Monday, 26 July 2010

Hoa Kỳ vạch lằn ranh trên biển




27-07-2010

Hoa Kỳ vạch lằn ranh trên biển


Walker MartinTrà Mi lược dịch


FRANKFURT, Germany, July 26 (UPI) ‒ Tuần trước, một cách long trọng chưa từng thấy, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton gửi tới Bắc Kinh lời cảnh báo về tham vọng của Trung Quốc tại vùng biển Nam Trung Hoa cần phải được cân nhắc trong ba phạm vi riêng biệt.


Joseph Nye tại Việt Nam (Jan 2010)
Nguồn/Photo: lookatvietnam.com
Như thế là vì, như giáo sư Harvard (và cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng trong chính quyền Clinton) Joseph Nye quan niệm, quan hệ giữa các cường quốc cũng giống như một ván cờ vua ba chiều. Nó có phương trình quân sự, phương trình kinh tế và kích thước riêng biệt, nhưng liên quan của ảnh hưởng văn hóa. Nye gọi nó là “quyền lực mềm,” khả năng của một cường quốc không buộc các nước khác làm theo ý mình nhưng để các nước khác “muốn những gì mình muốn.”

Vì vậy Clinton đã làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Yang Jiechi (Dương Khiết Trì) tức điên lên tại diễn đàn khu vực ASEAN vào tuần trước bằng lời quả quyết rằng việc giải quyết tranh chấp trên biển Nam Trung Hoa nằm trong “lợi ích quốc gia” của Hoa Kỳ trên cả ba phương diện.

Trung Quốc đã chơi lá bài quân sự, bằng cách lập các đồn quân sự ở quần đảo đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mặc kệ những tuyên bố chủ quyền của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia và Brunei. Trung Quốc trong những tháng gần đây đã tự tăng vùng quyền lợi trên biển Nam Trung Hoa, đơn phương tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá cùng lặp đi lặp lại những cuộc diễn tập hải quân, đổ bộ và thử nghiệm tên lửa. Việt Nam trả lời bằng công bố mua tàu ngầm Kilo-class của Nga làm.

Vấn đề kinh tế là tâm điểm, vì những dấu hiệu cho thấy vùng biển rộng lớn này có dự trữ dầu và khí đốt lớn. Và Trung Quốc đã cảnh báo một cách rõ ràng với các công ty dầu phương Tây hoạt động trong vùng biển Việt Nam rằng triển vọng tương lai tài chính của họ ở Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng xấu nếu họ tiếp tục.


Ngoại trưởng Mỹ và Bộ trưởng Ngoại Giao TQ (Feb. 21, 2009)
Nguồn: whiterabbitcult.com
Ảnh hưởng văn hóa trở thành vấn đề vì Hoa Kỳ đứng trên nguyên tắc của luật pháp quốc tế, tìm giải pháp hoà bình cho các tranh chấp và tin rằng vì không có quyền lợi nên Mỹ có thể được xem như là môi giới trung thực trong vụ này.

Đằng sau đó còn một câu hỏi văn hóa lớn hơn: ở một độ mà chúng ta có thể thấy được hình dạng mới của cuộc chiến tranh lạnh đang thành hình. Ở một bên là quyền bá chủ của Mỹ, dựa trên (ít nhất là trên nguyên tắc) về tự do thương mại, thị trường tự do và các tổ chức tự do. Mặt bên kia là một mô hình độc đoán hơn, của Trung Quốc, đang xuất hiện, dựa trên quyền lực nhà nước, sự thống trị của nhà nước trên nền kinh tế và các ngành công nghiệp chính và nhà nước kiểm soát (toàn bộ) các phương tiện truyền thông và hệ thống chính trị.

Cùng lúc khả năng xẩy ra cuộc đụng độ giữa các cường quốc ở Đài Loan dường như đã giảm, và có vẻ đang tăng ở vùng biển Nam Trung Hoa, khu vực mà Trung Quốc đã tuyên bố là một trong những “lợi ích cốt lõi” của họ cùng với Tây Tạng và Đài Loan. Clinton cho rằng, tranh chấp lãnh thổ (đã đưa đến những đụng độ trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc trong quá khứ) là một “ưu tiên ngoại giao hàng đầu” và bây giờ đã trở thành mấu “chốt đối với an ninh khu vực.”

“Hoa Kỳ xem quyền tự do giao thông, với cửa ngõ mở rộng vào miền biển châu Á, cùng sự tôn trọng luật lệ quốc tế tại vùng biển Nam Trung hoa là một lợi ích quốc gia,” Clinton nói.

Một bối cảnh kinh tế sâu xa hơn đã vào cuộc từ tuần trước khi Guan Jianzhong, Chủ tịch hãng Đánh giá Tín dụng Dagong Global, công ty đánh giá lớn nhất Trung Quốc, đã cho Financial Times một cuộc phỏng vấn và tuyên bố rằng Hoa Kỳ đã phá sản và tài trợ sức mạnh quân sự của mình bằng tiền vay một cách mà không thể kéo dài được. Lời phê bình của Guan làm người ta nhớ lại những năm 1960 Mao Trạch Đông Hoa Kỳ cho là một “con hổ giấy” và đang sụp đổ (“chủ nghĩa tư bản đang giãy chết”).

“Hoa Kỳ đang phá sản và phải đương đầu với phá sản thuần như một quốc gia con nợ nhưng các cơ quan đánh giá vẫn xếp hạng cao cho nó,” Guan nói. “Trên thực tế, chi tiêu quân sự khổng lồ của Mỹ không phải là tiền do họ tạo được nhưng bằng tiền vay, như thế là không bền vững.”

“Cuộc khủng hoảng tài chính đã xảy ra vì tổ chức đánh giá không tiết lộ đúng những rủi ro và điều này đã mang toàn bộ hệ thống tài chính Mỹ đến bờ vực phá sản, gây thiệt hại lớn cho Mỹ và lợi ích chiến lược của họ,” Guan nói thêm.

Guan có thể có lý, ngoại trừ việc Tân Hoa Xã, cơ quan thông tin chính thức của Trung Quốc đăng một bài nghị luận bất thường vào thứ Sáu cho thấy mức độ báo động cấp cao tại Bắc Kinh về triển vọng kinh tế của chínhTrung Quốc, vì lương công nhân tăng cao và số lao động bắt đầu giảm kết hợp với một hiện tượng nhà đất ảo tưởng.

“Nếu giá nhà đất không được kiểm soát và vấn đề đất đai không được giải quyết, chúng có thể đe dọa ổn định xã hội và nền kinh tế quốc gia,” bài xã luận viết, theo bản dịch tiếng Anh trên tờ China Daily. “Trận chiến bập bênh giữa chính quyền trung ương và các nhóm lợi ích khác cho thấy Trung Quốc đang mắc bệnh bất động sản. Sau khi thấy rất khó khăn để nhà nước thực hiện chính sách tài sản gắt gao hơn, công chúng đã nhận ra rằng các nhóm cùng quyền lợi đã trở nên đủ mạnh để chống lại hoặc làm xáo trộn chính sách kiểm soát tài sản của chính phủ trung ương.”

“Về bản chất, tương tự như ngành công nghiệp tài chính ở Hoa Kỳ, ngành bất động sản của Trung Quốc quá lớn để sụp đổ. Vì vậy, không phải là cường điệu khi nói rằng lĩnh vực nhà đất đã bắt cóc nền kinh tế Trung Quốc,” bài báo nói thêm. “Khả năng bất ổn xã hội đang trở thành thực tế vì nhà ở và các vấn đề liên quan tới đất đai mỗi ngày một tệ hơn.”


Trẻ chơi trên đường xe lửa cạnh khu phố nghèo (Shenyang, China - March 11 2009)
Nguồn/Photo: habitants.org
Tóm lại, lãnh đạo Trung Quốc đang lo lắng, ngay cả khi họ bắt nạt các nước láng giềng và tuyên bố Mỹ đang suy sụp. Nhưng bây giờ Hoa Kỳ, biết rằng Trung Quốc đang đau khổ vì điểm yếu của mình trên bàn cờ vua chiến lược ba chiều trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đã vạch một đường trrên mặt biển Nam Trung Hoa. Người ta vẫn còn đợi xem lằn ranh đó có đứng vững hay không và các quốc gia vùng Đông Nam Á sẽ chọn đứng về phía nào.


© DCVOnline

Friday, 23 July 2010

Mỹ: Nam và Bắc Triều Tiên là 2 thế giới hoàn toàn khác biệt


VOA Tiếng Việt Cập nhật Thứ Sáu, 23 tháng 7 2010

Mỹ: Nam và Bắc Triều Tiên là 2 thế giới hoàn toàn khác biệt

Sau khi Ngoại trưởng Clinton đến thăm vùng trái độn chia cắt Bắc và Nam Triều Tiên, Hoa Kỳ đã cho công bố bài xã luận phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates đến thăm khu Phi quân sự phân chia 2 miền nam bắc Triều tiên hôm 21 tháng 7, 2010
Hình: AP

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates đến thăm khu Phi quân sự phân chia 2 miền nam bắc Triều Tiên hôm 21 tháng 7, 2010


Sau khi đến thăm khu phi quân sự, vùng trái độn dài 5 kilomet chia cắt Bắc và Nam Triều Tiên, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đưa ra nhận định về hai thế giới hoàn toàn khác biệt giữa hai miền nam bắc. Bà nói:

"Cộng Hòa Triều Tiên đã đạt những tiến bộ vượt bực. Quốc gia này có các nhà lãnh đạo chăm lo cho an sinh của người dân. Quốc gia này có một nền kinh tế ngày càng lớn mạnh, tạo ra công ăn việc làm và cơ hội cho nhân dân. Quốc gia này cũng cam kết tôn trọng những giá trị chung, cam kết tôn trọng dân chủ và tự do."

Ngoại trưởng Hoa Kỳ phát biểu thêm: ”Ngược lại, Bắc Triều Tiên không những chỉ giậm chân tại chỗ trong tình trạng cô lập, mà nhân dân miền Bắc đã phải chịu thống khổ vô bờ từ bao nhiêu năm nay.”

Ngày nay, tất cả những người ở Cộng Hòa Triều Tiên, ở Hoa Kỳ và một lực lượng đa quốc đang canh giữ tự do và giúp bảo vệ Nam Triều Tiên.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates cho biết: “Sự cam kết của chúng ta đối với an ninh của Nam Triều Tiên thật rõ ràng, và quả tình, liên minh quân sự của chúng ta chưa bao giờ mạnh như vậy và đủ sức để răn đe bất cứ một vụ xâm lăng nào có nguy cơ xảy ra.”

Trong một hành động khẳng định rõ cho Bắc Triều Tiên biết rằng thái độ khiêu khích của họ đối với Nam Triều Tiên là điều không thể chấp nhận, Ngoại trưởng Clinton loan báo những biện pháp trừng phạt mới nhắm vào nước Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên và những hoạt động bất hợp pháp của họ.

Những biện pháp này nhắm vào việc mua bán vũ khí và những thứ liên hệ, việc thủ đắc những mặt hàng xa xỉ đã bị nghị quyết 1718 của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ngăn cấm, và những hoạt động bất hợp pháp khác mà Cộng hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên có thể sử dụng để tài trợ cho các chương trình vũ khí; như in đô la giả, làm thuốc lá giả và rửa tiền.

Hoa Kỳ cũng sẽ hành động chiếu theo những thẩm quyền hiện hữu để phong tỏa thêm tài sản của những chủ thể có liên quan đến chương trình phổ biến vũ khí hạt nhân của Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên, Hoa Kỳ sẽ ngăn chặn thêm những người được giao công tác phổ biến vũ khí hạt nhân du hành ra nước ngoài, và khuyến nghị các ngân hàng ngăn chặn những giao dịch tài chính của các chủ thể được Bắc Triều Tiên giao phó công tác, theo như đòi hỏi trong nghị quyết 1874 của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

Những biện pháp này không nhắm vào nhân dân Bắc Triều Tiên, những người đã phải chịu biết bao thống khổ đã quá lâu. Những biện pháp này chỉ nhắm vào những hành động bất hợp pháp, khiêu khích và gây bất ổn của Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên mà thôi.

Theo lời Ngoại trưởng Clinton thì “cùng lúc, chúng ta tiếp tục gửi đi một tín hiệu đến Bắc Triều Tiên để họ thấy rằng vẫn còn một con đường khác, một con đường có thể mang lại lợi ích cho nhân dân Bắc Triều Tiên.”

Nếu và khi nào mà Bắc Triều Tiên tuân thủ những nghĩa vụ quốc tế của họ thì chừng đó những biện pháp trừng phạt sẽ được chấm dứt.

Trên đây là bài xã luận phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

source

VOA Vietnamese

Friday, 2 July 2010

Khi Người Rơm là phụ nữ



Khu lều trại ở Calais

Vào một ngày nắng ấm cuối xuân, chúng tôi đã tiếp cận được 2 người rơm tại công viên Villemin quận 10 Paris. Đó là hai phụ nữ còn rất trẻ, dưới 20 tuổi và khá xinh. Nhưng đấy là những điều chúng tôi ghi nhận được sau khi đã tiếp xúc, chuyện trò. Còn ấn tượng ban đầu khi nhìn thấy họ thì hoàn toàn khác hẳn.

Họ đi đứng xiêu vẹo, quần áo tả tơi hoàn toàn giống hình ảnh của những người bù nhìn bằng rơm được sử dụng lâu ngày trên cánh đồng. Mặt mũi đầu tóc xơ xác bơ phờ. Họ đói và hôi. Mùi hôi của họ thật khủng khiếp đấm thẳng vào mũi chúng tôi.

Em Tr, 17 tuổi, cho chúng tôi biết các em từ một nơi gần thủ đô Prague của Czech, được đưa đến công viên Villemin này cả tuần nay, và các em uống nước lã cầm hơi là chính. T, 19 tuổi, với vẻ lúng túng, ngại ngần khi nhìn thấy được phản ứng tự nhiên của tôi, em cho biết đã 10 ngày nay các em chưa hề được tắm rửa mà một trong hai em lại đang trong chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ.

Khi tôi tỏ ý ái ngại khả năng các em sẽ mắc phải bệnh viêm nhiễm phụ khoa, em T cho biết vì đi theo đường bộ từ Trung Quốc sang nên có những lần cả nửa tháng các em không tắm gội, không làm vệ sinh ngay cả "trong những ngày ấy" và vẫn phải "đóng thuế" bằng thân xác trải dài qua những lộ trình "đường cỏ" cho các tay chăn dắt đường dây và các thành phần khác. "Kinh khủng lắm ạ, ban đầu em còn không chịu nổi mùi hôi hám từ chính cơ thể của em, nhưng rồi cũng phải cố mà quen thôi," T nói.

Hôm ấy, các em đang đợi người trong đường dây đưa đến một địa điểm gần cảng Calais chờ cơ hội để "nhảy bãi", tức là bám trên những chiếc xe tải chở containner để trốn sang Anh Quốc.

Vào rừng

Gặp và nghe những chuyện của hai em Tr và T, chúng tôi quyết định trở lại các cánh rừng quanh cảng Calais một lần nữa.

Một người phụ nữ Việt Nam trên đường vượt biên qua đất Pháp

Phụ nữ trên đường vượt biên phải đối mặt với nhiều nỗi tủi nhục

Một góc rừng Grande Synthe, đây là khu rừng gần nhất dẫn đến cảng Calais, cách cảng khoảng 40 km nên có rất nhiều khu vực trong rừng bị các nhóm người rơm chiếm đóng.

Vẫn những lều trại tạm bợ, nhếch nhác, nhưng lớp người cũ của lần trước không còn một ai. Số người lần này có ít hơn, và cũng "trẻ hóa" hơn nhiều. Tất cả cùng đang tìm cơ hội trốn được đến nước Anh "lao động" với giấc mơ có vài nghìn bảng gửi về nhà mỗi tháng, đầu tiên là để chuộc lại những quyển sổ đỏ đang thế chấp ở ngân hàng, sau đấy sẽ là một cuộc đổi đời cho cả dòng họ.

H, một phụ nữ Hà Tây 35 tuổi để lại chồng và 2 con, từ Cộng hòa Czech đến cánh rừng Grande Synthe này được khoảng 1 tháng. Cô cho biết tuy vấn đề thực phẩm và vệ sinh cá nhân tương đối ổn thỏa nhờ vào trợ giúp nhân đạo của các tổ chức từ thiện địa phương, nhưng là phụ nữ, H thường xuyên phải đối mặt với những cơn khủng hoảng vì bị bắt buộc phải quan hệ thân xác với những gã thanh niên có gốc Trung Đông, Nam Á vá một số nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ đang có mặt trong rừng.

Khi tôi hỏi tại sao những người trong nhóm không bảo vệ cho nhau, H nói: "Chúng nó rất hung dữ, nơi rừng rú này mạnh ai nấy lo thân, em mà chống cự lại thì đến xác cũng không còn".

Theo chúng tôi được biết, những thanh niên hung dữ nói trên thuộc thành phần bất hảo vô nghề nghiệp có gia đình sinh sống tại Pháp, thậm chí có những kẻ đến từ Anh. Chúng tụ tập thành từng nhóm lập lều trại ở bất cứ nơi nào có người rơm Việt Nam tập trung với mục đích "xin đểu" tất cả những gì có thể "xin" được của những người rơm này, từ thực phẩm, quần áo đến cả thân xác của người rơm phụ nữ.

Vừa "xin đểu", những thanh niên này vừa chi phối và kiểm soát tất cả các hoạt động của các nhóm người rơm theo những mệnh lệnh bí mật nào đấy từ các tay chăn dắt đường dây người rơm.

Nhà báo Huỳnh Tâm và ba người rơm

Hết nhóm này đi lại đến nhóm khác tới

Cũng như lần trước, tiếp xúc với nhóm 5 người rơm chưa đầy 15 phút, chúng tôi liền bị một đám thanh niên gốc Trung Đông và Nam Á bao vây đe dọa và hành hung "nhè nhẹ". Khi đám thanh niên này ngang nhiên có những hành động rất sỗ sàng với cả một phụ nữ đứng tuổi như tôi giữa ban ngày, tôi nhìn H và thấy một đôi mắt đầy vẻ chịu đựng và sợ hãi, đôi mắt cho tôi biết những nỗi đau mà H phải trải qua trong những ngày đi tìm miền đất mơ.

Rời Grande Synthe, chúng tôi đến rừng Tétéghem, cách cảng Calais khoảng 50 km về phía Đông Nam và gặp được C, một nữ người rơm gốc Thanh Hóa 22 tuổi, mới thử sức "nhảy bãi" lần đầu tối hôm trước thất bại vừa quay về trại. Sau ít phút chuyện trò với chúng tôi, em bức xúc kể: "Cháu bám trên mui bạt xe tải, khi xe chạy cháu mới thật sự thấy tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, mà tai nạn có nghĩa là chết, thậm chí là chết không toàn thây".

Thủ đô Paris

Một chặng dừng chân của người rơm Việt Nam ở Paris

Khoảng 18 giờ, chia tay các em mà không biết phải chúc các em điều gì. Khi ra đến bìa rừng, chúng tôi gặp một đôi nam nữ mới được "xuống hàng" đang dò tìm đường vào lán trại. Những thanh niên gốc Trung Đông đang lượn lờ quanh đấy không thèm che giấu cái nhìn thèm thuồng trước con mồi mới. Tôi chợt nhớ đến chuyện một phiên dịch viên từ thiện kể về những phụ nữ lỡ có thai bất đắc dĩ trên con đường đi làm người rơm đã phải khốn đốn như thế nào để giải quyết bào thai đó, có khi nguy hiểm đến tính mạng.

Chặng về chúng tôi ghé qua rừng Angre, một khu rừng cách cảng Calais 50 km và gần Paris nhất (hơn 160 km). Có lẽ do phải bất đắc dĩ đón tiếp sự quan tâm của nhiều nhóm truyền thông Pháp cũng như quốc tế nên lán trại chỗ này đã được giải tán. Được biết hiện tại, trại đã được "ai đó" dời sang góc khác của khu rừng, kín đáo hơn nhiều.

Nơi đặt trại trước đây chỉ còn lại vài dấu tích của bếp lò dã chiến, của sàn nước tạm bợ. Tất cả những dấu vết khác gần như mất hẳn với sức sống của thiên nhiên, nhanh chóng trả lại cho rừng màu xanh bất diệt.

source

BBC Vietnamese