'Giấc mộng lớn'
"Bước chân nhỏ của một con người là cú nhảy khổng lồ cho cả nhân loại".
Đó là chuyến bay lên Mặt Trăng ngày 20/07/1969 của hai phi hành gia Mỹ, Buzzz Aldrin và Neil Armstrong.
Hôm đến Trung tâm Hàng không Vũ trụ NASA ở Houston mùa hè 2008, hiện vật ở phòng điều khiển các chuyến bay cũng khiến tôi lòng đầy cảm xúc trước ước mơ vượt lên suy tư đời thường.
Đặc biệt, trong trung tâm NASA có rất nhiều thứ thu hút trẻ em với thông điệp rằng chinh phục không gian là công việc cho cả thế giới và cho các thế hệ sau.
Nhưng lên Cung Trăng của Hoa Kỳ lại không hoàn toàn là chủ đề lãng mạn.
Ngoài chuyện cạnh tranh ý thức hệ giữa Liên Xô và Hoa Kỳ trong Chiến tranh Lạnh là câu chuyện về con người và cả bi kịch của vinh quang.
Chạy đua lên không gian
Sau khi Liên Xô phóng vệ tinh Sputnik năm 1957, và đưa Yuri Gagarin vào vũ trụ năm 1961 thì độ nóng của cuộc chạy đua Xô-Mỹ bắt đầu tăng.
Với tổng thống JK Kennedy, chương trình không gian NASA là cách để Hoa Kỳ giành lại thế chủ động sau vụ thất bại đau đớn ở Vịnh Con Heo, Cuba.
Năm 1962, Tổng thống nói với các quan chức NASA:
Houston, căn cứ Tranquility đây. Đại Bàng đã hạ cánh
Lời điện đàm của Neil Armstrong từ Mặt Trăng
"Tôi không quan tâm quá vào không gian vũ trụ."
Nhưng mục tiêu cạnh tranh cũng không hẳn rõ ràng.
Phát biểu trước Liên hiệp quốc, Tổng thống Kennedy từng ngỏ ý sẵn sàng cùng người Nga lên Mặt Trăng.
Các sử gia nay đang cho rằng nếu không bị ám sát và lại thắng cử nhiệm kỳ hai, ông Kennedy có thể cho xóa sổ cuộc chạy đua vào không gian.
Và trong cả thập niên 60, với chính giới và truyền thông Mỹ, nói như Thomas Mallon của New York Times, dự án Gemini là một thứ 'lạc đề' bên cạnh các sự kiện lớn như vụ ám sát Kennedy, Cuộc chiến Việt Nam và vụ Charles Manson.
Nhưng cuối cùng thì trong bối cảnh sa lầy tại Nam Việt Nam, Hoa Kỳ cũng đưa được hai phi hành gia lên Mặt Trăng trong chuyến bay đầy bất trắc.
Trước lúc hạ cánh, Armstrong và Aldrin không chỉ bay quá điểm đã định mà còn phải lái chiếc tàu nhỏ tránh va vào các khối đá và bất chấp tín hiệu báo động sai do lỗi máy tính trên khoang.
Họ cũng chỉ có 17 giây là hết thời hạn quy định cho cú đáp gần hết nhiên liệu.
Nhưng phản ứng quốc tế đối với 'cú nhảy khổng lồ' thì vượt quá mong đợi của người Mỹ.
Tác động tuyên truyền về ưu thế của Hoa Kỳ và gián tiếp là thế giới tự do trong cuộc chạy đua với Liên Xô lan rộng ra toàn cầu và mạnh hơn mong đợi.
Chính vì thế, khối cộng sản đã cố ý không truyền hình cú đổ bộ của Mỹ xuống Mặt Trăng.
Chỉ riêng tại Ba Lan có có chuyện ngoại lệ.
Theo các sử gia, Tổng bí thư Wieslaw Gomulka, người từng có tinh thần chống chủ nghĩa Stalin, đã đích thân quyết định để truyền hình chiếu về chuyến bay của Apollo 11.
Hiểu được lòng ngưỡng mộ người Ba Lan dành cho nước Mỹ, ông Gomulka tin rằng che dấu sự thật sẽ gây tác hại hơn là để dân Ba Lan được chứng kiến sự kiện lớn lao đó.
Tuy thế, các báo đảng ở Ba Lan và nhiều nước xã hội chủ nghĩa chỉ đưa dòng tin nhỏ về tàu Apollo 11 xuống mặt trăng ở mục 'văn hóa-thể thao'.
Một số báo tìm cách tránh ‘lề đường bên phải’ bằng cách đăng ít chữ nhưng để bức hình rất to.
Đêm 20/07/1969, khi Buzz Aldrin và Neil Armstrong ngủ trong chiếc module ở Tranquility Base, họ không biết rằng xe tự hành của Liên Xô cũng lao xuống Mặt Trăng ở một chỗ khác và bị hỏng nặng.
Hiển nhiên, báo chí các nước cộng sản cũng không đưa tin ngay về vụ Lunar 15 gặp nạn.
Bên kia Mặt Trăng
Thực ra, giấc mơ bay lên hành tinh khác cũng không xa lạ gì với người Việt Nam ta qua chuyện chú Cuội đã lên Cung Trăng.
Còn dùng chữ của Tản Đà thì cú đổ bộ lên Mặt Trăng năm 1969 của Hoa Kỳ đã gợi ra 'Giấc mộng lớn' c̉ủa loài người.
Nhưng với các nhân vật trong cuộc thì 'giấc mộng con' có khi trở thành đau khổ.
Trong một bộ phim tài liệu trên BBC, Neil Armstrong kể lại vấn đề ông phải đối mặt sau khi trở về Trái Đất.
Lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ, Armstrong và Aldrin trở thành người hùng nhờ tivi nhưng sức nặng danh tiếng không dễ gánh.
Sau hàng nghìn cuộc trả lời phỏng vấn và hàng vạn giờ ký tên (autograph) kéo dài nhiều năm Armstrong quá mệt mỏi và thấy ghê sợ chính mình.
Theo lời khuyên của Charles Lindbergh, người hùng bay vượt Đại Tây Dương đầu tiên của Mỹ nhưng gặp nạn vì tiếng tăm - con trai Lindbergh bị bắt cóc để đòi tiền chuộc rồi bị giết - Armstrong quyết định rút vào bóng tối.
Còn Buzz Aldrin trong cuốn ‘Return to Earth’ ra năm 1973, đã kể lại bệnh nát rượu và chứng trầm cảm kéo dài sau khi chấm dứt sự nghiệp ở NASA.
Bay lên vũ trụ hóa ra dễ hơn giải quyết các vấn đề lớn nhỏ ngay tại mặt đất này.
Sau 40 năm, cuộc chạy đua vào không gian tưởng như nguội lạnh lại đang có cơ hội sống lại và không còn là chuyện của các nước Âu Mỹ.
Sau khi Trung Quốc cho người bay vào vũ trụ và Nhật Bản, Ấn Độ đều bỏ tiền vào chương trình không gian, người ta cũng nói đến chuyện trở lại Mặt Trăng và chinh phục Sao Hỏa.
Cuộc chạy đua giữa các nước nay không chỉ hướng lên trời cao mà còn luồn sâu xuống đáy đại dương, kể cả ở Bắc Cực lạnh giá, và vươn ra các vùng đảo gần, biển xa nhằm giành nhau các nguồn lợi thiên nhiên.
Ước mơ lên các vì sao, hay trở về với vũ trụ , cội nguồn của nhân loại, chắc vẫn còn đó.
Nhưng không hiểu vì sao, các những dự án mới mẻ của thế kỷ 21 này, dù đầy tham vọng và cũng rất tham lam, chưa gợi ra được cho tôi cảm hứng gì cao thượng so với chuyến bay Apollo 11 hồi đó.
No comments:
Post a Comment