Ba tháng sau khi xảy ra tình trạng đợt bạo động dữ dội của người thiểu số ở vùng Tân Cương, miền Tây Trung Quốc, với hơn 200 người Trung Quốc thiểu số và người Duy Ngô Nhĩ (Uighurs) phần lớn là người Hồi giáo đã bị thiệt mạng, nhà báo kỳ cựu của đài BBC, John Simpson, đã tới thăm hai thành phố chính của tỉnh Tân Cương, Ô Lỗ Mộc Tề (Urumqi) và Cát Thập (Kashgar).
Ô Lỗ Mộc Tề là thành phố trong tình trạng bị bao vây – với từng toán binh lính đi tuần tiễu và cảnh sát có vũ trang chống bạo động ở khắp nơi trong thành phố.
Chỉ trong 10 phút đi bộ dọc các con đường tại thành phố này, quý vị có thể chạm trán 4-5 toán và mỗi toán gồm khoảng một chục binh lính hay cảnh sát.
Không khí căng thẳng thật rõ nét – rất ít người đồng ý nói về những gì đã xảy ra tại đây, và không ai chịu nói công khai.
Một phụ nữ Duy Ngô Nhĩ nói vói chúng tôi ở chỗ riêng tư về những sự kiện xảy ra ngày 5 tháng 7.
Bà đã chứng kiến vụ giết hai người Trung Quốc thiểu số do một băng đảng những người Duy Ngô Nhĩ.
“Con người ta như hóa điên,” bà nói. Tổng cộng 198 người Trung Quốc bị thiệt mạng trong ngày hôm đó.
Thế rồi hai ngày sau, các băng đảng người Trung Quốc đã tiến hành những vụ giết chóc người Duy Ngô Nhĩ để trả thù.
Không có các con số chính thức được công bố, nhưng người phụ nữ này cho rằng khoảng 10 người Duy Ngô Nhĩ đã bị giết hại.
Quản thúc tại gia
Giới chức trách rất quan ngại về sự hiện diện của phóng viên nước ngoài tại đây.
Khắp mọi nơi chúng tôi tới ở Ô Lỗ Mộc Tề, toán làm phim của chúng tôi đều bị theo dõi, đôi khi có tới ba chiếc xe hơi không mang biển hiệu hay sắc phục của cảnh sát đi theo chúng tôi.
Và khi chúng tôi bay tới Cát Thập, nơi xuất thân của nhiều dân quân Duy Ngô Nhĩ đã tham gia vào các vụ bạo động, thì cảnh sát đã giữ chúng tôi tại sân bay.
Chúng tôi được phép ở lại Cát Thập cho tới sáng hôm sau, nhưng bất cứ nơi nào chúng tôi đi cũng có cả đoàn cảnh sát đi theo và ngăn cản không cho chúng tôi quay phim hay phỏng vấn ai cả.
Rõ ràng họ cho rằng chúng tôi tới để gặp những người Hồi giáo cực đoan và đã quyết định ngăn cản chúng tôi.
Đêm đó, chúng tôi bị quản thúc tại một khách sạn ở trung tâm Cát Thập.
Tình trạng bạo động thiểu số là một điều đã gây rất nhiều lo ngại cho chính phủ Trung Quốc. Nó đe dọa sự gắn bó kết nối trong cả nước.
Nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tình trạng bạo động hồi tháng 7 dường như không có gì đáng kể - chỉ là những đồn đại rằng hai công nhân người Duy Ngô Nhĩ bị cảnh sát giết hại tại miền đông nam Trung Quốc, cách nơi đây hàng ngàn dặm.
Nhưng tình trạng thù nghịch của người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương đối với người Trung Quốc thiểu số là rất rõ rệt và ngay lập tức đã nổ ra bạo loạn.
Điều gây nhiều lo ngại cho giới chức trách Trung Quốc, đó là ảnh hưởng ngày cảng gia tăng của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan
Nguồn gốc của tình trạng thù nghịch này là khá phức tạp. Chính phủ Trung Quốc thường đối xử với người Duy Ngô Nhĩ khá hào phóng, đưa các sinh viên có triển vọng vào các trường Đại học tốt và tạo điều kiện dễ dàng cho họ được làm việc ở bất cứ đâu tại Trung Quốc.
Tuy nhiên nhiều người Duy Ngô Nhĩ vẫn rất nghèo. Nay những khu vực nghèo đói ở các thành phố như Ô Lỗ Mộc Tề và Cát Thập đang được phá đi và những khu nhà mới được xây dựng nhưng điều này chỉ càng tăng thêm tình trạng bất mãn trong người dân địa phương.
Người ta xem đó là một sự tấn công trực diện vào truyền thống và văn hóa của họ.
Lo ngại
Nhiều năm qua, việc nhập cư của người Trung Quốc vào Tân Cương vẫn đôi khi được chính phủ Trung Quốc khuyến khích và cũng có khi ngược lai, nhưng kết quả là tại chính thủ phủ Ô Lỗ Mộc Tề của mình, người Duy Ngô Nhĩ lại trở thành thiểu số.
Có những dấu hiệu ngày càng gia tăng về tình cảm muốn ly khai trong nhiều người dân tại đây. Việc phát hiện có dầu mỏ khiến nhiều người Duy Ngô Nhĩ tin rằng nếu có độc lập, họ có thể duy trì một nhà nước ổn định.
Tuy nhiên điều gây nhiều lo ngại cho giới chức trách Trung Quốc, đó là ảnh hưởng ngày càng gia tăng của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.
Người Duy Ngô Nhĩ nói Hồi giáo gần như không có mặt tại đây vào đầu những năm 90, và Trung Quốc đã phản ứng chậm trước thách thức này.
Nay thì có rất nhiều nhà thờ Hồi giáo, đặc biệt tại Cát Thập, nơi các tu sĩ cực đoan người Duy Ngô Nhĩ hoạt động.
Đảng Cộng sản Trung Quốc, vốn luôn lo ngại khi có bất cứ phong trào hay tổ chức nào bắt đầu thu hút sự ủng hộ của người dân, đã phản ứng lại bằng cách tạo ra những lực lượng đặc nhiệm mới.
Được biết đến như “các nhóm giúp ổn định xã hội”, họ hoạt động một phần như những nhân viên an ninh xã hội, giải quyết những thắc mắc kêu ca của người dân, một phần là tai mắt của giới chức trách. Nhiều người Duy Ngô Nhĩ đã được tuyển dụng vào các nhóm này.
Chúng tôi đi cũng với họ tới khu ổ chuột Gulistan, một căn cứ chính của người Duy Ngô Nhĩ tại Ô Lỗ Mộc Tề, khi nhóm này đi từ nhà này sang nhà khác.
Họ làm việc chặt chẽ với công an mật, và tại Gulistan, họ hợp tác với tám, hoặc hơn, công an mặc thường phục, những người vẫn đi theo giám sát chúng tôi.
Chính Ô Lỗ Mộc Tề giờ đây khá yên tĩnh. Việc điều động một lực lượng lớn bộ đội và cảnh sát tới đây đã đảm bảo điều đó.
Nhưng tại Cát Thập, giới chức trách dường như không tự tin được như vậy. Ba tháng sau khi xảy ra bạo động, một điều quá rõ là giới chức trách Trung Quốc vẫn chưa thực sự kiểm soát được tình hình tại đây.
Và họ thực sự lo ngại.
*******************
source
BBC Vietnamese
No comments:
Post a Comment