Friday, 10 July 2009

Đức Đạt Lai Lạt Ma ở thế khó xử














































Mỹ điều chiến hạm tới Biển Đông

Hoa Kỳ hiện vẫn nắm thế thượng phong trên Thái Bình Dương
Các nguồn tin cho hay Hoa Kỳ quyết định điều tàu chiến có trang bị vũ khí tới hộ tống tàu thăm dò của nước này tại khu vực biển Đông (Nam Hải), sau khi có sự cố với tàu Trung Quốc hồi cuối tuần.
Một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên được hãng AFP trích lời nói tàu chiến sẽ hộ tống tàu thăm dò trong "thời gian trước mắt". Hoạt động hộ tống này chỉ áp dụng cho vùng biển Đông.
Báo Times của Anh nói chính Tổng thống Barack Obama đã đưa ra quyết định này, mà có thể sẽ dẫn tới khả năng tăng cao bất đồng Trung-Mỹ.
Hoa Kỳ cáo buộc tàu Trung Quốc đã áp sát và gây hấn với tàu thăm dò đại dương Impeccable hôm Chủ nhật 8/3, khiến chút nữa xảy ra va chạm.
Một ngày sau khi sự việc xảy ra, tàu chiến USS Chung-Hoon đã được trao nhiệm vụ tháp tùng tàu Impeccable, vốn có mục đích dò tìm tàu ngầm và chướng ngại vật dưới nước tại khu vực.
Phóng viên của tờ Times có mặt tại Washington nói trong ngày ông Obama gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì, tức thứ Năm 12/3, Bắc Kinh không tỏ vẻ nhún nhường.
Sự việc đã làm phức tạp thêm quan hệ vốn nhiều sóng gió về mặt quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc, mới chỉ cải thiện chút đỉnh sau cuộc hội đàm quốc phòng song phương tại Bắc Kinh hồi tháng trước.
Nó cũng thu hút sự chú ý của các nước trong khu vực biển Đông. Chính phủ Việt Nam phản ứng bằng tuyên bố: "Việt Nam cho rằng mọi hoạt động trên biển Đông cần được tiến hành trên cơ sở tuân thủ Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia ven biển".
Thêm đối thoại
Tổng thống Obama trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Dương đã kêu gọi tăng cường đối thoại quốc phòng với Trung Quốc. Nhà Trắng ra thông cáo cho hay: "Ông tổng thống nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng tầm và tần số đối thoại giữa hai quân đội".
Việt Nam cho rằng mọi hoạt động trên biển Đông cần được tiến hành trên cơ sở tuân thủ Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia ven biển.
Người phát ngôn bộ Ngoại giao VN Lê Dũng
Tháng Tư năm ngoái, bộ quốc phòng Mỹ và Trung Quốc đã thiết lập đường dây nóng, tuy xem ra chưa hoạt động nhiều.
Khác biệt giữa hai bên về nhận thức là điều cơ bản trong ứng xử tại biển Đông. Hoa Kỳ nói tàu của Mỹ có quyền hoạt động trong hải phận quốc tế nhưng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích khu vực này.
Bắc Kinh luôn tuyên bố đây là "lãnh thổ lịch sử và chủ quyền không thể chối cãi" của Trung Quốc.
Nước này vừa lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc Philippines thông qua đạo luật về đường cơ sở tại biển Đông, đồng thời loan báo kế hoạch tổ chức tour du lịch ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Phản ứng về việc này, người phát ngôn bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Dũng nói: "Việt Nam hết sức quan ngại và phản đối việc Trung Quốc cho phép Công ty du lịch quốc tế Châu Giang mở tour du lịch ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam".
"Việc này đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, không có lợi cho tiến trình đàm phán tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài cho vấn đề trên biển giữa hai bên."
Source
www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2009/
Monday March 16, 2009 - 04:56am (EDT)
Permanent Link 0 Comments


Đức Đạt Lai Lạt Ma ở thế khó xử
Zoe Murphy
BBC News

Đức Đạt Lai Lạt Ma công kích mạnh sự cai trị của Trung Quốc trong bài diễn văn năm nay
Năm thập niên sống lưu vong và nhiều năm bị Bắc Kinh bôi nhọ vẫn không làm giảm đi ảnh hưởng của Đức Đạt Lai Lạt Ma đối với quê hương và người dân Tây Tạng.
Lãnh đạo tinh thần của người Tây Tạng luôn cam kết phi bạo lực, khiến cả thế giới tôn trọng.
Tuy nhiên, xung đột lâu nay về tình trạng của Tây Tạng giờ đã đi tới một điểm hệ trọng.
Cho tới nay, Đức Đạt Lai Lạt Ma vẫn gặp thất bại khi thương thuyết với Trung Quốc, và Ngài đang chịu sự chỉ trích gia tăng từ những người ủng hộ, vốn ngày càng thất vọng trước sự bất lực về chính trị này.
Rất nhiều người Tây Tạng từ lâu đã cảm thấy không thoải mái với ‘cách tiếp cận trung dung' - là đề nghị chấp nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Tây Tạng để đổi lấy sự tự trị thực sự - điều mà Đức Đạt Lai Lạt Ma đã cổ suý từ năm 1988.
Trong vòng thương thảo mới nhất tại Bắc Kinh vào tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc có vẻ cứng rắn hơn trong quan điểm của họ, và lên án đề xuất của Tây Tạng là nỗ lực tìm kiếm "độc lập dưới vỏ ngụy trang".
Sự cứng rắn của Trung Quốc khiến Đức Đạt Lai Lạt Ma đã phải tuyên bố những nỗ lực thương thảo của Ngài đã thất bại.
Mặc dù đa phần người Tây Tạng ủng hộ sự lãnh đạo của Ngài, họ cũng đã tập trung được một số người Tây Tạng lưu vong - khoảng chừng 150 ngàn người - kêu gọi p̣hải có đường lối cứng rắn hơn.
Nếu Ngài còn bảo vệ ý tưởng khôi phục một dạng đối thoại nào đó với TQ thì tôi nghĩ nhiều người Tây Tạng sẽ cho rằng di sản của Ngài chỉ là sự thất bại mà thôi
Jamyang Norbu
Một nhà hoạt động và viết blog về Tây Tạng, là Jamyang Norbu, nói: "Đức Đạt Lai Lạt Ma không còn sự lựa chọn nào khác, Ngài phải quay trở lại cái mà người Tây Tạng đã kêu gọi ban đầu, đó là cuộc đấu tranh giành độc lập".
Ông đổ lỗi cho Đức Đạt Lai Lạt Ma là "ngây thơ về chính trị" khi muốn tìm sự nhân nhượng của Trung Quốc.
Ông nói: "Tất cả những cử chỉ của Trung Quốc mời người Tây Tạng tới ngồi vào bàn đàm phán về thực chất chỉ là cái bẫy của TQ - họ hoàn toàn ‘xỏ mũi' Đức Đạt Lai Lạt Ma.
"Nếu Ngài còn bảo vệ ý tưởng khôi phục một dạng đối thoại nào đó với TQ thì tôi nghĩ nhiều người Tây Tạng chắc sẽ cho rằng di sản của Ngài chỉ là sự thất bại mà thôi".
Rất nhiều người thuộc thế hệ trẻ hơn - những người chưa bao giờ biết đến một Tây Tạng tự do - tin rằng chính sách quan hệ ngoại giao cấp thấp đã thất bại.
Hội Thanh niên Tây Tạng, TYC, một tổ chức gồm khoảng 30 ngàn thành viên muốn tìm kiếm sự độc lập, nói rằng người ta ngày càng thất vọng với các lãnh đạo Tây Tạng.
Phó Chủ tịch Dhondup Dorjee đã viện dẫn các cuộc biểu tình chống Trung Quốc gây chết người tại Tây Tạng và các khu vực thiểu số Tây Tạng vào năm ngoái - là các đợt bạo động tồi tệ nhất trong 20 năm qua.

Trung Quốc tin tưởng quân đội của họ có khả năng đè bẹp bất kỳ cuộc nổi dậy nào
Ông nói cuộc nổi dậy là bằng chứng cho thấy thanh niên Tây Tạng sẵn sàng hi sinh tính mạng vì "sự nghiệp Tây Tạng".
Ông Dorjee nói tổ chức TYC không tuyên bố bạo lực là giải pháp để đạt mục tiêu, mà thay vào đó, các thanh niên Tây Tạng cả trong nước lẫn hải ngoại tiếp tục chiến dịch bất tuân thủ về dân sự.
Tuy nhiên, cho dù có khác biệt về mục đích chính trị, Đức Đạt Lai Lạt Ma vẫn hết sức được tôn trọng với tư cách là lãnh đạo tinh thần.
Ông Dorjee nói: "Trong môi trường dân chủ, Ngài khuyến khích mọi người và các tổ chức có các ý kiến khác biệt.
"Ngài chưa bao giờ nghi ngờ về quyền được tranh đấu đòi độc lập của người Tây Tạng".
Lãnh đạo phong trào thanh niên Tây Tạng cũng nói Đức Đạt Lai Lạt Ma đơn giản chỉ muốn kiếm giải pháp tốt nhất trong hoàn cảnh hiện thời.
‘Diệt chủng văn hoá'
50 năm trôi qua, lãnh đạo tinh thần của người Tây Tạng nay thấy mình ở bên lề, mất khả năng ngăn chặn những thay đổi ngay trên quê hương mình, khiến cho tình hình tại Tây Tạng càng trở nên đặc biệt mong manh.
Đức Đạt Lai Lạt Ma cáo buộc Trung Quốc đã phạm tội "diệt chủng văn hoá" khi tìm cách thay đổi người thiểu số Tây Tạng, bào mòn văn hoá, ngôn ngữ và tôn giáo của người Tây Tạng bằng việc đưa rất nhiều người Hán vào và thực hiện hệ thống "cải tạo lòng yêu nước".

Hình ảnh Đức Đạt Lai Lạt Ma vào cuối thập niên 1940
Sử gia sinh ra ở Tây Tạng, Tsering Shakya, nói vấn đề Tây Tạng tại Trung Quốc động chạm đến bản sắc và phẩm giá của một tộc người, và vấn đề này sẽ còn tiếp tục cho tới khi người Tây Tạng có được sự hài lòng nhất định.
Bà nói chính sách của Trung Quốc hiện nay là cô lập hoá người Tây Tạng và gây ra các vấn đề về sau, mặc dù Bắc Kinh thấy không cần phải cân nhắc lại quan điểm của họ.
Bà Shakya, từ đại học Columbia ở Canada, nói ngay cả khi tất cả mọi người Tây Tạng đều xuống đường, Trung Quốc biết rằng họ có đủ sức mạnh quân sự để đè bẹp bất cứ cuộc nổi dậy nào.
Đảng Cộng sản TQ còn sợ bất cứ thỏa hiệp nào sẽ gây ra ‘hiệu ứng domino' tác động tới tình hình bên trong Trung Quốc - với các cuộc nổi dậy tại các khu vực thiểu số khác như Tân Cương, Nội Mông và Cam Túc.
Trong khi đó, theo bà Shakya, Tây Tạng đang mất dần sự chú ý trong nghị trình quốc tế, do các lãnh đạo thế giới không muốn gây rủi ro trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc.
Người kế tục?
Những người Tây Tạng nóng lòng muốn thấy thay đổi còn đối diện với một vấn đề nữa, là hiện chưa có ai sẵn sàng lên thay thế cho Đức Đạt Lai Lạt Ma, năm nay 73 tuổi, người gần đây có tình trạng sức khoẻ không được tốt.
Trong bài diễn văn kỷ niệm 50 năm ngày khởi nghĩa chống TQ không thành, Đức Đạt Lai Lạt Ma nói mọi người dân Tây Tạng phải có trách nhiệm "hoạt động vì chính nghĩa".
Từ nơi ngài sống lưu vong ở Dharamsala, Ấn Độ, Đức Đạt Lai Lạt Ma nói: "Chừng nào tôi còn sống, chừng đó tôi còn giữ trách nhiệm này".
Đức Đạt Lai Lạt Ma nói Ngài giờ đã chuyển sang thời gian bán nghỉ hưu. Ngài cũng chưa rõ liệu người kế nhiệm sẽ được bầu ra, tái sinh bên ngoài Tây Tạng hay liệu Ngài, vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, sẽ là lãnh tụ tinh thần cuối cùng.

Liệu thế hệ thanh niên có là hi vọng mới của Tây Tạng?
Điều hầu như chắc chắn là "vấn đề Tây Tạng" sẽ không mất đi - trên thực tế, nó sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.
Trong khi Trung Quốc luôn cáo buộc Ngài là "con sói đội lốt nhà sư", Đức Đạt Lai Lạt Ma luôn khuyến dụ những người ủng hộ phải theo đuổi mục tiêu một cách hoà bình.
Bà Tsering Shakya nói: "Nếu không có sự dẫn dắt của Đức Đạt Lai Lạt Ma, người Tây Tạng có thể sẽ tự xử lý các vấn đề theo cách của riêng mình".
Đức Đạt Lai Lạt Ma đã mang lại sức mạnh và sự đoàn kết cho người Tây Tạng, cũng như khiến cho quốc tế chú ý đến sự nghiệp của họ. Rất nhiều người giờ bắt đầu e ngại đến ngày Ngài sẽ vắng bóng.
Tuy nhiên, nhà hoạt động Jamyang Norbu nói: "Người Tây Tạng có sức mạnh hơn người ta tưởng. Họ sẽ vẫn thách thức giới chức và chấp nhận hậu quả.
"Thời gian đang thay đổi. Giờ đây, nó là cuộc tranh đấu của giới thanh niên. Chúng ta có thể sẽ chứng kiến một biểu tượng nổi lên từ thế hệ mới - chừng nào họ còn đó, chừng đó sự nghiệp này chưa kết thúc".
source
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2009/03/090310_dalailama_crossroad.shtml

Monday March 16, 2009 - 04:18am (EDT) Permanent Link 0 Comments
Tiếp tục rắc rối vụ tàu Mỹ-Trung

Tiếp tục rắc rối vụ tàu Mỹ-Trung

Tàu Trung Quốc bị cáo buộc đã lại gần để 'gây hấn'
Ba ngày sau sự kiện mà Hoa Kỳ cáo buộc là tàu Trung Quốc gây hấn với tàu thăm dò đại dương của họ, cuộc cãi cọ Mỹ-Trung mới nhất vẫn đang có xu hướng tiếp tục.
Trung Quốc phản ứng một cách mạnh mẽ với cáo buộc ngược lại, rằng Hoa Kỳ đã "vi phạm luật lệ quốc tế và Trung Quốc khi vào Nam Hải mà không được phép của Trung Quốc".
Trong khi đó, tòa đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh thì gửi công hàm phản đối vì cho rằng tàu thăm dò Impeccable chỉ làm công việc thường lệ "theo đúng luật lệ quốc tế".
Các phân tích gia cho rằng các tranh cãi, thậm chí đụng độ như thế này sẽ ngày càng nhiều khi Bắc Kinh bày tỏ rõ quyết tâm củng cố hải quân và khẳng định chủ quyền đối với các vùng biển lân cận.
Sự kiện hôm Chủ nhật xảy ra tại hải phân quốc tế thuộc khu vực mà Việt Nam gọi là biển Đông, cách đảo Hải Nam 75 dặm (120 km). Hải Nam là nơi Trung Quốc đặt căn cứ hải quân.
Giới quan sát nói động thái mới nhất của Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh đang muốn tái khẳng định quyền phải được quyết định có cho tàu nước ngoài vào bên trong khu vực kinh tế (EEZ) 200 hải lý của mình hay không.
Khác biệt nhận thức
Theo luật quốc tế, các nước được quyền khai thác tài nguyên khoáng sản bên trong vùng EEZ của mình. Tuy nhiên, hãng Associated Press trích lời ông Shen Dingli, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bắc Mỹ thuộc đại học Fudan ở Thượng Hải nói Bắc Kinh muốn khẳng định quyền hạn không chỉ trong lĩnh vực kinh tế.
"Trung Quốc cho rằng luật pháp quốc tế chỉ cho phép tàu quân sự đi qua khu vực kinh tế của các nước khác thôi chứ không được tiến hành các hoạt động với mục ̣đích quân sự."
Trung Quốc sẽ còn tiếp tục có hành động để thử thái độ và tìm cách ngăn Mỹ soi mói vào công việc của Trung Quốc.
Ron Huisken, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng Úc châu
Điều này trái với một trong các nguyên tắc quan trọng nhất mà Hoa Kỳ áp dụng trong hoạt động viễn dương - quyền đi lại tự do trong hải phận quốc tế chừng nào vẫn tôn trọng và không làm phương hại tới quyền lợi kinh tế của quốc gia mà họ đi qua.
Một số chuyên gia cho biết Trung Quốc đã ghi nhận ít nhất 200 trường hợp tàu Mỹ thu thập thông tin tình báo trong khu vực kinh tế của Trung Quốc, thế nhưng nói chung tránh đối đầu.
Trong trường hợp mới nhất này, tuy Impeccable không phải là tàu do thám, nhưng có khả năng đo lường đáy biển để nhận biết và theo dõi tàu ngầm các nước.
Hải Nam là nơi có nhiều cơ sở hải quân và không quân của Trung Quốc, căn cứ tàu ngầm mới nhất của nước này cũng được đặt ở đây. Trong những năm tới, Bắc Kinh có dự tính phát triển thêm nhiều tuần dương hạm, tàu ngầm và cả hàng không mẫu hạm.
Hoa Kỳ cũng như nhiều quốc gia khác muốn tìm hiểu thêm về các chương trình này và do vậy việc giữ bí mật là điều Bắc Kinh coi trọng.
Ông Ron Huisken từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng Úc nhận định: "Trung Quốc sẽ còn tiếp tục có hành động để thử thái độ và tìm cách ngăn Mỹ soi mói vào công việc của Trung Quốc".
Về phần mình, các quan chức Hoa Kỳ được các hãng thông tấn trích lời tuyên bố quân đội Mỹ sẽ vấn tiếp tục đi tuần trong biển Đông dù bị Trung Quốc phản đối.
Rắc rối ngoại giao
Cáo buộc gây hấn đang gây căng thẳng ngay trước chuyến thăm Mỹ của Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì.
Hai cường quốc đang phải tìm cách đối phó với khủng hoảng kinh tế thế giới và chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh G20 tại London vào tháng tới.
Hoa Kỳ cần chấp nhận sự thực, là Trung Quốc đang ngày càng hùng mạnh, và hợp tác cùng nhau vì lợi ích của cả hai bên.
Thông tấn xã Trung Quốc
Hãng thông tấn Trung Quốc trong bài xã luận ra hôm thứ Tư nói hai quốc gia Trung-Mỹ cần hợp tác để vượt qua khủng hoảng tài chính.
"Hoa Kỳ cần chấp nhận sự thực, là Trung Quốc đang ngày càng hùng mạnh, và hợp tác cùng nhau vì lợi ích của cả hai bên."
Ông Dương cũng phải chuẩn bị cho cuộc gặp giữa Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Barack Obama bên lề hội nghị.
Thứ Tư này, ông sẽ hội kiến Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, người đã thăm Trung Quốc vào tháng trước, và bộ trưởng Tài chính Tim Geithner.
Với một nghị trình nặng nề như vậy, hai bên có thể sẽ nhắc tới sự kiện tại Nam Hải, nhưng giới phân tích cho rằng nó sẽ không chiếm vị trí gì quá quan trọng.
Thế nhưng nó vẫn là một ổ gà thêm vào trên con đường quan hệ Mỹ-Trung vốn đã quá gập ghềnh.
Giám đốc cơ quan Tình báo Quốc phòng Hoa Kỳ, trung tướng Michael Maples, phát biểu trước Quốc hội rằng Trung Quốc đang tìm cách phát triển năng lực quốc phòng nhằm "thống lĩnh trong các xung đột khu vực và đối đầu với các kế hoạch quân sự của Mỹ".
Giám đốc cơ quan Tình báo Quốc gia Dennis Blair thì nói thái độ của Trung Quốc trong việc khẳng định chủ quyền tại các vùng biển quốc tế quanh các khu vực kinh tế của nước này ở Đông Nam Á và Nam Hải trở nên "mang tính quân sự hơn, hung hăng và tiên tiến hơn" so với một vài năm trước.
Ông nói hiện chưa rõ Bắc Kinh chỉ muốn đánh động các nước xung quanh, hay sẽ dùng vũ lực một cách triệt để.
Trung Quốc xem gần như toàn bộ khu vực Nam Hải (biển Đông) là lãnh thổ của mình.

̣Đường đỏ là vùng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền; Đường xanh là các khu vực kinh tế EEZ theo Công ước LHQ về luật biển; Các đảo xám là nơi có tranh chấp.
source
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2009/03/090311_china_us_tension.shtml
Wednesday March 11, 2009 - 10:23am (EDT) Permanent Link 0 Comments
US protests 'harassment' by Chinese vessels

source
http://news.yahoo.com/s/ap/20090310/ap_on_go_ca_st_pe/us_china_incident

Tuesday March 10, 2009 - 12:42am (EDT) Permanent Link 0 Comments
Madison Nguyễn: Phúc Trùng Lai

Madison Nguyễn: Phúc Trùng Lai
ĐỨC HÀ
Nói rằng phúc không thể đến hai lần dường như không thể áp dụng vào trường hợp cá biệt của nghị viên đầu tiên và duy nhứt của Bắc Cali. Nhìn lại con đường hội nhập chính trường dòng chính, người ta chỉ thấy Madison Nguyễn đi lên cho dù đầy gian truân – chẳng thế mà ngay từ đầu báo Mỹ đã đành giá cô là “ngôi sao đang lên trong chính trường Hoa Kỳ.”
Sau khi thắng cử và trở thành ủy viên trong học Khu Franklin-McKinley năm 2002, Madison – có tên Việt là Phương, thắng tiếp cuộc tranh cử gay gắt đầy kịch tính vào chức vụ nghị viên Khu 7 năm 2005. Năm 2006 Madison tiếp tục giữ chiếc ghế của mình trong Hội Đồng Thành Phố San Jose cho đến ngày “thứ Ba Tầm Tã” 03 tháng Ba, 2009. Phúc lại đến với cô.
Tình Nghĩa

Nghị viên Madison Nguyễn thắng lợi trong cuộc bầu cử đặc biệt ngày 3 tháng 3, 2009 tại San José. Tường Linh /Việt Tribune
Không biết vô tình hay cố ý, xuất hiện trước hàng trăm đồng hương Việt kể cả không ít người thuộc các sắc dân khác và hàng chục phóng viên báo chí toàn vùng Bay, Madison vẫn chiếc sơ-mi trắng cổ lớn khoác ngoài bộ suit xám sọc nhỏ, mái tóc búi ngược sát đầu và khuôn mặt rạng rỡ tự tin hệt như ngày cô xuất hiện tại phòng hội Saigon Business Center năm 2005, chỉ khác lần này là tại hội trường Hiệp Hội Cảnh Sát San Jose. Mặc dù Nghị Viên Madison chỉ ra mặt khi phiếu kiểm gần hết và tình hình đảo ngược không thể nào xảy ra vì vạch màu xanh phía trên ngày càng vượt xa vạch đỏ bên dưới, thì những người Việt tụ hội trong hội trường ấm cúng đã bắt đầu ăn mừng ngay từ khi kết quả từ cơ quan bầu cử bắt đầu chạy trên màn hình tivi. Heo sữa quay vàng ròn, chả giò, trái cây, thịt gà nướng, món Mễ taquito, đồ xào chua ngọt, rượu vang, trà nóng cà-phê ngạt ngào đã được chuẩn bị tươm tất ngay từ sớm chiếm cả một góc phòng. Nhân viên phục vụ cho biết đây là quà chiêu đãi của cảnh sát dành cho những người ngày đêm sát cánh với Madison.
Sao kỳ vậy nhỉ? Chính Madison là một trong những người chủ chốt tiên phong trong nỗ lực đòi hỏi công bằng cho vụ bắn lầm một nạn nhân Việt năm nào, khiến cảnh sát phải trả lời trước đại bồi thẩm đoàn. Đáng lý ra họ phải thù ghét đến cùng mới đúng tinh thần Yes Recall chứ! Thưa không, họ (cảnh sát San Jose) trân trọng và hết lòng ủng hộ cô. Bốn năm xe cảnh sát phía ngoài và nhân viên thường phục trấn hai bên bục có đặt hệ thống âm thanh cho thấy cả một bầu tình và nghĩa đằm thắm. Họ đứng về phía No Recall.

Nghị viên Madison Nguyễn vui mừng cùng các cụ ủng hộ viên cao niên của cô trong đêm kết quả bầu cử ngày 3/3/2009. Tường Linh /Việt Tribune
Với kết quả 55.39% và 41.61% nghiêng hẳn về phía No Recall thì những giờ phát thanh cả đêm lẫn ngày nghe như đấu tố, bài báo tấn công như thù truyền kiếp, những tờ rơi đầy ngôn từ ác độc, bài viết trên mạng kém văn hóa, thơ nặc danh và cáo buộc không cơ sở kể cả những chuỗi ngày tuyệt thực cũng chấm dứt theo. Những chiếc xe trưng bảng hiệu, gắn cờ chạy lòng vòng hung hãn cũng trở thành chuyện ngày xưa. Tất cả đã đánh dấu bước hội nhập chưa trọn vẹn của người Việt vào đất nước dân chủ hàng đầu thế giới cho dù đã hơn 30 năm kể từ 1975. Bao nhiêu tiền của, thời giờ, nỗ lực chống phá chống đỡ và né tránh bị phí phạm trong lúc đáng lý ra chẳng nên và không nên xẩy ra. Chỉ một chút mềm dẻo, nhường nhịn, một tí khéo léo uyển chuyển, một thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của mọi người và đối thoại, đối thoại, đối thoại thì chắc hẳn chẳng đưa đến nông nỗi này. Tiếng rầm rì cho rằng một thế lực phía sau đang vươn vai dương oai như một Godfather, tiếng đồn đoán khác bảo rằng các đại gia đấu đá nhau theo kiểu một rừng chỉ có một cọp. Trong khi đa số lại chia xẻ nhau rằng “phải vậy mới có chuyện làm, có loa để nói, có người để sách động.” Nói gì thì nói, bàn gì thì bàn, cộng đồng Việt vốn đã không đoàn kết thì nay chắc hẳn sẽ còn tệ hại hơn nữa đặc biệt tại hai vùng Nam-Bắc Cali. Ông hàng xóm dựng bảng No trước nhà liệu có nhìn mặt nhà đối diện (một trong số 5,237 nhà khác) trưng bảng Yes? Thế đấy, thay vì phải chứng tỏ khả năng lãnh đạo, khả năng biện luận, tranh luận hay hòa giải quan điểm dị biệt các phe phái ủng hộ chính trị gia Việt chỉ chú tâm vào việc bôi nhọ và bôi bẩn càng nhiều càng tốt. Chính trị đã xấu xa, rơi vào tay người Việt lại càng trở nên xấu xa cực kỳ chẳng hạn như:
Một ông tiến sĩ viết một cách liều lĩnh rằng:“Cộng đồng Việt Nam hoàn toàn tin tưởng rằng Madison Nguyễn sẽ bị bãi nhiệm trong cuộc bầu cử ngày 3 tháng 3 tại San Jose.Tuy nhiên trong trường hợp không đủ số phiếu bãi nhiệm Madison thì chúng ta nên làm những điều gì sau đó. Nếu chúng ta thua trong vụ bãi nhiệm thì sức mạnh chính trị công đồng Việt Nam sẽ bị suy yếu. Vì vậy lá phiếu của cử tri khu vực 7—đặc biệt là của cử tri gốc Việt—có tầm quan trọng như lá phiếu chống lại sự đối xử độc tài, áp bức, và kỳ thị của chính quyền thành phố San Jose với cộng đồng Việt Nam.”
Giờ đây cho thấy những lời lẽ như vậy chỉ giúp cử tri khu 7 càng muốn chứng tỏ ngược lại rằng không có độc tài áp bức, không có kỳ thị tại thành phố trên một trăm ngàn người Việt cư ngụ. Lượng 6,502 phiếu bầu đã nói lên điều đó.
Họa Trùng Lai
Nếu vận may của Madison gặp “đỏ” nhiều lần đến vậy thì ai phải đón nhận “họa vô đơn chí.” Phải chăng thua liên tiếp bầu cử vòng hai năm 2005 và bầu cử Recall tháng Ba 2009 là họa vô đơn chí? Tuy nhiên liệu những bài học đó có thấm không lại là chuyện khác, chỉ biết rằng điều chắc chắn là kết quả bầu cử đặc biệt thứ Ba vừa qua là chiếc vé thuận lợi khẳng định vững chắc cho bầu cử năm 2010. Và xa hơn nữa.
Sau cùng xin mượn và sửa lại lời nhắn gởi của Meghan McCain, con gái của ứng cử viên tổng thống thua cuộc John McCain viết trên blog rằng: “Nếu quý vị phụ huynh muốn cho con em khốn khổ, bị dày xéo, phanh thây, bôi nhọ cả tông ti họ hàng suốt ngày đêm thì cứ xúi giục cho chúng đi làm chính trị đặc biệt trong cộng đồng Việt.”————-source
Việt Tribunee
Monday March 9, 2009 - 05:17am (EDT)
Permanent Link 0 Comments

No comments:

Post a Comment