Khi máy bay chúng tôi sắp hạ cánh, tư liệu mà chúng tôi được cho không đã thể hiện rất rõ rằng nơi chúng tôi sắp tới, một nhân vật vẫn tiếp tục làm chủ.
"Bầu không khí vui sướng tràn trề trong các gia đình, đường phố, làng xã và các nơi khác," tạp chí Korea Times hoan hỉ bên cạnh bức hình vị lãnh đạo cười tươi, Kim Jong-il.
Dưới mặt đất, sự tôn sùng lãnh đạo của Bắc Hàn càng thấy rõ hơn.
Tại trung tâm Bình Nhưỡng, chúng tôi được đưa tới bức tượng bằng đồng khổng lồ của người cha, Kim Nhật Thành, sáng lập quốc gia này.
Nhiều công dân, một số người mặc quân phục, đến đặt vòng hoa tại ngôi đền tượng trưng cho một trong những hệ thống kiểm soát hiệu quả nhất thế giớii.
Hệ thống đó gần như không thay đổi suốt hơn 60 năm.
Người dân nơi này chịu những hạn chế khắc nghiệt trong tự do ngôn luận và đi lại.
Cố gắng của BBC nhằm ghi âm và hình ảnh trên đường phố Bình Nhưỡng gặp phải phản ứng cứng rắn. Nhân viên chính phủ đi theo đã tạm thời thu giữ camera và băng của chúng tôi.
Tuy vậy, chúng tôi cũng thoáng nhìn được cuộc sống hàng ngày, ít nhất cũng là cuộc sống của những công dân được ưu đãi ở Bình Nhưỡng.
Trên bề mặt, khi ta đã biết nền kinh tế tập trung gãy đổ và gánh nặng của trừng phạt quốc tế với Bắc Hàn, thì có vẻ như thủ đô nước này cũng không đến nỗi nào.
Khách sạn Ryugyong, tòa nhà 105 tầng xây dở dang từ lâu choáng cả bầu trời Bình Nhưỡng như biểu tượng của thất bại, nay thì bắt đầu trông giống như bản thiết kế ban đầu.
Một số cư dân nước ngoài của thành phố cho rằng gần đây trên phố có nhiều xe hơi hơn, mặc dù đa số công dân vẫn đi bộ hoặc xe đạp, đi làm hay về nhà trong ánh nắng mùa thu.
Một chiến dịch thúc đẩy năng suất đang diễn ra; người ta tu sửa nhiều và nhiều tòa nhà cũng đang được sơn mới.
Nhưng sự đánh bóng che dấu một thực tại u ám ẩn tàng.
Chỉ vài dặm ngoài thủ đô, gần như chẳng có giao thông và xa lộ chính phía nam biến thành một trong những tuyến đường xe đạp rộng nhất thế giới.
Thỉnh thoảng chúng tôi đi qua một xe Jeep quân đội cũ nát, nắp xe để mở và các anh lính nhìn vào dàn máy bên trong.
Một chiếc cầu bị gãy trên xa lộ chính buộc tài xế xe buýt của chúng tôi phải đi vòng qua đường quê, và đi vào một thế kỷ khác.
Cơ khí điện máy ít hiện hữu, người ta làm nông bằng tay. Ngô được chất lên các xe bò, trong khi cái nghèo hiện khắp mọi nơi.
Năm nay, đất nước này một lần nữa bị dự đoán là sẽ thiếu thực phẩm.
Bắc Hàn muốn giới thiệu hình ảnh khác cho số du khách ít ỏi, và cả số ít hơn nữa phóng viên được phép tới đây.
Đa số khách thăm thời gian này trong năm sẽ được cho xem màn trình diễn thể dục khổng lồ, được biết đến với tên Lễ hội Quần chúng Arirang.
Rõ ràng nó nhằm ẩn dụ thay cho nhà nước - tập hợp người di chuyển đều tăm tắp, cùng đoàn kết chống thế giới thù địch bên ngoài.
Lễ hội cũng có thể tóm tắt thay cho chiến lược quân sự của họ.
Bắc Hàn nhìn qua đường biên giới được vũ trang hùng hậu để thấy nước láng giềng miền Nam, Hàn Quốc, đang được trợ giúp của siêu cường hạt nhân, Hoa Kỳ.
Với cường quốc hạt nhân Trung Quốc và Nga ở đường biên giới còn lại, một trong những nước cô lập ít bạn nhất thế giới tin rằng có lý do mạnh mẽ để muốn có bom hạt nhân.
Trong chuyến đi tới khu vực biên giới, tôi hỏi một trong những người hướng dẫn, trung úy quân đội Bắc Hàn, về chương trình vũ khí hạt nhân.
"Nó quan trọng ra sao cho chiến lược quân sự của các ông?"
"Chúng tôi cần vũ khí hạt nhân để bảo vệ hòa bình," ông ta trả lời. "Chúng tôi sẽ từ bỏ vũ khí, khi Mỹ cũng từ bỏ."
Trở lại Bình Nhưỡng, chúng tôi tạm biệt những người theo dõi mình - những con người thân thiện (dù có đôi lần va chạm), được giáo dục tốt mà dĩ nhiên cũng là thành viên của giới tinh hoa Bắc Hàn và ủng hộ nhà nước.
Thật không thể biết một người Bắc Hàn bình thường thực sự đang nghĩ gì lúc này.
Họ sẽ không muốn gặp rủi ro nếu nói thật với một phóng viên BBC, ngay cả nếu chúng tôi có được phép gần họ.
Tuy nhiên, có thể cho rằng trong khi thế giới bên ngoài vất vả phản ứng trước tham vọng hạt nhân Bình Nhưỡng, khách thăm viếng lại gặp một sự mâu thuẫn lạ thường.
Đây có thể là nơi nghèo túng, chuyên chế, nhưng ít nhất một số công dân có vẻ thực sự tự hào và kiên cường.
Dù nó có dựa trên cái gì, thì sự chính danh đó, cùng với việc kiểm soát con người, đã giúp Bắc Hàn tồn tại lâu như thế.
******************
source
BBC Vietnamese
No comments:
Post a Comment