Tuesday 29 September 2009

Trung Quốc 'bao giờ cũng đúng'?



Anthony Wong trong vai Hoàng đế Vĩnh Lạc nhà Minh, người đánh Việt Nam năm 1406 với chiêu bài Phù Trần diệt Hồ

Các hoàng đế Trung Hoa luôn coi mình là trung tâm của thế giới

Ai cũng biết Trung Quốc là một trong mấy nước có nền văn minh sớm nhất loài người. Hơn bốn, năm ngàn năm nay, khác với một vài nền văn minh cùng thời, tuy có lúc lên lúc xuống nhưng nền văn minh Trung Quốc chưa bao giờ tàn lụi.

Trung Quốc là “nước ở giữa”, ở đó có “con trời” (Thiên tử) cai trị muôn dân. Các nước bốn xung quanh theo thứ tự được phân chia thành đông Di, tây Địch, bắc Nhung, nam Man.

Mấy tỉnh miền nam Trung Quốc ngày nay và Việt Nam được “vinh dự” thuộc hàng ngũ “nam Man” - là phiên thuộc, là chư hầu của Thiên tử. Xin lưu ý là 3 trong 4 chữ Hán: Di, Địch, Nhung, Man nói trên, có tới 3 chữ có bộ thú chỉ thú vật ở bên cạnh.

Với thuyết Chính danh của Người quân tử, con cháu cụ Khổng từ mấy ngàn năm qua và cho đến tận bây giờ, lúc nào cũng tự coi mình là người duy nhất đúng trong mọi chuyện bang giao.

Đồng hóa và bành trướng

Không biết tên gọi của bao nhiêu nước đã biến mất trên bản đồ Trung Quốc để lãnh thổ nước này từ chỗ chỉ có mấy vùng đất không lớn lắm ở một phần lưu vực thuộc sông Hoàng Hà nay đã mênh mông rộng tới 9,6 triệu km2?

Không biết bao nhiêu dân tộc đã bị đồng hoá, kể cả dân tộc đã từng vào thống trị Trung nguyên xây dựng nên triều đại phong kiến cuối cùng của Trung Quốc mà nay chỉ còn chưa tới một trăm người nói và viết thành thạo tiếng mẹ đẻ?

Tất cả quá trình bành trướng lãnh thổ, đồng hóa dân tộc bằng thủ đoạn tàn bạo hay kế độc mưu sâu đều được che đậy, mỹ hoá bằng những câu chữ tuyệt đẹp: “mở mang bờ cõi", "hoà hợp dân tộc"…

Đó là chuyện xa xưa. Chuyện bây giờ thì sao?

Mặc dù đất rộng như vậy, người ta vẫn đang kêu rên là một trong mấy nước bị mất nhiều lãnh thổ nhất thế giới, phía nào cũng mất đất thậm chí còn “mất cả phần đất thuộc nguyên một nước bây giờ”.

Lạng Sơn

Cuộc chiến Biên giới 1979 cũng là "tại Việt Nam"?

Đã có tới hơn 2 triệu km2 lãnh hải mà Trung Quốc vẫn nói còn mất khoảng 1,2 triệu km2 biển nữa (trong đó có khoảng 800.000km2 tại Biển Đông).

Chỉ trong vòng 17 năm, họ đã gây ra ba cuộc chiến tranh biên giới (năm 1962 với Ấn Độ; 1969 với Liên Xô và 1979 với Việt Nam).

Lần nào họ cũng chủ động đánh trước nhưng lại kêu la rằng “mình là người bị hại”.

Người Việt Nam không thể nào quên được cuộc Chiến tranh Biên giới năm 1979, khi họ tung 60 vạn quân chủ lực, mở cuộc tấn công trên suốt sáu tỉnh biên giới, giết hại dã man người Việt, phá hoại nặng nề cơ sở vật chất của nhân dân Việt Nam mà lại rêu rao là “đánh trả tự vệ”, là để “dạy cho Việt Nam bài học”.

Chỉ có những kẻ không còn lương tri hay những người đầu óc có vấn đề mới có thể nghe lọt tai những luận điệu đó.

Lại còn chuyện này nữa: ai nâng đỡ, ai khuyến khích, ai cung cấp tiền của và phưong tiện để Khmer Đỏ gây ra nạn diệt chủng tại Campuchia?

Thế mà thoắt một cái họ đã biến mình thành “cứu tinh”, thành người “bạn tốt” của đất nước đau thương ấy.

Lùi thời gian lại một chút để thấy thêm vấn đề.

Những bất đồng, xung đột Trung-Xô trong những năm 60 của thế kỷ trước, Liên Xô rõ ràng là có trách nhiệm, nhưng chẳng lẽ người Trung Hoa lại không có chút xíu sai lầm?

Bất đồng rồi đi đến tan vỡ liên minh giữa nước được Trung Quốc coi là đồng minh tin cậy duy nhất của mình trong thời gian Cách mạng Văn hoá được qui cho là tội của lãnh tụ Albania lúc đó là Enver Hoxha.

Ai cũng biết chỉ mình không chịu nhận

Còn nhớ trong một lần gặp một nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế một nước phương Tây, trong câu chuyện, ông này không biết là hữu ý hay vô tình lặp lại: “Việt Nam xua đuổi người Hoa”.

Dù là chỗ quen biết, tôi không thể lặng im liền hỏi lại: "Ông bạn có biết chuyện người Hoa ở Indonesia năm 1956 không?"

Tuy chưa thật triệt để, nhưng có thể nói rằng người Mỹ, người Nga, những nước lớn, mạnh nếu không muốn nói là hơn Trung Quốc thì cũng không hề thua kém, cũng đã dám nhìn vào sự thực, thừa nhận một phần sai lầm trong nhiều chính sách đối ngoại của mình.

"Kịch bản vụ này đã được nhà cầm quyền Trung Quốc bê nguyên xi sang Việt Nam: dựng chuyện nhà đương cục địa phương xua đuổi người Hoa, Trung Quốc lên tiếng phản đối, cho tầu thuỷ sang đón “nạn kiều” v.v.. Bạn không tin xin đọc lại tư liệu cũ."

"Không có việc Việt Nam xua đuổi người Hoa."

Còn chuyện gần đây hơn.

Chính Trung Quốc là người đề xuất chủ trương: “Chủ quyền thuộc ta, gác tranh chấp, cùng khai thác, cùng hưởng lợi” tại Biển Đông, thế nhưng từ tháng 3 năm nay, họ đã cải biên tầu chiến thành tàu đánh cá để làm nhiệm vụ “tuần tra tại Biển Đông, có quyền kiểm tra, bắt giữ các tầu nước ngoài vi phạm luật, lệnh cấm của Trung Quốc”…

Một số tàu cá Việt Nam và mấy nước trong Asean đã bị bắt giữ, bị đâm chìm. Xin hỏi trên thế giới này có ai nuốt lời như vậy không? Có ai hành động ngang ngược như vậy không?

Gần đây đang rộ lên chuyện biên giới Trung Ấn căng thẳng, chuyện biên giới Trung-Myanmar, chuyện Trung Quốc bắt người thuộc công ty khoáng sản Australia vì phạm tội gián điệp, chuyện Mỹ tăng thuế lốp ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc lên 35% vì bán phá giá.

Trước các sự kiện đó đều thấy Trung Quốc nói là do “người khác không thiện ý cố tình gây ra”, là “lỗi của đối phương”, là “ người ta làm ăn không đúng luật”...

Lòng căm thù, oán hận bọn phát xít Đức, Nhật của nhân loại rất sâu sắc nhưng sự thành khẩn thừa nhận tội ác của dân tộc mình đối với các dân tộc bị hại, nhất là với dân tộc Do Thái của những người cầm quyền các thế hệ tại Đức và Nhật, nhất là Đức, sau Thế chiến 2, đã khiến nhiều người dân trong các nước bị hại lượng thứ.

Tuy chưa thật triệt để, nhưng có thể nói rằng người Mỹ, người Nga, những nước lớn, mạnh nếu không muốn nói là hơn Trung Quốc thì cũng không hề thua kém, cũng đã dám nhìn vào sự thực, thừa nhận một phần sai lầm trong nhiều chính sách đối ngoại của mình.

Thế người Trung Quốc thì sao?

Tôi đã đọc, đã nghe, đã thấy, đã biết người Trung Quốc đã, đang và chắc chắn là sẽ còn nhận sai và sửa chữa nhiều sai lầm về đối nội.

Thiên An Môn

Trung Quốc đã sửa sai nhiều chính sách đối nội nhưng hình ông Mao vẫn được tôn thờ tại Thiên An Môn

Những sai lầm “trời không dung, đất không tha” trong những năm tháng Đại nhảy vọt, Cách mạng Văn hóa… đã được phơi bày rộng rãi và được sửa chữa khá triệt để.

Những vấn đề tồn tại như sự kiện Thiên An Môn, xử lý Triệu Tử Dương v.v.. chắc chắn không thể bị bỏ qua.

Thế nhưng, đối xử với những hành vi đối ngoại thì sao?

Cho đến nay có thể khẳng định là: chưa bao giờ ngưòi Trung Quốc nhận sai về phần mình cả.

Có thể tự tin mà nói trước rằng: giả dụ thời gian tới quan hệ Trung, Triều đổ vỡ, chắc chắn chúng ta sẽ được nghe từ Bắc Kinh những câu như: đó là sai lầm của cha con, cháu ông Kim, đó là lỗi của Bình Nhưỡng…

Nói như thế không bao giờ có ý phủ nhận những hành động chính nghĩa của nhân dân Trung Quốc khi hết lòng Chống Mỹ viện Triều và nhiệt tình giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Tuy nhiên, trước nhiều việc làm sai trái trong đối ngoại của họ mà ai cũng thấy, nhà cầm quyền các thế hệ Trung Quốc bao giờ cũng vẫn cho mình là đúng.

Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả, một nhà ngoại giao kỳ cựu, từng giữ chức Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu. Bài gửi từ Hà Nội cho BBC Tiếng Việt trong loạt bài đánh dấu 60 năm Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa 1/10 năm nay. Ý kiến đóng góp xin gửi về vietnamese@bbc.co.uk

*****************************

source

BBC Vietnamese

Saturday 26 September 2009

"Cuộc hôn nhân không tình yêu" Miến-Trung



Giới tướng lĩnh Miến có lẽ không bao giờ hết oán hận sự hậu thuẫn quân sự mà Trung Quốc giành cho phe cộng sản Miến Điện.

Miến Điện là quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa kể từ ngày Quốc Khánh Trung Quốc 1/10/1949.

Miến Điện đã giành độc lập từ Anh một năm trước đó, nhưng rồi lại rơi vào cuộc loạn lạc giao tranh giữa phe cộng sản và những phiến quân sắc tộc thiểu số.

Những người cộng sản Miến Điện nhận được sự cảm thông từ Đảng Cộng Sản Trung Quốc và cả những hỗ trợ về tinh thần lẫn vật chất từ những người đồng chí có chung ý thức hệ.

Chính quyền Miến Điện đã nhanh chóng công nhận tân Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa vì lý do riêng của mình.

Theo Thakhin Chan Tun, một chính trị gia kỳ cựu và từng là đại sứ Miến Điện tại Trung Quốc hồi thập niên 1970: "Rõ ràng là chính phủ muốn Trung Quốc cân nhắc lại sự ủng hộ mà họ giành cho những người cộng sản Miến Điện và muốn phía Trung Quốc không công khai giúp đỡ những người cộng sản."

Thế nhưng giới chức Trung Quốc đã vỗ về những người hàng xóm rằng quan hệ thân thiết giữa những người cộng sản chỉ đơn thuần là giữa hai đảng, và họ muốn quan hệ giữa hai chính phủ được phát triển tốt đẹp.

Phía Miến không mấy hài lòng, nhưng rồi họ bị những khoản cho vay không tính lãi hào phóng của Trung Quốc làm cho tắt tiếng.

Miến Điện cũng phải đối diện với những hậu quả từ cuộc soán vị ở Trung Quốc, khi phe cộng sản đánh bại lính Quốc Dân Đảng, đẩy quân Tưởng Giới Thạch vào khu vực miến đông bắc Miến Điện và xâm chiếm một số thị trấn. Hàng ngàn lính Miến đã hy sinh thân mình để đẩy lui quân Tàu trắng tại các chiến địa kéo dài nhiều năm sau đó.

"Mượn gió bẻ măng"

Năm 1967, thêm một ảnh hưởng nữa từ cuộc Cách Mạng Văn Hóa Trung Quốc lan sang Miến Điện.

Sinh viên người Hoa tại Rangoon tới các trường học, ngực đeo huy hiệu Mao Trạch Đông tay cầm Mao tuyển lớn tiếng thách thức giáo viên và giới chức. Từ đó đã nổ ra các cuộc đụng độ giữa người Hoa và người Miến.

Một số người Hoa bị giết chết trong các cuộc đụng độ, nhiều cơ sở nhà cửa của người Hoa bị phá hủy.

Chính quyền Trung Quốc phản đối Miến Điện và thúc giục họ phải bảo hộ các gia đình người Hoa sống tại đây. Chính quyền Miến ra tay đối với một số thủ phạm gây các vụ đụng độ, nhưng phía Trung Quốc nay đã có cớ để giúp phe cộng sản chống lại chính quyền trung ương Miến Điện.

Trước đó, sự ủng hộ chủ yếu là về tinh thần và vật chất. Nhưng sau các vụ đụng độ, Đảng Cộng Sản Trung Quốc bắt đầu công khai cung cấp vũ khí cho phe cộng sản Miến.

Hầu hết các tướng lĩnh, kể cả Thống Chế Than Shwe và Phó Thống Chế Maung Aye đều từng chỉ huy quân đội ở khu vực đông bắc, đánh nhau với phe cộng sản được Trung Quốc hậu thuẫn. Họ vẫn còn nhớ tới các chiến địa ngày xưa và thỉnh thoảng vẫn nói về sự căm ghét của họ đối với Trung Quốc

Cựu sỹ quan quân báo Miến Aung Lin Htot

Phát ngôn nhân của Đảng Cộng Sản Miến Điện, Po Than Chaung, hiện đang sống tại Dengchung thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc thừa nhận việc Trung Quốc cung cấp vũ khí đã giúp họ giành một số chiến thắng quân sự mà trước đó không ai nghĩ họ có thể đạt được.

Chuyện này gây căng thẳng giữa hai nước. Mặc dù quan hệ giữa hai chính phủ đủ nồng ấm để có các chuyến viếng thăm qua lại thường xuyên của các lãnh tụ hai bên, nhưng phe tướng lĩnh Miến Điện cảm thấy oán hận việc Trung Quốc can thiệp và giúp đỡ cho phe cộng sản Miến.

Cựu sỹ quan quân báo, đồng thời là một nhà ngoại giao hiện đang sống tại Hoa Kỳ, Aung Lin Htot nói ngay cả các lãnh đạo cao cấp của chính quyền quân nhân hiện nay cũng vẫn cảm thấy không tin cậy gì Trung Quốc.

Ông nói: "Hầu hết các tướng lĩnh, kể cả Thống Chế Than Shwe và Phó Thống Chế Maung Aye đều từng chỉ huy quân đội ở khu vực đông bắc, đánh nhau với phe cộng sản được Trung Quốc hậu thuẫn. Họ vẫn còn nhớ tới các chiến địa ngày xưa và thỉnh thoảng vẫn nói về sự căm ghét của họ đối với Trung Quốc."

Quyền lợi song phương

Tướng Than Shwe từng có mặt trong các chiến tuyến giao tranh ở khu đông bắc Miến Điện

Tuy nhiên, đến năm 1988, quan hệ song phương đã đột ngột thay đổi khi các tướng lĩnh Miến Điện cướp quyền, đàn áp dã man hàng ngàn người biểu tình ôn hòa.

Phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu đã dẫn đầu một loạt các nước lên án thể chế quân sự mới ở Miến Điện và bắt đầu tẩy chay.

Tình thế buộc các tướng lĩnh Miến Điện phải đón nhận sự yểm trợ từ Trung Quốc.

Các công ty Trung Quốc được trao ưu đãi và các hợp đồng vào kinh doanh tại Miến. Nguồn khoáng sản và tài nguyên giàu có của Miến Điện từ lâu đã lọt vào tầm ngắm của Trung Quốc và nay chính là cơ hội để họ tới làm ăn, khai thác và bòn rút những nguồn của cải của Miến.

Dòng chảy đều đặn từ Trung Quốc tràn vào Miến Điện thông qua hệ thống kiểm soát đường biên đầy tham nhũng và lỏng lẻo. Nó làm thay đổi bộ mặt của một số thành phố thuộc miền đông bắc.

Ngay cả ở miền trung Miến Điện, thành phố lớn thứ nhì đồng thời cũng là đất cũ của vương quốc xưa kia, Mandalay cũng trở thành nơi đa phần các cơ sở kinh doanh buôn bán thuộc về nhóm dân cư mới tới.

Ký giả nổi tiếng Kyaw Yin Myint sống tại Madalay nhận xét: "Ở trung tâm thành phố, người ta có thể nhìn thấy rợp trời băng đỏ với những dòng chữ tiếng Hoa ngay trước hầu như tất cả các tòa nhà. Trong dịp Tết Nguyên đán thành phố trở nên tê liệt vì các cơ sở kinh doanh đóng cửa hết. Những hoạt động kinh doanh trước đây do người địa phương làm thì nay rơi vào tay người mới đến. Họ có thẻ cư trú Miến Điện nhưng lại không biết nói tiếng Miến."

Dân bản địa vốn gắn bó cuộc sống và chuyện làm ăn ở khu ngoại vi thành phố thì tức giận trước những người mới tới, nhưng chẳng thể làm gì nhiều để thay đổi tình thế.

Nhiều người dân Miến Điện thấy rằng chính quyền hiện nay cần có sự bảo hộ của Trung Quốc trong cộng đồng quốc tế, cho nên đã trao cho người Hoa quá nhiều.

Ở trung tâm thành phố, người ta có thể nhìn thấy rợp trời băng đỏ với những dòng chữ tiếng Hoa ngay trước hầu như tất cả các tòa nhà. Trong dịp Tết Nguyên đán thành phố trở nên tê liệt vì các cơ sở kinh doanh đóng cửa hết. Những hoạt động kinh doanh trước đây do người địa phương làm thì nay rơi vào tay người mới đến. Họ có thẻ cư trú Miến Điện nhưng lại không biết nói tiếng Miến.

Ký giả Kyaw Yin Myint

Tiến sỹ Thaung Tun, phát ngôn viên phụ trách quan hệ với Liên Hợp Quốc của chính phủ lưu vong Miến Điện, Chính Phủ Liên Minh Dân Tộc Thống Nhất Miến Điện, nêu ví dụ: "Hồi 2007, khi vấn đề Miến Điện được thảo luận tại Hội Đồng Bảo An và được đưa ra biểu quyết thì Trung Quốc đã phủ quyết. Chỉ ba ngày sau đó, các tướng lĩnh Miến đã ký hợp đồng với các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc, bán cho họ nguồn khí đốt tự nhiên ở Mỏ Khí Shwe thuộc khu duyên hải phía tây Miến Điện.

"Điều thú vị là cả Ấn Độ lẫn Nam Hàn đã đề nghị mua khí với mức giá cao hơn nhưng rốt cuộc thì hợp đồng lại rơi vào tay Trung Quốc. Sau đó thì chúng ta thấy là Trung Quốc đã liên tục tích cực bảo vệ Miến Điện trên các diễn đàn quốc tế."

Điều này khiến nhiều người Miến Điện cảm thấy giới tướng lĩnh có thể thoát khỏi các tội đối xử tàn bạo với đồng bào bởi đã được Trung Quốc chống lưng.

Họ bắt đầu đổ lỗi cho Trung Quốc trong vấn đề thiếu cải cách dân chủ tại Miến Điện.

Này, cảnh giác đấy, cựu sỹ quan quân báo Augn Lin Htut nhắc nhở. Các tướng lĩnh Miến thực ra chả tin cậy gì Trung Quốc và đang sẵn sàng đối phó với ông láng giềng hùng mạnh.

Ông nói: "Khi nhìn vào lực lượng quân đội tại Miến Điện, quý vị sẽ thấy là mọi mệnh lệnh quân sự mới đã được thiết lập dọc theo đường biên với Trung Quốc. Các tướng lĩnh luôn cảm thấy nếu như đất nước có kẻ đột nhập, thì đó sẽ chính là từ phía đông bắc. Quý vị có thể so sánh kế hoạch quân sự ở khu vực này với các vùng khác sẽ thấy, như với vùng tiếp giáp Thái Lan chẳng hạn."

Một bản phúc trình mới đây của Nhóm Nghiên Cứu Khủng Hoảng Quốc Tế nhận xét rằng mối quan hệ giữa Miến Điện và Trung Quốc có thể giải thích như một cuộc hôn nhân vì lợi ích mỗi bên chứ không phải vì tình yêu.

Trung Quốc cần những nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào của Miến Điện, còn giới tướng lĩnh Miến thì cần một ông bạn hùng mạnh như Trung Quốc để đối phó với sức mạnh dân chủ.

Trung Quốc muốn có một chế độ ổn định ở quốc gia láng giềng để khu vùng biên được yên ổn.

Thế nhưng những sự kiện gần đây ở vùng Kokkang, nơi quân đội Miến có chiến dịch chống lại nhóm sắc tộc thiểu số đã khiến nhiều người tị nạn chạy tràn sang khu đường biên với Trung Quốc. Nó cho thấy tình thế không có gì là yên ổn.

Khi Hoa Kỳ ngày càng tỏ thêm dấu hiệu muốn xem lại quan điểm cứng rắn trước đây với Miến, thì các tướng lĩnh có lẽ cảm thấy sự bảo hộ của Trung Quốc không còn là chuyện thiết cốt như trước.

Trong một mối quan hệ được xây dựng trên cơ sở quyền lợi mỗi bên, khi một đối tác thấy không còn có lợi để tiếp tục nữa, thì mối quan hệ sẽ chẳng thể tồn tại thêm được nữa.

**********************

source

BBC Vietnamese