Các báo quốc tế và khu vực đều đưa tin nhanh chóng về vụ Tân Cương nhưng có bình luận khác nhau về nguyên nhân sự việc và hướng giải quyết.
Trước hết, truyền thông Trung Quốc trong một nỗ lực cởi mở hơn trước đã mô tả chi tiết các đợt 'động loạn'.
Báo China Daily 08/07 bản tiếng Anh trích lời chính phủ nói bà Rebiya Kadeer, triệu phú Uighur ở hải ngoại là "thủ phạm giật dây vụ Urumqi".
Nhưng báo này cũng trích lời chính bà Kadeer bác bỏ cáo buộc đó.
Sau đó, China Daily nhắc lại lời ông Tần Cương, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao cảnh cáo nhưng ai "kêu gọi bạo lực, đổi trắng thay đen để lừa dư luận".
Báo chí Trung Quốc cũng đưa ra nhiều bài nói về hy vọng tình hình sẽ ổn định, và cũng hỏi quan chức Tân Cương rằng khi nào Internet sẽ được nối lại.
Trong một phản ứng chính thức được đăng trên website của Bộ Ngoại giao Việt Nam, người phát ngôn Lê Dũng nói "Việt Nam quan tâm theo dõi tình hình xảy ra gần đây ở Khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc và tin rằng Chính phủ Trung Quốc đã và đang có những biện pháp phù hợp nhằm sớm khôi phục tình hình, duy trì an ninh trật tự, ổn định xã hội ở khu vực này".
Quyền thiểu số
Bài xã luận trên báo Mỹ, tờ New York Times hôm 08/07/2009 cho rằng: "Các nhà lãnh đạo Bắc Kinh sẽ không bao giờ đạt được ổn định họ muốn chừng nào họ chịu tiến đến các giải pháp chính trị trao cho các nhóm thiểu số nhiều quyền tự trị hơn để tự lo cuộc sống của mình".
Các hình ảnh từ hai đợt bạo động, ban đầu của người Uighur, sau của người Hán ở Urumqi đang tác động mạnh đến dư luận quốc tế, điều mà các nhà bình luận cho rằng ban lãnh đạo Bắc Kinh phải ý thức được.
Chẳng hạn, Peter Foster trên tờ Telegraph của Anh kể lại câu chuyện báo này tìm ra người phụ nữ tàn tật một mình chống nạng chặn hàng rào quân cảnh Trung Quốc ở Urumqi.
Bà Tursun Gul, sống ở khu Sai Ma của người Uighur đã hét lên rằng bà không sợ chết và đòi nhà nước trả lại chồng và hai con trai bị bắt đi lúc đêm.
Theo nhà báo Foster, hình ảnh của bà đã nhanh chóng trở thành biểu tượng của sự phản kháng (defiance) giống như người thanh niên chống lại xe tăng ở Thiên An Môn năm 1989.
Nhưng cũng có ý kiến nói không nên quá vội vàng theo "phản xạ Thiên An Môn " để đổ lỗi cho chính quyền Trung Quốc.
Đó là ý kiến của Francesco Sisci, Trưởng biên tập châu Á của báo Ý, La Stampa. Theo ông, cần nhìn vụ Tân Cương trong hai bối cảnh.
Rộng là từ góc độ xung khắc lịch sử lâu dài mà người Hán có trách nhiệm; và Hẹp là các thành phần quá khích Uighur có thể gây ra bạo động cố ý.
Chủ nghĩa Đại Hán
Tuy vậy, ông Francesco Sisci cũng cho rằng chính chủ nghĩa dân tộc Hán được thổi phồng sau khi chủ nghĩa cộng sản nhạt màu đang là vấn đề lớn cho Trung Quốc.
"Trung Quốc muốn và cần chủ nghĩa dân tộc Hán và cả niềm tự hào Trung Hoa để thu hút sự ủng hộ của giới Hoa kiều giàu có ở bên ngoài vốn hỗ trợ cho sự tăng trưởng của Trung Quốc ba chục năm qua. Nhưng chính chủ nghĩa dân tộc này đang khiến người Tây Tạng và Uighur bị bỏ lại đằng sau. Họ trở nên 'vô tích sự' cho sự phát triển nhưng lại có thể gây rối và làm xấu hổ."
Francesco Sisci gợi ý rằng các giải quyết lâu dài là Trung Quốc bỏ quan điểm Hán để thu nhận mô hình Mỹ hoặc Ấn Độ, nơi công dân có thể có nhiều gốc gác khác nhau, thậm chí là di dân nhưng có cùng một nền văn hóa được chia sẻ chứ không phải là bản sắc dựa trên sắc tộc.
Còn nhà bình luận Dương Danh Dy từ Việt Nam, trong bài trả lời báo Sài Gòn Tiếp Thị thì nhắc rằng chỉ có ba dân tộc là Việt Nam, Tây Tạng và Hồi Tân Cương là không bị Hán hóa trong suốt lịch sử.
Trong quá trình nghiên cứu sự phát triển ảnh hưởng và lãnh thổ của người Hán hàng ngàn năm qua, tôi thấy có ba khu vực mà họ không thể đồng hoá được. Ngoài Việt Nam, đó là Tây Tạng và Tân Cương.
Nhà nghiên cứu TQ Dương Danh Dy
Ông nói: "Trong quá trình nghiên cứu sự phát triển ảnh hưởng và lãnh thổ của người Hán hàng ngàn năm qua, tôi thấy có ba khu vực mà họ không thể đồng hoá được. Ngoài Việt Nam, đó là Tây Tạng và Tân Cương."
Tuy vậy, theo ông, nguyên nhân của vụ Tân Cương bây giờ còn đến sự chiến lược phát triển vội vã, mất cân bằng giữa các vùng của TQ.
Ngoài ra, "Để có thể phát triển nhanh, Trung Quốc đã phạm phải nhược điểm là khai thác quá mức sức lao động và tài nguyên, dẫn đời sống người lao động không mấy được cải thiện, tài nguyên thì cạn kiệt và môi trường thì ô nhiễm."
Ông Dương Danh Dy tin rằng sau vụ này, "lãnh đạo Trung Quốc sẽ rút được những bài học hữu ích. Họ đã quá hiểu bất ổn nội bộ phải trả giá như thế nào."
Còn tờ New York Times thì cho rằng dù thế giới đồng ý là chính quyền Trung Quốc có quyền bảo vệ nhân mạng và tài sản, nhưng cách bao vây thông tin, chặn hệ thống điện thoại di động và Internet ở Tân Cương là không lương thiện.
"Các quan chức TQ đưa các phóng viên đến hiện trường chỉ để 'chế biến' câu chuyện là cách làm thủ đoạn và thể nào cũng hỏng."
Trong khi đó, báo Times ra ở London thì đăng bài của chính bà Rebiya Kadeer cảnh báo rằng các hình ảnh 'thảm sát' tại Urumqi đang được truyền đi khắp thế giới, bằng hàng chục ngôn ngữ, kể cả tiếng Ả Rập.
Bà cho rằng sự tuyệt vọng của người Uighur đã khiến họ không còn sợ "chế độ độc đoán của Trung Quốc" và điều duy nhất họ muốn là "tự do và công lý".
source
BBC Vietnamese
No comments:
Post a Comment