Friday 18 June 2010

VN lên tiếng vì bị đưa vào danh sách các nước buôn người



Phúc trình hàng năm về nạn buôn người của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ

Phúc trình hàng năm về nạn buôn người của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ


Việt Nam hôm 16/6 đã lên tiếng bảo vệ các nỗ lực chống lại tình trạng buôn người tại nước này, sau khi bị Hoa Kỳ liệt vào danh sách các nước cần theo dõi về buôn người.

Mới đây, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã cáo buộc Việt Nam cùng một số nước khác tại Đông Nam Á như Singapore và Thái Lan không ngăn chặn tình trạng phụ nữ bị buộc phải hoạt động mại dâm.

Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga, nói rằng báo cáo của Hoa Kỳ về Việt Nam ‘mang tính chính trị và có những nhận xét không khách quan, không phản ánh đúng tình hình thực tế của Việt Nam, cho dù đã được phía Việt Nam cung cấp thông tin đầy đủ’.

Bà Nga cũng nhấn mạnh rằng Việt Nam ‘coi tội phạm buôn bán người, đặc biệt là buôn bán phụ nữ và trẻ em là tội phạm nguy hiểm, xâm hại nghiêm trọng đến quyền con người và ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của xã hội’.

Trong khi đó, Thông Tấn xã Việt Nam mới đây trích báo cáo của chính phủ nói rằng tình trạng buôn người đang gia tăng ở Việt Nam, và các băng nhóm tội phạm có tổ chức đang sử dụng các phương thức phức tạp hơn để tránh bị giới hữu trách phát hiện.

Kể từ năm 2005 cho tới nay, hơn 3.000 phụ nữ và trẻ em đã trở về Việt Nam sau khi bị buôn bán sang các nước khác.

Nguồn: AFP, MOFA

source

VOA Vietnamese

Tuesday 1 June 2010

Quảng Đông : Cái nôi của phong trào đấu tranh công nhân


TRUNG QUỐC -
Bài đăng : Thứ ba 01 Tháng Sáu 2010 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 01 Tháng Sáu 2010

Nhà máy Honda ở Phú Sơn
Reuters
Thụy My

Theo Le Monde, là tỉnh xuất khẩu nhiều nhất nước, Quảng Đông cũng là nơi xuất phát các phong trào đấu tranh cho quyền lợi của người lao động. Công nhân ở đây đa số là người nhập cư, được tổ chức rất tốt.

Một chuyên gia nhận xét : « Cuộc đình công tại Honda gây ngạc nhiên tột độ, và đồng thời cũng có mặt hạn chế. Đừng quên rằng tại Trung Quốc có nhiều khác biệt giữa các đơn vị khác nhau của cùng một tập đoàn công nghiệp, gây ra nhiều bất mãn. Công nhân nhập cư ở Quảng Đông không có được các điều kiện ưu đãi như công nhân là người địa phương ở các nhà máy xe hơi khác ».

Hàng trăm công nhân bắt đầu đình công từ ngày 17/5 để đòi tăng lương và cải thiện điều kiện lao động. Có nhiều yếu tố khác đã làm trầm trọng thêm vấn đề. Công ty đã từ chối tăng lương và lại gởi cán bộ đi tuyển dụng người ở nơi khác. Hai công nhân cầm đầu phong trào bị ngưng hợp đồng và các công nhân thời vụ đã bị làm áp lực phải cam kết không được tham gia đình công. Theo tờ South China Morning Post, cho đến sáng qua, công nhân vẫn chưa sẵn sàng hòa giải với ban giám đốc. Tờ Nhân dân Nhật báo trích lời một công nhân cho biết lương căn bản ở đây chỉ có trên 1.200 nhân dân tệ một tháng, tương đương 110 euro, sau khi trả tiền nhà, tiền ăn và các chi phí cần thiết khác, họ chỉ còn có khoảng 500 nhân dân tệ.

Trường hợp Honda và Foxconn cho thấy tình trạng căng thẳng trên thị trường lao động Trung Quốc, khi thiếu vắng cơ chế đại diện thực sự cho công nhân. Công đoàn trung ương chỉ gồm các cán bộ công ty, hoặc các viên chức nghiệp đoàn của nhà nước. Tổ chức phi chính phủ China Labour Bulletin có trụ sở tại Hongkong nhận xét : "Những năm gần đây hiện tượng công nhân tự ý đình công, bất chấp công đoàn chính thống xảy ra rất nhiều. Nhưng lần này thì lại là một nhà máy sản xuất phụ tùng cung ứng cho toàn bộ các nhà máy khác của Honda, và công nhân biết rằng họ sẽ có lợi thế khi thương lượng ».

Thông tín viên của báo Le Monde tại Thượng Hải nhận xét, khi phong tỏa nhà máy cung cấp toàn bộ các hộp số cho các kiểu xe Honda sản xuất tại Trung Quốc, các công nhân nhà máy linh kiện xe hơi Honda Phú Sơn đã thành công mỹ mãn. Tập đoàn xe hơi của Nhật Bản đã phải cho ngưng hoạt động cả bốn nhà máy khác ở Trung Quốc.

Hãng Honda xuất khẩu một số kiểu xe lắp ráp tại chỗ và hợp tác với hai công ty quốc doanh Trung Quốc để sản xuất một kiểu xe khác dành cho thị trường nội địa nước này. Doanh số trong 4 tháng đầu năm nay đã tăng 38%, và tập đoàn Nhật dự kiến đến năm 2012 sẽ tăng sản lượng tại Trung Quốc từ 650.000 chiếc xe một năm lên 830.000 chiếc.

Mỗi năm vẫn xảy ra hàng trăm cuộc bãi công tại Trung Quốc, cho dù Hiến pháp nước này không công nhận quyền đình công. Tuy nhiên rất hiếm khi xảy ra đình công trong ngành xe hơi và việc làm ngưng trệ toàn bộ hoạt động của một tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng như hãng Honda thì lại càng hiếm hoi hơn.

Trường hợp hãng Honda khá nhạy cảm vì nhà máy Phú Sơn là một trong bốn nhà máy của Honda trên thế giới là có vốn đầu tư 100% của hãng này, đáp ứng với chiến lược của chính quyền Bắc Kinh nhằm thu hút công nghệ cao. Báo chí Trung Quốc mới rụt rè đề cập đến việc đình công này, nay dường như đã nhận được lệnh phải cẩn trọng lời ăn tiếng nói hơn, trong thời điểm non một tuần nữa là đến dịp kỷ niệm vụ thảm sát Thiên An Môn, đề tài tối kỵ đối với Bắc Kinh. Mùa xuân cũng là thời điểm diễn ra các vụ đình công lớn tại các nhà máy dệt Nhật Bản năm 1925, và các cuộc biểu tình rầm rộ chống Nhật năm 2005 trước đây.

Một loạt những vụ tự tử mới đây tại nhà máy Foxconn, chuyên gia công cho tập đoàn Apple ở, đã đưa ra ánh sáng nỗi cơ cực của các thế hệ công nhân nhập cư mới. Bí thư đảng ủy Quảng Đông vào cuối tuần rồi đã phải nhắc nhở là « Công cuộc phát triển kinh tế trước hết phải đem lại lợi ích cho nhân dân».

Thượng Hải, đại đô thị với hố cách biệt giàu nghèo

Cũng liên quan đến Trung Quốc, bài điều tra của nhật báo L’Humanité đề cập đến « Thượng Hải năm 2010, những đổi thay của Rồng ».

Trong vòng gần hai mươi năm qua, Thượng Hải đã chuyển mình để trở thành một đại đô thị có 20 triệu dân với nhiều tham vọng. Tại đây có trụ sở của 230 tập đoàn đa quốc gia, và 274 trung tâm nghiên cứu phát triển ngoại quốc. Với Triển lãm Toàn cầu 2010, tốc độ phát triển của Thượng Hải lại càng thêm nhanh chóng. Cứ mỗi hai năm, lại có thêm một chiếc cầu mới nối liền thành phố cũ nơi bờ tây với khu vực mới ở bờ Đông, với hàng ngàn tòa nhà cao tầng bằng thép và kính trông chẳng khác Hongkong, Singapore hay New York.

Tuy nhiên cái giá phải trả về mặt xã hội cũng khá đắt. Hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng bị đào sâu thêm. Các nhà giàu mới là những người hưởng lợi từ các kế hoạch phát triển, trong khi giới công nhân, người thất nghiệp, hàng loạt người lao động nhập cư sống vất vả. Nhiều người, kể cả Bộ Tài chính, vẫn nghi ngại rằng tiền bạc từ kế hoạch tái kích thích nền kinh tế, và tín dụng dành cho các công ty chỉ được dùng để mua cổ phiếu và nuôi sống thị trường bất động sản, thay vì hỗ trợ cho nền kinh tế thực.

Một số khu phố cổ vẫn còn tồn tại, nhưng không biết duy trì được bao lâu nữa trước cơn sốt xây cao ốc mới. Những tiệm buôn nhỏ bé, những ngõ hẻm với những chiếc sào tre phơi quần áo, mùi hoành thánh, há cảo, và các cư dân mặc đồ ngủ qua lại, mới toát lên những nét đặc trưng của một Trung Hoa truyền thống, thu hút khách lãng du, chứ không phải các tòa nhà chọc trời, nhà hàng McDo hay tiệm càphê Starbuck.

Cách sống chung đụng của người dân trong hẻm từ lâu đã biến họ thành một cộng đồng khắng khít với nhau. Người ta ăn uống, chơi cờ, tâm sự …những chuyện từ thời Nhật chiếm đóng, thời cách mạng văn hóa cho đến vé vào cửa Triển lãm Toàn cầu, mà mỗi gia đình được phát không một chiếc. Việc tái định cư đối với nhiều người thật ra cũng tốt, vì diện tích chật chội khiến cho đôi khi phải đặt bàn cầu ở ngay nhà bếp, gập người lại mới leo lên được thang gác, rồi muỗi mòng, mưa dột…Mọi người chưa biết sẽ phải dời đi đâu, chắc chắn là đến các chung cư cao tầng ở ngoại ô, nhưng mong ước cả hẻm sẽ lại cùng ở gần nhau. Có những người hoàn toàn không muốn dời đi, cho rằng một phần hồn của mình đã gắn bó với khu phố cổ, cho dù ba gia đình phải dùng chung một bếp nấu.

Thế nhưng, dân số của đại đô thị này đang lão hóa : gần 22% trên 60 tuổi, và tỉ lệ này sẽ tăng lên 34% vào năm 2020. Một hậu quả khác của chính sách mỗi gia đình chỉ có một con là việc thiếu lao động. Những người lao động nhập cư đã lấp vào chỗ trống, nhưng họ lại bị rào cản hộ khẩu nên không được hưởng các phúc lợi xã hội, con cái không được đi học trường công. Vấn đề này trong tương lai có vẻ sáng sủa hơn. Ngày 1/3, mười ba tờ báo đã đồng loạt đăng cùng một bài xã luận, chỉ trích chính sách hộ khẩu là nguồn gốc của bất bình đẳng xã hội lớn lao giữa dân thành thị và nông thôn. Một sự đồng tình đáng ngạc nhiên của báo chí, chứng tỏ cuộc tranh luận đã được đưa ra công khai.

Quốc tế lên án vụ tập kích của Israel

Về thời sự quốc tế, vụ không kích đẫm máu của quân đội Israel nhắm vào một đoàn tàu chở hàng viện trợ quốc tế cho dải Gaza đã chiếm tựa lớn của tất cả các nhật báo Pháp hôm nay.

Le Monde nhấn mạnh đến « Sự phẫn nộ sau vụ tấn công của Israel vào đoàn tàu dành cho Gaza », đã làm ít nhất 10 người chết và hơn chục người bị thương. Nhật báo cánh tả Libération chạy tựa « Israel, nhà nước hải tặc », cho biết các nước đều nhất trí lên án hành động này. Tờ báo cộng sản L’Humanité công kích « Khủng bố cấp Nhà nước ở biển khơi », trong khi nhật báo cánh hữu Le Figaro nhận định « Israel bị cô lập sau vụ tấn công ngoài khơi Gaza ». Tương tự, tờ báo công giáo La Croix đề cập đến « Áp lực đè nặng lên Israel sau vụ đột kích đẫm máu ».

Asus chuẩn bị tung ra « iPad killer »

Quay lại với châu Á nhưng trên lãnh vực kỹ thuật, nhật báo kinh tế Les Echos cho biết, tập đoàn Asus của Đài Loan đã hé mở các thông tin về chiếc máy tính bảng EeePad, đối thủ cạnh tranh tương lai với iPad của tập đoàn Apple, mà tờ báo này gọi là « iPad killer ».

Nhân dịp khai mạc Hội chợ Tin học Thế giới tại Đài Loan hôm nay, nhà sản xuất máy tính đứng hàng thứ năm thế giới đã giới thiệu cho hàng trăm nhà báo quốc tế sản phẩm mới sẽ được tung ra thị trường vào quý 1 năm 2011. Với hai phiên bản wifi và 3G, chiếc máy tính bảng EeePad có màn hình từ 10 đến 12 feet, trong khi iPad chỉ có 9,7 ; và nặng 675 gam. Chiếc máy này có đầy đủ các ứng dụng của iPad như internet, video, xem hình, đọc truyện…và lại có thêm cổng USB và flash. Đặc biệt giá cả hết sức cạnh tranh : chỉ từ 199 đô la đến 449 đô la ; trong khi giá thấp nhất của iPad là 499 đô la. Tập đoàn Asus cũng cho biết đã triển khai 2.000 ứng dụng cho chiếc máy này.

Tin này được tung ra trong bối cảnh các nhà phân phối iPad đang than phiền về các điều kiện ngặt nghèo do Apple áp đặt, cũng như việc tập đoàn này dành ưu tiên bán iPad cho các cửa hàng của chính họ và trên trang web Apple.

source

RFI Vietnamese