Thứ Sáu, 02 tháng 3 2012
Nhật Bản suy tính 'các thành phố của tương lai' cho các cộng đồng bị tàn phá
Nhật Bản đang lập kế hoạch xây dựng 6 thành phố tiết kiệm năng lượng, gọi là ‘các thành phố của tương lai’ tại những vùng bị tàn phá bởi trận động đất mạnh 9 độ richter và sóng thần một năm trước. Nhưng hiện có các quan ngại về quy mô và tính bền vững của các dự án, và rằng liệu các công ty quốc tế có cơ hội tham gia hay không.
Sau khi trận sóng thần hôm 11/3 năm ngoái cuốn sạch một số cộng đồng duyên hải và nhiều cư dân ở các cộng đồng này, nhiều người lo ngại rằng một số thị trấn sẽ biến mất mãi mãi. Nhưng Nhật Bản hiện đang lập kế hoạch hồi sinh một số nơi, biến chúng thành các cộng đồng tiết kiệm năng lượng. Một số các khái niệm khá táo bạo.
Bộ ba thị trấn bị tàn phá – Ofunato, Rikuzentakata và Sumida Kesen - sẽ cùng trở thành nơi triển khai dự án năng lượng mặt trời khổng lồ đầu tiên trên thế giới với nguồn pin do địa phương cung cấp.
Kamaishi có kế hoạch cung cấp năng lượng riêng cho dân cư địa phương tiêu thụ và thiết lập các ngành công nghiệp mới. Higashi Matsushima sẽ sử dụng các công nghệ xây dựng hiện đại nhất để tạo dựng cộng đồng có khả năng chống chọi thảm họa. Iwanuma có thể sử dụng các đống đổ nát từ thảm họa tự nhiên để tái tạo môi trường tự nhiên. Nó sẽ có một mạng lưới điện năng lượng mặt trời thông minh.
Và thị trấn Shinichi có kế hoạch trở thành một ‘trung tâm hạ tầng thông tin’ trong khi Minamisoma muốn trở thành thành phố với chủ đề ‘lương thông năng lượng’, có thể sử dụng năng lượng gió.
Các nguồn năng lượng hóa thạch nhập khẩu vẫn được sử dụng phần lớn cho nền kinh tế Nhật Bản, nhất là kể từ khi gần như toàn bộ các lò phản ứng hạt nhân của nước này hiện ngưng hoạt động vì nhiều lý do. Giới hữu trách đang tìm kiếm các ý tưởng táo bạo về năng lượng thay thế.
Tại một cuộc hội thảo ở Fukushima, một số người từ các cộng đồng bị ảnh hưởng, các nhà quy hoạch đô thị quốc tế và các nhà ngoại giao đã được chủ tịch một nhóm học thuật tường trình về thẩm định một số dự án tối tân.
Kiến trúc sư kiêm kỹ sư Shuzo Murakami nói các cư dân ‘thành phố tương lai’ sẽ không những kiểm soát việc sử dụng năng lượng mà còn có thể tạo ra và lưu trữ năng lượng trong chính các ngôi nhà của mình.
Nhưng ông Murakami khuyến cáo rằng các cộng đồng mới không thể được thiết kế theo cách chỉ đổ tiền vào việc xây dựng. Theo ông, các thành phố mới cần phải có khả năng tự túc và tự duy trì để người dân muốn sống tại những nơi đó về lâu về dài.
Thậm chí trước khi xảy ra thảm họa năm ngoái, một số cộng đồng cũng đã phải đối phó với các thách thức lớn. Các cư dân trẻ tuổi đổ về các thành phố lớn, bỏ lại các công việc đồng áng và đánh bắt cá.
Những người sống sót và các nhà quy hoạch lo ngại rằng các dự án có thể sẽ trở thành bản sao mới nhất của các dự án khổng lồ, tiêu tốn nhiều tỷ đôla. Nhật Bản đã chứng kiến nhiều dự án kiểu như vậy trong vài thập kỷ qua, khi các chính trị gia và các công ty xây dựng cấu kết với nhau, chủ yếu vì nguồn lợi tài chính của mỗi bên.
Nhật Bản khuyến khích các công ty nước ngoài tham gia vào việc tái thiết. Nhưng các tổ chức hải ngoại phàn nàn rằng họ thấy ít hứng thú thực sự đối với khả năng và các sản phẩm của họ, cả với vấn đề thu dọn khổng lồ lẫn các nỗ lực tái thiết tính cho đến này. Một số nói với đài VOA rằng các tay trung gian Nhật Bản chỉ đề nghị hỗ trợ nếu được đút lót.
Một diễn giả chính tại hội thảo Fukushima là ông Richard Jones, phó giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế.
Ông nói với đài VOA rằng các nhà thực hiện quyết định của Nhật Bản cần phải tập trung vào nhu cầu của người dân thay vì tham vọng của các công ty lớn của Nhật Bản:
“Dĩ nhiên trong các tình huống như thế này, luôn luôn có sự thèm muốn, vì suy cho cùng, họ đang chi nhiều tiền công quỹ để tập trung vào các nguồn lực địa phương. Nhưng tôi kêu gọi mọi người hãy cố gắng nghĩ đến tương lai lâu dài cũng như về nhu cầu của người dân trong khu vực".
Và ông Jones nói rằng nhu cầu quan trọng nhất ở các khu vực bị tàn phá là tái thiết càng nhanh càng tốt:
“Tôi cho rằng họ không nên cố gắng sáng chế ra một điều gì mới lạ vì đã có nhiều gương điển hình về các cộng đồng khác và các dự án đã đạt được nhiều thành quả khá tốt.”
Cựu đại sứ Hoa Kỳ tại 4 nước nói rằng các cộng đồng thông minh ở Đan Mạch, Anh, Đức và Thụy Điển là các mô hình khả thi để Nhật Bản học hỏi.
Những người ủng hộ cho rằng các bài học đó bao gồm cách thức công tác quy hoạch và xây dựng phải có sự tham gia như thế nào của các cư dân tương lai và những người có quyền lợi trong đó để bảo đảm rằng chúng vừa tiết kiệm năng lượng, vừa khiến người ta phải mơ ước sống ở đó.
VOA Vietnamese