Monday, 13 June 2011

Trung Quốc: mâu thuẫn xã hội bùng nổ


Thứ Ba, 14/06/2011, 08:26 (GMT+7)

Trung Quốc: mâu thuẫn xã hội bùng nổ

TT - Những mâu thuẫn xã hội gay gắt đã dẫn tới hàng loạt cuộc biểu tình bạo động và những vụ đánh bom nhắm vào cơ quan công quyền tại Trung Quốc trong thời gian qua.

Cảnh sát và người dân đối đầu trong vụ biểu tình ở Lichuan ngày 9-6 - Ảnh: AFP

Thời báo Hoàn Cầu ngày 13-6 đưa tin hai ngày trước, hơn 1.000 người lao động nhập cư từ tỉnh Tứ Xuyên đã đổ ra đường phố thị trấn Tân Đường, tỉnh Quảng Châu để đập phá cửa sổ, đốt các tòa nhà công quyền, ném chai lọ, gạch đá vào cảnh sát và lật xe cảnh sát. Lực lượng cảnh sát chống bạo động đã bắn hơi cay và điều xe bọc thép để trấn áp đám đông biểu tình. Tổng cộng 25 người đã bị bắt giữ, hàng chục chiếc xe cảnh sát bị đốt cháy.

“Nhiều người chạy trên đường phố như điên khùng, tôi phải đóng cửa hàng từ 19g và không dám bước ra đường” - báo South China Morning Post dẫn lời một chủ cửa hàng trong khu vực xảy ra bạo động.

Theo South China Morning Post, vụ việc bắt đầu từ tối 10-6 khi cảnh sát Tân Đường đi dẹp hàng rong trên phố. Một cặp vợ chồng bán hàng rong người Tứ Xuyên đã cãi cọ dữ dội với cảnh sát và người vợ mang thai bị đẩy ngã. Vụ việc khiến cộng đồng người lao động nhập cư từ Tứ Xuyên bức xúc, từ sáng 11-6 cả ngàn người đã bao vây đồn cảnh sát Tân Đường để phản đối và bạo lực bùng phát.

Cuối tuần trước, hơn 1.500 người dân thành phố Lichuan, tỉnh Hồ Bắc đã đụng độ dữ dội với cảnh sát sau vụ một ủy viên hội đồng nhân dân địa phương bị chết trong đồn cảnh sát. Thời báo Hoàn Cầu cho biết người này bị bắt vì tội nhận hối lộ từ nhà thầu xây dựng, nhưng người dân địa phương lại cho biết trước đó ông đã vận động người dân chống lại việc chính quyền địa phương thu hồi một diện tích đất đai lớn trong thành phố.

Nhà chức trách đã phải bắt giữ hai công tố viên địa phương có liên quan đến cái chết của nạn nhân. Cảnh sát phải điều xe bọc thép đến tuần tra ở Lichuan để giữ gìn an ninh.

Nhân Dân Nhật Báo đưa tin ngày 6-6 ở Triều Châu, Quảng Đông, khoảng 200 công nhân nhập cư cũng từ Tứ Xuyên đã đụng độ với cảnh sát địa phương và đập phá xe cộ. Ít nhất 40 chiếc xe đã bị đập nát. Vụ việc xảy ra sau khi một công nhân nhập cư làm việc tại một nhà máy đồ gốm địa phương bị ông chủ đâm do cãi cọ về chuyện lương bổng. Cha của nạn nhân cũng bị đánh trọng thương.

Cộng đồng công nhân nhập cư đã nổi giận, đòi chính quyền địa phương phải trừng phạt kẻ thủ ác và bạo lực xảy ra.

Tháng trước, ở khu tự trị Nội Mông, hàng trăm người gốc Nội Mông bản địa đã đổ ra đường biểu tình phản đối vụ xe tải một mỏ than đâm chết một người chăn nuôi gia súc địa phương. Người dân Nội Mông cũng bức xúc với việc ngành khai thác than do người Hán kiểm soát đã hủy hoại sinh thái và môi trường sống ở Nội Mông, cũng như đe dọa tới truyền thống sinh hoạt du mục của người bản xứ.

Trong ba tuần vừa qua cũng xảy ra liên tiếp ba vụ đánh bom ở Trung Quốc. Theo Tân Hoa xã, hôm 10-6 một người đàn ông “muốn trả thù xã hội” đã cho nổ bom bên ngoài tòa nhà chính quyền địa phương ở thành phố cảng Thiên Tân, làm ít nhất hai người bị thương. Người này mang theo tới 20 quả bom tự tạo và ném bốn quả vào tòa nhà chính quyền huyện Hexi. Không rõ bao nhiêu quả bom đã nổ.

Một ngày trước đó, một cảnh sát đã thiệt mạng và hai người khác bị thương trong vụ nổ ở đồn cảnh sát thị trấn Hoàng Thạch, tỉnh Hồ Nam. Toàn bộ đồn cảnh sát bị phá hủy. Chính quyền địa phương cho biết nguyên nhân vụ nổ là do tai nạn, xuất phát từ chất nổ chứa trong đồn.

Tuy nhiên, một số nguồn tin khẳng định đây là vụ tấn công báo thù cảnh sát tham nhũng. Hai tuần trước đó, một người đàn ông 52 tuổi cho nổ ba quả bom ở trước tòa nhà hành chính thành phố Phúc Châu, tỉnh Giang Tây. Hung thủ, bị chết trong vụ nổ, đã bày tỏ sự tuyệt vọng trên Internet về việc không thể đòi bồi thường vì bị thu hồi đất đai.

Những vụ bạo động và đánh bom này đang làm lộ rõ sự bất ổn đáng báo động trong xã hội Trung Quốc vốn xuất phát từ những bức xúc xã hội liên quan đến tình trạng bất bình đẳng, khoảng cách giàu nghèo và nạn tham nhũng, đặc biệt là từ việc thu hồi đất đai.

Tân Hoa xã cho biết ý thức sâu sắc trước nguy cơ này, mới đây Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã lên tiếng cảnh báo về những “mâu thuẫn xã hội sâu sắc” tại nước này. Ông yêu cầu chính quyền cần có những nỗ lực khẩn cấp và lâu dài để giải quyết các vấn đề liên quan đến “hệ thống hành chính, luật pháp và cách thức điều hành đất nước”.

HIẾU TRUNG

source

http://tuoitre.vn/The-gioi/442282/Trung-Quoc-mau-thuan-xa-hoi-bung-no.html

Thursday, 2 June 2011

Death by China


Học giả Mỹ: TQ Cộng Sản là mối đe dọa lớn nhất cho hòa bình thế giới kể từ thời Đức Quốc Xã

Giữa lúc những hành động được xem là hung hãn của Trung Quốc ở Biển Đông hồi gần đây làm cho nhiều người, đặc biệt là người Việt Nam, cảm thấy hoài nghi về tuyên bố trỗi dậy trong hòa bình hay “hòa bình quật khởi” của chính phủ ở Bắc Kinh, hai học giả ở Mỹ đang chuẩn bị ra mắt cuốn sách nói về điều mà họ cho là mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình thế giới kể từ thời Đức quốc xã. Trong cuốn sách “Death by China” (deathbychina.com), phát hành vào đầu tháng sáu, Tiến sĩ Peter Navarro của Đại học California ở Irvine và chuyên gia về Trung Quốc Greg Autry cho rằng những nhà cai trị tàn bạo ở Trung Nam Hải đang đe dọa tới kế sinh nhai của người dân ở các nước phát triển, gây nguy hại cho sức khỏe và tính mạng của vô số người trên khắp thế giới, kể cả những người dân bình thường ở Trung Quốc. Mời quí vị nghe Duy Ái trình bày thêm chi tiết trong tiết mục Nhìn Về Á Châu sau đây.

Hình: http://deathbychina.com/

“Hòa bình, thịnh vượng, và sức khỏe của thế giới đang đối mặt với mối đe dọa lớn nhất kể từ thời Đức quốc xã: (đó là) một đảng Cộng Sản Trung Quốc hùng mạnh, giàu có, thối nát và trở nên táo bạo hơn vì chủ nghĩa dân tộc cực đoan mỗi ngày một tăng.”

Những nhà cai trị tàn bạo của Trung Quốc đang đe dọa tới sinh kế của người dân ở các nước phát triển qua việc thao túng chỉ tệ, áp dụng các chính sách mậu dịch ngang ngược, và sản xuất những sản phẩm tiêu thụ độc hại, gây chết người. Đó là nhận định của Tiến sĩ Peter Navarro, giáo sư ngành kinh thương của Đại học California ở Irvine (University of California Irvine), và viên phụ khảo của ông là Thạc sĩ Greg Autry. Trong cuốn sách sắp được ra mắt vào ngày 7 tháng 6, hai tác giả của cuốn “Death by China” -- mà chúng tôi tạm dịch là “Chết Dưới Tay Trung Quốc”, cho rằng “hòa bình, thịnh vượng, và sức khỏe của thế giới đang đối mặt với mối đe dọa lớn nhất kể từ thời Đức quốc xã: (đó là) một đảng Cộng Sản Trung Quốc hùng mạnh, giàu có, thối nát và trở nên táo bạo hơn vì chủ nghĩa dân tộc cực đoan mỗi ngày một tăng.”

Trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho đài VOA, Thạc sĩ Autry nói rằng ông và ông Navarro chỉ trình bày sự thật và không hề có ý định bài xích Trung Quốc hay không muốn cho Trung Quốc được trở thành một quốc gia giàu mạnh. Ông nói thêm như sau:

"Chúng tôi muốn thấy một nước tôn trọng các qui phạm của thế giới văn minh và các qui phạm của mậu dịch tự do. Chúng tôi không thấy như vậy. Chúng tôi chỉ thấy một chủng loại mới của chủ nghĩa quốc gia xã hội mang đặc tính Trung Quốc. Và chúng tôi xem đó là một mối đe dọa cho cộng đồng toàn cầu."

Cùng với nhiều kinh tế gia khác và các nhà lập pháp ở Mỹ, ông Autry tố cáo rằng Trung Quốc thao túng tỉ giá đồng nhân dân tệ để hàng hóa Trung Quốc chiếm ưu thế cạnh tranh bất công trên thị trường thế giới, xuất khẩu các loại sản phẩm thiếu an toàn – kể cả các loại thực phẩm và đồ chơi trẻ em, và thực hiện nhiều quyết định khác có hại cho cộng đồng quốc tế.

Ông Autry cho rằng Trung Quốc đang mưu toan hủy hoại các công nghiệp ở Mỹ bằng nhiều cách thức khác nhau.

Ông nói: "Họ đang thận trọng nhắm tới các công nghiệp chiến lược và tìm mọi cách để các công nghiệp đó được phát triển ở Trung Quốc, gây phương hại cho các công nghiệp đó ở Mỹ qua một mạng lưới của những chương trình trợ cấp xuất khẩu trái phép, thao túng chỉ tệ, làm hàng giả hàng nhái, đánh cắp tài sản trí thức; bằng cách để cho môi trường bị hủy hoại ở Trung Quốc và ở những nước mà Trung Quốc tiến hành các hoạt động kinh doanh; bằng cách giữ cho các tiêu chuẩn an toàn và sức khỏe lao động ở mức rất thấp để không ai có thể cạnh tranh, và bằng cách tạo ra mọi loại rào cản để ngăn không cho doanh nghiệp Mỹ tiến vào thị trường Trung Quốc."

Thạc sĩ Autry cho rằng các chính sách kinh tế và thương mại của Trung Quốc chẳng những đe dọa tới các nước khác mà còn gây thiệt hại trực tiếp cho chính người dân nước họ. Ông giải thích thêm như sau:

"Trung Quốc đang tạo ra một áp lực lạm phát vô cùng lớn trong nền kinh tế của chính họ qua việc thao túng tỉ giá. Khi làm như vậy họ làm giảm 40% sức mua của người lao động Trung Quốc đối với các loại hàng hóa nhập khẩu và những loại nông khoáng sản được mua bán trên thị trường quốc tế. Đó chính là lý do tại sao tài xế xe tải đình công ở Thượng Hải và công nhân ở Thẩm Quyến biểu tình đòi tăng lương để có thể có đủ tiền mua rau."

Ông Bchung Tsering, Phó Chủ tịch của một tổ chức tranh đấu ở Mỹ có tên là Chiến dịch Quốc tế cho Tây Tạng, tán đồng các nhận định trong cuốn “Chết Dưới Tay Trung Quốc.” Trang web quảng cáo cho cuốn sách này trích lời ông Tsering nói rằng "Trung Quốc dường như không sẵn sàng để trở thành một thành viên có trách nhiệm trong đại gia đình các nước trên thế giới." Ông nói thêm rằng “việc cộng đồng quốc tế không xem xét tới thực tế này không những sẽ là một việc bất lợi cho các nước khác mà còn bất lợi nhiều hơn cho người Trung Quốc, người Tây Tạng và những người khác đang phải đối mặt với hậu quả của tình trạng này trong cuộc sống hàng ngày.”

Ông Autry, đồng tác giả cuốn “Death by China”, cho rằng giới lãnh đạo ở Trung Nam Hải tạo ra một xã hội kim tiền trong đó đạo đức bị suy đồi, người dân phải sống trong sợ hãi, và các quyền dân sự, xã hội và môi trường bị chà đạp. Ông nói thêm như sau:

"Trong quá khứ, khi có những nước khác trải qua những phép lạ kinh tế in hệt như vậy, chẳng hạn như các Mãnh Hổ Á châu, như Hàn quốc, Nhật Bản và các nước khác; chúng ta thấy xuất hiện những cộng đồng dân chủ và những nước chia sẻ những giá trị với chúng ta có thể trở thành những đối tác thương mại có qua có lại với chúng ta. Chúng ta không nhận thấy điều này ở Trung Quốc và vì vậy đó là một điều rất đáng lo ngại."

Ông Autry cho biết điều làm cho ông và ông Navarro lo ngại nhiều hơn nữa là Trung Quốc đang tìm cách xuất khẩu mô thức phát triển này, đe dọa các nước láng giềng, và bóc lột các nước đang phát triển trên khắp thế giới với chủ nghĩa đế quốc mới.

Ông Jon Gallinetti, Thiếu tướng Thủy quân Lục chiến Mỹ hồi hưu, tán thành nhận định của cuốn “Death by China” cho rằng Trung Quốc đang dùng các loại vũ khí kinh tế kết hợp với hoạt động gián điệp, chiến tranh mạng, vũ khí không gian, chiếm độc quyền khai thác và kinh doanh tài nguyên thiên nhiên và đánh cắp công nghệ để giành quyền chế ngự thế giới. Tướng Gallinetti cho rằng trong quá trình này những sức mạnh cơ bản về kinh tế và địa chính trị, vốn là cột trụ của ưu thế quân sự của Hoa Kỳ, đã bị xói mòn một cách có hệ thống trong lúc Trung Quốc ngày càng hung hãn hơn trong những vụ tranh chấp khu vực. Ông nói thêm rằng: “Các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự Tây phương nên đọc cuốn sách này. Ngay bây giờ!”

source

VOA Vietnamese

Wednesday, 1 June 2011

Chính phủ Lào đã cho các công ty Trung Quốc thuê đất trong 60 năm


Cập nhật: 16:34 GMT - thứ tư, 1 tháng 6, 2011

Lào lo ngại về đầu tư của Trung Quốc

Một phụ nữ Lào tại Boten, Lào, trên đường phố toàn các cửa hàng của người Hoa

Các cửa hàng của người Hoa với các biển hiệu tiếng Hoa tràn làn ở các làng người Lào tại Boten

Đầu tư của Trung Quốc tại nước láng giềng Lào đang khiến người dân địa phương lo ngại là các đồn điền cao su và sòng bạc mà Trung Quốc dựng lên đang làm tổn hại tới lối sống của họ.

Hãy đặt tiền cược của quí vị đi!

Người hồ lì tại sòng bạc đánh tiếng chuông báo hiệu chấm dứt việc những tờ tiền giấy của Trung Quốc được ném lả tả xuống bàn bạc.

Mọi người đều ủng hộ một người đàn ông này, người hiện đã đang thắng liên tục các ván bạc.

Người hồ lì chia 2 con bài và sau đó lật lên cho thấy người đàn ông kia phải thắng là gì: đó là một con chín pích.

Mọi sự chú ý hướng về phía người đàn ông, người lật một quân bài khác và sau đó đập quân bài xuống mặt bàn trải vải bông.

Át cơ.

Mọi người hò reo - ông ta đã thắng và vì thế họ cũng thắng.

Sòng bạc này là một trong vài sòng bạc tại thị trấn Boten, nơi khách được chào đón với một vẻ cung kính "ni hao", "xin chào" bằng tiếng Trung phổ thông.

Điều đáng chú ý là sòng bạc này không phải ở Trung Quốc, nơi đánh bạc bị nghiêm cấm, nhưng ở phía bên kia biên giới, tại nước láng giềng Lào.

Các nhà đầu tư thuê toàn bộ thị trấn và các vùng lân cận từ chính phủ Lào để sử dụng trong 60 năm.

Mở rộng nhanh chóng

Tại Boten, các biển hiệu đường bộ đều bằng tiếng Trung Quốc, nhân viên trong các khách sạn nói tiếng Hoa.

Dọc phố chính của thị trấn là một dãy hàng ăn bán bánh bao và vịt chiên và bên ngoài các quầy hàng là các cô gái bán dâm trẻ người Trung Quốc đi đi lại lại cho tới đêm.

Cửa hàng của người Hoa tại Lào

Chính phủ Lào đã cho các công ty Trung Quốc thuê đất trong 60 năm

Tôi gặp Robert, một nhân viên bảo vệ làm việc tại sòng bài đang hút thuốc lá bên ngoài vào giờ giải lao.

"Nơi đây vốn chỉ là một làng khỉ ho cò gáy của Lào", Robert nói với tôi.

"Họ đưa cho mỗi người dân khoảng $800 và bảo họ hãy ra khỏi đây.

"Kể từ đó, nay nó về cơ bản đã thành một thị trấn của Trung Quốc."

Và đầu tư của Trung Quốc ở Bắc Lào còn đi xa hơn nhiều chứ không chỉ dừng lại ở các sòng bạc của Boten.

Một số công ty cao su của Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng văn phòng ở gần Luang Namtha.

Chỉ cần vượt qua biên giới, tỉnh Vân Nam của Trung Quốc là một trung tâm đang rất phát triển ngành công nghiệp chế biến cao su toàn cầu, sản xuất cao su cho tất cả các loại sản phẩm, từ lốp xe đến bao cao su.

Nhưng không còn chỗ để trồng thêm cây tại đây, các công ty của Trung Quốc đã nhìn ra xa hơn.

Chính phủ Lào tin rằng họ đã phát hiện một cơ hội.

Đánh liều với suy nghĩ rằng tiền từ sản xuất cao su của Trung Quốc có thể mở lối "đi tắt đón đầu" cho phát triển tại vùng này, Lào đã đề nghị những khuyến khích rất hào phóng về ưu đãi thuế và giảm giá đất đai.

Ban Chagnee là một làng nằm trong số những ưu đãi về đất đai này.

Người Lào làm việc trong các đồn điền cao su

Người dân làng lo ngại trước làn sóng người Hoa do các công ty Trung Quốc đưa tới

Tôi tới làng này vào đúng lúc trời mưa lớn, và một người đàn ông trẻ gầy gò với khuôn mặt dài khắc khổ tên là Borsai đã mời tôi vào trú mưa.

Trong khi đàn gà của ông kêu lục cục ngoài sân sau, Borsai ngồi xổm trên sàn và rót ra một chén whisky.

"Cách đây bốn năm," ông nói, đẩy ly rượu về phía tôi, "quân đội tới đây và nói với chúng tôi là chính phủ đã bán đất của chúng tôi. ai muốn lại trồng lúa ở đây sẽ bị bắt."

Quân đội đề nghị bồi thường rất ít.

"Họ trả tôi 15 xu cho công việc tôi làm mỗi ngày," ông nói.

"Chẳng trả xu nào cho thóc gạo, nói gì đến đất đai."

Chính phủ Lào lập luận rằng chiến lược đổi đất của dân làng lấy công ăn việc làm là cần thiết vì lợi ích chung của đất nước.

Nhưng Borsai nói chỉ có các chính trị gia và các tướng lĩnh được lợi nhờ các vụ lại quả và tham nhũng.

"Chúng tôi thích lối sống cũ," Borsai nói.

"Đúng vậy, chúng tôi có thể làm ra tiền nếu làm việc cho người Trung Quốc, nhưng chi tiêu của chúng tôi đắt đỏ hơn.

"Chúng tôi đáng lẽ chi tiền vào lúa gạo nhưng thay vào đó chúng tôi chi tiền vào thẻ điện thoại và rượu."

Xu thế "đáng lo ngại"

Không chỉ các công ty Trung Quốc có thể trồng cao su tại Lào.

Đi thêm hơn 80 cây số nữa, Han Yuang mạnh dạn nói với tôi là trên thực tế ông là người đầu tiên đến Lào trồng cây cao su cách đây 14 năm.

Bản đồ Lào

Ông Han nay đã ở độ tuổi trên 60. Ông học được kỹ thuật cần thiết để trồng cao su vào thời gian ông sống lưu vong ở Trung Quốc sau khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc.

Nay trở lại Lào, ông và các con trai ông trồng cao su trên 50 mẫu đất và có thể đem lại một thu nhập tốt cho năm nay.

Ông chia sẻ những kiến thức của mình rất thoải mái nhờ vậy mọi gia đình trong làng này đều được lợi lợi từ trồng cao su.

"Chúng tôi ở đây không giàu," ông Han nói với nụ cười lộ ra hai chiếc răng duy nhất còn lại.

"Cứ nói là chúng tôi đủ ăn."

Nhưng ông Han không hài lòng với tất cả những gì ông đang chứng kiến.

"Tôi lo ngại về tất cả những gì các công ty của Trung Quốc đang vào Lào," ông nói.

"Làm sao họ tìm đủ người để làm việc với từng đó cây cao su?"

Một nông trại cao su cần 3-4 người trên một mẫu để bảo đảm tận dụng hết sản ượng.

Cộng tất cả đất đai mà các công ty Trung Quốc đã thuê được thì có nghĩa là cần tới một triệu người tại đây.

"Liệu họ có kế hoạch đưa một triệu người Trung Quốc tới Lào hay không?" ông Han đặt câu hỏi.

"Điều đó sẽ ảnh hưởng tới văn hóa của chúng tôi ra sao đây?"

source

BBC Vietnamese