Saturday 27 March 2010

Hoa Kỳ và Nga đạt được hiệp ước mới về cắt giảm vũ khí hạt nhân


QUỐC TẾ -
Bài đăng : Thứ bảy 27 Tháng Ba 2010 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 27 Tháng Ba 2010
Hoa Kỳ và Nga đạt được hiệp ước mới về cắt giảm vũ khí hạt nhân
Cùng với Ngoại Trưởng Clinton (T) và Bộ Trưởng Quốc Phòng Gates (P), Tổng Thống Mỹ thông báo về Hiệp ước START mới tại Nhà Trắng ngày 26/3/2010
REUTERS/Jim Young
Thanh Phương

Sau nhiều tháng đàm phán, trong cuộc điện đàm hôm 26/03/2010, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Dmitri Medvedev đã thỏa thuận là hai nước sẽ ký hiệp ước được đặt tên START mới, thay thế cho hiệp ước START 1 ký vào năm 1991. Lễ ký kết hiệp ước START mới sẽ diễn ra ngày 08/04 tại Praha, nơi mà cách đây gần đúng một năm, tổng thống Obama đã trình bày tham vọng của ông về một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Theo phía Hoa Kỳ, hiệp ước START mới quy định là kho vũ khí của mỗi nước sẽ được giới hạn ở mức 1.550 đầu đạn hạt nhân, tức là giảm 74% so vớI hiệp ước START 1 và giảm 30% so vớI hiệp ước Matxcơva ký kết năm 2002. Con số các phương tiện mang đầu đạn hạt nhân, như tên lửa xuyên lục điạ, tàu ngầm và oanh tạc cơ, được giới hạn ở mức 800 cho mỗi nước. ThờI hạn của hiệp ước là 10 năm tính từ ngày bắt đầu có hiệu lực, sau khi được Quốc hội của hai nước phê chuẩn.

Tuyên bố với các phóng viên tại Nhà Trắng hôm qua, tổng thống Obama cho rằng : ''VớI hiệp ước này, Hoa Kỳ và Nga chứng tỏ là họ sẵnn sàng dẫn đường cho cuộc chiến chống phổ biến hạt nhân''. Về phần điện Kremly thì nhận định rằng: ''Hiệp ước mới nâng mức hợp tác Nga-Mỹ trong việc phát triển các mối quan hệ chiến lược mới''.

Còn chính giới và người dân Nga phản ứng như thế nào về hiệp ước START mới, từ Matxcơva, thông tín viên Hoàng Dung tường trình:

"Theo đánh giá của giới bình luận chính trị Nga, Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược lần này đã được thỏa thuận với những cố gắng nhân nhượng của cả hai phía. Ông Viktor Esin, trung tướng, cựu tổng tư lệnh các lực lượng tên lửa chiến lược của Nga đánh giá, cả Nga và Mỹ đã chịu bỏ bớt yêu cầu của mình để đạt được bản hiệp ước này, vì nó có lợi cho cả hai bên.

Bản hiệp ước này có lợi cho cả hai bên, vì cả hai cường quốc hạt nhân đều hiểu rằng, nếu họ không đi đầu trong việc cắt giảm vũ khí hạt nhân thì không hy vọng gì các quốc gia khác giải trừ quân bị và tiến đến một thế giới không có vũ khí hạt nhân trong tương lai.

Để hiệp ước này có hiệu lực, nó phải được Hạ viện Duma và sau đó đến Thượng viện của Nga phê chuẩn. Các nghị sĩ Nga cho rằng hiệp ước này sẽ được phê chuẩn không mấy khó khăn. Ông trưởng ban đối ngoại Thượng viện Nga Mikhail Margelov cho biết, ngày 20/4 tới đây Ủy ban thượng viện của Nga sẽ bay sang Washington để họp với Ủy ban thượng viện Hoa Kỳ về vấn đề này. Ông cho rằng hiệp ước sẽ được phê chuẩn trước tháng 11 năm nay. Ông đánh giá rằng bản hiệp ước này là cố gắng chung của hai nước để gìn giữ hòa bình chứ không phải là món quà của Thượng viện Mỹ cho dân Nga, hay món quà của Thượng viện Nga cho người dân Mỹ.

Các nhà chính trị khác của Nga cho rằng, bản hiệp ước này cần cho nước Nga, thứ nhất vì để lấy lại hình ảnh một chiến sỹ cho hòa bình và đầy thiện chí trong thế giới phương Tây. Thứ hai vì họ cũng cần cắt giảm chi phí để gìn giữ một kho vũ khí lớn như vậy. Thứ ba là Nga đã đạt được những điều họ mong muốn là ràng buộc giữa vũ khí tấn công chiến lược và vũ khí phòng thủ, nên không có lý do gì để trì hoãn phê chuẩn bản hiệp ước này hơn nữa.

Vấn đề giải trừ quân bị đã là một trong những vấn đề thế giới nóng bỏng từ những năm 1980, và từ đó đến nay dân chúng Nga luôn mong rằng tiến trình đó được tiếp diễn để hiểm họa cuộc chiến tranh nguyên tử bị đẩy ra xa.

Mặc dù phía Nga đã phải có những nhân nhượng, nhưng nhìn chung Nga đã đạt được phần lớn những yêu cầu của họ: ràng buộc vũ khí chiến lược và phòng thủ, cắt giảm theo nguyên tắc số lượng vũ khí còn lại bằng nhau, nên họ không có gì để cảm thấy mình bị thua thiệt trong việc ký kết hiệp ước này.

Theo hiệp ước lần này, kho vũ khí của hai bên sẽ bị cắt giảm 30%, mỗi bên còn lại 1550 đầu đạn, 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và tên lửa đạn đạo cho tầu ngầm, 800 phương tiện chuyên chở các tên lửa này.

Ngay cả các nhà chính trị cũng hài lòng với bản hiệp ước này. Bộ trưởng ngoại giao Nga, ông Lavrov đánh giá bản hiệp ước này đưa ra một vị trí rất công bằng cho các bên. Mỗi bên vẫn có quyền tự quyết những vấn đề của mình, và số vũ khí phòng thủ chiến lược của mỗi bên vẫn còn đủ ở mức đảm bảo nền an ninh của mỗi nước và vô hiệu hóa những vũ khí tấn công của đối phương''.

source

RFI Vietnamese

Thursday 18 March 2010

Hội Địa lý Quốc gia Mỹ thay đổi chú thích về Hoàng Sa trên bản đồ


Ngày 26.03.2010 Giờ 11:37

Hội Địa lý Quốc gia Mỹ thay đổi chú thích về Hoàng Sa trên bản đồ

Bản đồ đã được National Geographic chỉnh lại về tên gọi quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands).

Sau khi có các phản ứng của Việt Nam về vụ chú thích về quần đảo Hoàng Sa trên bản đồ của hội Địa lý Quốc gia Mỹ, ngày 25.3.2010, hội đồng chính sách bản đồ của hội Địa lý Quốc gia Mỹ đã họp để thảo luận những chi tiết cụ thể về vấn đề Hoàng Sa.

Dựa trên những thông tin và nghiên cứu tốt nhất hiện nay, hội đồng chính sách bản đồ đã quyết định nguyên tắc để tên quần đảo Hoàng Sa trên các bản đồ của hội (trên website www.nationalgeographic.com) được thay đổi như sau:

- Các bản đồ thế giới cỡ nhỏ: sử dụng tên thông dụng với Hoàng Sa là Paracel Islands, bỏ qua những thông tin về chủ sở hữu.
- Các bản đồ vùng, lục địa và khu vực cỡ lớn: sử dụng tên thông dụng - Paracel Islands. Có chú thích về chủ quyền: bị chiếm giữ bởi Trung Quốc vào năm 1974; nước này gọi quần đảo là Xisha Qundao; Việt Nam đang đòi chủ quyền, nước này gọi là Hoàng Sa (chữ Hoàng Sa viết đầy đủ, có dấu tiếng Việt trong thông cáo báo chí của hội).

P.V

source

http://sgtt.com.vn/Detail3.aspx?ColumnId=3&newsid=64787&fld=HTMG/2010/0326/64787


Hội Địa Lý Quốc Gia Mỹ thừa nhận thiếu sót về Hoàng Sa
VIỆT NAM -
Bài đăng : Thứ năm 18 Tháng Ba 2010 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 18 Tháng Ba 2010

Trên bản đồ châu Á - Thái Bình Dương năm 1989, NGS còn dùng tên quốc tế Paracel để chỉ Hoàng Sa với ghi chú "Trung Quốc quản lý - Việt Nam đòi chủ quyền". Ảnh chụp ngày 18/3/2010.
NGS
Đức Tâm

Ngày 16/03/2010, trên trang web của Hội Địa Lý Quốc Gia Mỹ, NGS, có đăng thông báo về vấn đề gọi tên quần đảo Hoàng Sa trên bản đồ của Hội. Sau khi khẳng định Hội là một tổ chức phi chính trị, phi lợi nhuận, NGS xác nhận là quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc chiếm và quản lý từ năm 1974. Vì lý do đó trên bản đồ, Hội đã chỉ ghi tên Trung Quốc phía dưới quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên, Hội Địa Lý Mỹ cũng thừa nhận thiếu sót khi chỉ ghi tên Trung Quốc vào quần đảo Hoàng Sa trên bản đồ.

NGS giải thích rằng trên các bản đồ khu vực và các bản đồ khác, nếu có kích cỡ đủ lớn, thì Hội đôi khi có ghi quần đảo này theo tên gọi của Việt Nam là Hoàng Sa hoặc tên gọi truyền thống là Paracel, đi kèm với những chú giải là Trung Quốc chiếm đóng và quản lý quần đảo, Việt Nam đòi chủ quyền đối với quần đảo này. Hội cho rằng mọi người đều biết thực tế nói trên.

NGS cho biết là vừa qua đã nhận được nhiều thư kiến nghị liên quan đến việc ghi tên quần đảo trên bản đồ thế giới của Hội. Do tỷ lệ bản đồ nhỏ, nên khó có thể đưa thêm các thông tin chi tiết đối với một hòn đảo nhỏ như Paracel. NGS đã xem xét kỹ lưỡng lại tình hình và thừa nhận rằng việc chỉ ghi quần đảo này với tên gọi của Trung Quốc và chữ « Trung Quốc – China » trong ngoặc đơn mà không có lời giải thích nào thì có thể dẫn đến hiểu lầm và diễn giải sai lệch.

NGS hứa là trong tương lai sẽ bổ xung giải thích trên các bản đồ khác hoặc Hội sẽ không ghi tên phía dưới quần đảo này.

Báo chí trong nước nhấn mạnh là Hội Địa Lý Quốc Gia Mỹ đã thừa nhận sai sót nhưng cho rằng các giải thích của Hội là chưa thỏa đáng. Việc chuyển từ chỗ chỉ ghi tên gọi Trung Quốc sang khả năng không ghi gì cả trên bản đồ đối với quần đảo Hoàng Sa là không thể chấp nhận được bởi vì Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý và lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa.

source

RFI Vietnamese

Tuesday 16 March 2010

Phương Tây trước bài toán Trung Quốc



Chuyến thăm của Ngoại trưởng Anh David Miliband tới Trung Quốc trùng khớp với cảm giác đang tăng ở phương Tây rằng nỗ lực đưa Trung Quốc vào hệ thống ngoại giao và buôn bán toàn cầu đang không được như ý.

Có những vấn đề trước mắt - trị giá đồng tiền Trung Quốc, tranh cãi về trừng phạt với Iran, cãi vã giữa Mỹ và Trung Quốc về Đài Loan, thương mại và Tây Tạng, tranh luận về ấm nóng toàn cầu.

Và cả vấn đề lâu dài hơn - Trung Quốc sẽ đóng vai trò gì trong tư cách đại cường ngoại giao và kinh tế. Liệu nước này sẽ tiếp tục thỏa mãn nép mãi đằng sau trong công việc quốc tế, để đẩy mạnh việc sản xuất và tìm nguyên liệu thô khắp thế giới?

Chuyến thăm của ông Miliband sẽ không đem lại những câu trả lời tức thì. Đối phó với Trung Quốc đòi hỏi cái nhìn dài hạn. Người Trung Quốc cũng có cái nhìn dài như thế. Trung Quốc cũng đã chờ cả thế kỷ để lấy lại Hong Kong.

Phương Tây sẽ phải chờ xem Trung Quốc biến chuyển thế nào, có khi cả nhiều thập niên.

Chủ nghĩa bảo hộ

Nhưng chuyến thăm kiểu này bộc lộ một số bằng chứng về thái độ của Trung Quốc và cơ hội để giải thích cho các lãnh đạo Trung Quốc.

Ông Miliband đã làm điều đó trên phương diện kinh tế trong bài diễn văn tại Thượng Hải hôm thứ Hai, khi ông chống lại chủ nghĩa bảo hộ.

Ông nói: "Nguy hiểm là nếu tăng trưởng tiếp tục chững lại, các nhà nước sẽ không thể nhờ tới công cụ tiền tệ và tài chính để hỗ trợ công nghiệp và có thể xem chủ nghĩa bảo hộ là cứu cánh."

Trung Quốc biết chờ thời - đã đợi một thế kỷ để lấy lại Hong Kong

Trung Quốc có thể không bị thuyết phục. Chỉ một ngày trước đó, sau phiên họp cả tuần của Quốc hội, Thủ tướng Ôn Gia Bảo nói ông không hiểu được "việc hạ giá tiền tệ của chính mình và cố thúc các nước khác tăng giá tiền của họ, chỉ để cải thiện xuất khẩu".

Trung Quốc cũng biết rằng nếu chi phí xuất khẩu hàng tiêu dùng bị đẩy lên thì sẽ dẫn tới việc tăng giá sinh hoạt ở nhiều nước phương Tây, một điều sẽ chẳng được lòng dân ở các nước đó. Vì thế Trung Quốc đã chuẩn bị vài lá bài.

Trên nhiều lĩnh vực, có dấu hiệu là Trung Quốc quyết tâm chứng tỏ họ không phải là dễ bị ép.

Nhưng nước này dường như cũng không muốn bị xem là chướng ngại.

Trừng phạt Iran

Hành động cân bằng này trở nên mong manh nhất khi bàn tới Iran.

Iran tiếp tục bỏ qua đòi hỏi của Cơ quan Nguyên tử Năng Quốc tế và Hội đồng Bảo an LHQ rằng nước này phải ngừng làm giàu uranium.

Trung Quốc đồng ý rằng Iran cần tuân thủ, nhưng ít nhất đến nay vẫn chưa đồng ý rằng đã tới lúc có vòng trừng phạt cứng rắn hơn với Iran.

Mỹ và các đồng minh muốn có cơ chế trừng phạt do Hội đồng Bảo an áp đặt, mà đây là nơi Trung Quốc và Nga có quyền phủ quyết.

Nga đã ngần ngại nhưng nay có vẻ sẵn lòng làm theo. Nếu Nga làm theo, các nhà ngoại giao phương Tây hy vọng Trung Quốc cũng sẽ đồng ý.

Vấn đề là để Trung Quốc đồng ý lên thuyền, thì phải làm thuyền nhẹ đi bằng cách bỏ bớt một số trừng phạt nặng hơn - ví dụ chống lại ngành dầu hỏa và khí đốt của Iran, mà vốn bán nhiều cho Trung Quốc.

Nhưng để Trung Quốc đồng ý, hay bỏ phiếu trắng ở Hội đồng Bảo an, thì sẽ làm gia tăng ảnh hưởng ngoại giao.

Sir Percy Cradock, nhà ngoại giao Anh thương lượng cho việc chuyển giao Hong Kong cho Trung Quốc, có lần đưa ra lời khuyên về thực tế đối phó với Trung Quốc.

Nói với các nhà báo tại một buổi gặp ở sứ quán Anh ở Bắc Kinh, ông bình phẩm rằng với Trung Quốc, "ta phải dõi mắt nhìn bóng, chứ không phải nhìn đám đông".

Lúc đó, quả bóng là việc xây một phi trường mới cho Hong Kong, mà sau này đã được thông qua.

Sir Percy nói: "Đó là phần thưởng." Thế còn các vấn đề khác, ví dụ như nhân quyền?

Ông trả lời với nụ cười: "Chuyện phiếm."

source

BBC Vietnamese

Saturday 13 March 2010

Thiên tai và Nhân họa tại Haiti


January 15, 2010


Nguyễn Xuân Nghĩa-Việt Tribune

Vừa bước vào năm mới, thủ đô Port-au-Prince của xứ Haiti đã bị một trận động đất với cường độ 7.0 trên địa chấn kế.

Từ dinh Tổng thống đến trụ sở Liên hiệp quốc, nhà thờ, nhà thương, nhà tù, khu ổ chuột, xóm nhà lá,... nơi nào cũng bị thiệt hại và Thủ tướng Jean-Max Bellerive dự đoán số tử vong sẽ vượt trăm ngàn người. Nhiều chuyên gia cũng xác nhận như vậy vì tâm điểm cùa động đất ở quá gần. Sau cơn địa chấn, hàng loạt những trận dư chấn vẫn còn làm thủ đô rung chuyển…

Quang cảnh thủ đô Port-au-Prince, Haiti sau trận động đất tại ngày 14 tháng 1/2010.Logan Abassi/MINUSTAH via Getty Images

Các quốc gia và tổ chức quốc tế lập tức phát động kế hoạch cứu trợ, nhưng với nạn nhân đang bị vùi dưới gạch vụn thì việc cấp cứu vẫn là quá chậm. Và họ oán chính quyền, khi đó cũng đang bị chấn động vì công sở có khi đã sụp đổ, việc liên lạc để thẩm định và ứng phó bị cản trở.

Trận động đất chỉ là một trong nhiều tai họa đã giáng xuống đảo quốc nằm trong vịnh Caribbean, giữa Cuba và sát với Cộng hoà Dominican, cách Florida của Hoa Kỳ có mấy trăm cây số.

Haiti là một xứ không may, một bậc thềm của địa ngục ngay từ lịch sử.

Trong cái trớn của cuộc Cách mạng Pháp, và sau 13 năm chiến tranh, Haiti tuyên bố độc lập với Đế quốc Pháp vào năm 1804. Lực lượng nổi dậy là gốc nô lệ từ Phi châu, họ đánh đuổi các thành phần địa chủ và lãnh tụ chính trị của chế độ thực dân. Đây là cuộc khởi nghĩa thành công đầu tiên của dân nô lệ trên thế giới, và để thành lập một quốc gia đầu tiên do dân nô lệ cầm quyền trên Tây bán cầu.

Chính là thành tích ấy mới khiến các đế quốc khác và giới khai thác nô lệ trên các thuộc địa Âu châu tại Trung Nam Mỹ mới lo ngại. Họ tránh không liên lạc và công nhận Haiti. Hoa Kỳ chỉ chính thức công nhận xứ này năm 1860, sau khi nước Mỹ đã vượt qua trận Nội chiến vì muốn xoá bỏ chế độ nô lệ.

Ngoại kiều vội vã lên tàu bay rời thủ đô Port-Au-Prince, Haiti sau cơn địa chấn. Getty Images

Bị cô lập quá lâu như vậy, Haiti chật hẹp, nghèo nàn và thưa thớt dân cư càng khó phát triển nhờ buôn bán và liên lạc với bên ngoài. Chẳng hạn, để xuất cảng một chút nông sản qua Pháp, Haiti phải bồi thường tiền truất hữu đất đai của các địa chủ Pháp. Vốn chỉ trồng mía, xứ này hết nhân công nô lệ cho các ruộng mía và đất đai giành lại được thì chia thành từng mảnh nhỏ cho cư dân cào xới qua ngày.

Tai họa thứ hai là nạn… độc tài nội hóa của các lãnh tụ. Nổi tiếng nhất là cha con Francois và Jean-Claude Duvalier (“Papa Doc”và “Baby Doc”) theo nhau cai trị từ 1957 đến 1986. Triều đại này còn có lực lượng bảo vệ là “Dân quân Thiện nguyện”, khét tiếng dưới hỗn danh là “Tontons Macoutes”, những hung thần chỉ nhận lệnh từ cha con Duvalier, và có toàn quyền sinh sát. Kế tiếp ba chục năm hắc ám của hai lãnh tụ này là hơn hai chục năm hỗn loạn với các tướng tá rồi các tổng thống được dân bầu lên mà không có thực quyền, và lại bị lật đổ. Trước đương kim Tổng thống là René Preval thì có Jean-Bertrand Aristide, được bầu lên hai lần và bị lật đổ hai lần.

Bị cô lập, bị bỏ đói, rồi bị nội loạn vì các lãnh tụ tranh quyền, Cộng hòa Haiti cứ vậy mà chìm xuống đáy. Có mức sống dân cư thấp nhất Tây bán cầu, đứng đầu thế giới về tệ nạn tham nhũng Haiti cũng là hang ổ của buôn lậu và băng đảng tội ác, gần phân nửa dân số 10 triệu vẫn còn thất học. Xã hội là nơi du đãng tung hoành, nếu không bị loạn vì đảo chánh. Tài sản quốc gia thì tập trung trong tay một thiểu số, sống rất vương giả tại các thành phố.

Vì nằm tại một vị trí địa dư chiến lược đối với Hoa Kỳ, Haiti thường xuyên được Mỹ chiếu cố, và đưa quân can thiệp nhiều lần, như vào các năm 1915-1934 hoặc năm 1994 dưới thời Tổng thống Clinton. Haiti là cửa ngõ của thương thuyền Hoa Kỳ từ vùng châu thổ sông Mississippi tiến ra các thị trường quốc tế và xuống tới Mỹ châu La tinh, nhưng cũng có thể là trạm trung chuyển ma túy từ Nam Mỹ vào thị trường Hoa Kỳ. Chưa nói đến di dân nhập lập hay các băng đảng tội ác. Vì vậy, Chính quyền nào tại Washington cũng phải quan tâm đến Haiti.

Không chỉ bị tai họa do con người gây ra, Haiti còn là nơi thường xuyên bị thiên tai vì yếu tố địa dư khí hậu. Haiti nằm trên đường quét của các trận bão nhiệt đới, từ Đại Tây dương thồi vào trước khi tới Cuba, Mexico hoặc quạt lên hướng Tây-Bắc vào lãnh thổ Hoa Kỳ. Lãnh thổ với diện tích rừng bị tiêu hủy càng dễ bị tàn phá bởi cuồng phong, lũ lụt. Đã thế, xứ này lại nằm trên lằn rãnh giữa hai tảng địa chất ưa cọ sát, và gây ra động đất. Cơn địa chấn 12 tháng Giêng vừa rồi là một cú cựa mình kinh hoàng của thiên nhiên.

Trận động đất sau Giáng sinh 2004 là một thiên tai hãi hùng gây tử vong cho gần 230 ngàn người tại 14 nước Á châu, nặng nhất là tại Indonesia, một quốc gia quần đảo vừa bị khủng hoảng kinh tế và chính trị thời 1998-1998. Nhưng thiên tai không đánh gục Indonesia và xứ này đã đứng dậy, tiếp tục cải cách về kinh tế và chính trị cho dân chủ và công bằng hơn. Dù là nhỏ xíu so với Indonesia, Haiti lại không được như vậy.

Vì thế, trong những ngày tới, quốc tế phải ra sức cấp cứu và tái thiết, một công trình sẽ mất vài năm mới tạm hoàn thành. Để đi tới đâu? Trở về chốn cũ, với thiên tai và nhân hoạ sẽ là cái nghiệp? Sau trận động đất, nhiều băng đảng ma túy động ổ sẽ tìm cách lưu vong, nhiều người dân cũng sẽ nghĩ kế vượt biên. Và Hoa Kỳ có thể là bãi đáp, vì gần 13% dân Haiti hải ngoại đang sống tại Mỹ. Cơ quan viện trợ USAID của bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sẽ rất bận rộn trong những ngày tới.

Nhưng rồi bộ Ngoại giao sẽ phải nghĩ đến những năm tới.[NXN]

source

Viet Tribune Online

Wednesday 10 March 2010

Mỹ hậu thuẫn cho 1 diễn đàn đa phương về tranh chấp biển Đông



Hình: AP

Cờ Trung Quốc tại biển Đông


Hoa Kỳ bày tỏ hậu thuẫn cho việc thông qua một diễn đàn đa phương để tìm kiếm một giải pháp cho vụ tranh chấp ở Biển Đông.

Lập trường này được Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Á Châu Thái Bình Dương, ông Kurt Campbell, trình bày tại cuộc họp báo ở Malaysia hôm thứ tư ngày 10 tháng 3 năm 2010.

Khi được hỏi là Hoa Kỳ có hậu thuẫn cho những nỗ lực của Việt Nam để thương lượng cho một giải pháp về vấn đề ở Biển Đông hay không, ông Campbell nói rằng “Lập trường của chúng tôi đối với những vấn đề này tồn tại từ lâu. Chúng tôi có những quyền lợi quan yếu về tự do hàng hải, tự do biển cả. Chúng tôi hoan nghênh sự cam kết của Trung Quốc hồi gần đây về việc chủ động giao tiếp trở lại trong vấn đề Bộ qui tắc Ứng xử (Code of Conduct). Quan điểm tổng quát của chúng tôi là chúng tôi nghĩ rằng tiến trình tốt nhất để giải quyết những vấn đề này là một khung cảnh đa phương, kể cả ASEAN như một thực thể thống nhất.”

Ông Campbell cho biết như thế trong lúc Trung Quốc tỏ ý phản đối điều mà họ gọi là mưu toan của Việt Nam nhằm “quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông, nơi có tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan, Philippines, Malaysia, và Brunei.

Nguồn: US State Department

source

VOA Vietnamese

Monday 8 March 2010

Một cựu điệp viên Bắc Triều Tiên tiết lộ nhiều bí mật của Bình Nhưỡng



Trọng Nghĩa

Bài đăng ngày 06/03/2010 Cập nhật lần cuối ngày 06/03/2010 15:35 TU

Lính biên phòng Bắc Triều Tiên trong khu vực biên giới Chongsong, giáp với Trung Quốc, ngày 15/06/2009Ảnh : Reuters

Lính biên phòng Bắc Triều Tiên trong khu vực biên giới Chongsong, giáp với Trung Quốc, ngày 15/06/2009
Ảnh : Reuters

Năm nay đã 75 tuổi, trước khi đào thoát, Kim Jong Ryul mang cấp bậc đại tá. Trong một quyền sách mang tựa đề ''Phục vụ nhà độc tài'' vừa công bố tại Áo, cựu điệp viên Bắc Triều Tiên đã tiết lộ rất nhiều bí mật liên quan đến chế độ Bình Nhưỡng

Ông đã từng ngược xuôi Châu Âu trong vòng 20 năm để đặt mua súng ống và xa xỉ phẩm cho các lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Chính cuộc sống xa hoa phè phỡn của giới lãnh đạo Bình Nhưỡng, trong lúc dân chúng bị lâm vào hoàn cảnh đói khổ đã thúc đảy ông từ bỏ chế độ.

Sau hai mươi năm chuyên đi mua các loại hàng hóa sang trọng và vũ khí cho các nhà độc tài Bắc Triều Tiên, ông Kim Jong Ryul đã đào thoát và sinh sống tại Vienna, Áo từ năm 1994.

Cuốn sách mang tựa « Phục vụ cho nhà độc tài » vừa xuất bản tuần này đã làm ông bỗng chốc bước ra ánh sáng, với nguy cơ tính mạng bị đe dọa. Vốn là đảng viên trung thành và nói thông thạo tiếng Đức, đại tá Kim Jong Ryul trong những chuyến đi châu Âu đã tìm mua được các loại thiết bị gián điệp tinh vi, vũ khí, máy bay loại nhỏ.

Bên cạnh đó còn có những chiếc xe hơi sang trọng, những chiếc thảm đẳt tiền, thậm chí một khẩu súng mạ vàng cho nhà độc tài Kim Il Sung. Ông thường đi Áo vì tại đây ngân hàng giữ bí mật thông tin, thương mại tự do và kiểm tra tại sân bay lơi lỏng hơn.

Những thiết bị do thám bị cấm xuất khẩu, súng săn và điện thoại gây nhiễu thường được trữ trong tầng hầm của đại sứ quán Bắc Triều Tiên tại Vienna. Các mặt hàng này sau đó được thay bao bì, đưa ra khỏi Áo nhờ các giấy tờ giả và hối lộ cho các nhân viên hải quan.

Chán ghét sự dối trá của Bình Nhưỡng, cuộc sống xa hoa của giới lãnh đạo trong lúc nhân dân đói khổ, trong một chuyến đi Áo ông đã dùng kế giả chết để ở lại Vienna, mà không cho gia đình hay biết. Ông hy vọng sau cái chết của nhà độc tài Kim Il Sung năm 1994, chế độ cộng sản sẽ sụp đổ và sẽ được trở về nước.

Nhưng ông đã thất vọng sau 15 năm chờ đợi, và cuốn sách trên đây cùng viết với hai nhà báo Áo là một sự an ủi cho ông. Tuy nhiên ông cũng bày tỏ nỗi lo ngại sẽ bị Bắc Triều Tiên bắt giữ hay sát hại, và cho biết có thể sẽ sống trốn tránh như cũ.

source

RFI Vietnamese

Monday 1 March 2010

Động đất ở Chile


Cập nhật: 12:19 GMT - chủ nhật, 28 tháng 2, 2010
source
BBC Vietnamese


Tổng thống Michelle Bachelet thị sát một số khu vực bị thiệt hại nặng nề nhất bằng trực thăng. Bà cho biết có tới hai triệu người có thể bị ảnh hưởng.