Monday, 11 October 2010

Bình Nhưỡng lật ngửa lá bài Kim Jong Un


BẮC TRIỀU TIÊN -
Bài đăng : Thứ hai 11 Tháng Mười 2010 - Sửa đổi lần cuối Thứ hai 11 Tháng Mười 2010
Bình Nhưỡng lật ngửa lá bài Kim Jong Un
Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Il (đầu tiên bên phải) và con trai là Kim Jong Un (thứ ba từ phải qua) trên lễ đài trong cuộc duyệt binh kỷ niệm 65 năm ngày thành lập đảng Lao Động 10/10/2010.
Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Il (đầu tiên bên phải) và con trai là Kim Jong Un (thứ ba từ phải qua) trên lễ đài trong cuộc duyệt binh kỷ niệm 65 năm ngày thành lập đảng Lao Động 10/10/2010.
Reuters
Anh Vũ

Ngày hôm qua 10/10 Bình Nhưỡng rầm rộ tổ chức lễ kỷ niệm 65 năm ngày thành lập đảng Lao Động Triều Tiên với một cuộc diễu binh và diễn hành quần chúng lớn nhất lịch sử. Nhưng báo chí quan tâm nhiều hơn là sự xuất hiện trên khán đài buổi lễ của vị tướng trẻ 27 tuổi Kim Jong Un bên cạnh người cha Kim Jong Il, một dấu hiệu mà tờ Le Figaro nhận định là « Bình Nhưỡng soạn kịch bản thăng tiến Kim Jong Un ».

Tờ báo mô tả « Trong bộ áo đại cán theo kiểu Mao Trạch Đông sẫm màu, tóc cắt ngắn và ánh mắt tự tin, trên khán đài của quảng trường lớn mang tên người ông nội Kim Nhật Thành, Kim Jong Un đã xuất hiện như là một lãnh đạo sắp tới của vương quốc khép kín này. » Bên cạnh vị đại tướng trẻ này là người cha, Kim Jong Il, 68 tuổi trong dáng vẻ mệt mỏi. Thời gian gần đây đã đôi lần người con thứ ba của nhà độc tài Bắc Triều Tiên xuất hiện thấp thoáng đâu đó cùng cha trước công chúng. Nhưng đây là lần đầu tiên anh ta xuất hiện công khai trước ống kính của các nhà báo trong nước và quốc tế trong một cuộc diễu binh hoành tráng nhân kỷ niệm 65 năm thành lập đảng Lao Động Triều Tiên.

Tờ báo nhận thấy đây là sự dàn cảnh để khẳng định trước thế giới về vai trò kế vị của người con trai Kim Jong Un, mới chỉ được nhắc đến chính thức cách đây vừa mới hai tuần khi được phong hàm đại tướng. Điều đặc biệt, nhân dịp này các hãng thông tấn quốc tế được mời đến thủ đô Bình Nhưỡng đầy bí mật để đưa tin sự kiện, vì thế hình ảnh Kim Jong Un trước đại chúng được truyền đi khắp thế giới, không còn úp mở như trước đây. Theo Le Figaro thì động thái hiếm hoi này cho thấy ý đồ của Kim Jong Il muốn mau chóng tạo tiền đề về tính chính đáng của con trai « kế vị » trên trường quốc tế. Tuy nhiên bà Kay Seok, một nhà nghiên cứu của tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch tại Seoul thắc mắc: « Họ (lãnh đạo Bình Nhưỡng) muốn tạo cảm giác là mọi thứ đều kiểm soát được. Nhưng họ lại thúc đẩy kế hoạch, tại sao lại vội vàng như vậy? ».

Theo tờ báo, sau khi giữ bí mật việc chỉ định người kế vị đã được làm trong hậu trường từ năm 2009, giờ đây chế độ Bình Nhưỡng chơi bài lật ngửa. Lần đầu tiên trước các nhà báo, ông Yang Hyong Sop, một quan chức cao cấp của đảng Lao động Bắc Triều Tiên đã tuyên bố : « Nhân dân chúng tôi thấy vinh dự được đại tướng Kim Jong-Un lãnh đạo".

Việc chuyển giao quyền lực của chế độ Bình Nhưỡng còn được khẳng định qua tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates rằng « Chúng tôi đang nghiên cứu mọi giả thuyết » về việc chuyển giao quyền lực ở Bắc Triều Tiên. Bộ Quốc phòng Mỹ vừa thông qua một kế hoạch quân sự mới, có mã số 5015, nhằm ngăn chặn mọi hành động làm mất ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Le Figaro cũng nhận thấy sự có mặt của các quan chức cao cấp Trung Quốc trên khán đài cũng cho thấy Bắc Kinh đã thừa nhận việc chuyển giao ngôi vị sang thế thế hệ thứ ba của triều đại nhà Kim.

Bà Key Seok giải thích : « Mỗi một chi tiết bước vào chính trường của Kim Jong Un đều được tính tóan tỉ mỉ cho tới cả phong cách trang phục. Lúc này các nhà tuyên truyền ở Bình Nhưỡng đang phổ biến trong dân chúng những giai thoại về nhân vật này để gọt dũa nên huyền thoại ». Theo thông tin chính thức thì vị tướng trẻ này đã từng theo học đại học Quân sự Kim Nhật Thành và đã phục vụ ở tuyến đầu đất nước. Nhưng trên thực tế thì kinh nghiệm về các loại vũ khí của nhân vật này rất hạn chế. Việc dàn dựng đó chỉ nhằm bảo đảm sự trung thành của quân đội, một yếu tố cốt tử trong sự sống còn của chế độ.

Tờ báo nhận thấy việc thăng tiến của người con kế vị được đẩy nhanh khiến nhiều chuyên gia bị bất ngờ. Bản thân Kim Jong Il cũng đã phải mất nhiều năm kiên nhẫn trong bóng người cha Kim Nhật Thành. Việc tăng tốc quá trình chuyển giao quyền lực này có thể được lý giải sức khỏe của vị « lãnh tụ kính yêu » đang xuống cấp mau chóng từ sau khi bị tai biến mạch máu não năm 2008. Cuối cùng tờ báo nêu thắc mắc, ngày hôm qua trên khán đài ở Bình Nhưỡng, có vẻ như nhà độc tài đã khỏe mạnh hơn và vẫn tỏ ra quyết tâm giữ quyền chỉ huy vương quốc bí ẩn này. Thật khó mà giải thích được những gì đang diễn ra ở đất nước kín cổng cao tường nhất thế giới.

Giải Nobel Hòa bình Lưu Hiểu Ba tiếp tục khuấy động dư luận quốc tế

Một sự kiện thời sự châu Á khác đã xảy ra từ cách nay ba ngày nhưng chưa hề cũ, vẫn thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Đó là sự kiện nhà khai Lưu Hiểu Ba của Trung Quốc được trao giải Nobel Hòa bình 2010. Le Monde tiếp cận sự kiện này bằng bài xã luận mang tựa đề : "Lưu Hiểu Ba, Ôn Gia Bảo : hai gương mặt của Trung Quốc".

Bài báo nhận thấy, người ta mới chỉ biết đến giải Nobel Hòa bình 2010 Lưu Hiểu Ba - một gương mặt trí thức với nụ cười hiền lành qua những tấm ảnh đang được truyền đi khắp thế giới. Nhưng còn một gương mặt Trung Quốc khác của ông Ôn Gia Bảo Thủ tướng, đang xuất hiện trên trang bìa của tạp chí Time Magazine, cùng thời điểm Ủy ban Nobel ở Oslo quyết định trao giải cho Lưu Hiểu Ba. Le Monde bình luận, Thủ tướng Trung Quốc xuất hiện trên báo Mỹ với một gương mặt bình tĩnh, tự tin, quả quyết mà đã từ lâu người ta không thấy có ở một nhà lãnh đạo Trung Quốc. Theo Le Monde thì trong một cuộc trả lời phỏng vấn tạp chí Mỹ và đã được phát trên truyền hình CNN, ông Ôn Gia Bảo bộc bạch rằng « tự do ngôn luận là không thể thiếu ở tất cả các nước ». Ông còn nhắc đến sự cần thiết của những « cải cách chính trị » và giải thích rằng một trong những ý tưởng chính trị của ông « mọi người đều có thể sống hạnh phúc và được tôn trọng », phát biểu trên đây của ông không được báo chí đưa lại.

Vậy mà ngay khi có thông báo Lưu Hiểu Ba được trao giải Nobel Hòa bình hôm 8 tháng 10 thì ngay lập tức bộ máy kiểm duyệt internet của Trung Quốc đã ra tay ngay để ngăn chặn mọi phong trào đoàn kết với Lưu Hiểu Ba lan truyền trên mạng.

Theo bài báo thì Trung Quốc muốn quốc tế tôn trọng thì không thể cứ mãi đòi được cả chì lẫn chài. Người ta không thể chấp nhận lâu được một nước với tư cách cường quốc lại hành xử theo kiểu bất tuân luật lệ. Một dẫn chứng để ủng hộ cho sự lựa chọn Lưu Hiểu Ba của Ủy ban Nobel Oslo, đó là trường hợp Nobel Hòa bình người Tcheque, Vaclav Havel, người khởi xướng bản Hiến chương 77. Nhưng theo bài báo, khác với Cộng hòa Tcheque của những năm 1980, xã hội Trung Quốc của năm 2010 này đang thay đổi, buộc chính quyền phải từng ngày tạo không gian cho sự biến chuyển đó.

Xã luận Le Monde kết luận : Thay vì hành động bằng áp lực thì các nhà lãnh đạo Trung Quốc nên có sáng kiến bằng cách thực hiện các phát biểu xởi lởi của Ôn Gia Bảo, đầu tiên bằng việc trả tự do cho Lưu Hiểu Ba.

Về phần phản ứng của quốc tế trước sự kiện Nobel Hòa bình 2010, báo Le Monde nhận thấy : Trước một cường quốc Trung Quốc đang trỗi dậy, các nước phương Tây phản ứng cũng có mức độ.

Theo tờ báo thì sự kiện trao giải Nobel Hòa bình cho nhà ly khai Lưu Hiểu Ba là một viên đá ném xuống chiếc ao quan hệ quốc tế.Trước một nước Trung Quốc mà năm nay đã trở thành cường quốc kinh tế đứng hàng thứ hai thế giới, một nước không ngần ngại lên gân lên cốt quân sự trong khu vực và đang ở trung tâm của cuộc chiến về tỷ giá đồng tiền, thì các nước phương Tây dám chắc là những phản ứng của họ sẽ bị chính quyền Bắc Kinh soi từng câu từng chữ.

Vì thế mà chính quyền Mỹ mà tổng thống Obama với tư cách là người nhận giải Nobel Hòa bình 2009, cũng chỉ đưa ra những phản ứng được coi là có chừng mực nhất định. Ông có kêu gọi « chính phủ Trung Quốc trả tự do nhanh nhất có thể cho ông Lưu », được ông Obama mô tả là một con người « can đảm đứng lên bảo vệ những giá trị phổ quát bằng phương thức bất bạo động ».

Ở châu Âu, sự cẩn trọng thấy rõ ở thái độ của Pháp là giữ im lặng. Tháng 11 tới đây tổng thống Nicolas Sarkozy sẽ đón tiếp chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Pháp đang muốn lôi kéo Bắc Kinh ủng hộ ý tưởng xây dựng lại « trật tự tài chính quốc tế ». Bên cạnh đó các quan chức Pháp vẫn đang theo đuổi các cuộc thương lượng về vấn đề hạt nhân dân sự với Trung Quốc, rồi các hợp đồng bán máy bay dân dụng mà Paris hy vọng ký với Bắc Kinh. Còn đối với các nước Liên hiệp châu Âu nói chung thì sự kiện Nobel Hòa bình năm nay rơi vào đúng thời điểm khá tế nhị, khi tại Bruxelles diễn ra hội nghị Thượng đỉnh Á – Âu. Nhìn chung các nước châu Âu đều đưa ra những tuyên bố vừa phải, không quá gay gắt. Trong quá khứ đã nhiều lần Bắc Kinh gây áp lực bằng cách đặt lên bàn cân những hợp đồng thương mại để các nước châu Âu phải thận trọng trong cách bày tỏ quan điểm về vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc.

Hungary bất lực trước thảm họa bùn đỏ từ bauxit

Báo Liberation chạy tựa trên trang nhất : "Hungary lội bì bõm trong bùn đỏ". Tờ báo cho biết tại Hungary, chính quyền đang lo ngại một trận vỡ bể chứa bùn đỏ độc hại thứ hai có thể xảy ra, và thú nhận bất lực về nguy cơ này.

Liberation trích phát biểu của Quốc vụ khanh đặc trách Môi trường Hungary Zoltan Illes rằng : « ngày mai hay một tuần nữa không quan trọng, nhưng đê ngăn bùn rồi sẽ một lần nữa bị vỡ… » và ông còn khẳng định sự bất lực trước báo giới: « chúng tôi không thể sửa chữa được » vết nứt trên vách ngăn hồ chứa bùn đang ngày càng rộng dần. Một tuần sau khi xảy ra tai họa, khoảng 1 triệu m3 bùn đỏ tràn ra khai tử cả một vùng đất rộng lớn, phần đê ngăn còn lại đang tiếp tục có khả năng bị vợ đe dọa một trận lũ chết người mới. Tại làng Kolontar, đã bị tàn phá một nửa trong trận lũ bùn tuần trước, nay lại bị đe doa bị xóa sổ với cơn lũ bùn thứ hai. Hôm thứ bảy vừa qua, 800 người dân làng đã được sơ tán khẩn cấp chỉ để lại hiện trường những bính lính quân đội và lực lượng cứu hộ bì bõm trong đống bùn độc hại, để tìm cách khắc phục hậu quả và ngăn chặn thảm họa lần thứ hai trong bất lực.

Le Figaro nhận thấy thảm họa môi sinh lớn nhất trong lịch sử của Hugary này vẫn chưa thể chấm dứt được. Tại đây người ta đang phải chạy đua với thời gian để ngăn cơn lũ bùn độc từ luyện quặng bauxit lại tràn ra lần nữa. Nhiều tổ chức phi chính phủ bảo vệ môi trường đang đặt vấn đề, từ sau vụ bùn đỏ này, yêu cầu luật pháp châu Âu xếp bùn đỏ vào trong họ hàng các chất thải cực độc, điều mà cho đến giờ chưa có trong quy định luật pháp ở châu Âu.

source

RFI Vietnamese

Friday, 8 October 2010

Giải Nobel Hòa bình cho Lưu Hiểu Ba : Một vố đau cho chính quyền Trung Quốc

TRUNG QUỐC -
Bài đăng : Thứ sáu 08 Tháng Mười 2010 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 08 Tháng Mười 2010

Giải Nobel Hòa bình cho Lưu Hiểu Ba : Một vố đau cho chính quyền Trung Quốc
Những người biểu tình giơ cao biểu ngữ trước Bộ Ngoại giao Trung Quốc ở Hồng Kông ngày 8/10/2010 đòi trả tự do cho nhà ly khai Lưu Hiểu Ba, vừa đoạt giải Nobel Hòa bình hôm nay.
Những người biểu tình giơ cao biểu ngữ trước Bộ Ngoại giao Trung Quốc ở Hồng Kông ngày 8/10/2010 đòi trả tự do cho nhà ly khai Lưu Hiểu Ba, vừa đoạt giải Nobel Hòa bình hôm nay.
Reuters
Trọng Nghĩa

Sáng nay 08/10/2010, vài giờ trước lúc danh tánh người nhận giải Nobel Hòa bình 2010 được công bố, chủ tịch Ủy ban Nobel của Na Uy đã xác nhận là quyết định của Ủy ban chắc chắn sẽ gây ra tranh cãi. Quả đúng là như vậy. Khi tên tuổi nhà ly khai Trung Quốc Lưu Hiểu Ba là người được giải Nobel Hòa bình được công bố vào đúng 9 giờ GMT, sự kiện đã lập tức gây chấn động trong dư luận do tính chất bạo dạn của nó.

Quốc gia bị chấn động nhiều nhất có lẽ là Trung Quốc, vì trong những tháng qua, chính quyền Bắc Kinh đã không ngừng gây sức ép trên Oslo để ngăn cản việc trao giải Nobel Hòa bình cho ông Lưu Hiểu Ba. Chỉ ít lâu sau khi danh tánh giải Nobel Hòa bình 2010 được loan báo, bộ Ngoại giao Trung Quốc có phản ứng rất gay gắt đối với Ủy ban Nobel Hòa bình và đối với chính quyền Na Uy.

Theo phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Triêu Húc, thì Ủy ban Nobel Hòa bình đã vi phạm và thóa mạ tinh thần của giải thưởng này, vốn phát huy quan hệ hài hòa giữa các dân tộc cũng tình hữu nghị quốc tế. Đối với với phía Trung Quốc, Lưu Hiểu Ba là một tội phạm đã bị kết án tù vì đã vi phạm luật lệ quốc gia. Các hành động này của ông Lưu Hiểu Ba , theo Bắc Kinh, hoàn toàn đi ngược lại mục tiêu của giải Nobel Hòa bình.

Ngoài ra, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc còn lên tiếng đe dọa chính quyền Na Uy khi cho rằng việc trao giải cho ông Lưu Hiểu Ba sẽ gây tổn hại cho quan hệ song phương Trung Quốc – Na Uy. Tuyên bố dọa nạt chính quyền Oslo này đã lập lại luận điệu mà nhiều quan chức ngoại giao Trung Quốc từng đưa ra trong thời gian qua để gây áp lực.

Như tin chúng tôi đã loan, gần đây, thư ký Ủy ban Nobel Hòa bình ông Geir Lundestad đã tiết lộ là ngay từ tháng sáu vừa qua, nhân một chuyến công du Na Uy, một quan chức ngoại giao Trung Quốc cao cấp đã gặp đại diện Ủy ban Nobel và tuyên bố rằng việc trao giải thưởng cho một nhà ly khai là « một hành động không hữu nghị, có thể gây ra những hậu quả tiêu cực cho quan hệ giữa Na Uy và Trung Quốc ».

Theo hãng AFP, khi đe dọa như trên, Trung Quốc đã nhắm vào việc chính phủ Oslo đang mong muốn ký kết được với Bắc Kinh càng sớm càng tốt một thỏa thuận tự do mậu dịch song phương. Thế nhưng, Bắc Kinh đã quên đi một điều là trên nguyên tắc, Ủy ban Nobel là một định chế độc lập, không chịu áp lực của chính quyền khi ra các quyết định.

Chủ trương của Trung Quốc dùng sức ép chinh trị và kinh tế để ngăn không cho một công dân của mình đươc giải Nobel Hòa bình như vậy đã hoàn toàn thất bại trước quyết định độc lập của Ủy ban Nobel vào hôm nay. Và đây quả là một vố đau cho chính quyền Bắc Kinh, vốn không muốn thế giới chú mục vào vấn đề thiếu vắng dân chủ và nhân quyền mà nhà ly khai Lưu Hiểu Ba đã luôn luôn tố cáo.

Ngay sau khi có thông tin về việc ông Lưu Hiểu Ba được trao giải thưởng cao quý này, hai tổ chức bảo vệ nhân quyền hàng đầu thế giới là Ân xá Quốc tế, trụ sở ở Luân Đôn, và Human Rights Watch, trụ sở ở New York đã lập tức lên tiếng hoan nghênh sự kiện này, đồng thời lên tiếng kêu gọi Bắc Kinh trả tự do cho nhà ly khai, cũng như tất cả các tù nhân vì chính kiến khác.

Đói với hai tổ chức này, giải Nobel Hòa bình về tay ông Lưu Hiểu Ba là một hậu thuẫn quý giá cho tất cả các nhà ly khai Trung Quốc. Tuy nhiên, không chỉ có các tổ chức bảo vệ nhân quyền là có phản ứng như trên. Nhiều chính phủ và chính khách tên tuổi trên thế giới cũng lên tiếng hoan nghênh quyết định của Ủy ban Nobel Hòa bình năm nay.

Ngoại trưởng Pháp Bernard Kouchner còn kêu gọi Trung Quốc trả tự do cho ông Lưu Hiểu Ba , một yêu cầu cũng được phát ngôn viên chính phủ Đức Steffen Seibert đưa ra. Riêng thủ tướng Na Uy, nước bị Trung Quốc đe dọa nhiều nhất trong vụ này cũng lên tiếng chúc mừng nhà ly khai Lưu Hiểu Ba, vài phút sau khi ông được tuyên bố nhận giải.

Giới phân tích ghi nhận : Đây không phải là lần đầu tiên mà Bắc Kinh bị Ủy ban Nobel Hòa bình giáng cho một vố đau. Lần trước đây là vào năm 1989, khi giải Nobel Hòa bình được trao cho lãnh tụ tinh thần người Tây Tạng là Đức Đạt Lai Lạt Ma, bất chấp các thủ đoạn ngăn chặn của Trung Quốc.

Thế nhưng lần này, thất bại của Trung Quốc còn đau đớn hơn. Theo chuyên gia Pháp Jean Philippe Béja, giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Pháp CNRS/CERI, thì vào năm 1989, Bắc Kinh còn bị cô lập sau vụ thảm sát Thiên An Môn vào tháng 6, đo đó không có nhiều uy thế trên trường quốc tế. Thẽ nhưng hiện nay, tình hình đã hoàn toàn khác. Từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính, hầu hết các quốc gia phương Tây đều tìm cách chiều chuộng Trung Quốc.

Trả lời phỏng vấn của AFP, chuyên gia Pháp cho rằng cho dù Trung Quốc ngày ngày càng hùng mạnh, thế nhưng, nếu họ muốn đóng một vai trò quan trọng trên trường quốc tế thì họ phải « tuân thủ các giá trị phổ quát và tôn trọng quyền tự do ngôn luận ».

source

RFI Vietnamese