Wednesday, 28 October 2009

'Bài học Việt Nam'


'Bài học Việt Nam'

Hình ảnh trực thăng Mỹ đón những người di tản khi lực lượng miền Bắc chiếm Sài Gòn

Thất bại ở Việt Nam giờ được gọi khéo là 'kinh nghiệm học hỏi', thậm chí là chiến thắng

Tại Hoa Kỳ, Việt Nam hiện đang là chủ đề của các bài xã luận, những cuộc nói chuyện trên truyền hình, những họp báo của Lầu Năm Góc và hội thảo ở Washington.

Những chuyên gia, các vị tướng, sử gia và nhà báo lại một lần nữa có ý định học ''bài học'' từ cuộc chiến chấm dứt cách đây 35 năm.

Dĩ nhiên không phải chính bản thân Việt Nam là tâm điểm của sự chú ý. Chủ đề chính là cuộc chiến của Hoa Kỳ ở Việt Nam, chiến lược quân sự và thất bại của người Mỹ.

Sự thất bại này được nói khéo là kinh nghiệm học hỏi.

Trên thực tế người ta đã biến nó thành thứ như là chiến thắng.

Báo New York Times vừa mới dành một phần lớn phần xã luận cho bài viết mô tả ''chiến lược hậu 1967 thành công'' của Hoa Kỳ ở Việt Nam.

Tác giả quên không nhắc tới cuộc Tấn công Mậu thân 1968, những cuộc đưa quân bất thành vào Lào và Campuchia và sự sụp đổ của Sài Gòn vào ngày 30 tháng Tư năm 1975.

Thay vào đó tác giả khen ngợi hiệu quả các chiến dịch khủng bố của CIA. Ông cũng khuyến nghị các chiến dịch "dành dân giữ đất'' vốn đã làm hàng vạn dân thường Việt Nam thiệt mạng.

Nguy hiểm

Trong số 45 người được giao nhiệm vụ mang những tin tức của ông Ẩn ra khỏi Sài Gòn, 27 người đã bị bắt và giết.

Những tranh luận cao siêu này về Việt Nam thực ra chỉ vì lợi ích cá nhân.

Nó cũng đầy tính ảo tưởng, giống như giấc mơ của những bệnh nhân chấn thương khi lên cơn sốt và bị cơn đau ám ảnh trong khi mơ rằng tay chân bị gãy của mình như có phép thần bỗng lành lặn trở lại.

Không ai ở Hoa Kỳ có vẻ miễn nhiễm với chấn thương này và người ta có thể nghi ngờ rằng cơn mê sảng đã trở lại vì nước Mỹ một lần nữa lại có cuộc chiến Việt Nam, lần này ở Afghanistan.

Những bài học Việt Nam đang hòa vào những bài học ở Afghanistan. Thế nhưng chính xác ra thì đó là những bài học gì và ai là người thầy có thể đưa ra các bài học này.

Phạm Xuân Ẩn là một trong những người như thế. Đó là người mà người ta tới gặp ở Sài Gòn hồi cuộc chiến Việt Nam, người đứng đầu cánh báo chí, nhà báo thạo tin nhất và người đứng đầu điều mà nhà báo kỳ cựu David Halberstam gọi là "mạng lưới tình báo số một''.

Ông Ẩn là phóng viên chính trị của tạp chí Time. Ông là một trong 32 tên được in trên măng-xéc của tạp chí và là Trưởng đại diện cuối cùng của báo Time ở Sài Gòn.

Bên cạnh kỹ năng làm báo mà ông phát triển trong hai năm học ở California, ông Phạm Xuân Ẩn cũng là điệp viên thành công nhất của Cộng Sản. Ông không dùng điều gì tinh xảo hơn là mực đặc biệt và những tin nhắn giấu trong những miếng nem nhưng tin tức tình báo của ông có tác dụng tới mức ông Hồ Chí Minh và các viên tướng vỗ tay sung sướng và nói rằng "chúng ta đang có mặt trong phòng tác chiến của Mỹ".

Trong số 45 người được giao nhiệm vụ mang những tin tức của ông Ẩn ra khỏi Sài Gòn, 27 người đã bị bắt và giết.

Chính ông Ẩn cũng lo sợ cho tính mạng mỗi ngày trong 30 năm làm điệp cho Bắc Việt Nam.

Vỏ bọc

Tướng Phạm Xuân Ẩn

Tướng Ẩn qua đời năm 2006

Khi tôi gặp ông lần đầu hồi năm 1992 và bắt đầu tới thăm ngôi biệt thự dễ chịu của Tướng Ẩn sau chiến tranh, tôi thấy ông là người dễ mến, người thích những chuyện đùa tục và những câu chuyện hay.

Cuối cùng tôi cũng thuyết phục được ông kể cho tôi về công việc của ông với tư cách là tình báo nhưng phải tới sau khi ông Ẩn qua đời vào năm 2006 tôi mới có thể vén bức màn bí ẩn về cuộc đời ông.

Người đàn ông từng giả tảng như chỉ theo dõi chiến cuộc từ bên lề trên thực tế đã nhận được 16 huân chương quân đội. Ông là vũ khí chiến thuật của Việt Nam nhằm chiến thắng trong một số trận đánh và chiến dịch và, cuối cùng đã thắng cả cuộc chiến.

Đây là kết luận của tôi trong cuốn sách về Phạm Xuân Ẩn ''Nhà Tình báo Yêu Chúng ta'' ra mắt năm 2009.

Mỗi một điệp viên đều có vỏ bọc của họ. Vỏ bọc của ông Ẩn là ông yêu nước Mỹ, người Mỹ và giá trị của báo chí phương Tây.

Quả thực ông có yêu những thứ này nhưng ông yêu tổ quốc ông hơn.

Ông là một nhà báo và ông tin rằng Việt Nam và Hoa Kỳ chỉ có thể là bạn khi họ đối xử với nhau bình đẳng.

'Gây chiến'

Việt Nam đã chống lại Trung Quốc 1000 năm, Pháp 100 năm. Quân đội Mỹ rút đi chỉ sau một thập niên.

Ông nghĩ rằng Hoa Kỳ đã tiến hành ở Việt Nam cuộc chiến thực dân giống cuộc chiến mà người Pháp đã thua.

Hoa Kỳ đã có chiến lược chống nổi dậy giống của người Pháp và đã đối mặt với sự phản kháng tương tự.

Không điều gì có thể xóa bỏ được sự thật là Việt Nam sẽ chiến đấu tới người phụ nữ cuối cùng chống lại lực lượng chiếm đóng.

Việt Nam đã chống lại Trung Quốc 1000 năm, Pháp 100 năm.

Quân đội Mỹ rút đi chỉ sau một thập niên.

Bên cạnh là phóng viên của Time và là nhà báo được tôn trọng, ông Phạm Xuân Ẩn là người mà ngày nay chúng ta gọi là người trợ giúp (fixer).

Ông là phiên dịch viên, hướng dẫn viên và người giải thích tất cả mọi thứ liên quan tới Việt Nam.

Ông là người môi giới và thu xếp có thể giải thích văn hóa và giá trị Việt Nam cho người phương Tây.

Nhẹ dạ

Lính Mỹ ở Iraq

Quân đội Hoa Kỳ ngày nay ở Iraq cũng cần làm việc với những người trợ giúp

Phạm Xuân Ẩn là người hay nói và có hàng đống thông tin nhưng điều mà ông tránh đề cập tới khi nói chuyện với các bạn phương Tây là cam kết chính trị quyết gây chiến với họ.

Ông đã can thiệp và cứu mạng của các nhà báo và đồng nghiệp bị Cộng sản bắt nhưng ông cũng không thể tránh được chuyện là một người lính trong cuộc chiến cướp đi sinh mạng của hàng triệu người.

Các nhà báo phương Tây ngày hôm nay cũng không thể làm việc ở Iraq hay Afghanistan ngày hôm nay mà không có những người trợ giúp.

Bởi vậy chúng ta phải tự hỏi liệu những thông tin gì đã bị mất trong lúc dịch thuật?

Những người trợ giúp, phiên dịch và đồng nghiệp của chúng ta có lịch sử chống lại sự chiếm đóng.

Tại sao Hoa Kỳ nghĩ rằng cuộc chiến thực dân ngày hôm này sẽ thành công hơn cuộc xâm chiếm Việt Nam?

Để có bài học cho cuộc chiến Afghanistan, tôi khuyến khích người ta để ý tới câu chuyện của ''nhà tình báo yêu chúng ta."

Khi sách của tôi xuất bản, tôi gửi một cuốn cho nhà văn John le Carre.

Tôi không biết ông ấy nhưng ông là người có ý kiến mà tôi tôn trọng.

Le Carré gửi thư cảm ơn. Sau đó vài tuần ông lại viết cho tôi về những suy nghĩ của ông khi đọc sách về Phạm Xuân Ẩn.

''Cú sốc về điệp viên hai vai không làm cho tôi quên được,'' ông viết.

''Và cả sự nhẹ dạ của kẻ xâm nhập ngạo mạn cũng thế.''

GS. Thomas Bass là tác giả quyển sách The Spy Who Loved Us (2009) về điệp viên Phạm Xuân Ẩn. Đây là bài viết tác giả dành riêng cho BBC Việt ngữ.

******************

source

'Bài học Việt Nam'

Thomas Bass

Viết riêng cho BBCVietnamese.com

BBC Vietnamese

No comments:

Post a Comment