Sunday 4 October 2009

Edward Kennedy 1932-2009


August 29, 2009


Việt Tribune tổng hợp

Edward Kennedy, người mới qua đời ở tuổi 77 vì bị khối u não, có đầy đủ cả những phẩm chất lẫn những thói xấu vốn định hình cho một triều đại chính trị nổi tiếng nhất tại Hoa Kỳ.
Vụ ám sát hai người anh của ông, là John và Robert, đã đặt gánh nặng khổng lồ những mong đợi lên vai ông, khiến ông thấy khó có thể đáp ứng nổi.

TNS Edwads Kennedy phát biểu tăng lương cho người Hoa Kỳ năm 2007. ALEX WONG/GETTY IMAGES

Tuy nhiên, cho dù vướng phải bóng đen của vụ Chappaquiddick, ông đã trở thành một nhân vật được kính trọng trong đảng Dân Chủ, và là người luôn cổ súy cho sự nghiệp tự do trong các chương trình của Thượng viện Hoa Kỳ. Edward Moore Kennedy ra đời tại khu ngoại ô Brookline của Boston vào ngày 22/2/1932, là con út trong 9 người con của ông Joseph P Kennedy và vợ là Rose Fitzgerald Kennedy. Cha mẹ người Mỹ gốc Ailen của ông vốn xuất thân từ các gia đình giàu có, và cha ông đã từng là đại sứ Mỹ tại Anh trong thời gian trước thế chiến thứ hai. Sau khi theo học tại trường tư ở Boston, Kennedy học tiếp lên đại học Harvard năm 1950, nhưng một năm sau đó bị đuổi học khi người ta phát hiện thấy ông gian lận trong môn thi tiếng Tây Ban Nha. Ông gia nhập quân ngũ, phục vụ tại trụ sở của lực lượng SHAPE tại Paris, trước khi được Harvard chấp nhận cho vào học trở lại và tốt nghiệp năm 1956. Năm 1960, người anh của ông là John được bầu làm Tổng thống Hoa Kỳ, bỏ trống ghế Thượng Nghị sĩ đại diện cho Massachusetts. Edward không được ra tranh cử cho chức này chừng nào ông chưa đầy 30 tuổi, do đó, anh trai của ông đã đề nghị thống đốc tiểu bang cho phép một người bạn của gia đình Kennedy được giữ chức hết nhiệm kỳ thay cho ông John. Mặc dù việc này là hoàn toàn hợp pháp theo hiến pháp, nó kéo theo những cáo buộc rằng ông Ted Kennedy đã được tặng chiếc ghế thượng nghị sĩ. Edward được bầu làm Thượng Nghị sĩ cho Massachusetts trong một cuộc bầu cử đặc biệt vào năm 1962 – là chức vụ mà ông liên tục tái đắc cử cho tới khi kết thúc sự nghiệp của mình. Gia đình Kennedy luôn gặp những bi kịch. Anh trai cả của Edward là Joe bị giết trong cuộc chiến và vào năm 1963, John bị ám sát khi xe của ông đang đi qua Dallas. Năm sau đó, Ted Kennedy bị thương nặng trong vụ đâm máy bay, khiến ông bị các vấn đề về lưng trong suốt phần đời còn lại. Năm 1968, anh trai của Ted là Robert, người ông rất thân thiết, bị bắn chết tại Los Angeles khi đang giữa kỳ vận động chiến dịch ra làm ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ.

Rơi xuống sông
Nhiều người đã mong đợi ông Ted sẽ ra làm ứng viên Tổng thống, nhưng sự nghiệp chính trị của ông bị giáng một đòn nặng.
Vào ngày 18/7/1969, ông tham dự một buổi liên hoan trên một đảo nhỏ ở Massachusetts là Chappaquiddick với một nhóm bạn, trong đó có sáu phụ nữ đã từng làm việc cho chiến dịch tranh cử Tổng thống của người anh trai Robert.
Kennedy rời buổi tiệc, được cho là với cựu thư ký của anh trai mình là Mary Jo Kopechene, để đón chuyến phà cuối về đất liền. Tuy nhiên, chiếc xe của hai người bị đâm từ trên cầu xuống sông.
Kennedy thoát khỏi chiếc xe và bơi qua nhánh sông hẹp, quay về khách sạn mà không thông báo gì về vụ việc.
Đến sáng hôm sau, những người câu cá địa phương tìm thấy chiếc xe bị chìm và phát hiện ra thi thể của Mary Jo Kopechne bên trong.
Những bằng chứng tại cuộc điều tra sau đó cho thấy Mary có thể đã trụ được vài giờ trong khoảng không khí bó hẹp và có thể đã được cứu sống nếu ông Kennedy báo cấp cứu.
Ông Kennedy nhận tội đã rời bỏ hiện trường tai nạn, nói rằng ông quá sốc, và bị kết án hai tháng tù treo.
Một cuộc điều tra, được tiến hành một cách bí mật theo yêu cầu của các luật sư nhà Kennedy, đã rất nghi ngờ về câu chuyện của ông Kennedy, nhưng không có hành động nào được đưa ra sau đó.
Chuyện này khiến người ta nghi ngờ rằng có sự che dấu vụ việc, và trên thực tế, nó chấm dứt mọi hi vọng của ông Ted Kennedy muốn vào Nhà Trắng.
Vụ Chappaquiddick không ngăn cản những người ủng hộ ông ra sức hối thúc ông ra tranh cử chức ứng viên Tổng thống vào năm 1972 và 1976, nhưng ông từ chối, nói gia đình ông quan ngại về an toàn cho ông.

Ứng viên Dân chủ
Cuối cùng, vào năm 1980, ông cũng tham gia vào cuộc tranh cử cho chức ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ, chọi lại với Tổng thống đương nhiệm và cũng là một thành viên của đảng Dân chủ là Jimmy Carter.
Ông Kennedy hi vọng có thể tận dụng tình thế kinh tế đang yếu ớt, khiến sự ủng hộ cho ông Carter sụt giảm nghiêm trọng.
Tuy nhiên, chiến dịch tranh cử được điều hành kém và sự xuất hiện mờ nhạt trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình đã chấm dứt hi vọng của ông.
Việc ông từ chối chấp nhận thất bại dẫn đến một đại hội đảng Dân chủ bị chia rẽ năm 1980, khi ông Kennedy ra sức – mặc dù thất bại – thuyết phục các đại biểu đã cam kết ủng hộ cho ông Carter chuyển sang ủng hộ cho ông.
Khi hết hi vọng cho chức Tổng thống, ông bắt đầu xây dựng lại sự nghiệp chính trị của mình với tư cách là người cổ súy cho các chương trình ủng hộ tự do.
Do ông hiểu rất rõ các thủ tục trong Thượng viện, và do vị trí trong đảng Dân chủ của ông ngày càng tăng, ông ngày càng trở thành tiếng nói có trọng lượng trong bất cứ phiên thảo luận nào, và cả những người bạn cũng như các kẻ thù chính trị cũng đều tìm kiếm sự ủng hộ của ông.
Ông trở thành một bậc thầy trong chuyện liên minh, là một người thực tiễn, có thể làm việc với cả các đối thủ của đảng Cộng hòa để đưa các dự luật ra cho Quốc hội thông qua, chẳng hạn dự luật tập huấn nghiệp vụ Quayle-Kennedy.
Cho dù có gốc Công giáo, ông đã bỏ đi sự phản đối lúc trước của mình về chuyện phá thai để ủng hộ cho việc phụ nữ có quyền được lựa chọn.
Ông cũng là một trong vài thượng nghị sĩ ủng hộ khái niệm hôn nhân đồng giới, và tiểu bang quê nhà Massachusetts của ông trở thành tiểu bang đầu tiên đưa ra khung pháp lý cho hôn nhân đồng giới.
Ông vận động chiến dịch ủng hộ quyền lợi tốt hơn cho các di dân tới Mỹ, và là người thường xuyên ủng hộ việc kiểm soát súng chặt chẽ hơn.
Luôn ý thức được sự ủng hộ mạnh mẽ của những người Mỹ gốc Ailen, ban đầu, ông hậu thuẫn khái niệm một nước Ailen độc lập và vào năm 1971 đã kêu gọi lính Anh rút ra khỏi xứ này.
Tuy nhiên, quan điểm của ông trở nên trung hòa hơn vào năm 2005, khi ông công khai chê trách chủ tịch của Sinn Fein là Gerry Adams sau vụ ám sát Robert McCarthy, và còn đứng ra mời các chị em của người bị giết tới thăm Washington.

Nghị sĩ xuất sắc
Năm 2006, tạp chí Time vinh danh ông là một trong “Mười Thượng Nghị sĩ xuất sắc nhất”, nói rằng ông đã “tạo lập một số lượng kỷ lục các đạo luật, ảnh hưởng tới cuộc sống của hầu khắp mọi người trong đất nước”.
Do ông có vị thế như một “trưởng lão” trong đảng Dân chủ nên bất cứ ai muốn thành ứng viên Tổng thống đều mong có được sự chấp thuận của ông.
Năm 2004, ông ủng hộ cho Thượng Nghị sĩ cùng tiểu bang Massachusetts là John Kerry, người sau đó đã thất bại trước George W Bush.
Ông Kennedy trích dẫn quan điểm phản đối cuộc chiến Iraq của ông Obama làm lý do chính để ủng hộ cho thượng nghị sĩ trẻ từ tiểu bang Illinois trong cuộc tranh đua năm 2008, khiến nhiều người cho rằng đây là một sự hắt hủi trực tiếp tới ứng viên thất cử là bà Hillary Clinton.
Được biết, ông tỏ ra giận dữ trước một số tuyên bố thẳng thừng của cựu Tổng thống Bill Clinton khi ủng hộ chiến dịch của vợ mình, và ông đã lờ đi những lời đề nghị từ chiến dịch của bà Clinton là ông nên trung lập.
Ông Kennedy nói ông luôn ủng hộ cho ứng viên có thể “tạo cảm hứng cho tôi, cho tất cả chúng ta, người có thể nâng cao viễn kiến của chúng ta, tập trung các mối hi vọng của chúng ta và làm mới lại lòng tin rằng đất nước chúng ta sẽ còn chứng kiến những ngày tốt đẹp nữa ở phía trước”.
Ông Kennedy đã chứng kiến vị thượng nghị sĩ trẻ mà ông ủng hộ chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống, và ông cũng có mặt tại lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Obama vào ngày 20/1/2009 làm Tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ.
Edward Kennedy đôi khi cũng không đáp ứng được những mong đợi lớn mà người ta đã đặt ra cho ông sau cái chết của những người anh trai.
Tuy nhiên, những cam kết đối với cái mà ông gọi là “công lý, sự xuất chúng và lòng can đảm” của những người anh đã giúp ông luôn mạnh mẽ bảo vệ những ký ức tốt về họ, và cho dù có những khuyết điểm, ông đã để lại một di sản chính trị quan trọng. Nguồn BBC

**************************************************************

source

Viet Tribune Online

No comments:

Post a Comment