài. Nhưng ngay bên trong, các xã hội dân chủ cũng có bản năng tự sát khi tự gây họa. Rồi cứ vậy mà lụn bại dần. Nền dân chủ có thể tự treo cổ – tự ải. Nhại lời của (...), hãy tìm hiểu xem ai bán sợi dây oan nghiệt đó cho họ? [NXN]

***************************
source
Viet Tribune Online

No comments:

Post a Comment