Monday 16 November 2009

Ai đã làm sập bức tường Bá Linh?


November 13, 2009


TUẤN MINH

Ai là người có công đã làm sụp đổ bức tường Bá Linh? Là công của Tổng thống Ronald Reagan Hoa Kỳ hay công của Đức Giáo Hoàng John Paul II?

Trong buổi lễ tưởng niệm 20 năm ngày sụp đổ bức tường Bá Linh vào thứ Hai đầu tuần này, nữ Thủ tướng Angela Merkel của Đức có một câu trả lời khác: Bà đã chỉ cám ơn đến một lãnh tụ duy nhất: tổng bí thư đảng Cộng sản Sô Viết Mikhail Gorbachev, nhân vật được coi như là ủng hộ các biện pháp cải cách thực sự với perestroika (tái cấu trúc) và glasnost (cởi mở) tại Liên Sô. Và, quan trọng hơn hết là Gorbachev đã không dùng quân đội để đàn áp các cuộc biểu tình tại các nước Đông Âu như đã từng xảy ra trong quá khứ.

ngày 9/11/2009Cựu TT Liên Xô cũ Mikhail Gorbachev, trái, được mời đến tham dự cùng Thủ Tướng Đức Angela Merkel, phải, nhân dịp lễ kỷ niệm 20 năm tường Berlin sụp đổ. Sean Gallup/Getty Images

Trong buổi lễ, bà Merkel đã mời ông Gorbachev cùng đến viếng lại cây cầu Bornholmer Strasse, được coi như là điểm giao tiếp được mở cửa tự do đầu tiên trong ngày 9 tháng 11 năm 1989. Và trong lời cám ơn ông Gorbachev, bà Merkel nói: “Chúng tôi đều biết rõ là phải có một biến cố nào đó xảy ra (những cải cách tại Liên Sô) thì mới có thể dẫn đến nhiều sự thay đổi lớn lao khác xảy đến tại nơi này. Ông là người đã làm cho sự kiện này được hiện thực, ông đã can đảm để cho nhiều diễn tiến (thay đổi) xảy ra, và đó là những điều đã vượt quá sự mong đợi của chúng tôi.” Tiếng vỗ tay của hàng ngàn người tụ tập dưới cơn mưa nhẹ và cùng hô to “Gorby! Gorby!” trước khi cả hai vị cùng sánh vai bước qua chiếc cầu băng ngang những đường rầy xe lửa.

Thật ra thì trong suốt thời gian dài 40 năm dưới thời Chiến Tranh Lạnh, đã có nhiều cuộc nổi dậy của người dân chống đối những chính quyền tại Đông Âu do chế độ Liên Sô dựng lên. Đa số mọi người còn nhớ đến những cuộc nổi dậy tại Đông Bá Linh vào năm 1953, tại Hung Gia Lợi (Hungary) vào năm 1956, tại Tiệp Khắc (Czechoslovakia) vào năm 1968 và tại Ba Lan (Poland) trong rất nhiều dịp khác nhau khiến người ta không còn nhớ hết để kể ra. Thế nhưng tất cả những cơn nổi dậy này đều thất bại và đều bị đè bẹp bởi quân đội và xe tăng của Hồng quân Liên Sô.

Thế nhưng phải đến mùa thu 1989 thì những cuộc nổi dậy mới bắt đầu thành công. Có lẽ vào thời điểm ấy không có ai dám nghĩ đến hay tiên đoán được một cuộc cách mạng to lớn có tính cách thay đổi lịch sử sâu đậm như vậy lại có thể diễn ra một cách êm thắm quá mức vì đã không có tiếng súng nổ và cảnh máu đổ tan xương nát thịt. Dĩ nhiên, cũng có một ngoại lệ nhỏ xảy ra tại Lỗ Ma Ni (Romania) nhưng dù sao thì con số nạn nhân thiệt mạng cũng có thể được coi là rất ít, nhất là sau biến chuyển bất ngờ hai vợ chồng lãnh tụ độc tài Nicolas Ceausescu bị bắt giữ và xử tử nhanh chóng.

Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi trên, tạp chí Foreign Policy nhân dịp này đã mở một loạt bài tìm hiểu về những diễn biến trong lịch sử, trong đó có bài viết của nhà báo Christian Caryl đề ngày 6-11, với tựa đề: “Who Brought Down the Berlin Wall?”, tạm dịch là Ai Đã Làm Sập Bức Tường Bá Linh? Tác giả đã liệt kê lại nhiều nguyên nhân thường được mọi người cho là đã góp phần dẫn đến việc làm sụp đổ bức tường ô nhục, đồng thời phân tích lại những diễn biến xảy ra vào thời điểm ấy để giúp người đọc có được cái nhìn đầy đủ và chính xác hơn.

1. Công của TT Ronald Reagan.
Những người thích suy tôn vị tổng thống này thường nhắc đến lời nói bất hủ của ông Reagan khi đọc bài diễn văn tại Cổng Brandenburg vào ngày 12/6/1987 với lời thách thức đưa ra cho vị lãnh tụ khối Sô Viết: “Ông Gorbachev, hãy đập bỏ bức tường này đi!” Nhiều người cho rằng chính cái tinh thần cương quyết và mạnh dạn chống Cộng này, đi kèm với những lời nói hùng mạnh, đã là động lực chính đẩy mạnh những biến động dẫn đến sự sụp đổ của chế độ Liên Sô.

Trong thực tế, những lời nói của ông Reagan đã chẳng để lại một dấu ấn gì đặc biệt cho những người dân sống tại các nước Đông Âu. Những phong trào chống đối tại Đông Đức và Tiệp Khắc thật ra có những đòi hỏi ôn hoà hơn nhiều so với những lời hung hăng theo diều hâu của đảng Cộng Hoà; còn tại Ba Lan thì đa số dân chúng và những người tranh đấu trong phong trào Đoàn Kết thì đã có Giáo Hoàng John Paul II làm lãnh tụ tinh thần cho họ. Các phụ tá của ông Reagan coi bài diễn văn này thật ra chỉ có tính cách màu mè, với hậu ý gây tiếng vang tại nội địa nước Mỹ nhiều hơn mà không tạo nên những căng thẳng không cần thiết trên trường quốc tế. Những bài tường thuật về bài diễn văn và sự xuất hiện của ông Reagan cũng chẳng có gì quan trọng và vì thế nên cũng không được đăng trên trang đầu của hai tờ nhật báo lớn là Washington Post và New York Times lúc bấy giờ.

Ngay cả Cố vấn An ninh Quốc gia cho ông Reagan vào thời ấy là Frank Carlucci, sau này cũng đã nhìn nhận: “Đúng là một câu nói rất hay trong bài diễn văn. Nhưng điều đó sẽ không bao giờ xảy ra.” Còn ngay tại Tây Bá Linh, số người đứng nghe bài diễn văn và vỗ tay hoan hô ông Reagan quá ít so với những người đến biểu tình chống đối sự có mặt của ông Reagan, trong đó có rất đông những người của đảng Xanh với chủ trương bảo vệ môi sinh và phản chiến, nên chẳng lấy gì hài lòng trước những chính sách diều hâu của Hoa Kỳ lúc bấy giờ.

Khách quan mà nói, chính thái độ của ông Reagan có phần dịu giọng, nhất là trong cuối nhiệm kỳ hai, và sẵn sàng nhượng bộ với ông Gorbachev nên đã thúc đẩy cho lãnh tụ khối Liên Sô lúc bấy giờ không nghĩ đến việc phải dùng đến biện pháp mạnh bằng quân sự để giải quyết vấn đề, từ đó dẫn đến việc thay đổi chế độ rất êm thắm. Vì thế nên một nhà báo người Anh là ông Victor Sebestyen đã gọi ông Reagan là “Tay Bồ Câu Hàng đầu của Hoa Kỳ” (America’s Leading Dove).

2. Hướng đi tất yếu của lịch sử.
Những người bênh vực cho nguyên nhân này nói rằng lịch sử vào lúc ấy đứng về phía những người chống đối khiến cho các lãnh tụ cầm quyền tại các nước trong khối (...) Liên Sô không dám nghĩ đến việc dùng quân đội và công an để đàn áp.

Thật ra vấn đề không đơn giản như vậy, vì nói cho cùng mọi người dân trong các chế độ độc tài thường vẫn lo sợ trước bộ máy an ninh của nhà nước. Cuộc đàn áp dã man tại Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 4 tháng 6 năm đó cho người ta thấy là chính quyền vẫn có khả năng đàn áp và đè bẹp tất cả mọi sự chống đối hay nổi dậy của quần chúng, và giúp cho giới lãnh đạo giữ vững quyền lực. Giá như giới lãnh đạo tại Đông Đức lúc bấy giờ quyết định ra tay đàn áp các cuộc nổi loạn trong nước thì chắc chắn là những hậu quả này sẽ tạo ra một tình trạng lo sợ lan truyền nhanh sang các quốc gia lân cận.

Tổng bí thư Đảng (...) Đông Đức là Erick Honecker và các đồng chí của ông trong Chính Trị Bộ vẫn còn có toàn quyền và khả năng để sử dụng biện pháp này. Vào tháng 9 năm 1989, hình ảnh trên truyền hình Đông Đức thường chiếu những lời tuyên truyền để đề cao về thái độ “cương quyết” của những đồng chí tại Bắc Kinh, ám chỉ những biện pháp dùng quân đội để dẹp tan các cuộc biểu tình. Vào ngày 9-10, các viên chức chính quyền còn trao vũ khí và đạn dược cho các lực lượng an ninh trước ngày diễn ra cuộc “Biểu dương vào ngày thứ Hai” tại Leipzig, và vận động sẵn nhân viên trực tại các nhà thương trong vùng để sửa soạn trước cho viễn tượng sẽ có đông đảo các nạn nhân thương tích hay thiệt mạng được mang tới sau khi cuộc biểu tình sẽ bị đàn áp. Cuối cùng cũng có đến 50,000 người xuống đường tham dự, nhưng rất may là vào giờ chót các lãnh tụ địa phương đã quyết định không dùng biện pháp mạnh; và chắc hẳn lịch sử thế giới đã đi vào một ngã rẽ khác nếu như các viên chức này đã thay đổi ý định.

3. Công của CIA.
Theo lập luận này thì các gián điệp của Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ đã có công làm suy yếu bộ máy của chế độ Liên Sô và từ đó dẫn đến sự sụp đổ qua việc giúp đỡ cho những kẻ thù của chế độ Sô Viết.

Không ai chối cãi là CIA đã đóng một vai trò quan trọng trong việc tài trợ cho các kháng chiến quân A Phú Hãn (mujahideen) theo đuổi cuộc thánh chiến của họ để chống lại lực lượng xâm lăng của Hồng quân Nga vào đầu thập niên 1980 và gây nhiều thiệt hại cho quân đội này. Dĩ nhiên CIA cũng có công tìm cách tài trợ cho lực lượng của nghiệp đoàn Đoàn Kết qua ngả Vatican với sự yểm trợ ngầm của Giáo Hoàng John Paul II.
Thế nhưng trong các biến cố xảy ra trong năm 1989, các tay gián điệp của CIA gần như bao giờ cũng đi sau sự kiện vì đã không tiên đoán được trước những gì đã xảy ra. Trong phần sau của thập niên 1980, các chuyên viên của CIA đã không tiên đoán được về những ý định thực sự của ông Gorbachev. Đến cuối năm 1988, các báo cáo của CIA đều tiên đoán rằng các chế độ Đông Âu vẫn tiếp tục được duy trì. Khi bức tường Bá Linh bị sụp đổ và Toà Bạch Ốc muốn hiểu biết thêm về những nguyên nhân thì các viên chức lãnh đạo của CIA đều thú nhận là họ đã không có một gián điệp nào hiện diện tại Đông Bá Linh hoặc tại Điện Cẩm Linh (Kremlim) để biết rõ hư thực.

Trưởng nhóm CIA đặc trách về hoạt động tại khối Liên Sô lúc bấy giờ là ông Milton Bearden đã ngồi xem diễn biến của đêm lịch sử ấy nhờ vào màn hình của đài truyền hình dây cáp CNN, chứ không phải là nhờ vào những báo cáo của các gián điệp trong vùng. (Một trong những lý do chính để giải thích vì sao phía tình báo Mỹ đã không biết rõ gì phía bên kia bức màn sắt vì một trong những tay gián điệp nhị trùng là Aldrich Ames đã tiết lộ danh tính tất cả những gián điệp của Mỹ tại Liên Sô khiến họ bị thanh toán. Mãi đến năm 1994 thì Aldrich Ames mới bị lật tẩy và bắt giữ.)

4. Khối Liên Sô bị sụp đổ vì thất bại về kinh tế.
Nhiều người cho rằng động lực và nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ của bức tường Bá Linh, kéo theo sự tan rã của chế độ (...) Sô viết là tình hình kinh tế tụt dốc tệ hại khiến cho các chế độ này không còn có khả năng đứng vững.

Lập luận này có phần hơi đơn giản, tuy rằng cũng có những yếu tố khá thuyết phục. Mọi người đều nhìn thấy rõ là sinh hoạt kinh tế tại Liên Sô lúc bấy giờ không thể được coi là tốt đẹp so với các nước khác bên khối Tự Do. Hầu hết các chính quyền trong Khối Warsaw như Đông Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc, Hung Gia Lợi, Lỗ Ma Ni đều mang công mắc nợ rất nhiều khiến cho chính phủ gặp lúng túng vì thiếu khả năng để giải quyết những khó khăn về kinh tế trong nội địa. Vào năm 1989, mức nợ các nước ngoài của Đông Đức lên đến 26.5 tỷ Mỹ-kim, và mỗi năm phải tốn đến 4.5 tỷ Mỹ-kim chỉ để trả tiền lời, coi như chiếm đến 60% giá trị của tổng số hàng xuất cảng của cả nước.
Tuy nhiên, kinh nghiệm diễn ra tại hai nơi khác là Cuba và Bắc Hàn, những nước gần như lâm vào tình trạng khánh tận vào năm 1989 khi không còn nhận được viện trợ từ phía đàn anh Liên Sô, cho thấy là các chế độ (...) vẫn còn có khả năng sống còn với những biện pháp kềm kẹp và kiểm soát gắt gao mặc dù ngân quỹ nhà nước rất nghèo nàn và yếu ớt.

Hơn nữa, sự kiện các nước Đông Âu mắc nợ lớn đối với ngoại quốc, nhất là từ các nước phương Tây, đã chưa hẳn là một mối nguy cơ khiến cho các chính quyền độc tài này có thể bị lung lay như nhiều người tiên đoán. Bởi vì điều này chỉ xảy ra nếu như Hoa Kỳ và các đồng minh làm áp lực để tạo khó khăn, chẳng hạn như đòi trả nợ hoặc ép buộc một số những đổi thay nào đó trong chính sách. Tuy nhiên, vào thời điểm của năm 1989, tất cả các lãnh tụ ở phương Tây từ các thủ tướng Helmut Kohl của Tây Đức và Margaret Thatcher của Anh cho đến Tổng thống George H.W. Bush cũng đều ngần ngại có những thái độ hay quyết định nào có thể bị coi là “gây bất ổn” (destabilizing) vùng này.

Để kết luận, theo nhà báo Christian Caryl, có lẽ sự hiện diện đông đảo của quần chúng tại nhiều thủ đô khác nhau tại Đông Đức, Ba Lan, Hung Gia Lợi và Tiệp Khắc có thể đã bất ngờ tạo nên một thử thách cấp bách cho giới lãnh đạo muốn củng cố quyền hành và sự chính thống của chế độ. Ngoài ra cũng có rất nhiều yếu tố khác đồng loạt xảy ra vào cùng một thời điểm: sự xuất hiện của một lãnh tụ ôn hoà và chấp nhận cải cách như ông Mikhail Gorbachev với quyết định không dùng bạo lực để đàn áp các cuộc biểu tình; tình hình kinh tế trì trệ kéo dài tại các nước không theo mô hình kinh tế tự do của thị trường; sự chán nản và mất dần tin tưởng về ý thức hệ (...) trong nhiều tầng lớp quần chúng và công chức trong nước; chưa kể đến những nguồn thông tin dồn dập đến từ phương Tây. Có lẽ tất cả những yếu tố này phối hợp lại, dù là vô tình chứ không phải đã được phối hợp hoặc tính toán từ trước, đã tạo nên những biến động diễn ra trong năm 1989.

Tuấn Minh
Houston, Texas 11-11-2009

******************

source

Viet Tribune Online

No comments:

Post a Comment