Saturday 27 March 2010

Hoa Kỳ và Nga đạt được hiệp ước mới về cắt giảm vũ khí hạt nhân


QUỐC TẾ -
Bài đăng : Thứ bảy 27 Tháng Ba 2010 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 27 Tháng Ba 2010
Hoa Kỳ và Nga đạt được hiệp ước mới về cắt giảm vũ khí hạt nhân
Cùng với Ngoại Trưởng Clinton (T) và Bộ Trưởng Quốc Phòng Gates (P), Tổng Thống Mỹ thông báo về Hiệp ước START mới tại Nhà Trắng ngày 26/3/2010
REUTERS/Jim Young
Thanh Phương

Sau nhiều tháng đàm phán, trong cuộc điện đàm hôm 26/03/2010, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Dmitri Medvedev đã thỏa thuận là hai nước sẽ ký hiệp ước được đặt tên START mới, thay thế cho hiệp ước START 1 ký vào năm 1991. Lễ ký kết hiệp ước START mới sẽ diễn ra ngày 08/04 tại Praha, nơi mà cách đây gần đúng một năm, tổng thống Obama đã trình bày tham vọng của ông về một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Theo phía Hoa Kỳ, hiệp ước START mới quy định là kho vũ khí của mỗi nước sẽ được giới hạn ở mức 1.550 đầu đạn hạt nhân, tức là giảm 74% so vớI hiệp ước START 1 và giảm 30% so vớI hiệp ước Matxcơva ký kết năm 2002. Con số các phương tiện mang đầu đạn hạt nhân, như tên lửa xuyên lục điạ, tàu ngầm và oanh tạc cơ, được giới hạn ở mức 800 cho mỗi nước. ThờI hạn của hiệp ước là 10 năm tính từ ngày bắt đầu có hiệu lực, sau khi được Quốc hội của hai nước phê chuẩn.

Tuyên bố với các phóng viên tại Nhà Trắng hôm qua, tổng thống Obama cho rằng : ''VớI hiệp ước này, Hoa Kỳ và Nga chứng tỏ là họ sẵnn sàng dẫn đường cho cuộc chiến chống phổ biến hạt nhân''. Về phần điện Kremly thì nhận định rằng: ''Hiệp ước mới nâng mức hợp tác Nga-Mỹ trong việc phát triển các mối quan hệ chiến lược mới''.

Còn chính giới và người dân Nga phản ứng như thế nào về hiệp ước START mới, từ Matxcơva, thông tín viên Hoàng Dung tường trình:

"Theo đánh giá của giới bình luận chính trị Nga, Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược lần này đã được thỏa thuận với những cố gắng nhân nhượng của cả hai phía. Ông Viktor Esin, trung tướng, cựu tổng tư lệnh các lực lượng tên lửa chiến lược của Nga đánh giá, cả Nga và Mỹ đã chịu bỏ bớt yêu cầu của mình để đạt được bản hiệp ước này, vì nó có lợi cho cả hai bên.

Bản hiệp ước này có lợi cho cả hai bên, vì cả hai cường quốc hạt nhân đều hiểu rằng, nếu họ không đi đầu trong việc cắt giảm vũ khí hạt nhân thì không hy vọng gì các quốc gia khác giải trừ quân bị và tiến đến một thế giới không có vũ khí hạt nhân trong tương lai.

Để hiệp ước này có hiệu lực, nó phải được Hạ viện Duma và sau đó đến Thượng viện của Nga phê chuẩn. Các nghị sĩ Nga cho rằng hiệp ước này sẽ được phê chuẩn không mấy khó khăn. Ông trưởng ban đối ngoại Thượng viện Nga Mikhail Margelov cho biết, ngày 20/4 tới đây Ủy ban thượng viện của Nga sẽ bay sang Washington để họp với Ủy ban thượng viện Hoa Kỳ về vấn đề này. Ông cho rằng hiệp ước sẽ được phê chuẩn trước tháng 11 năm nay. Ông đánh giá rằng bản hiệp ước này là cố gắng chung của hai nước để gìn giữ hòa bình chứ không phải là món quà của Thượng viện Mỹ cho dân Nga, hay món quà của Thượng viện Nga cho người dân Mỹ.

Các nhà chính trị khác của Nga cho rằng, bản hiệp ước này cần cho nước Nga, thứ nhất vì để lấy lại hình ảnh một chiến sỹ cho hòa bình và đầy thiện chí trong thế giới phương Tây. Thứ hai vì họ cũng cần cắt giảm chi phí để gìn giữ một kho vũ khí lớn như vậy. Thứ ba là Nga đã đạt được những điều họ mong muốn là ràng buộc giữa vũ khí tấn công chiến lược và vũ khí phòng thủ, nên không có lý do gì để trì hoãn phê chuẩn bản hiệp ước này hơn nữa.

Vấn đề giải trừ quân bị đã là một trong những vấn đề thế giới nóng bỏng từ những năm 1980, và từ đó đến nay dân chúng Nga luôn mong rằng tiến trình đó được tiếp diễn để hiểm họa cuộc chiến tranh nguyên tử bị đẩy ra xa.

Mặc dù phía Nga đã phải có những nhân nhượng, nhưng nhìn chung Nga đã đạt được phần lớn những yêu cầu của họ: ràng buộc vũ khí chiến lược và phòng thủ, cắt giảm theo nguyên tắc số lượng vũ khí còn lại bằng nhau, nên họ không có gì để cảm thấy mình bị thua thiệt trong việc ký kết hiệp ước này.

Theo hiệp ước lần này, kho vũ khí của hai bên sẽ bị cắt giảm 30%, mỗi bên còn lại 1550 đầu đạn, 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và tên lửa đạn đạo cho tầu ngầm, 800 phương tiện chuyên chở các tên lửa này.

Ngay cả các nhà chính trị cũng hài lòng với bản hiệp ước này. Bộ trưởng ngoại giao Nga, ông Lavrov đánh giá bản hiệp ước này đưa ra một vị trí rất công bằng cho các bên. Mỗi bên vẫn có quyền tự quyết những vấn đề của mình, và số vũ khí phòng thủ chiến lược của mỗi bên vẫn còn đủ ở mức đảm bảo nền an ninh của mỗi nước và vô hiệu hóa những vũ khí tấn công của đối phương''.

source

RFI Vietnamese

No comments:

Post a Comment