Saturday, 26 December 2009

Những vụ tấn công nhằm vào Giáo hoàng



Người đứng đầu tòa thánh Vatican, trong quá khứ cũng như ngày nay, luôn là một mục tiêu của các vụ tấn công và ám sát.
> Giáo hoàng bị xô ngã đêm Giáng sinh

Tờ Telegraph nhìn lại những vụ tấn công nhằm vào các giáo hoàng.

Vụ tấn công mới nhất: Susanna Maiolo (áo đỏ) nhảy qua các thanh chắn bằng gỗ trong nhà thờ Thánh Peter và chạy về phía Giáo hoàng Benedict XVI khi đoàn rước tiến về phía bệ thờ chính để cử hành lễ Mixa tối hôm thứ năm. Giáo hoàng bị đẩy ngã nhưng không bị thương. Hồng y người Pháp Roger Etchegaray, 87 tuổi, đứng ngay sau Giáo hoàng, thì bị gãy một xương đùi. Ảnh: AP.
Tháng 6/2007, một người đàn ông Đức (áo hồng) đã chồm qua hàng rào, định nhảy vào chiếc xe Jeep mui trần khi Giáo hoàng Benedict đi qua quảng trường Thánh Peter. Ảnh: Reuters.
Ngày 13/5/1981, Giáo hoàng John Paul II bị trúng 4 phát đạn khi đang ban phước cho dân chúng tại quảng trường Thánh Peter. Ảnh: Getty Images.
Giáo hoàng được đưa ngay khỏi quảng trường Thánh Peter trên chiếc xe mui trần. Kẻ mưu sát là Mehmet Ali Agca, 23 tuổi, người Thổ Nhĩ Kỳ đã bị kết án chung thân. Giáo hoàng sau khi hồi phục đã tuyên bố tha thứ cho y.
Agca được ân xá năm 2000 và được trả về Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Getty Images.
Giáo hoàng John Paul II trong chiếc xe được bọc kín khi đến thành phố St. Poelten, Áo năm 1998. Ảnh: AP.
Tháng 9/1978, Giáo hoàng John Paul I, được biết đến với cái tên "Giáo hoàng mỉm cười", chết chỉ sau 33 ngày nhậm chức. Vatican cho biết nguyên nhân có thể là một cơn đau tim. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng việc không khám nghiệm tử thi và các thông báo không thống nhất về cái chết của Giáo hoàng là bằng chứng của một âm mưu tăm tối. Thậm chí có tin đồn là Giáo hoàng đã chết vì uống phải trà tẩm độc.
Tháng 11/1970, Giáo hoàng Paul VI thoát chết trong một vụ ám sát ở Manila, Philippines khi một người Bolivia định đâm ông ở sân bay. Giáo hoàng đã được một người bạn Mỹ, Paul Marcinkus, bảo vệ. Người này sau đó cũng trở thành một Tổng giám mục. Ảnh: AP.

Hải Minh

***************

source

http://www.vnexpress.net/GL/The-gioi/Tu-lieu/2009/12/3BA171C2/

Lý do của vụ xử tử Ceausescu


Lý do của vụ xử tử Ceausescu

Cách đây hai mươi năm, đất nước Romania trải qua một cuộc cách mạng kéo dài một tuần lễ, hạ bệ lãnh tụ Nicolae Ceausescu. Phóng viên BBC Nick Thorpe nói chuyện với một trong những nhân vật quan trọng trong thời kỳ này - tướng Victor Stanculescu.

Trong chiếc áo sơ mi carô và áo khoác nâu đậm, tướng Victor Stanculescu trông có vẻ yếu nhưng vẫn luôn nghiêm chỉnh như người ta vẫn thường thấy nơi các cựu chiến binh.

Chúng tôi gặp nhau trong phòng giải trí của bệnh viện nhà tù ở Jilava, mạn bắc Bucharest, nơi ông bắt đầu thụ án tù từ năm ngoái về tội ngộ sát với tình tiết nghiêm trọng.

Ông bị kết tội đã ra lệnh cho quân lính nổ súng vào đám đông ở thành phố Timisoara, miền tây Romania, trong ngày 17 và 18 tháng Mười Hai - một tội danh mà ông luôn phủ nhận.

Bên ngoài nhà tù là mùa đông khắc nghiệt, âm 7 độ C.

Xung quanh là tháp canh, hàng rào kẽm gai, và bên trong nhà tù là chó cảnh vệ.

Một vài tù nhân cầm xẻng xúc và dọn tuyết.

Nếu địa ngục mà lạnh giá thì chắc phải trông giống cảnh ở đây.

Có cả một hình nhân bằng tuyết, đội chiếc nón tù màu xám.

Bệnh viện nhà tù là nơi ông Stanculescu bị giam thì không khí có vẻ thân thiện hơn - một tòa nhà hiện đại, cao ba tầng, sơn màu vàng và trắng.

Thời điểm nguy cấp

tướng Victor Stanculescu

Tướng Stanculescu luôn phủ nhận cáo trạng

Trên ve áo ông tướng tự hào đeo một chiếc huy hiệu.

Tôi nhìn kỹ hơn. Dòng chữ bằng tiếng Anh: Hiệp hội những người chơi Snooker của Romania.

"Tôi là chủ tịch hội," ông tướng tự hào giới thiệu.

Từng làm bộ trưởng quốc phòng ngày 25 tháng Mười Hai năm 1989, Stanculescu đã chứng kiến phiên tòa và vụ tử hình hai vợ chồng Tổng thống Nicolae và Elena Ceausescu, tổng tư lệnh quân đội của ông.

Phiên tòa đó có nhanh quá hay không và bản án có công bằng hay không, hay là vì cần thiết, hay cả hai?

"Bản án không công bằng, nhưng cần thiết," ông Stanculescu trả lời.

"Nếu chúng tôi để cho dân chúng Bucharest tự do hành động thì chắc là người ta đã hành hình họ trên đường phố."

Ông kể lại hai sự kiện để miêu tả tính nguy cấp của lúc đó.

Trên đường ông đến doanh trại quân sự, nơi Ceausescu bị giam giữ sau khi bị bắt, ông cẩn trọng gọi điện cho lãnh đạo phòng không để tham vấn.

Họ đồng ý là ông ta sẽ đeo khăn choàng trắng khi đến nơi bằng trực thăng.

Lãnh đạo phòng không được thông báo là "các tay khủng bố" có thể sẽ tấn công nhằm giải cứu.

Nhờ có khăn trắng mà ông ra lệnh cho binh sĩ của mình ngưng bắn.

'Công nhận sự hi sinh'

Tưởng niệm người chết năm 1989

Nhiều người dân Rumani bị chết năm 1989

Theo ông Stanculescu, sau phiên tòa và vụ tử hình, khi họ mang xác đi trên chiếc xe bọc thép, họ đã bị bắn và có ba binh sĩ chết.

"Điều đó cho thấy rằng vẫn còn một vài tướng lãnh quân đội vẫn còn ủng hộ Ceausescu," ông nói.

Stanculescu tham gia cuộc Cách mạng, và giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng và sau đó là Bộ trưởng Công nghiệp trong chính phủ mới.

Ông bị đưa ra tòa lần đầu tiên năm 1997, sau khi đồng minh của ông là Tổng thống Ion Iliescu bị mất quyền lực.

Stanculescu bị kết tội, nhưng các phiên điều trần và kháng cáo vẫn tiếp tục trong 10 năm sau đó.

Ông chỉ bị chính thức tuyên án và đưa vào tù vào tháng Mười Một năm 2008.

"Tôi không hề ra lệnh cho ai. Và tôi không ra lệnh cho bất kỳ lực lượng nào dưới quyền tôi ở Timisoara thực hiện bất kỳ hành động đàn áp nào," Stanculescu nói.

Vậy có nên tìm ra những người thực sự chịu trách nhiệm và khởi tố họ?

"Tất cả các nhân vật quan trọng đều đã chết, cho nên không có lý do gì để mà kết án họ nữa."

"Chỉ cần công nhận sự hi sinh của những ai đã chiến đấu trong cuộc cách mạng - và bảo đảm là gia đình họ được sống từ tế," ông trả lời.

Các biện pháp hòa bình

Hai mươi năm trôi qua, những người Romania từng sống qua cuộc cách mạng vẫn đang cố gắng giải nghĩa nó, và về giai đoạn cầm quyền của Ceausescu.

Timisoara

Tướng Stanculescu bị kết án đã ra lệnh giết người ở Timisoara

"Tôi thường tự hỏi, nếu Ceausescu hôm nay còn sống, thì ông liệu có cơ hội thắng cử nếu ra tranh cử Tổng thống hay không?" ông Stejarel Olaru, lãnh đạo Ủy ban điều tra tội phạm thời cộng sản do tổng thống Basescu lập ra, nhận xét.

"Và tôi tin là ông ta sẽ thắng. Dân chúng tin rằng Ceausescu đã làm nhiều điều tốt... rằng ông cho dân chúng nhà cửa, việc làm, và lương bổng khá."

"Sai lầm của ông ta, họ nghĩ, là đã không cung cấp đủ thức ăn cho cửa hàng."

Lối suy nghĩ đó khá ngu ngốc, ông nói, nhưng khá phổ biển.

Các căn hộ thời đó bé nhỏ và chật chội, việc làm thường không năng suất.

Và người ta quá dễ dàng quên đi nỗi sợ tràn ngập về mạng lưới an ninh cảnh sát.

"Tháng Mười Hai năm 1989 là cuộc đối đầu giữa nhà nước và nhân dân Romania," theo Claudiu Iordache, giám đốc Viện cách mạng Romania ở Bucharest.

"Và cuộc chiến đó vẫn tiếp diễn đến ngày hôm nay, nhưng bằng các biện pháp hòa bình hơn."

"Nhà nước vẫn tiếp tục áp đặt ý muốn của mình lên dân chúng, những người phải gánh chịu hậu quả."

**********

source

BBC Vietnamese

Tuesday, 22 December 2009

Chế độ tù ngục vô nhân đạo ở Nga


Chế độ tù ngục vô nhân đạo ở Nga
Cập nhật lúc 2:11:15 AM - 22/12/2009

sergei_magnitsky.jpgSergej Magnitskij – ảnh: DayLife.

Hoài Mỹ/Viễn Đông

MOSCOW – Như Viễn Đông đã loan tin cách nay gần một tuần lễ về tình cảnh tham nhũng dã man ở Nga.

Một trong những nạn nhân của tệ trạng này là cố luật sư Nga Sergej Magnitskij (37 tuổi), người được mệnh danh là ”Thợ săn tham nhũng”, nhưng cũng vì vậy mà ông đã bị chết thảm ngày 16-11-2009 trong nhà tù Butyrskaja, ở thủ đô Mạc Tư Khoa, vốn khét tiếng khủng khiếp.

Theo sự đời, ”chó chết thì hết chuyện” - thân phận của tù nhân ở Nga không khác gì, có khi còn thua xa một con chó ghẻ ở một xứ nghèo - thế nhưng, Sergej Magnitskij chết đã không kết thúc câu chuyện về tham nhũng, mà nay còn làm nổ tung tấm màn sắt vẫn che phủ chế độ tù ngục ở Nga. Nguyên nhân là trước ngày qua đời, luật sư Sergej Magnitskij đã viết một bản văn gửi lên chưởng lý tòa hình sự để khiếu nại về tình trạng vô nhân đạo và cực kỳ cẩu thả không ngừng diễn ra sau những cánh cửa nhà tù. Chưởng lý đã ”câm miệng hến”, nhưng hôm Chủ nhật, ngày 20-12-2009, sau khi đã lo ”mồ yên mả đẹp” cho người quá cố - và cũng là đúng ”ngày giỗ” đầy tháng của kẻ chết oan mạng - gia đình của cố luật sư Sergej Magnitskij đã thuận ý cho phổ biến đầy đủ bản văn nói trên. Nhật báo Vedomosti đã đăng tải tài liệu có tính cách lịch sử này. Dư luận quần chúng Nga đã phản ứng mãnh liệt đối với chính quyền Nga.

Một câu hỏi được đặt ra là: Làm sao mà nhật báo Vedomosti có được trọn vẹn bản văn khiếu nại của cố luật sư Sergej Magnitskij? Cho tới bây giờ, không ai biết!


Nhắc lại sự việc

Thuở sinh thời, luật sư Sergej Magnitskij đã làm việc cho công ty Firestone-Ducan ở Mạc Tư Khoa. Quỹ đầu tư Hermitage là một trong những thân chủ quan trọng nhất của công ty này. Nhân vật chỉ huy cao cấp nhất của Hermitage là William Browder, người Mỹ. Ông quả quyết là quỹ đầu tư Hermitage đã bị một viên chức trong cơ quan cảnh sát thuế vụ Nga tống tiền và lường gạt. Thế nhưng khi công ty này không chịu chi tiền thì nhà đầu tư Hoa Kỳ William Browder bị từ chối nhập cảnh Nga và các văn phòng của Hermitage và Firestone-Ducan bị ”cướp cạn”; rất nhiều giấy tờ bị tịch biên. Một số hồ sơ được sử dụng để chiếm đoạt tài sản của công ty.

Tới đợt hai, công ty này đòi được hoàn lại 230 triệu đô la tiền thuế (đã trả thặng dư), nhưng số tiền này đã ”không cánh mà bay”. Công ty Hermitage và Firestone-Ducan trao công tác điều nghiên cho luật sư Sergej Magnitskij nhằm tìm xem những gì đã xẩy ra. Ông Magnitskij chưa kịp chính thức bắt tay vào việc thì công tố viện Nga đã lập tức ”quật” ngược lại bằng cách xác quyết đó chỉ là một sự ngụy tạo trốn thuế do Hermitage thực hiện với sự trợ lực của Sergej Magnitskij.

Thương gia giám đốc William Browder bèn đề nghị các luật sư bất mãn trước sự vu khống của cơ quan pháp lý nhà nước hãy ra đi khỏi Nga, nhưng ông Magnitskij nhất quyết ở lại tranh đấu, ”săn tham nhũng”. Nhưng ông chỉ là một con kiến nhỏ bé chống với cả một guồng máy khổng lồ, thành ra cuối cùng ông đã bị ”guồng máy” trả thù, giam vào một nhà tù khét tiếng ”hỏa ngục trần gian” và sau cùng ông đã bỏ mạng ở đấy, trong khi công việc điều tra của ông vẫn chưa hoàn tất.


Từ trong ngục tù

Như trên đã kể, trước một thời gian ngắn ngày qua đời vào chiều tối 16 tháng 11, ông Sergej Magnitskij đã viết xuống các điểm khiếu nại của mình trong một bản văn dài đệ trình chưởng lý tòa hình sự. Mặc dù chính quyền muốn giấu nhẹm vụ này, nhưng các bạn đồng tù với tác giả đã tìm cách cho lọt phần nào sự việc ra ngoài, gây được sự chú ý của nhiều người Nga đồng thời tạo thành một thứ dư luận ồn ào đến độ tổng thống Dmitry Medvedev phải can thiệp. Sau đó, có thể vì nhằm xoa dịu phản ứng tức giận của dân chúng, nhưng cũng có thể vì nhu cầu tranh cử sắp tới, ông Medvedev đã ra tay làm một mẻ lớn: Trước hết, cách chức tướng Anatolij Mikhalkin, chỉ huy trưởng hệ thống hình sự thuế vụ; sau nữa, sa thải 20 giám đốc nhà tù. Nhiều viên chức cao cấp đề lao và cảnh sát đã phải ”quẳng ’job’ mà ra đi”. Theo nhật báo Anh Finance Times, sự việc này đã gây sự bất ngờ ở một quốc gia mà những sự bình phẩm chính quyền luôn luôn bị triệt hạ trong suốt thập niên vừa qua, kể cả trong hai nhiệm kỳ tổng thống của ông Vladimir Putin. Nay ông Dmitry Medvedev muốn chứng tỏ ông ”khác” với vị tiền nhiệm.

”Họ đã giết ông ta”. Nhật báo Vedomosti đã viết như vậy về nguyên nhân cái chết của luật sư Sergej Magnitskij. Bài báo viết tiếp: ”Trong 4 tháng cuối đời của ông Magnitskij chỉ toàn những lần di chuyển từ xà lim tồi tệ này tới xà lim tồi tệ hơn nữa bên trong một nhà tù tồi tệ nhất của nước Nga. Nhưng vị luật sư này đã không chịu đầu hàng. Mỗi lần ông khiếu nại về tệ trạng trong tù, ông lại bị dời đến các xà lim còn tệ hơn trước. Ông đã được đề nghị nhiều lần là sẽ được trả lại tự do nếu ông chỉ việc tố cáo những người khác”.

Ông Magnitskij thuật lại trong một lá thư mà nhật báo Vedomosti vừa phổ biến: ”Những khi tôi lập lại là tôi từ chối các đề nghị ấy thì lập tức hoàn cảnh giam giữ tôi lại càng trở nên tệ hại hơn và càng tệ hại hơn nữa”.

Các trại ”tạm giam” ở Nga hiện giữ trên 150.000 tù nhân, những người chờ đợi được xét xử trước tòa. Tuy gọi là ”tạm giam”, nhưng nhiều người trong số này đã ở đây qua nhiều năm trong cảnh ngộ bi thảm vốn có thể quật ngã họ vĩnh viễn.

Con số ước lượng tù nhân ”tạm giam” bị chết có thể từ mấy trăm lên tới nhiều ngàn người. Những người chết bởi hệ quả của thể chế trừng phạt vốn không còn để lại bất cứ một thứ giá trị nào cho những kẻ ngồi tù.


"Thế giới thứ ba”

Bình luận gia Julia Lattynia của đài phát thanh ”Tiếng vọng Mạc Tư Khoa” cho rằng cái chết của ông Sergej Magnitskij là một bằng chứng cụ thể là nước Nga đã xuống cấp tới hạng các nước trong thế giới thứ ba trên thế giới này. Mặc dù nước Nga đã bãi bỏ án tử hình, nhưng họ vẫn có các phương pháp riêng của họ. Bà Julia nhấn mạnh rằng cho dù người ta nhìn nhận ra sao sự kiện thì việc ông Magnitskij bị tra tấn tới chết cũng đã tạo nên một tang chứng nghiêm khắc chống lại những người chỉ huy ông ta (giám đốc và các cai tù).

Vốn là một luật sư đã thuộc hệ thống và giầu kiến thức, nhưng ông Magnitskij vẫn tin tưởng rằng có thể cuối cùng ông sẽ được các cấp trên hữu trách liên hệ lắng nghe. Vào tháng 9, ông đã gửi bản văn khiếu nại dày 40 trang viết tay cho chưởng lý tòa hình sự Jurij Tsjaika.

Được biết là vào tháng 11 năm 2008, luật sư Sergej Magnitskij lần đầu tiên bị quản thúc trong nhà tù tạm giam Matrosskasja Tisjina, một trong những nơi được đánh giá là ”đàng hoàng” hơn cả ở vùng Mạc Tư Khoa. Nhưng vì ông đã không ”thành khẩn khai báo” về những gì mình đã lỗi lầm và cũng không tố cáo người khác, do đó áp lực gia tăng. Ngày 26 tháng 6 năm nay, ông bị di chuyển tới xà lim số 267 trong nhà tù Butyrskaja. Nhà tù này vẫn được mô tả là khủng khiếp vào bậc nhất ở Nga. Các phòng xà lim này vẫn liên tục được sử dụng từ thời Katarina, thập niên 1700.

Luật sư Sergej Magnitskij viết: ”Một hôm chúng tôi dùng một cái nút đậy vào cái lỗ cầu tiên để ngăn chận mùi hôi thúi xông nồng nặc trong xà lim. Chúng tôi làm cái nút này bằng một cái ly nhựa vẫn đựng cháo. Sáng hôm sau cái ly nhựa ấy đã bị đục thủng một lỗ bự. Thưa, đó là vì các con chuột cống đã ăn hết những vết cháo còn lại, gặm luôn cả lớp nhựa. Những con vật này chạy tự do khắp các ngõ ngách dưới xà lim. Chúng kêu suốt đêm”.

Hôi thối và lạnh buốt: Lời thuật lại của luật sư Sergej Magnitskij đã rọi ánh sáng vào tệ trạng tàn khốc trong các nhà tù ở Nga. Theo đó, tiêu chuẩn vệ sinh và y tế trong các xà lim quá tồi tệ.

Ông Magnitskij đã viết: ”Một ngày nọ, sàn xà lim ngập nước cống rãnh tràn vào đến độ chúng tôi không thể đi lại được bằng cách nào nữa ngoài việc leo từ ’giường’ này nhẩy qua ’giường’ khác như những con khỉ. Mùi hôi thối xông lên nghẹt mũi. Khí lạnh gia tăng bao phủ xà lim”.

Trong khi nước cống rãnh, phân và rác rưởi càng dâng cao, các tù nhân vẫn phải ngồi trên ”giường” trong xà lim cả một ngày đêm rồi người ta mới di chuyển họ sang một xà lim khác.

Từ chối cho giải phẫu tử thi: Theo chính quyền nhà tù, nguyên nhân chính thức gây nên cái chết của luật sư Sergej Magnitskij là suy tim. Nhưng, hoặc là chứng bệnh này đã phát triển - hoặc là người thanh niên 37 tuổi này vẫn mạnh khỏe, nhưng đã phát nhiều triệu chứng với những cơn đau kịch liệt theo thời gian bị giam cầm. Khi bà mẹ của luật sư Sergej Magnitskij đến nhà tù sau khi con của bà đã qua đời, bà được báo cáo là ”đương sự chết vì vỡ lá lách”. Gia đình yêu cầu một cuộc giải phẫu độc lập, nhưng bị từ chối.

Trong bản văn khiếu nại, chính luật sư Sergej Magnitskij đã viết: ”Vào tháng 6 năm 2009, có sự xác nhận là tôi bị chứng sạn trong túi mật, viêm túi mật và viêm lá lách. Những cuộc khám nghiệm đã được thệ hiện nhiều lần, và phẫu thuật cũng đã được hoạch định vào tháng Tám”.

Nhưng rồi ông đã phải chờ đợi dài cổ vẫn không có gì xẩy ra. Trong nhà tù Butyrskaja không một ai quan tâm tới tình trạng bệnh tật và đau đớn của ông hay của bất cứ tù nhân nào. Ông cũng đã thuật lại những sự đau đớn của ông vào cuối tháng Tám, gần 3 tháng trước khi ông chết.

Ông kể tiếp: ”Ngày 24 tháng Tám, các cơn đau mỗi lúc một khủng khiếp, chịu không nổi đến độ tôi không còn có thể nằm xuống. Một trong những người bạn tù đập mạnh vào cánh cửa, kêu gào thật lớn tiếng là tôi cần được đưa đi bác sĩ. Viên gác tù hứa là anh ta sẽ hỏi xem bác sĩ có tới được không. Rồi mặc dù những thúc đẩy không ngừng của người bạn tù của tôi, vẫn chẳng có gì xẩy ra. Mãi hơn 5 tiếng đồng hồ sau, tôi đã như sắp chết, lúc đó mới được mang đi tới bác sĩ”.

Nhưng bác sĩ này làm việc cũng chỉ lấy lệ, khám qua loa để rồi sau đó luật sư Sergej Magnitskij đã không được chuyển tới bệnh viện và cũng không được lãnh viên thuốc nào.

Không đầy tháng sau, ông đã tắt thở giữa những cơn đau khủng khiếp. Ông chết trong xà lim lạnh buốt khi thời tiết ở Mạc Tư Khoa đã khởi sự vào đông và tuyết cũng đã bắt đầu rơi.

Không hồi âm: Trong khi đó bản văn khiếu nại của ông vẫn không được chưởng lý tòa hình sự trả lời. – (HM)
*******************
source
Vien Dong Daily

Thursday, 3 December 2009

Đổi tiền, dân tình hỗn loạn vì trắng tay


Bắc Triều Tiên


Tình trạng hỗn loạn đã nổ ra ở Bắc Triều Tiên vào ngày thứ ba, sau khi chính phủ của ông Kim Jong-il thực hiện đổi tiền. Dân chúng hoảng sợ và giận dữ, bởi tiền bạc họ tích luỹ được trở thành giấy lộn. Một lượng lớn tiết kiệm của người dân sẽ mất trắng trong lần đổi tiền này.

Đến nay các tổ chức nhân đạo ghi nhận được ít nhất một cặp vợ chồng tự tử vì mất sạch khoản tiền tiết kiệm sau đổi tiền. Thời hạn đổi tiền kéo đến ngày 6.12. Tiền mới bắt đầu lưu hành từ ngày 7.12. Chosun Ilbo cho biết người dân được đổi tối đa 150.000 won tiền mặt (tương đương 60 USD trên thị trường chợ đen) với tỷ lệ 100:1 và 300.000 won nếu có tài khoản ký gửi ngân hàng. Số tiền còn lại sẽ bị tịch thu sung công quỹ. Một cư dân ở Sinuiju, thành phố sát biên giới Trung Quốc, thốt lên: “Tôi đã làm như một con chó suốt hai tháng qua để dành tiền cho mùa đông. Số tiền đó trở thành giấy lộn chỉ sau một đêm”.

Park Sang-hak, một cựu đảng viên Bắc Triều Tiên đã bỏ trốn sang Hàn Quốc, khoe xấp tiền 5.000 won cũ của Bắc Triều Tiên. Ảnh: Reuters

Theo một số tin tức từ Hàn Quốc, khi những tin đồn về việc đổi tiền xuất hiện, người dân đã đổ xô đi mua các nhu yếu phẩm bằng tiền cũ. Vì thế, giá gạo đã nhanh chóng tăng lên 20 lần và ngũ cốc tăng lên đến 20 lần chỉ trong một tuần từ 2.000 won/kg lên 40.000 won/kg, trong khi giá đậu hũ miếng tăng từ 500 won lên 10.000 won. Các chợ bị đóng cửa trong thời gian đổi tiền, nên tình hình hoảng loạn càng tăng cao.

Những người giàu có tại các khu vực thành thị cũng đổ về các vùng nông thôn chậm nắm bắt thông tin với hy vọng có thể mua được hàng hoá bằng tiền cũ. Người dân ùn ùn kéo nhau đổi tiền cũ lấy USD và nhân dân tệ. Ở thành phố Hoeryong, một vụ giẫm đạp lên nhau xảy ra khi người dân kéo nhau đến một ngân hàng để đổi tiền cũ lấy đôla trước khi lệnh đổi tiền bắt đầu. Binh sĩ được điều động đến để phong toả ngân hàng này.

Bình Nhưỡng đã tăng cường các biện pháp an ninh phòng ngừa bất ổn sau lệnh đổi tiền. Hiện nhiều người tại các chợ ở những thành phố lớn đang lên tiếng chỉ trích chính phủ. Các nguồn tin tình báo của Hàn Quốc cho hay, Bắc Triều Tiên đã nâng mức cảnh giác an ninh đề phòng dân chúng nổi loạn. Các doanh trại được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Ở tỉnh Hamkyung, chính phủ còn đặt lệnh giới nghiêm. Chính quyền Bình Nhưỡng cảnh cáo sẽ trừng phạt thẳng tay những ai vi phạm luật đổi tiền lần này.

Hiện nay, Bắc Triều Tiên vẫn chưa xác nhận lý do đổi tiền. Giới phân tích chỉ đoán được vài lý do. Một là Bắc Triều Tiên muốn tiêu diệt thị trường chợ đen. Thị trường chợ đen đóng vai trò chính ở Bắc Triều Tiên hiện nay. Hàng hoá lưu hành trên thị trường này chủ yếu là hàng nhập lậu từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Ngay cả nông dân cũng nhờ thị trường chợ đen để tồn tại thay vì nhờ vào hệ thống cung cấp và phân phối của nhà nước. Than đá, dầu, máy móc… là hàng cấm, nhưng có mặt đầy đủ trên thị trường chợ đen.

Hai là, một quan chức Hàn Quốc được trích dẫn trên báo Dong’a Ilbo nói: “Bình Nhưỡng làm vậy để kiểm soát tiền bạc trong nước, điều mà xưa nay nhà nước quản lý không được”. Trong những năm gần đây, những người kinh doanh cất giấu một phần lớn của cải tiền mặt nhờ vào những công việc làm ăn có lợi nhuận khá tốt trên thị trường chợ đen. Số người này hình thành nên tầng lớp trung lưu ở Bắc Triều Tiên. Tầng lớp này có khoản tiết kiệm khoảng một triệu won/gia đình, nhiều người có tới hàng chục triệu won. Với cách đổi tiền, chính phủ truy thu lượng tiền của những người này, trừ khi họ kịp chuyển đổi số tiền của họ ra euro, USD hay nhân dân tệ. Lý do cuối cùng là kiểm soát lạm phát.

Minh Trí – Kim Dung (tổng hợp)

source

http://www.sgtt.com.vn/Detail30.aspx?ColumnId=30&newsid=60158&fld=HTMG/2009/1203/60158