Wednesday, 28 October 2009

Nghệ thuật ngoại giao của bà Clinton



Đó là chặng dừng được dự đoán sẽ yên ả nhất trong chuyến đi của chúng tôi.

Bà Clinton và Philip Gordon cố gắng dàn xếp thỏa thuận (Ảnh của Bộ Ngoại giao Mỹ)

Hạ cánh xuống Zurich vào buổi sáng, đi thẳng tới Khách sạn Dolder lâu đời và sang trọng, đi dạo vài tiếng trong khi những người Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia, với trợ giúp của Thụy Sĩ và Mỹ, soạn xong chi tiết một thỏa thuận vốn đã được bàn cãi nhiều tuần.

Chúng tôi dự định đến giờ ăn tối là mình đã ở London.

Thực sự lý do duy nhất chúng tôi dừng lại ở Zurich với Ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton, là vì dường như mọi khúc mắc đã được tháo gỡ.

Nhưng khi một cuộc xung đột đã kéo dài gần một thế kỷ và hai phía vẫn đầy cay đắng về quá khứ và dễ nổi giận về các vấn đề, đụng chạm tận gốc rễ bản sắc của họ, lẽ ra chúng tôi nên dự kiến sẽ gặp vài vai vấp trên đường.

Lễ ký hai Nghị định thư bình thường hóa quan hệ và thành lập quan hệ ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia lẽ ra thực hiện lúc 17h chiều.

Đoàn xe của bà Clinton rời Khách sạn Dolder lúc 1700, hướng về Đại học Zurich và hội trường Churchill, nơi diễn ra sự kiện.

Đoàn xe dừng lại, chúng tôi lục tục bước ra nhưng bỗng được yêu cầu trở lại xe.

Cửa đóng, xe quay ngoắt đi và các phóng viên đi theo Ngoại trưởng bắt đầu đoán mò rồi thấp thỏm gọi điện.

Chúng tôi đã tới sai chỗ? Thỏa thuận đã sụp đổ?

Kịch tính

Người ta nhanh chóng nhận ra trục trặc đã xảy ra ngay phút cuối.

Chúng tôi quay lại khách sạn, đứng bên ngoài xe hơi, trong lúc Ngoại trưởng ngồi trong chiếc BMW màu đen, nghe cấp dưới báo cáo, trong đó có cả người phụ trách vùng châu Âu của bộ Ngoại giao, ông Philip Gordon.

Phía Armenia phản đối phần tuyên bố của người Thổ tại buổi lễ và chưa hề rời khách sạn. Phía Thổ thì đã có mặt tại địa điểm.

Đây là kiểu ngoại giao kịch tính cao vì thương lượng diễn ra ngay trước mắt chúng tôi.

Bà Ngoại trưởng dùng cả hai điện thoại di động để liên lạc, theo lời các viên chức, trong khi các nhân viên chạy quanh, mang giấy tờ đến cho bà, rồi chạy vào chạy ra khách sạn.

Có lúc một xe cảnh sát khởi hành, hú còi, nhưng chỉ năm phút sau đã quay về, mang theo một sấp giấy nữa - đó là tuyên bố của Thổ với phần sửa chữa viết tay từ phái đoàn Thổ vẫn đang đợi ở Đại học Zurich.

Còn tranh cãi là ai thực ra đã giúp có được thỏa thuận

Bà Clinton rốt cuộc đi vào khách sạn trong khi tất cả chúng tôi đợi chờ.

Hai tiếng sau khi buổi lễ lẽ ra bắt đầu, bà Clinton và người tương nhiệm Armenia bước ra ngoài và cùng lên xe của bà.

Lần này ông Edward Nalbandian không quay lại, mặc dù ông vẫn gọi điện cho Tổng thống ở Yerevan.

Sau đó bà Clinton nói với các phóng viên rằng bà là người nói nhiều nhất trong cuộc hội đàm, thúc giục vị Bộ trưởng đừng từ bỏ những gì đã đạt được. Bà cũng nói hai phía đã nêu ra quan ngại.

Chúng tôi đến đại học với ý nghĩ rằng buổi lễ sắp mở màn và rồi lại phải chờ thêm một chút.

Qua email, nhân viên của bà Clinton nói với chúng tôi rằng tình hình "còn dễ thay đổi".

Ngoại giao con thoi diễn ra dồn dập - người Thổ ở trong một phòng, người Armenia phòng khác trong khi các nhà trung gian Thụy Sĩ, Mỹ, Nga, Pháp và những người khác chạy qua chạy lại, mang cả đống tài liệu.

Các vị Bộ trưởng đã nhỡ chuyến bay, bà Clinton nhỡ kế hoạch ăn tối ở London nhưng một tiếng rưỡi sau, người Armenia và Thổ đặt bút ký.

Giải pháp? Không bên nào có tuyên bố công khai.

Bà Clinton đang công du Âu châu trong năm ngày

Thật là hiếm khi một buổi lễ mang tầm quan trọng lịch sử như thế lại diễn ra trong im lặng.

Ngoài thông báo của nước chủ nhà, Ngoại trưởng Thụy Sĩ Micheline Calmy-Rey, và tràng vỗ tay sau khi Nghị định thư đã ký, chẳng ai nói thêm điều gì.

Sau đó, bà Clinton bảo chúng tôi rằng tự thân Nghị định thư đã là tuyên bố - "đó là cốt lõi vấn đề, những gì mà các Nghị định thư đề cập, người ta tự do muốn nói gì thì nói, nhưng hãy để chính Nghị định thư là tuyên bố, vì trên thực tế, đó là lý do chúng tôi có mặt để ký."

Đó có thể là cách thức tốt để phủ màu tích cực lên một sự thỏa hiệp đã bộc lộ những thách thức trước mặt trong khi hai quốc gia còn cố gắng rũ bỏ nhiều năm thù hằn và sẽ gửi Nghị định thư cho hai Nghị viện thông qua, và còn gặp chống đối từ những đảng dân tộc chủ nghĩa.

Trên chuyến bay tới London, chúng tôi hỏi bà Clinton, liệu đây đã phải là thử thách ngoại giao lớn nhất cho bà.

Bà trả lời: "Đó là điều bạn phải tính đến khi bạn cố gắng giúp người ta giải quyết các vấn đề tồn tại dai dẳng."

Là thành viên báo chí đi cùng, dĩ nhiên chúng tôi chủ yếu nhận được một phiên bản các sự kiện, phiên bản của người Mỹ - vì thế có thể người Nga cảm thấy họ mới thật sự là người giúp đạt thỏa thuận, hay có khi người Pháp sẽ nói họ đã nghĩ ra giải pháp sáng tạo là không phát biểu công khai.

Nhưng chắc chắn chúng tôi đã được ngồi ngay hàng ghế đầu để quan sát trực diện bộ máy ngoại giao Hoa Kỳ.

*******************

source

BBC Vietnamese

Đưa quân vào Thiên An Môn 1989

Đưa quân vào Thiên An Môn 1989

Thiết quân luật được ban bố ở Bắc Kinh ngày 20 tháng Năm năm 1989.










Thay đổi lớn lao ở Liên Xô cũ



Yevgeny Bely và con trai Mikhail Bely

Yevgeny Bely và con trai Mikhail Bely

Yevgeny Bely năm nay 54 tuổi và sống ở Ulyanovsk, một tỉnh ở đông nam Moscow, trên bờ sông Volga.

Ông là giám đốc của Viện Kinh doanh và Kinh tế tại Đại học Quốc gia Ulyanovsk và làm trong lĩnh vực nghiên cứu trong suốt cuộc đời.

Con trai ông Mikhail Bely, năm nay 25 tuổi và tốt nghiệp đại học báo chí và kinh tế. Anh làm báo từ năm 16 tuổi và tin rằng đó là nghề thích hợp nhất với anh. Hiện anh sống ở Moscow.

Cuộc nói chuyện giữa Yevgeny và Mikhail là một phần của loạt các cuộc nói chuyện giữa các thế hệ khác nhau cho BBC tại nhiều nước nhân kỷ niệm 20 năm bức tường Berlin sụp đổ.

Mikhail Bely: Thưa bố, 20 năm qua đi, bố nghĩ tới điều gì khi nhớ đến năm 1989?

Yevgeny Bely: Điều chính mà bố nhớ là Đại hội Đại biểu Nhân dân. Bố nhớ khi đó truyền hình trực tiếp lúc xem được, lúc không. Khi đó mọi người đều không có việc gì để làm. Chẳng hạn ở trường mà mẹ con làm việc, ở phòng họp có TV và mọi người đều đổ tới đó xem khi giải lao.

Bố không thể nào quên được khi tới trung tâm chữa ung thư ở Moscow cùng với bố của bố, ông của con đấy. Ở đó có TV ở phòng khách, ông con ngồi xuống và bảo ''Cứ để các bác sĩ đợi đã.''

Chỉ có băng đảng và những người có thể tự bảo vệ khỏi băng đảng mới sống sót được.

Yevgeny Bely

Mikhail Bely: Nhưng khi đó mọi chuyện khác lắm so với bây giờ đúng không ạ?

Yevgeny Bely: Bây giờ thật khó mà tưởng tượng được cảnh ngày xưa. Một tuần bố phải dậy vào lúc 5h sáng hai lần. Một lần là để ra kiosk mua tạp chí Ogonyok (Ngọn lửa nhỏ - một kiểu báo lá cải của Liên Xô) và một lần để mua báo Moscow News (một báo nghiêm túc hơn một chút). Họ chỉ có ba tờ mỗi số và nếu ai đó là người thứ tư thì sẽ phải tìm mua ở chỗ khác.

Mikhail Bely: Thế khi đó mọi người hy vọng những gì?

Yevgeny Bely: Người dân hy vọng Đảng Cộng sản Liên Xô sẽ đổ, sẽ không còn KGB. Họ mong các quan chức của đảng sẽ bị cấm tham gia vào các vị trí lãnh đạo, biên giới sẽ được mở và mọi người tự do ra nước ngoài.

Hy vọng lớn nhất là mọi người sẽ có tự do - tự do nói, nghe, đọc những gì mình muốn. Tuy nhiên ít ai đoán trước được những gì sẽ tới.

Tự do

Mikhail Bely: Bây giờ nhìn lại bố có thể nói là người dân đã đạt được điều gì không sau bao nhiêu thay đổi? Những hy vọng của họ đã thành sự thật chưa?

Yevgeny Bely: Có thể nó có vẻ là điều nghịch lý nhưng chính những người có liên quan tới Đảng Cộng sản lại thích ứng nhanh nhất với cuộc sống mới. Nếu con để ý thì sẽ thấy hầu hết các doanh gia và những người làm ngân hàng bây giờ đều xuất thân từ Đoàn Thanh niên cả.

Trong khi đó những người gặp khó khăn nhất là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các kỹ sư làm việc trong ngành quốc phòng. Những người làm việc trong lĩnh vực tư tưởng cũng bị bỏ lại sau.

Và dĩ nhiên là các sĩ quan quân đội cũng gặp khó khăn: sau khi bức tường Berlin sụp đổ, Liên Xô đã rút quân khỏi Đức và các nước Đông Âu khác. Người ta không còn cần tới các sĩ quan nữa.

Mikhail Bely: Như vậy có nghĩa là có nhiều người thua thiệt vì những thay đổi đúng không ạ?

Yevgeny Bely: Tôi tin rằng những người mất mát nhiều nhất là những người tham gia các cuộc diễu hành, những người từng nghe Vysotsky (ca sỹ và nhạc sỹ Vladimir Vysotsky), đọc trộm Pasternak hay nghe Đài tiếng nói Hoa Kỳ VOA. Đó là khởi đầu của các mối quan hệ thị trường hỗn loạn và rắc rối.

Giao thông ở Moscow

Người Moscow ngày nay giàu có và rất nhiều người có thể sở hữu xe hơi

Chỉ có băng đảng và những người có thể tự bảo vệ khỏi băng đảng mới sống sót được.

Mikhail Bely: Thế thì mọi việc khá lên hay tồi đi?

Yevgeny Bely: Thật khó mà trả lời câu hỏi này. Thực tế thì thế này: hồi năm 1989, bố 34 tuổi và có bằng Tiến sỹ. Như thế có nghĩa là đương nhiên bố được lương 500 rúp một tháng- bằng với lương của kỹ sư trưởng hay của một vị tướng.

Ông của con, ông cũng là giáo sư, có thể đi nghỉ ở khu nghỉ spa Kislovodsk. Ông có xe tốt và có biệt thự. Khi đó ông rất khá giả và được coi trọng.

Bây giờ những người có bằng tiến sĩ sống chẳng hơn gì mấy người sở hữu mấy tiệm tạp hóa cũ kỹ.

Nhưng mặt khác ngày nay không ai bắt ai đi họp Đảng, ai cũng có thể đọc cái mình muốn. Bố nhớ khi trở thành trưởng khoa đại học, bố được mời đến văn phòng hiệu trưởng và ông ấy nói: ''Tôi có 15 trưởng khoa và chỉ có ông là không phải là đảng viên thôi: ông tự suy nghĩ xem thế nào nhé.''

Điều lợi thấy rõ nhất của những thay đổi là khả năng tiêu thụ như là đi nghỉ ở nước ngoài, mua đủ loại đồ đạc mà trước đây chưa từng có và người ta không còn phải nhờ tới quan hệ mới mua được cà phê hay champagne.

Sốc

Chuyện một đất nước có thể xuống cấp về đạo đức như thế là điều bố không bao giờ nghĩ tới.

Yevgeny Bely

Mikhail Bely: Nhưng bây giờ nhiều người phàn nàn rằng vai trò của bảo hiểm xã hội đã giảm đáng kể.

Yevgeny Bely: Điều này thì đúng. Khi đó bố không sợ bố sẽ sống trong nghèo khổ khi về hưu. Nhưng giờ thì đó là mối lo sợ thực sự.

Mikhail Bely: Và những điều gì đã thay đổi đáng kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc?

Yevgeny Bely: Trước hết, biên giới được mở và mọi người có thể tự do đi lại. Trước đây ông con không được phép ra nước ngoài. Hồi giữa những năm 70, ông và bà con muốn đi nghỉ ở Địa Trung Hải. Họ cho bà đi nhưng giữ ông lại mà chẳng đưa ra lý do gì mặc dù hai ông bà đã trả tiền vé rồi.

Khi đó chuyện thanh niên có thể tự do đi học ở Đức, Anh, Cộng hòa Czech là điều không thể.

Mikhail Bely: Thế có hậu quả phụ nào của các tự do này không?

Yevgeny Bely: Bố tin rằng khi đó mọi người đọc nhiều hơn, họ đọc tiểu thuyết, những cuốn sách dày. Khi đó xã hội có học hơn và đỡ khoe mẽ hơn.

Bố không biết là một đất nước có thể thay đổi nhiều tới vậy trong 20 năm và những người như bác sỹ và giáo viên sẽ bắt đầu trộm cắp, ăn hối lộ, cho học sinh điểm thấp để các em trả tiền học thêm. Chuyện một đất nước có thể xuống cấp về đạo đức như thế là điều bố không bao giờ nghĩ tới.

Đó là điều làm cho bố bị sốc.

***************************

source

BBC Vietnamese

'Bài học Việt Nam'


'Bài học Việt Nam'

Hình ảnh trực thăng Mỹ đón những người di tản khi lực lượng miền Bắc chiếm Sài Gòn

Thất bại ở Việt Nam giờ được gọi khéo là 'kinh nghiệm học hỏi', thậm chí là chiến thắng

Tại Hoa Kỳ, Việt Nam hiện đang là chủ đề của các bài xã luận, những cuộc nói chuyện trên truyền hình, những họp báo của Lầu Năm Góc và hội thảo ở Washington.

Những chuyên gia, các vị tướng, sử gia và nhà báo lại một lần nữa có ý định học ''bài học'' từ cuộc chiến chấm dứt cách đây 35 năm.

Dĩ nhiên không phải chính bản thân Việt Nam là tâm điểm của sự chú ý. Chủ đề chính là cuộc chiến của Hoa Kỳ ở Việt Nam, chiến lược quân sự và thất bại của người Mỹ.

Sự thất bại này được nói khéo là kinh nghiệm học hỏi.

Trên thực tế người ta đã biến nó thành thứ như là chiến thắng.

Báo New York Times vừa mới dành một phần lớn phần xã luận cho bài viết mô tả ''chiến lược hậu 1967 thành công'' của Hoa Kỳ ở Việt Nam.

Tác giả quên không nhắc tới cuộc Tấn công Mậu thân 1968, những cuộc đưa quân bất thành vào Lào và Campuchia và sự sụp đổ của Sài Gòn vào ngày 30 tháng Tư năm 1975.

Thay vào đó tác giả khen ngợi hiệu quả các chiến dịch khủng bố của CIA. Ông cũng khuyến nghị các chiến dịch "dành dân giữ đất'' vốn đã làm hàng vạn dân thường Việt Nam thiệt mạng.

Nguy hiểm

Trong số 45 người được giao nhiệm vụ mang những tin tức của ông Ẩn ra khỏi Sài Gòn, 27 người đã bị bắt và giết.

Những tranh luận cao siêu này về Việt Nam thực ra chỉ vì lợi ích cá nhân.

Nó cũng đầy tính ảo tưởng, giống như giấc mơ của những bệnh nhân chấn thương khi lên cơn sốt và bị cơn đau ám ảnh trong khi mơ rằng tay chân bị gãy của mình như có phép thần bỗng lành lặn trở lại.

Không ai ở Hoa Kỳ có vẻ miễn nhiễm với chấn thương này và người ta có thể nghi ngờ rằng cơn mê sảng đã trở lại vì nước Mỹ một lần nữa lại có cuộc chiến Việt Nam, lần này ở Afghanistan.

Những bài học Việt Nam đang hòa vào những bài học ở Afghanistan. Thế nhưng chính xác ra thì đó là những bài học gì và ai là người thầy có thể đưa ra các bài học này.

Phạm Xuân Ẩn là một trong những người như thế. Đó là người mà người ta tới gặp ở Sài Gòn hồi cuộc chiến Việt Nam, người đứng đầu cánh báo chí, nhà báo thạo tin nhất và người đứng đầu điều mà nhà báo kỳ cựu David Halberstam gọi là "mạng lưới tình báo số một''.

Ông Ẩn là phóng viên chính trị của tạp chí Time. Ông là một trong 32 tên được in trên măng-xéc của tạp chí và là Trưởng đại diện cuối cùng của báo Time ở Sài Gòn.

Bên cạnh kỹ năng làm báo mà ông phát triển trong hai năm học ở California, ông Phạm Xuân Ẩn cũng là điệp viên thành công nhất của Cộng Sản. Ông không dùng điều gì tinh xảo hơn là mực đặc biệt và những tin nhắn giấu trong những miếng nem nhưng tin tức tình báo của ông có tác dụng tới mức ông Hồ Chí Minh và các viên tướng vỗ tay sung sướng và nói rằng "chúng ta đang có mặt trong phòng tác chiến của Mỹ".

Trong số 45 người được giao nhiệm vụ mang những tin tức của ông Ẩn ra khỏi Sài Gòn, 27 người đã bị bắt và giết.

Chính ông Ẩn cũng lo sợ cho tính mạng mỗi ngày trong 30 năm làm điệp cho Bắc Việt Nam.

Vỏ bọc

Tướng Phạm Xuân Ẩn

Tướng Ẩn qua đời năm 2006

Khi tôi gặp ông lần đầu hồi năm 1992 và bắt đầu tới thăm ngôi biệt thự dễ chịu của Tướng Ẩn sau chiến tranh, tôi thấy ông là người dễ mến, người thích những chuyện đùa tục và những câu chuyện hay.

Cuối cùng tôi cũng thuyết phục được ông kể cho tôi về công việc của ông với tư cách là tình báo nhưng phải tới sau khi ông Ẩn qua đời vào năm 2006 tôi mới có thể vén bức màn bí ẩn về cuộc đời ông.

Người đàn ông từng giả tảng như chỉ theo dõi chiến cuộc từ bên lề trên thực tế đã nhận được 16 huân chương quân đội. Ông là vũ khí chiến thuật của Việt Nam nhằm chiến thắng trong một số trận đánh và chiến dịch và, cuối cùng đã thắng cả cuộc chiến.

Đây là kết luận của tôi trong cuốn sách về Phạm Xuân Ẩn ''Nhà Tình báo Yêu Chúng ta'' ra mắt năm 2009.

Mỗi một điệp viên đều có vỏ bọc của họ. Vỏ bọc của ông Ẩn là ông yêu nước Mỹ, người Mỹ và giá trị của báo chí phương Tây.

Quả thực ông có yêu những thứ này nhưng ông yêu tổ quốc ông hơn.

Ông là một nhà báo và ông tin rằng Việt Nam và Hoa Kỳ chỉ có thể là bạn khi họ đối xử với nhau bình đẳng.

'Gây chiến'

Việt Nam đã chống lại Trung Quốc 1000 năm, Pháp 100 năm. Quân đội Mỹ rút đi chỉ sau một thập niên.

Ông nghĩ rằng Hoa Kỳ đã tiến hành ở Việt Nam cuộc chiến thực dân giống cuộc chiến mà người Pháp đã thua.

Hoa Kỳ đã có chiến lược chống nổi dậy giống của người Pháp và đã đối mặt với sự phản kháng tương tự.

Không điều gì có thể xóa bỏ được sự thật là Việt Nam sẽ chiến đấu tới người phụ nữ cuối cùng chống lại lực lượng chiếm đóng.

Việt Nam đã chống lại Trung Quốc 1000 năm, Pháp 100 năm.

Quân đội Mỹ rút đi chỉ sau một thập niên.

Bên cạnh là phóng viên của Time và là nhà báo được tôn trọng, ông Phạm Xuân Ẩn là người mà ngày nay chúng ta gọi là người trợ giúp (fixer).

Ông là phiên dịch viên, hướng dẫn viên và người giải thích tất cả mọi thứ liên quan tới Việt Nam.

Ông là người môi giới và thu xếp có thể giải thích văn hóa và giá trị Việt Nam cho người phương Tây.

Nhẹ dạ

Lính Mỹ ở Iraq

Quân đội Hoa Kỳ ngày nay ở Iraq cũng cần làm việc với những người trợ giúp

Phạm Xuân Ẩn là người hay nói và có hàng đống thông tin nhưng điều mà ông tránh đề cập tới khi nói chuyện với các bạn phương Tây là cam kết chính trị quyết gây chiến với họ.

Ông đã can thiệp và cứu mạng của các nhà báo và đồng nghiệp bị Cộng sản bắt nhưng ông cũng không thể tránh được chuyện là một người lính trong cuộc chiến cướp đi sinh mạng của hàng triệu người.

Các nhà báo phương Tây ngày hôm nay cũng không thể làm việc ở Iraq hay Afghanistan ngày hôm nay mà không có những người trợ giúp.

Bởi vậy chúng ta phải tự hỏi liệu những thông tin gì đã bị mất trong lúc dịch thuật?

Những người trợ giúp, phiên dịch và đồng nghiệp của chúng ta có lịch sử chống lại sự chiếm đóng.

Tại sao Hoa Kỳ nghĩ rằng cuộc chiến thực dân ngày hôm này sẽ thành công hơn cuộc xâm chiếm Việt Nam?

Để có bài học cho cuộc chiến Afghanistan, tôi khuyến khích người ta để ý tới câu chuyện của ''nhà tình báo yêu chúng ta."

Khi sách của tôi xuất bản, tôi gửi một cuốn cho nhà văn John le Carre.

Tôi không biết ông ấy nhưng ông là người có ý kiến mà tôi tôn trọng.

Le Carré gửi thư cảm ơn. Sau đó vài tuần ông lại viết cho tôi về những suy nghĩ của ông khi đọc sách về Phạm Xuân Ẩn.

''Cú sốc về điệp viên hai vai không làm cho tôi quên được,'' ông viết.

''Và cả sự nhẹ dạ của kẻ xâm nhập ngạo mạn cũng thế.''

GS. Thomas Bass là tác giả quyển sách The Spy Who Loved Us (2009) về điệp viên Phạm Xuân Ẩn. Đây là bài viết tác giả dành riêng cho BBC Việt ngữ.

******************

source

'Bài học Việt Nam'

Thomas Bass

Viết riêng cho BBCVietnamese.com

BBC Vietnamese

Wednesday, 7 October 2009

Nghịch lý ở Bắc Hàn


Khi máy bay chúng tôi sắp hạ cánh, tư liệu mà chúng tôi được cho không đã thể hiện rất rõ rằng nơi chúng tôi sắp tới, một nhân vật vẫn tiếp tục làm chủ.

"Bầu không khí vui sướng tràn trề trong các gia đình, đường phố, làng xã và các nơi khác," tạp chí Korea Times hoan hỉ bên cạnh bức hình vị lãnh đạo cười tươi, Kim Jong-il.

Dưới mặt đất, sự tôn sùng lãnh đạo của Bắc Hàn càng thấy rõ hơn.

Tại trung tâm Bình Nhưỡng, chúng tôi được đưa tới bức tượng bằng đồng khổng lồ của người cha, Kim Nhật Thành, sáng lập quốc gia này.

Nhiều công dân, một số người mặc quân phục, đến đặt vòng hoa tại ngôi đền tượng trưng cho một trong những hệ thống kiểm soát hiệu quả nhất thế giớii.

Hệ thống đó gần như không thay đổi suốt hơn 60 năm.

Người dân nơi này chịu những hạn chế khắc nghiệt trong tự do ngôn luận và đi lại.

Cố gắng của BBC nhằm ghi âm và hình ảnh trên đường phố Bình Nhưỡng gặp phải phản ứng cứng rắn. Nhân viên chính phủ đi theo đã tạm thời thu giữ camera và băng của chúng tôi.

Tuy vậy, chúng tôi cũng thoáng nhìn được cuộc sống hàng ngày, ít nhất cũng là cuộc sống của những công dân được ưu đãi ở Bình Nhưỡng.

Trên bề mặt, khi ta đã biết nền kinh tế tập trung gãy đổ và gánh nặng của trừng phạt quốc tế với Bắc Hàn, thì có vẻ như thủ đô nước này cũng không đến nỗi nào.

Khách sạn Ryugyong chưa xây xong

Khách sạn Ryugyong, tòa nhà 105 tầng xây dở dang từ lâu choáng cả bầu trời Bình Nhưỡng như biểu tượng của thất bại, nay thì bắt đầu trông giống như bản thiết kế ban đầu.

Một số cư dân nước ngoài của thành phố cho rằng gần đây trên phố có nhiều xe hơi hơn, mặc dù đa số công dân vẫn đi bộ hoặc xe đạp, đi làm hay về nhà trong ánh nắng mùa thu.

Một chiến dịch thúc đẩy năng suất đang diễn ra; người ta tu sửa nhiều và nhiều tòa nhà cũng đang được sơn mới.

Nhưng sự đánh bóng che dấu một thực tại u ám ẩn tàng.

Chỉ vài dặm ngoài thủ đô, gần như chẳng có giao thông và xa lộ chính phía nam biến thành một trong những tuyến đường xe đạp rộng nhất thế giới.

Thỉnh thoảng chúng tôi đi qua một xe Jeep quân đội cũ nát, nắp xe để mở và các anh lính nhìn vào dàn máy bên trong.

Một chiếc cầu bị gãy trên xa lộ chính buộc tài xế xe buýt của chúng tôi phải đi vòng qua đường quê, và đi vào một thế kỷ khác.

Cơ khí điện máy ít hiện hữu, người ta làm nông bằng tay. Ngô được chất lên các xe bò, trong khi cái nghèo hiện khắp mọi nơi.

Năm nay, đất nước này một lần nữa bị dự đoán là sẽ thiếu thực phẩm.

Bắc Hàn muốn giới thiệu hình ảnh khác cho số du khách ít ỏi, và cả số ít hơn nữa phóng viên được phép tới đây.

Xa lộ phía nam trở thành đường cho xe đạp

Đa số khách thăm thời gian này trong năm sẽ được cho xem màn trình diễn thể dục khổng lồ, được biết đến với tên Lễ hội Quần chúng Arirang.

Rõ ràng nó nhằm ẩn dụ thay cho nhà nước - tập hợp người di chuyển đều tăm tắp, cùng đoàn kết chống thế giới thù địch bên ngoài.

Lễ hội cũng có thể tóm tắt thay cho chiến lược quân sự của họ.

Bắc Hàn nhìn qua đường biên giới được vũ trang hùng hậu để thấy nước láng giềng miền Nam, Hàn Quốc, đang được trợ giúp của siêu cường hạt nhân, Hoa Kỳ.

Với cường quốc hạt nhân Trung Quốc và Nga ở đường biên giới còn lại, một trong những nước cô lập ít bạn nhất thế giới tin rằng có lý do mạnh mẽ để muốn có bom hạt nhân.

Trong chuyến đi tới khu vực biên giới, tôi hỏi một trong những người hướng dẫn, trung úy quân đội Bắc Hàn, về chương trình vũ khí hạt nhân.

"Nó quan trọng ra sao cho chiến lược quân sự của các ông?"

"Chúng tôi cần vũ khí hạt nhân để bảo vệ hòa bình," ông ta trả lời. "Chúng tôi sẽ từ bỏ vũ khí, khi Mỹ cũng từ bỏ."

Trở lại Bình Nhưỡng, chúng tôi tạm biệt những người theo dõi mình - những con người thân thiện (dù có đôi lần va chạm), được giáo dục tốt mà dĩ nhiên cũng là thành viên của giới tinh hoa Bắc Hàn và ủng hộ nhà nước.

Thật không thể biết một người Bắc Hàn bình thường thực sự đang nghĩ gì lúc này.

Họ sẽ không muốn gặp rủi ro nếu nói thật với một phóng viên BBC, ngay cả nếu chúng tôi có được phép gần họ.

Tuy nhiên, có thể cho rằng trong khi thế giới bên ngoài vất vả phản ứng trước tham vọng hạt nhân Bình Nhưỡng, khách thăm viếng lại gặp một sự mâu thuẫn lạ thường.

Đây có thể là nơi nghèo túng, chuyên chế, nhưng ít nhất một số công dân có vẻ thực sự tự hào và kiên cường.

Dù nó có dựa trên cái gì, thì sự chính danh đó, cùng với việc kiểm soát con người, đã giúp Bắc Hàn tồn tại lâu như thế.

******************

source

BBC Vietnamese

Cuộc so kiếm thế kỷ




Trần Khải


(...) cơ nguy sẽ đầy sóng gió. Các quốc gia liên hệ tới tình hình an ninh các tuyến thủy lộ
...) đều như dường đã sẵn sàng cho một cuộc chiến nơi vùng biển này. Trong viễn ảnh này, (...) sẽ khó đứng ngoài vòng chiến khi những phát súng ban đầu khai hỏa. Vấn đề là (...) có thể tránh hiểm họa chiến tranh tới đâu, nên tìm giữ hòa bình bằng cách nào có lợi nhất cho dân tộc, và chính phủ (...) đang chuẩn bị sẵn sàng chưa. Cuộc chiến tương lai nếu xảy ra ở (...), chắc chắn có thể sẽ biến đổi bản đồ (...), ít nhất là về lãnh hải và chủ quyền các đảo. Trong các bước đi của chính phủ Mỹ gần đây, người ta có thể nhìn thấy một hướng dựng rào liên minh vây quanh Trung Quốc. Và không phải vô cớ mà làm như thế.


Phó Đô Đốc John M. Bird, Tư lệnh Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ
Nguồn: defence.gov.au
Bản tin trên báo The Sydney Morning Herald ngày 02/10/2009, phóng viên Peter Hartcher tường thuật lời của Phó Đô Đốc John Bird, Tư Lệnh Hạm Đội 7 Hoa Kỳ, nói tại Sydney hôm Thứ Năm rằng sức mạnh hải quân TQ đã “tăng nhanh hơn bất kỳ tiên đoán nào của chúng tôi... [Trong các sức mạnh mới của TQ] nhiều vũ khí là nhắm vào kình chống lực lượng hải quân như Hải Quân Mỹ... với các hệ thống vũ khí nhắm trực chiến với các hàng không mẫu hạm và tàu lớn của chúng ta.”

Ông nói rằng TQ tận cùng muốn xua đuổi Mỹ ra khỏi Thái Bình Dương, “Tôi nghĩ người TQ muốn thấy vắng bớt Hạm Đội 7 Hoa Kỳ nơi phần này của thế giới.”

Thực ra những lời cảnh báo đó đã từng nói nhiều lần ở nhiều dịp khác nhau, bởi nhiều viên chức Hoa Kỳ. Nhưng lần này, đích thân Tư Lệnh Hạm Đội 7 Hoa Kỳ nói, trong ngày TQ diễn binh với nhiều vũ khí hùng hậu hẳn là có ý nghĩa khác. Nói ngạc nhiên, chỉ là giả vờ mà thôi.

Trước đó hai tuần lễ, vào này 16/09/2009, Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Robert Gates diễn thuyết trước Hội Không Lực tại Maryland, rằng TQ đang chế tạo các vũ khí mới có thể đe dọa hiện diện của Mỹ tại Thái Bình Dương, theo tin Bloomberg.

Gates nói không quan ngại lắm về hỏa lực TQ khi dùng phi cơ trực chiến phi cơ, tàu chiến trực chiến tàu chiến, mà “cần quan ngại nhiều hơn về khả năng TQ làm rối loạn các tự do chuyển động cuả chúng ta và làm hẹp các lưạ chọn chiến lược.” Trong đó, Gates nói quan ngại là “đầu tư của TQ vào cuộc chiến trên mạng Internet và cuộc chiến chống vệ tinh, vũ khí chống tàu chiến và chống phi cơ, và phi đạn đạn đạo có thể đe dọa ưu thế của Mỹ trong việc giữ thế lực và giúp đồng minh ở Thái Bình Dương ‒ đặc biệt là các căn cứ tiền phương và các hàng không mẫu hạm của chúng ta.”

Tàu chiến và trực thăng của Hải Quân TQ trong ngày kỷ niệm 60 thành lập Giải phóng quân (April 23 -Qingdao of Shandong Province, China)
Nguồn: navytimes.com
Tuần trước, báo Asia Times cũng đã nói rằng Mỹ thoáí lui dàn lá chắn phi đạn ở Đông Âu thực ra là muốn đưa hỏa lực về
(...). Nếu chúng ta nhìn thấy rằng, chỉ trong vòng vàì tuần qua, Mỹ đã thu xếp làm hòa và tìm cách kết thân với nhiều nước Châu Á gần và quanh TQ, kể cả các nước hung đồ kiểu như Bắc Hàn, Miến Điện, Iran, (...), Lào, Cam Bốt, và vân vân.

Không giấu giếm gì, Thượng Nghị Sĩ Jim Webb khi đi một vòng thăm các nước Đông Nam Á đã bày tỏ quan ngạị về sức mạnh TQ, và gần cuối tháng 9, 2009 sau khi về Mỹ lại họp kín với Ngoại Trưởng Miến Điện Nyan Win, và rồi với
(...).

Như thế, những liên minh mới tại Châu Á của Mỹ đang hình thành. Tình hình này có thể làm chúng ta nghi ngờ rằng Mỹ cũng có thể đang tìm cách rút sớm khỏi Afghanistan bằng cách huấn luyện gấp cho quân lực Afghanistan và hối thúc chính phủ Kabul chịu hòa đàm với Taliban để hòa giải dân tộc, vì trên nhiều phương diện Taliban không phải là tổ chức al-Qaeda của Osama bin Laden, tử thù của Mỹ và là người thực hiện cuộc tấn công 9/11. Bởi vì qua các lời nói và diễn biến, một chính phủ hòa hợp hòa giải tại Afghanistan, quốc gia có biên giới phía đông giáp giới phía tây Trung Quốc, sẽ có lợi trăm đường cho Mỹ. Phần vì Taliban khi chia quyền lực ở Kabul có thể sẽ tiếp tay cho người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ quấy rối và đòi độc lập ở Tân Cương, phần vì Taliban chắc chắn không thể nguy hiểm bằng Trung Quốc, và phần vì Taliban không có vũ khí nào bắn tới Hoa Kỳ và cũng không có các sư đoàn tin tặc để phá sập các lưới thông tin ở Mỹ như TQ có thể có sức mạnh này.

Như thế, các nước hung hiểm đều được chính phủ Obama tiếp cận để làm hòa.

Hồi tháng 6, 2009, TT Obama gỡ tên Lào và Cam Bốt ra khỏi sổ đen đang hạn chế sự hỗ trợ của Bạch Ốc cho các công ty Mỹ vào kinh doanh. Quyết định này nhằm mở đường cho đầu tư Mỹ vào cả hai nước này, bằng cách cho các hãng Mỹ xin tài trợ qua ngân hàng Export-Import Bank of the United States các khoản bảo đảm vốn đầu tư, bảo hiểm tín dụng xuất cảng và bảo đảm tiền vay. Lý do chính: Mỹ muốn chận bớt ảnh hưởng TQ ở Lào. Nhiều hãng TQ đã ào ạt vào Lào. TQ tài trợ xây nhiều xa lộ, kể cả Liên Quốc Lộ 3 (Route 3) nối TQ và Thái Lan xuyên qua tây bắc Lào và các dự án lớn khác, như Nhà Văn Hóa Quốc Gia ở phố chính Vạn Tượng và sân vận động chính để thi đấu Đông Nam Á Vận Hội (SEA Games) sẽ tranh tài ở Vạn Tượng tháng 12 tới. Mỹ bơm tiền vào như thế, là làm hòa lại với một thời hỗ trợ người
(...) kháng chiến chống (...).

Mỹ tìm hòa kể cả với Bắc Hàn. Thứ Trưởng Ngoại Giao Mỹ James Steinberg mới hôm Thứ Tư 30-9-2009 nói tại Seoul rằng Bắc Hàn nên nắm lấy “cơ hội lớn lao” và trở về nói chuyện giảỉ trừ nguyên tử. Tuy nhiên, có vẻ nhiều gian nan vì Bắc Hàn lúc nào cũng tỏ ra cứng rắn, nghi ngờ Mỹ, và thực tế là kinh tế Bắc Hàn phải lệ thuộc vào Trung Quốc quá nhiều. Chính nơi đây, Mỹ mới thấy rằng lệ thuộc kinh tế có thể sẽ là một yếu tố cho an ninh khu vực. Và từ suy nghĩ này, Mỹ đang đổ dồn hợp tác kinh tế cho các nước bao quanh TQ, kể cả hung thần Miến Điện, bất kể hồ sơ nhân quyền bắn giết tăng ni mới mấy năm trước.

Tình hình Mỹ tìm cách kết thân với Miến Điện cũng làm cho TQ nhức nhối nghi ngại. Win Min, một học giả Miến Điện tại đại học Chiang Mai University ở phía bắc Thái Lan nói rằng Bắc kinh có khựng lại khi thấy Miến Điện muốn kết thân với Mỹ, “nhưng có vẻ không phải là chuyển hướng lớn trong quan hệ.”

Nhưng chú ý nhất là chuyện
(...) và Mỹ: Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã họp với (...) hôm Thứ Năm 2009 ở trụ sở Bộ Ngoaị Giao Mỹ tại Washington DC, và sau đó đã có buổi họp báo. Hai phía cho biết Mỹ-(...) sẽ kết thân hơn trong nhiều lĩnh vực, kể cả “quốc phòng và an ninh.” Đó là bản tin chính thức từ Bộ Ngoại Giao Mỹ.

Tuy nhiên, cũng vẫn kiểu cò cưa
(...), ông (...) trước đó một ngày trong khi thăm (...), trong đó, ông (...) kêu gọi:

“....”

Ông (...) không nói rõ chính phủ nào đang âm mưu “(...),” nhưng như dường ông không có vẻ ám chỉ (...), nước đang đưa hàng loạt công nhân hợp pháp và bất hợp pháp vào (...) để lập nhiều làng mạc Phố (...). Cũng không rõ “(...)” là ám chỉ phía (...), hay các (...)...

Viễn ảnh bùng nổ cuộc chiến Biển
(...) có thể xảy ra. Mỹ đang làm hòa nhiều nơi trên thế giới và tập trung hỏa lực tương lai vào Thái Bình Dương. (...) nên khéo léo đối xử ra sao?

Sau đây là một nhận định của nhà bình luận
(...) trong loạt bài “CIA và các ông (...)”, nơi (Phần (...)), trang http://www.(...).com, đã dưa ra sau loạt bài về một số hồ sơ giảỉ mật cuả CIA về Cuộc Chiến (...), trích:

“...Nhưng biến chuyển lớn nhất của thế kỷ là quyết tâm trở thành siêu cường của Trung quốc và cuộc đụng độ khó tránh khỏi giữa Hoa Kỳ với Trung quốc. Biến chuyển này sẽ chi phối mọi sinh hoạt chính trị và kinh tế trên toàn thế giới.

(...) nằm ngay trên chiến trường nhỏ là chiến trường Đông Nam Á và nếu không khôn khéo rút bài học cũ (...) lại sẽ biến thành một thứ tiền đồn.

Quan sát tình hình Á châu và Đông Nam Á ai cũng đồng ý rằng
(...) đang bị Trung quốc đe dọa, và (...) đang rơi vào đôi cánh tay thủ đoạn của Trung quốc.

Chính sách nào để
(...)tồn tại như một quốc gia độc lập? Trong thế kỷ trước mắt (...) không có con đường nào khác hơn là liên kết với các quốc gia trong vùng, nhưng quan trọng hơn hết là liên kết với Trung quốc và Hoa Kỳ. Cả hai khối thế lực này đều cần (...) để chuẩn bị cho cuộc so kiếm thư hùng của thế kỷ.

Nhưng muốn có chính sách trước hết cần hai điều kiện rút ra từ bài học của cuộc chiến vừa qua. Thứ nhất
(...) phải có khả năng tự lực trong khung cảnh mới của thế giới. Tự lực đây không phải là chỉ có đầy đủ lương thực để có thể ăn no mặc ấm mà phải có tiềm năng kỹ nghệ và sản xuất.

Thứ hai là phải đào tạo những con người
(...). Vì thiếu bản lãnh (...) đã để cuộc tranh chấp ý thức hệ trên thế giới thành một cuộc nội chiến tương tàn. Cần đào tạo lại một lớp người lãnh đạo có “tâm” và có “hồn” . Cần sửa đổi hệ thống giáo dục, trước hết từ cấp Sơ học cho đến cấp Trung Học hướng về những khái niệm yêu người, yêu đất nước, biết quý trọng những giá trị (...), những ý niệm sơ đẳng phổ cập về dân chủ, đạo đức và tự do tín ngưỡng, quan hệ giữa tôn giáo và dân tộc. Và nền giáo dục này cần được làm gương bởi (...) các cấp. Cấp đại học cần hướng về giáo dục thực tế, liên kết chặt chẽ sinh hoạt đại học với các cơ sở sản xuất lớn để khuyến khích sáng kiến khoa học kỹ thuật và khả năng phát minh. Chính sách của (...) là sẵn sàng làm Thợ để sẽ làm Thầy, và sự chuyển nhượng khoa học kỹ thuật qua các cơ sở nước ngoài đầu tư tại (...) phải là một chính sách quốc gia.

Dùng thế liên kết Trung quốc và Hoa Kỳ để trước hết bảo vệ lãnh thổ và bảo tồn nền độc lập dân tộc, bảo vệ quặng mõ và túi dầu dưới đáy biển của
(...). (...) sẽ học bài học “bầu ơi thương lấy bí cùng” của Đức quốc sau khi thống nhất. (...) sẽ học bài học xây dựng kinh tế của Nhật Bản trong điêu tàn sau Thế chiến 2...”
(hết trích)

Đó là những lời tâm huyết cần nhắc nhở nhau giữa người
(...), nhất là trước tình hình (...) có vẻ khó bình yên, và viễn ảnh (...) sẽ bị lôi cuốn vào một cuộc chiến ở (...).

Ngắn gọn, đây sẽ là “cuộc so kiếm thư hùng của thế kỷ,” theo cách dùng chữ của Trần Bình Nam.
(...) đã chuẩn bị những gì? Câu hỏi không chỉ giành riêng cho (...), mà còn cần nêu lên để tất cả mọi người (...) cùng suy nghĩ.



Bài do tác giả gởi. DCVOnline biên tập và minh hoạ. ***********************************************
source
DCV Online

Tuesday, 6 October 2009

Tân Cương: Sống trong bao vây



Ba tháng sau khi xảy ra tình trạng đợt bạo động dữ dội của người thiểu số ở vùng Tân Cương, miền Tây Trung Quốc, với hơn 200 người Trung Quốc thiểu số và người Duy Ngô Nhĩ (Uighurs) phần lớn là người Hồi giáo đã bị thiệt mạng, nhà báo kỳ cựu của đài BBC, John Simpson, đã tới thăm hai thành phố chính của tỉnh Tân Cương, Ô Lỗ Mộc Tề (Urumqi) và Cát Thập (Kashgar).

Binh lính Trung Quốc tại một trạm kiểm soát trên đường phố Ô Lỗ Mộc Tề, Tân Cương (8/2009)

Ô Lỗ Mộc Tề là thành phố trong tình trạng bị bao vây – với từng toán binh lính đi tuần tiễu và cảnh sát có vũ trang chống bạo động ở khắp nơi trong thành phố.

Chỉ trong 10 phút đi bộ dọc các con đường tại thành phố này, quý vị có thể chạm trán 4-5 toán và mỗi toán gồm khoảng một chục binh lính hay cảnh sát.

Không khí căng thẳng thật rõ nét – rất ít người đồng ý nói về những gì đã xảy ra tại đây, và không ai chịu nói công khai.

Một phụ nữ Duy Ngô Nhĩ nói vói chúng tôi ở chỗ riêng tư về những sự kiện xảy ra ngày 5 tháng 7.

Bà đã chứng kiến vụ giết hai người Trung Quốc thiểu số do một băng đảng những người Duy Ngô Nhĩ.

“Con người ta như hóa điên,” bà nói. Tổng cộng 198 người Trung Quốc bị thiệt mạng trong ngày hôm đó.

Thế rồi hai ngày sau, các băng đảng người Trung Quốc đã tiến hành những vụ giết chóc người Duy Ngô Nhĩ để trả thù.

Không có các con số chính thức được công bố, nhưng người phụ nữ này cho rằng khoảng 10 người Duy Ngô Nhĩ đã bị giết hại.

Quản thúc tại gia

Giới chức trách rất quan ngại về sự hiện diện của phóng viên nước ngoài tại đây.

Khắp mọi nơi chúng tôi tới ở Ô Lỗ Mộc Tề, toán làm phim của chúng tôi đều bị theo dõi, đôi khi có tới ba chiếc xe hơi không mang biển hiệu hay sắc phục của cảnh sát đi theo chúng tôi.

Phụ nữ Trung Quốc tại Tân Cương

Tiếp xúc với dân thường bị giới chức trách hạn chế tại đây

Và khi chúng tôi bay tới Cát Thập, nơi xuất thân của nhiều dân quân Duy Ngô Nhĩ đã tham gia vào các vụ bạo động, thì cảnh sát đã giữ chúng tôi tại sân bay.

Chúng tôi được phép ở lại Cát Thập cho tới sáng hôm sau, nhưng bất cứ nơi nào chúng tôi đi cũng có cả đoàn cảnh sát đi theo và ngăn cản không cho chúng tôi quay phim hay phỏng vấn ai cả.

Rõ ràng họ cho rằng chúng tôi tới để gặp những người Hồi giáo cực đoan và đã quyết định ngăn cản chúng tôi.

Đêm đó, chúng tôi bị quản thúc tại một khách sạn ở trung tâm Cát Thập.

Tình trạng bạo động thiểu số là một điều đã gây rất nhiều lo ngại cho chính phủ Trung Quốc. Nó đe dọa sự gắn bó kết nối trong cả nước.

Nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tình trạng bạo động hồi tháng 7 dường như không có gì đáng kể - chỉ là những đồn đại rằng hai công nhân người Duy Ngô Nhĩ bị cảnh sát giết hại tại miền đông nam Trung Quốc, cách nơi đây hàng ngàn dặm.

Nhưng tình trạng thù nghịch của người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương đối với người Trung Quốc thiểu số là rất rõ rệt và ngay lập tức đã nổ ra bạo loạn.

Điều gây nhiều lo ngại cho giới chức trách Trung Quốc, đó là ảnh hưởng ngày cảng gia tăng của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan

Nguồn gốc của tình trạng thù nghịch này là khá phức tạp. Chính phủ Trung Quốc thường đối xử với người Duy Ngô Nhĩ khá hào phóng, đưa các sinh viên có triển vọng vào các trường Đại học tốt và tạo điều kiện dễ dàng cho họ được làm việc ở bất cứ đâu tại Trung Quốc.

Tuy nhiên nhiều người Duy Ngô Nhĩ vẫn rất nghèo. Nay những khu vực nghèo đói ở các thành phố như Ô Lỗ Mộc Tề và Cát Thập đang được phá đi và những khu nhà mới được xây dựng nhưng điều này chỉ càng tăng thêm tình trạng bất mãn trong người dân địa phương.

Người ta xem đó là một sự tấn công trực diện vào truyền thống và văn hóa của họ.

Lo ngại

Nhiều năm qua, việc nhập cư của người Trung Quốc vào Tân Cương vẫn đôi khi được chính phủ Trung Quốc khuyến khích và cũng có khi ngược lai, nhưng kết quả là tại chính thủ phủ Ô Lỗ Mộc Tề của mình, người Duy Ngô Nhĩ lại trở thành thiểu số.

Có những dấu hiệu ngày càng gia tăng về tình cảm muốn ly khai trong nhiều người dân tại đây. Việc phát hiện có dầu mỏ khiến nhiều người Duy Ngô Nhĩ tin rằng nếu có độc lập, họ có thể duy trì một nhà nước ổn định.

Tuy nhiên điều gây nhiều lo ngại cho giới chức trách Trung Quốc, đó là ảnh hưởng ngày càng gia tăng của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.

Người Duy Ngô Nhĩ nói Hồi giáo gần như không có mặt tại đây vào đầu những năm 90, và Trung Quốc đã phản ứng chậm trước thách thức này.

Nay thì có rất nhiều nhà thờ Hồi giáo, đặc biệt tại Cát Thập, nơi các tu sĩ cực đoan người Duy Ngô Nhĩ hoạt động.

Đảng Cộng sản Trung Quốc, vốn luôn lo ngại khi có bất cứ phong trào hay tổ chức nào bắt đầu thu hút sự ủng hộ của người dân, đã phản ứng lại bằng cách tạo ra những lực lượng đặc nhiệm mới.

Được biết đến như “các nhóm giúp ổn định xã hội”, họ hoạt động một phần như những nhân viên an ninh xã hội, giải quyết những thắc mắc kêu ca của người dân, một phần là tai mắt của giới chức trách. Nhiều người Duy Ngô Nhĩ đã được tuyển dụng vào các nhóm này.

Chúng tôi đi cũng với họ tới khu ổ chuột Gulistan, một căn cứ chính của người Duy Ngô Nhĩ tại Ô Lỗ Mộc Tề, khi nhóm này đi từ nhà này sang nhà khác.

Họ làm việc chặt chẽ với công an mật, và tại Gulistan, họ hợp tác với tám, hoặc hơn, công an mặc thường phục, những người vẫn đi theo giám sát chúng tôi.

Chính Ô Lỗ Mộc Tề giờ đây khá yên tĩnh. Việc điều động một lực lượng lớn bộ đội và cảnh sát tới đây đã đảm bảo điều đó.

Nhưng tại Cát Thập, giới chức trách dường như không tự tin được như vậy. Ba tháng sau khi xảy ra bạo động, một điều quá rõ là giới chức trách Trung Quốc vẫn chưa thực sự kiểm soát được tình hình tại đây.

Và họ thực sự lo ngại.

*******************

source

BBC Vietnamese

Sunday, 4 October 2009

Edward Kennedy 1932-2009


August 29, 2009


Việt Tribune tổng hợp

Edward Kennedy, người mới qua đời ở tuổi 77 vì bị khối u não, có đầy đủ cả những phẩm chất lẫn những thói xấu vốn định hình cho một triều đại chính trị nổi tiếng nhất tại Hoa Kỳ.
Vụ ám sát hai người anh của ông, là John và Robert, đã đặt gánh nặng khổng lồ những mong đợi lên vai ông, khiến ông thấy khó có thể đáp ứng nổi.

TNS Edwads Kennedy phát biểu tăng lương cho người Hoa Kỳ năm 2007. ALEX WONG/GETTY IMAGES

Tuy nhiên, cho dù vướng phải bóng đen của vụ Chappaquiddick, ông đã trở thành một nhân vật được kính trọng trong đảng Dân Chủ, và là người luôn cổ súy cho sự nghiệp tự do trong các chương trình của Thượng viện Hoa Kỳ. Edward Moore Kennedy ra đời tại khu ngoại ô Brookline của Boston vào ngày 22/2/1932, là con út trong 9 người con của ông Joseph P Kennedy và vợ là Rose Fitzgerald Kennedy. Cha mẹ người Mỹ gốc Ailen của ông vốn xuất thân từ các gia đình giàu có, và cha ông đã từng là đại sứ Mỹ tại Anh trong thời gian trước thế chiến thứ hai. Sau khi theo học tại trường tư ở Boston, Kennedy học tiếp lên đại học Harvard năm 1950, nhưng một năm sau đó bị đuổi học khi người ta phát hiện thấy ông gian lận trong môn thi tiếng Tây Ban Nha. Ông gia nhập quân ngũ, phục vụ tại trụ sở của lực lượng SHAPE tại Paris, trước khi được Harvard chấp nhận cho vào học trở lại và tốt nghiệp năm 1956. Năm 1960, người anh của ông là John được bầu làm Tổng thống Hoa Kỳ, bỏ trống ghế Thượng Nghị sĩ đại diện cho Massachusetts. Edward không được ra tranh cử cho chức này chừng nào ông chưa đầy 30 tuổi, do đó, anh trai của ông đã đề nghị thống đốc tiểu bang cho phép một người bạn của gia đình Kennedy được giữ chức hết nhiệm kỳ thay cho ông John. Mặc dù việc này là hoàn toàn hợp pháp theo hiến pháp, nó kéo theo những cáo buộc rằng ông Ted Kennedy đã được tặng chiếc ghế thượng nghị sĩ. Edward được bầu làm Thượng Nghị sĩ cho Massachusetts trong một cuộc bầu cử đặc biệt vào năm 1962 – là chức vụ mà ông liên tục tái đắc cử cho tới khi kết thúc sự nghiệp của mình. Gia đình Kennedy luôn gặp những bi kịch. Anh trai cả của Edward là Joe bị giết trong cuộc chiến và vào năm 1963, John bị ám sát khi xe của ông đang đi qua Dallas. Năm sau đó, Ted Kennedy bị thương nặng trong vụ đâm máy bay, khiến ông bị các vấn đề về lưng trong suốt phần đời còn lại. Năm 1968, anh trai của Ted là Robert, người ông rất thân thiết, bị bắn chết tại Los Angeles khi đang giữa kỳ vận động chiến dịch ra làm ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ.

Rơi xuống sông
Nhiều người đã mong đợi ông Ted sẽ ra làm ứng viên Tổng thống, nhưng sự nghiệp chính trị của ông bị giáng một đòn nặng.
Vào ngày 18/7/1969, ông tham dự một buổi liên hoan trên một đảo nhỏ ở Massachusetts là Chappaquiddick với một nhóm bạn, trong đó có sáu phụ nữ đã từng làm việc cho chiến dịch tranh cử Tổng thống của người anh trai Robert.
Kennedy rời buổi tiệc, được cho là với cựu thư ký của anh trai mình là Mary Jo Kopechene, để đón chuyến phà cuối về đất liền. Tuy nhiên, chiếc xe của hai người bị đâm từ trên cầu xuống sông.
Kennedy thoát khỏi chiếc xe và bơi qua nhánh sông hẹp, quay về khách sạn mà không thông báo gì về vụ việc.
Đến sáng hôm sau, những người câu cá địa phương tìm thấy chiếc xe bị chìm và phát hiện ra thi thể của Mary Jo Kopechne bên trong.
Những bằng chứng tại cuộc điều tra sau đó cho thấy Mary có thể đã trụ được vài giờ trong khoảng không khí bó hẹp và có thể đã được cứu sống nếu ông Kennedy báo cấp cứu.
Ông Kennedy nhận tội đã rời bỏ hiện trường tai nạn, nói rằng ông quá sốc, và bị kết án hai tháng tù treo.
Một cuộc điều tra, được tiến hành một cách bí mật theo yêu cầu của các luật sư nhà Kennedy, đã rất nghi ngờ về câu chuyện của ông Kennedy, nhưng không có hành động nào được đưa ra sau đó.
Chuyện này khiến người ta nghi ngờ rằng có sự che dấu vụ việc, và trên thực tế, nó chấm dứt mọi hi vọng của ông Ted Kennedy muốn vào Nhà Trắng.
Vụ Chappaquiddick không ngăn cản những người ủng hộ ông ra sức hối thúc ông ra tranh cử chức ứng viên Tổng thống vào năm 1972 và 1976, nhưng ông từ chối, nói gia đình ông quan ngại về an toàn cho ông.

Ứng viên Dân chủ
Cuối cùng, vào năm 1980, ông cũng tham gia vào cuộc tranh cử cho chức ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ, chọi lại với Tổng thống đương nhiệm và cũng là một thành viên của đảng Dân chủ là Jimmy Carter.
Ông Kennedy hi vọng có thể tận dụng tình thế kinh tế đang yếu ớt, khiến sự ủng hộ cho ông Carter sụt giảm nghiêm trọng.
Tuy nhiên, chiến dịch tranh cử được điều hành kém và sự xuất hiện mờ nhạt trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình đã chấm dứt hi vọng của ông.
Việc ông từ chối chấp nhận thất bại dẫn đến một đại hội đảng Dân chủ bị chia rẽ năm 1980, khi ông Kennedy ra sức – mặc dù thất bại – thuyết phục các đại biểu đã cam kết ủng hộ cho ông Carter chuyển sang ủng hộ cho ông.
Khi hết hi vọng cho chức Tổng thống, ông bắt đầu xây dựng lại sự nghiệp chính trị của mình với tư cách là người cổ súy cho các chương trình ủng hộ tự do.
Do ông hiểu rất rõ các thủ tục trong Thượng viện, và do vị trí trong đảng Dân chủ của ông ngày càng tăng, ông ngày càng trở thành tiếng nói có trọng lượng trong bất cứ phiên thảo luận nào, và cả những người bạn cũng như các kẻ thù chính trị cũng đều tìm kiếm sự ủng hộ của ông.
Ông trở thành một bậc thầy trong chuyện liên minh, là một người thực tiễn, có thể làm việc với cả các đối thủ của đảng Cộng hòa để đưa các dự luật ra cho Quốc hội thông qua, chẳng hạn dự luật tập huấn nghiệp vụ Quayle-Kennedy.
Cho dù có gốc Công giáo, ông đã bỏ đi sự phản đối lúc trước của mình về chuyện phá thai để ủng hộ cho việc phụ nữ có quyền được lựa chọn.
Ông cũng là một trong vài thượng nghị sĩ ủng hộ khái niệm hôn nhân đồng giới, và tiểu bang quê nhà Massachusetts của ông trở thành tiểu bang đầu tiên đưa ra khung pháp lý cho hôn nhân đồng giới.
Ông vận động chiến dịch ủng hộ quyền lợi tốt hơn cho các di dân tới Mỹ, và là người thường xuyên ủng hộ việc kiểm soát súng chặt chẽ hơn.
Luôn ý thức được sự ủng hộ mạnh mẽ của những người Mỹ gốc Ailen, ban đầu, ông hậu thuẫn khái niệm một nước Ailen độc lập và vào năm 1971 đã kêu gọi lính Anh rút ra khỏi xứ này.
Tuy nhiên, quan điểm của ông trở nên trung hòa hơn vào năm 2005, khi ông công khai chê trách chủ tịch của Sinn Fein là Gerry Adams sau vụ ám sát Robert McCarthy, và còn đứng ra mời các chị em của người bị giết tới thăm Washington.

Nghị sĩ xuất sắc
Năm 2006, tạp chí Time vinh danh ông là một trong “Mười Thượng Nghị sĩ xuất sắc nhất”, nói rằng ông đã “tạo lập một số lượng kỷ lục các đạo luật, ảnh hưởng tới cuộc sống của hầu khắp mọi người trong đất nước”.
Do ông có vị thế như một “trưởng lão” trong đảng Dân chủ nên bất cứ ai muốn thành ứng viên Tổng thống đều mong có được sự chấp thuận của ông.
Năm 2004, ông ủng hộ cho Thượng Nghị sĩ cùng tiểu bang Massachusetts là John Kerry, người sau đó đã thất bại trước George W Bush.
Ông Kennedy trích dẫn quan điểm phản đối cuộc chiến Iraq của ông Obama làm lý do chính để ủng hộ cho thượng nghị sĩ trẻ từ tiểu bang Illinois trong cuộc tranh đua năm 2008, khiến nhiều người cho rằng đây là một sự hắt hủi trực tiếp tới ứng viên thất cử là bà Hillary Clinton.
Được biết, ông tỏ ra giận dữ trước một số tuyên bố thẳng thừng của cựu Tổng thống Bill Clinton khi ủng hộ chiến dịch của vợ mình, và ông đã lờ đi những lời đề nghị từ chiến dịch của bà Clinton là ông nên trung lập.
Ông Kennedy nói ông luôn ủng hộ cho ứng viên có thể “tạo cảm hứng cho tôi, cho tất cả chúng ta, người có thể nâng cao viễn kiến của chúng ta, tập trung các mối hi vọng của chúng ta và làm mới lại lòng tin rằng đất nước chúng ta sẽ còn chứng kiến những ngày tốt đẹp nữa ở phía trước”.
Ông Kennedy đã chứng kiến vị thượng nghị sĩ trẻ mà ông ủng hộ chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống, và ông cũng có mặt tại lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Obama vào ngày 20/1/2009 làm Tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ.
Edward Kennedy đôi khi cũng không đáp ứng được những mong đợi lớn mà người ta đã đặt ra cho ông sau cái chết của những người anh trai.
Tuy nhiên, những cam kết đối với cái mà ông gọi là “công lý, sự xuất chúng và lòng can đảm” của những người anh đã giúp ông luôn mạnh mẽ bảo vệ những ký ức tốt về họ, và cho dù có những khuyết điểm, ông đã để lại một di sản chính trị quan trọng. Nguồn BBC

**************************************************************

source

Viet Tribune Online