Friday, 28 August 2009

Ký ức gây chia rẽ



Trong bài thứ hai của loạt đánh dấu sự bùng nổ Thế chiến Hai 70 năm trước, sử gia người Anh Orlando Figes phân tích ý nghĩa của Hiệp ước Molotov-Ribbentrop đối với châu Âu năm 1939 - và ý nghĩa của nó ngày hôm nay.

Các nước Đông Âu vẫn nhớ về hiệp ước với sự căm ghét


"70 năm đi qua, hiệp ước giữa Hitler và Stalin vẫn phủ bóng lên châu Âu. Ký ức về nó tiếp tục gây chia rẽ.

Với người Ba Lan, Lithuania, Latvia, Estonia và Bessarabia, hiệp ước này mở đầu thời kỳ khủng bố, lưu đầy hàng loạt, nô lệ và giết chóc mà cả Đức Quốc xã lẫn Hồng quân cùng đem lại khi hai bên phối hợp xâm lược các nước này thể theo nghị định thư bí mật của hiệp ước - theo đó, Stalin và Hitler đồng ý chia đôi Đông Âu.

Với người Do thái trên các phần đất này, hiệp ước cấp giấp phép cho sự diệt chủng (Holocaust). Với phe Tả ở châu Âu, ý nghĩ rằng lãnh đạo Liên Xô có thể ký hiệp ước với Hitler là biểu tượng của sự phá sản đạo đức của thể chế Sô Viết.

Trong thời gian dài, những người bênh vực Stalin tìm cách lý giải sự quay ngoắt ý thức hệ như là một nhu cầu thực tiễn để "mua thời gian" cho Liên Xô tự vệ trước Đức.

Rõ ràng đến mùa hè 1939, Stalin có lý do để nghi ngờ Pháp và Anh không thực sự muốn có liên minh quân sự với Liên Xô. Việc Ba Lan, dễ hiểu, không cho phép Hồng quân đóng trên đất Ba Lan là trở ngại chính. Điều này khiến lãnh đạo Liên Xô ngả sang đề nghị an ninh của Hitler.

Nhưng Stalin không xem chuyện này là để mua thời gian cho cuộc chiến chống Đức mà cuối cùng nổ ra năm 1941.

Ông không phân biệt giữa các nước tư bản tự do và độc tài phát xít - cả hai đều là kẻ thù.

Qua hiệp ước, ông nghĩ rằng có thể khiến hai phe này đánh nhau bằng cách cho Hitler rảnh tay xâm lược Ba Lan và đánh các đồng minh Tây phương mà không có sự can thiệp của Liên Xô.

Stalin có những tính toán gì khi ký hiệp ước?

Stalin nói năm 1939: "Chúng ta không phản đối chiến tranh [giữa Đức và các nước Tây phương] nếu chúng đánh nhau và làm suy yếu lẫn nhau."

Cùng với hiệp ước - được Ngoại trưởng Đức Joachim von Ribbentrop và Ngoại trưởng Nga Vyacheslav Molotov ký - còn là nghị định thư bí mật. Trong nhiều năm sau đó, Liên Xô phủ nhận sự tồn tại của chúng.

Mãi đến năm 1989, sau các cuộc tuần hành đánh dấu 50 năm ngày ký hiệp ước, một ủy ban Liên Xô mới thừa nhận chúng tồn tại - cho dù văn bản đó cũng chỉ công bố tại Nga vào năm 1992.

Hiệp ước vẫn là sự mất mặt cho những người ở nước Nga thời Putin tự hào về thành tựu của Liên Xô trong cuộc chiến.

Việc kỷ niệm nó là cái gai thường trực trong quan hệ của Nga với các nước châu Âu láng giềng, những nước nhìn hiệp ước từ góc cạnh đàn áp của Liên Xô sau 1945.

Nghị viện châu Âu đã kêu gọi đặt ngày 23/08 thành ngày tưởng nhớ mọi nạn nhân của các chính thể toàn trị - Hitler và Stalin. Đó không phải là ý tưởng tồi.

Có lẽ nó sẽ giúp giảm căng thẳng do ký ức về hiệp ước tạo ra."

Orlando Figes là Giáo sư Lịch sử tại trường Birkbeck College, University of London. Ông là tác giả nhiều sách về lịch sử Nga, và tác phẩm mới nhất là The Whisperers: Private Life in Stalin's Russia (2007). Sách của ông đã được dịch sang hơn 20 thứ tiếng.

*******************************************************

source

BBC Vietnamese

No comments:

Post a Comment