Wednesday, 28 October 2009

Nghệ thuật ngoại giao của bà Clinton



Đó là chặng dừng được dự đoán sẽ yên ả nhất trong chuyến đi của chúng tôi.

Bà Clinton và Philip Gordon cố gắng dàn xếp thỏa thuận (Ảnh của Bộ Ngoại giao Mỹ)

Hạ cánh xuống Zurich vào buổi sáng, đi thẳng tới Khách sạn Dolder lâu đời và sang trọng, đi dạo vài tiếng trong khi những người Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia, với trợ giúp của Thụy Sĩ và Mỹ, soạn xong chi tiết một thỏa thuận vốn đã được bàn cãi nhiều tuần.

Chúng tôi dự định đến giờ ăn tối là mình đã ở London.

Thực sự lý do duy nhất chúng tôi dừng lại ở Zurich với Ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton, là vì dường như mọi khúc mắc đã được tháo gỡ.

Nhưng khi một cuộc xung đột đã kéo dài gần một thế kỷ và hai phía vẫn đầy cay đắng về quá khứ và dễ nổi giận về các vấn đề, đụng chạm tận gốc rễ bản sắc của họ, lẽ ra chúng tôi nên dự kiến sẽ gặp vài vai vấp trên đường.

Lễ ký hai Nghị định thư bình thường hóa quan hệ và thành lập quan hệ ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia lẽ ra thực hiện lúc 17h chiều.

Đoàn xe của bà Clinton rời Khách sạn Dolder lúc 1700, hướng về Đại học Zurich và hội trường Churchill, nơi diễn ra sự kiện.

Đoàn xe dừng lại, chúng tôi lục tục bước ra nhưng bỗng được yêu cầu trở lại xe.

Cửa đóng, xe quay ngoắt đi và các phóng viên đi theo Ngoại trưởng bắt đầu đoán mò rồi thấp thỏm gọi điện.

Chúng tôi đã tới sai chỗ? Thỏa thuận đã sụp đổ?

Kịch tính

Người ta nhanh chóng nhận ra trục trặc đã xảy ra ngay phút cuối.

Chúng tôi quay lại khách sạn, đứng bên ngoài xe hơi, trong lúc Ngoại trưởng ngồi trong chiếc BMW màu đen, nghe cấp dưới báo cáo, trong đó có cả người phụ trách vùng châu Âu của bộ Ngoại giao, ông Philip Gordon.

Phía Armenia phản đối phần tuyên bố của người Thổ tại buổi lễ và chưa hề rời khách sạn. Phía Thổ thì đã có mặt tại địa điểm.

Đây là kiểu ngoại giao kịch tính cao vì thương lượng diễn ra ngay trước mắt chúng tôi.

Bà Ngoại trưởng dùng cả hai điện thoại di động để liên lạc, theo lời các viên chức, trong khi các nhân viên chạy quanh, mang giấy tờ đến cho bà, rồi chạy vào chạy ra khách sạn.

Có lúc một xe cảnh sát khởi hành, hú còi, nhưng chỉ năm phút sau đã quay về, mang theo một sấp giấy nữa - đó là tuyên bố của Thổ với phần sửa chữa viết tay từ phái đoàn Thổ vẫn đang đợi ở Đại học Zurich.

Còn tranh cãi là ai thực ra đã giúp có được thỏa thuận

Bà Clinton rốt cuộc đi vào khách sạn trong khi tất cả chúng tôi đợi chờ.

Hai tiếng sau khi buổi lễ lẽ ra bắt đầu, bà Clinton và người tương nhiệm Armenia bước ra ngoài và cùng lên xe của bà.

Lần này ông Edward Nalbandian không quay lại, mặc dù ông vẫn gọi điện cho Tổng thống ở Yerevan.

Sau đó bà Clinton nói với các phóng viên rằng bà là người nói nhiều nhất trong cuộc hội đàm, thúc giục vị Bộ trưởng đừng từ bỏ những gì đã đạt được. Bà cũng nói hai phía đã nêu ra quan ngại.

Chúng tôi đến đại học với ý nghĩ rằng buổi lễ sắp mở màn và rồi lại phải chờ thêm một chút.

Qua email, nhân viên của bà Clinton nói với chúng tôi rằng tình hình "còn dễ thay đổi".

Ngoại giao con thoi diễn ra dồn dập - người Thổ ở trong một phòng, người Armenia phòng khác trong khi các nhà trung gian Thụy Sĩ, Mỹ, Nga, Pháp và những người khác chạy qua chạy lại, mang cả đống tài liệu.

Các vị Bộ trưởng đã nhỡ chuyến bay, bà Clinton nhỡ kế hoạch ăn tối ở London nhưng một tiếng rưỡi sau, người Armenia và Thổ đặt bút ký.

Giải pháp? Không bên nào có tuyên bố công khai.

Bà Clinton đang công du Âu châu trong năm ngày

Thật là hiếm khi một buổi lễ mang tầm quan trọng lịch sử như thế lại diễn ra trong im lặng.

Ngoài thông báo của nước chủ nhà, Ngoại trưởng Thụy Sĩ Micheline Calmy-Rey, và tràng vỗ tay sau khi Nghị định thư đã ký, chẳng ai nói thêm điều gì.

Sau đó, bà Clinton bảo chúng tôi rằng tự thân Nghị định thư đã là tuyên bố - "đó là cốt lõi vấn đề, những gì mà các Nghị định thư đề cập, người ta tự do muốn nói gì thì nói, nhưng hãy để chính Nghị định thư là tuyên bố, vì trên thực tế, đó là lý do chúng tôi có mặt để ký."

Đó có thể là cách thức tốt để phủ màu tích cực lên một sự thỏa hiệp đã bộc lộ những thách thức trước mặt trong khi hai quốc gia còn cố gắng rũ bỏ nhiều năm thù hằn và sẽ gửi Nghị định thư cho hai Nghị viện thông qua, và còn gặp chống đối từ những đảng dân tộc chủ nghĩa.

Trên chuyến bay tới London, chúng tôi hỏi bà Clinton, liệu đây đã phải là thử thách ngoại giao lớn nhất cho bà.

Bà trả lời: "Đó là điều bạn phải tính đến khi bạn cố gắng giúp người ta giải quyết các vấn đề tồn tại dai dẳng."

Là thành viên báo chí đi cùng, dĩ nhiên chúng tôi chủ yếu nhận được một phiên bản các sự kiện, phiên bản của người Mỹ - vì thế có thể người Nga cảm thấy họ mới thật sự là người giúp đạt thỏa thuận, hay có khi người Pháp sẽ nói họ đã nghĩ ra giải pháp sáng tạo là không phát biểu công khai.

Nhưng chắc chắn chúng tôi đã được ngồi ngay hàng ghế đầu để quan sát trực diện bộ máy ngoại giao Hoa Kỳ.

*******************

source

BBC Vietnamese

No comments:

Post a Comment