Thursday, 25 February 2010

Vì sao phương Tây yêu mến Dalai Lama?



Với chính phủ Trung Quốc và nhiều người dân nước này, Dalai Lama là kẻ khích động bạo lực, biện hộ cho một xã hội phong kiến, thần quyền, lạc hậu, tàn nhẫn.

Nhưng với nhiều chính trị gia và người dân Tây phương, Đức Dalai Lama là siêu anh hùng chính trị, tinh thần luôn mỉm cười.

Với một số người, ông thuộc vào hàng ngũ đại nhân vật mà hiện chỉ có một người nữa - Nelson Mandela.

Thật khó mà không nghĩ rằng Dalai Lama được một số người gần như xem là Ông già Noel thân thiết, nói như Tiến sĩ Nathan Hill, giảng viên cao cấp về Tây Tạng ở trường Nghiên cứu phương Đông và châu Phi (SOAS), London.

"Ông rất ăn ảnh. Ở phương Tây chúng ta thích những ngôi sao. Ông là người cực kỳ dễ bắt chuyện, cực kỳ thông minh. Tôi thấy ông ấy cực kỳ khôn ngoan về chính trị, luôn nhìn về phía trước."

Có nhiều người ở Tây phương tìm kiếm một lực đẩy tinh thần không đe dọa trong thời đại của chủ nghĩa vật chất - đó là gợi ý của Alexander Norman, người gần đây viết sách, Những cuộc đời bí mật của Dalai Lama.

"Có khao khát to lớn ở phương Tây thế tục...khát khao những gì trái với những lợi ích mà xã hội công nghiệp hiện đại có thể đem tới."

Thử tìm trên Amazon về các sách của Dalai Lama và ta thấy danh sách dài những lời khuyên tinh thần và giúp đỡ.

Sự mến mộ Dalai Lama cũng đánh vào ý tưởng của một số người phương Tây về Tây Tạng như một thiên đường xa xôi.

Hình ảnh Dalai Lama từ khi còn trẻ đến hôm nay

Tiến sĩ Hill nói: "Tây Tạng có chính sách từ 1792 tới 1903 không để cho người phương Tây vào nước họ. Nó tạo ra một huyền thoại. Một quốc gia gần như đóng cửa trước người da trắng."

"Khi ta có thêm thông tin, ta hình dung Tây Tạng như một miền đất huyền hoặc của màu nhiệm và kỳ diệu. Đó là sản phẩm của văn học du ký phiêu lưu châu Âu."

Có cảm giác Dalai Lama được mô tả về chính trị theo một cách không hoàn toàn đúng như thực tế.

Norman nói: "Phần nào đó, ngài là bức ảnh quảng cáo cho nhiều phong trào - quyền động vật, tôn giáo. Có nhiều suy nghĩ phi thực tế xoay quanh Dalai Lama."

Bối rối

Sự bối rối của phương Tây về Dalai Lama được minh họa rõ nhất bởi những cố gắng phân tích quan điểm của ngài về quyền của người đồng tính.

Ông đã biểu lộ sự ác cảm với tình dục đồng tính, và ngay cả tình dục đường miệng giữa những cặp bạn tình, nhưng có những lúc lại có quan điểm tinh tế hơn, theo lời Norman.

"Ngài sẽ nói đó là lựa chọn của bạn, tùy vào lương tâm con người. Ngài rất để ý việc không làm người khác mất lòng."

Một số người Tây Tạng lưu vong chỉ trích ngài là giữ quan điểm trung hòa, phi bạo lực, theo Norman. Những người khác thì chỉ trích ngài là đã sai lầm khi cấm thờ phụng thần có tên Shugden.

Robert Barnett, giám đốc Nghiên cứu Tây Tạng Hiện đại ở Đại học Columbia, nói: "Trong những người lưu vong, ngày càng có thiểu số công khai chống đối ngài, nhưng đó là thiểu số nhỏ."

"Bên trong Tây Tạng, gần như ai nấy đều ngưỡng mộ ngài, và vì cố gắng có giải pháp phi bạo lực."

Đã có tranh luận là liệu Dalai Lama và các đồng sự có vẽ bức tranh chính xác về Tây Tạng trước sự can thiệp của Trung Quốc năm 1950, hay liệu huyền thoại có phải là do những người ngưỡng mộ ở phương Tây tạo ra.

Tiến sĩ Hill nói một số người ngưỡng mộ mù quáng còn tin rằng ở Tây Tạng trước 1950, "phụ nữ hưởng quyền bình đẳng và tất cả đều chan hòa với môi trường."

Nhưng theo Norman, trách nhiệm cho việc thần thánh hóa không thể quy hoàn toàn cho Dalai Lama.

"Ta có thể cáo buộc ngài vẽ một bức tranh phi thực tế về Tây Tạng. Nhưng mặt khác, người Tây Tạng thực sự nghĩ về đất nước họ như vậy - hình ảnh lãng mạn."

Sự chỉ trích của Trung Quốc về Dalai Lama, mặc dù chủ yếu liên quan ý tưởng rằng Tây Tạng đã thuộc về Trung Quốc trong lịch sử, nhưng nó cũng lên án ý tưởng rằng đã có một thiên đường Shangri-La trước 1950, mà thay vào đó, họ tập trung về chế độ nô lệ và điều kiện sống tồi tệ.

Donald Lopez, Giáo sư Nghiên cứu Tây Tạng và Phật giáo ở Đại học Michigan, nói: "Dalai Lama là một trong những nhà chỉ trích gay gắt nhất về 'Tây Tạng cũ'."

"Ngài không phải là người cung cấp Hội chứng Shangri-La. Có bằng chứng là ngài sẽ đưa ra cải tổ chính trị nếu người Trung Quốc đã không xâm lăng."

Dalai Lama cũng có óc hài hước

Theo Giáo sư Barnett, ý tưởng rằng người phương Tây tôn thờ Dalai Lama mà không biết gì về sự phức tạp của Tây Tạng thì là sai lầm, cho dù ý này "rất thời thượng".

Ngoại giao tách trà

Vị trí của Tây Tạng ở điểm giao nhau của ba cường quốc hạt nhân và đóng vai trò quan trọng về nguồn cung cấp nước cho thế giới sẽ luôn khiến Tây Tạng vượt lên trên thân phận chỉ là thứ tiêu khiển của phương Tây.

Có động cơ rõ ràng cho các lãnh đạo chính trị tiếp xúc với ngài bất chấp sức ép Trung Quốc. Với những ai không thoải mái về vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, đây là cơ hội làm Trung Quốc bực mình mà không gây ra tình huống ngoại giao bùng nổ.

Giáo sư Barnett nói Dalai Lama "là cơ hội lý tưởng cho họ, vì là lãnh đạo chính trị, ngài đòi hỏi rất ít - ngài dường như vui vẻ chấp nhận một cử chỉ thuần biểu tượng như một tách trà và một bức ảnh."

"Trung Quốc càng lớn tiếng, các lãnh đạo phương Tây càng trông có vẻ nguyên tắc và mạnh mẽ khi gặp ngài."

Có lẽ dễ hiểu vì sao ngài đã gặp mọi tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm từ năm 1991.

Nhưng với người thường, dù đúng hay sai, sức hấp dẫn của Dalai Lama liên quan nhiều hơn đến sức thu hút của nhân vật này và những tư tưởng mà họ tin rằng ngài có thiện cảm.

Như ghi nhận của Norman, các fan hâm một phương Tây của ngài nhìn thấy một "vị thánh thế tục" hoặc một "thượng đế đúng đắn về chính trị giữa một thế giới vắng thượng đế".

source

BBC Vietnamese

Sunday, 21 February 2010

Ngàn Năm Nhìn Lại Thế Giới...Ngàn năm (...) đất Thăng Long...


February 19, 2010


NGUYỄN XUÂN NGHĨA/Việt Tribune

Giật mình nhớ chuyện ngàn năm cũ
Chiêm-Lạp xưa kia vốn chẳng hèn!...

Nhượng Tống Hoàng Phạm Trân đã viết như vậy – trước khi bị (...) ám sát. Bây giờ chúng ta lại giật mình nhớ tới ông vì Hà Nội chuẩn bị kỷ niệm Ngàn năm Thăng Long sau khi quyết định (...) Hoàng thành Thăng Long (...) tòa nhà Quốc hội được quảng cáo là hoành tráng vĩ đại!

Nói về “Ngàn năm Thăng Long”, ta nhớ đến Thái tổ Lý Công Uẩn và quyết định dời đô từ Hoa Lư lên La Thành… Nói đến nhà Lý, triều đại tồn tại liên tục 216 năm, chúng ta nhớ đến 70 năm loạn lạc trước đó, kể từ khi Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán rồi xưng vương năm 939… Sau hơn ngàn năm Bắc thuộc, nước Nam đã thành hình từ những biến cố ấy… cho đến ngày nay. Đó là nội dung bài viết trên cột báo này vào tuần trước…

Bây giờ, nhìn rộng ra ngoài, khi Thăng Long lên ngôi là Kinh đô Đại Việt thì các nước khác đang là gì, làm gì?...

Khi ấy, Hoa Kỳ chưa kịp đầu thai!

Khi ấy, Đế quốc La Mã đã tàn lụi tại Âu Châu và chỉ còn phân nửa miền Đông dưới tên là Đế quốc Byzantium. Byzantium hay Byzance là tên cũ của Constantinople, một kinh đô đông dân nhất nhì địa cầu vào thời cổ. Đế quốc tại Byzance này tiêu vong vào năm 1453 vì sự xuất hiện của Đế quốc Ottoman theo Hồi giáo tại Trung Đông, là chuyện về sau…

Múa rồng tại Hà Nội ngày 18 tháng 2, 2010 kỷ niệm lần 221 chiến thắng của Hoàng Đế Quang Trung. Hoàng Đình Nam/Getty Images

Vào thời nhà Lý của nước ta thì tại khu vực Âu Châu như ta nói hiện nay, Thiên chúa giáo là thế lực tôn giáo và chính trị có ảnh hưởng tỏa rộng. Nhưng chưa hẳn là có thực quyền vì còn bị các lãnh chúa địa phương vận dụng, lợi dụng và khai thác, để tranh đoạt quyền bính. Âu Châu vào thời gọi là “Hạ Trung Cổ”, từ thế kỷ thứ X tới thế kỷ XV, thật ra còn… man rợ.

Và chinh chiến là quy luật phổ biến. Nếu đem loạn “Thập nhị Sứ quân” của nước Nam mà nhân lên kích thước của cả một đại lục thì ta có tình hình Âu Châu vào đời Lý của mình.

Tại đây, thủ lãnh các tiểu vương quốc diệt nhau để tiến lên vị trí vương quốc – chứ chưa có thể nói đến “quốc gia” hay “đế quốc” như chúng ta hiểu sau này. Đồng thời, xung đột giữa các vương quốc ở phía Tây với thế lực Hồi giáo rất mạnh ở phía Đông đã mở ra nhiều đợt “Thập tự chinh” – tiến về Thánh địa Thiên chúa giáo ở Trung Đông. Với hậu thuẫn của Giáo hội La Mã và lời kêu gọi của Đế quốc Byzantinum (mảnh vụn còn lại của Đế quốc La Mã tại phía Đông), các lãnh chúa và vương quốc cùng phất cờ “Thánh chiến” để bảo vệ đạo pháp.

Thực tế có khi là nhân danh Giáo hội hay đức Giáo hoàng mà gia tăng quyền lực và ảnh hưởng của họ....

Tại Pháp, dòng Capétiens – do tên “tục” của vua Hugues Đệ nhất là Hugues “Capet” – là thế lực mạnh nhất. Chính thức tồn tại từ năm 987 đến sau cuộc Cách mạng Pháp (đến năm 1792, là khi Quang Trung thăng hà). Nói “mạnh nhất” nghĩa là tương đối thôi. Như vua Lý Thái Tổ của ta, từ khi lên ngôi, vua Hugues Capet này phải chật vật tiễu trừ và tiêu diệt các lãnh chúa địa phương, mà sau này ta cứ gọi là “phong kiến”. Cũng như nhà Lý, nhà Capet bắt đầu định chế hóa việc nối dõi để mỗi đời vua lên ngôi lại khỏi là một đợt can qua binh lửa hay đảo chánh trong triều….

Trong mấy trăm năm, trên cực điểm thì dòng Capet làm chủ được một lãnh thổ gần bằng phân nửa nước Pháp hiện nay – mà thôi. Thế lực đối nghịch đáng kể nhất là một vương quốc mới nổi ở bên kia bờ biển, mà sau này ta gọi là nước Anh. Như trong nhà Lý của Đại Việt, chinh chiến và hôn nhân là hai giải pháp bành trướng thế lực hay cầu hòa….

Tranh chấp giữa nhà Capet tại Pháp và nhà Plantagenêt tại Anh là một biến cố lớn và kéo dài…

Dù sao, vua Philippe August của nhà Capet – bậc hùng tài coi như mạnh nhất Âu châu vào thời suy vọng của nhà Lý ở nước ta – thì chỉ kiểm soát được một phần ba lãnh thổ Pháp. Cháu nội của ông là Louis IX phải hòa giải với nhà Plantagenêt và nương vào Giáo hội để khống chế được các vương hầu ở dưới. Ông được phong thánh nên sau này mới có tên là vua Saint Louis.

Bên kia biển Manche, khi dân ta đang giành lại quyền tự chủ thì nước Anh còn là một khu vực gồm bảy vương quốc. Tất nhiên là đánh nhau tưng bừng còn hơn Thập nhị Sứ quân!

Khi triều Lý củng cố được chế độ quân chủ đầu tiên của nước Nam, dân Normand trên đất Pháp tràn qua chiếm nước Anh. Đó là thành tích máu lửa của Quận công Guillaume le Conquérant – phải dùng tên Pháp vì là dân… Tây – vào năm 1066. Gọi là “công” vì ông chỉ là “duc” hay “duke” – còn dưới tước “vương” của nhà vua. Hãy nghĩ đến các ông vua chỉ ở hạng “công” như Tề Hoàn công hay Tấn Văn công, so với các Thiên tử Chu Bình vương, Chu Noãn vương thời Xuân Thu bên Tầu; hoặc các sứ quân Trần Minh công, Ngô Lãm công bị Vạn Thắng vương Đinh Bộ Lĩnh khuất phục… thì mình dễ nhớ tới sự khác biệt giữa “vương” và “công”!

Đâm ra, một dòng vua nửa Anh nửa Normand ra đời và cai trị toàn thể nước Anh cùng một phần lãnh thổ rất rộng của Pháp! Hãy tưởng tượng như các vua chúa Chiêm Thành vào Thăng Long và từ đó làm chủ nước Đại Việt vậy… Ngàn năm trước, chuyện ấy không xảy ra tại nước ta. Ngược lại là khác, như Nhượng Tống đã nhắc nhở.

Ông Guillaume này bị gọi là “Con Hoang” vì là con ngoại hôn của Quận công Robert le Magnifique – và có vài chục đứa con. Con cháu đời sau lập ra dòng Plantagenêt tại Anh và việc tranh đoạt quyền bính kéo dài giữa hai nước Anh Pháp. Tranh đoạt ấy dây dưa mãi và dẫn đến “Trận chiến Trăm năm” giữa hai nước, thực tế là 116 năm, mãi đến 1453 mới dứt.

Trong thời kỳ gọi là “Hạ Trung Cổ” – kéo dài từ sự ra đời của nhà Capet tại Pháp cho đến khi Đế quốc Byzance tan rã và thành phần ưu tú của họ chạy về Âu Châu để mở ra thời Phục Hưng năm 1453 – thì Âu Châu thật ra còn rất nghèo. Và lạc hậu. Các sử gia của họ gọi đó là “thời kỳ đen tối”. Chỉ sau thời Phục Hưng, Âu Châu mới thực sự lớn mạnh, rồi chinh phục toàn cầu.

Trong giai đoạn Hạ Trung Cổ ấy, về tư tưởng, văn hoá và giáo dục, thì Thiên chúa giáo là thế lực có ảnh hưởng nhất. Chiến tranh và sự tranh đoạt quyền bính giữa các lãnh chúa hay vương công là thực tế thường trực. Làng xã có phát triển dần thành các thị trấn, nhưng còn nhỏ hẹp. Và phải được bảo vệ bằng thành lũy. Thể thao là trò chơi nhằm trau giồi khả năng chiến trận, và một số tiến bộ khoa học thu lượm được là nhờ những va chạm và học hỏi với thế giới Hồi giáo. Ngoài tư tưởng Thiên chúa giáo và một số di sản văn hóa thời Hy Lạp La Mã, thì nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật của cõi Âu Châu đó xuất phát từ Trung Đông…

Khi ấy, Âu Châu có nghe nói đến một đế quốc còn lớn hơn nữa, tại Viễn Đông. Đó là nhà Đại Tống mà mình sẽ tìm hiểu sau vì thật ra, đây là một triệu đại èo uột và duy nhất của Trung Quốc bị Đại Việt đánh cho tơi tả ngay trong lãnh thổ! Ăn Tết rồi và nhớ về “Ngàn năm Thăng Long” của mấy (...) thì nên nhớ lại những chuyện đó.

Để đừng có hèn nữa![NXN]

source

Viet Tribune Online

Ngoại giao kiểu ‘dép nhựa’



Chẳng mấy ai gặp tổng thống tại Tòa Bạch Ốc mà lại đi dép nhựa, nhất là vào tiết trời lạnh cóng của tháng Hai.

Thế nhưng Dalai Lama đâu phải vị khách bình thường, và giầy dép không phải là chuyện quá nên để mắt tới.

Mặc dù là người có ảnh hưởng chính trị tương đối hạn chế, tiếng vang từ cuộc gặp mặt của ông với tổng thống vượt xa phạm vi Washington.

Cuộc gặp là thước đo cam kết của chính quyền Mỹ về nhân quyền, và để đánh giá tư thế sẵn sàng ngẩng cao đầu của Washington trước Bắc Kinh.

Vì vậy, chuyến thăm Tòa Bạch Ốc của ông được chuẩn bị chính xác tới từng phút cũng đủ cho thấy sự kiện gặp cũng có tầm quan trọng như nội dung thảo luận kín.

Tổng thống Bill Clinton từng cảnh giác với phản ứng của Trung Quốc nên ông chưa bao giờ gặp Dalai Lama chính thức mà chỉ "ghé hỏi chuyện" khi Dalai Lama gặp gỡ các quan chức Mỹ khác.

Tránh phật lòng Bắc Kinh

George W Bush lại có thái độ cởi mở hơn chút và ông là tổng thống đầu tiên xuất hiện trước camera cùng với Dalai Lama trước công chúng.

Cuộc gặp với ông Obama được sắp xếp chặt chẽ

Mối quan hệ nồng ấm rõ rệt hơn là lúc Tổng thống Bush trao Huân chương Quốc hội cho Dalai Lama vào năm 2007, việc làm gây Bắc Kinh tức giận.

Nhưng ngay cả Tổng thống Bush cũng không cho phép truyền hình vào quay các cuộc gặp tại Tòa Bạch Ốc của ông với Dalai Lama, bởi đó là bước đi có thể khiến Bắc Kinh phản đối.

Tổng thống Barack Obama dường như đã chọn kiểu ở giữa hai cách tiếp cận của những người tiền nhiệm.

Ông đã gặp Dalai Lama tại Phòng Bản đồ của Tòa Bạch Ốc, tránh Phòng Bầu Dục vốn mang tính biểu tượng rõ nét.

Chỉ có một tấm hình hai người chụp chung được công bố và truyền hình không được tiếp cận.

Dẫu sao Trung Quốc đã lên án cuộc họp, nhưng đó là một phần của nghi lễ khiêu vũ ngoại giao diễn ra khi có các cuộc gặp như vậy.

Không ai dự kiến cuộc gặp không đao to búa lớn một cách có chủ ý này sẽ có hệ lụy thực sự trong quan hệ Trung-Mỹ.

Tất nhiên, bằng cách tổ chức cuộc gặp gỡ không rầm rộ như vậy, tổng thống chịu rủi ro làm hoen ố hình ảnh của mình vốn là nhà vô địch về nhân quyền.

'Sự nghiệp dài lâu'

Đã có sự phẫn nộ từ các nhóm nhân quyền khi Dalai Lama tới Washington vào năm ngoái và Tổng thống Obama đã quyết định không gặp ông trước khi thăm Bắc Kinh trong chuyến đi chính thức đầu tiên.

Tổng thống Bush trao Huân Chương Quốc hội cho Dalai Lama năm 2007.

Đó là việc tránh làm Bắc Kinh phật lòng một cách rõ ràng và nhiều người cũng đã cảm thấy nghị trình về nhân quyền của Hoa Kỳ có xu hướng yếu đi.

Sau ngày ông họp với tổng thống, tôi đã hỏi Dalai Lama liệu ông có cảm thấy mệt mỏi khi phải chơi lá bài ngoại giao kiểu nghi thức như vậy năm này qua năm khác mà hiệu quả thật chẳng nhiều hay không.

"Không!" ông nói mạnh mẽ. "Việc đạt được điều gì đó nhanh ra sao không quan trọng.”

Quan trọng hơn, theo ông, là đây là sự nghiệp đáng đấu tranh thậm chí khi thành công có thể có được "sau khi tôi nhắm mắt".

Và rõ ràng là Dalai Lama coi thời gian hơi khác so với hầu hết mọi người.

Douglas Paal, quan chức cao cấp Mỹ hộ tống ông vào họp với Tổng thống George Bush vào năm 1991, hỏi ông đã từng gặp một tổng thống Mỹ trước đây hay chưa.

Dalai Lama cười và nói: "Cả tôi cũng như bất kỳ vị nào trong số 13 người hóa thân trước đều chưa từng bao giờ gặp tổng thống nào."

Nay thì ông ít nhất có thể dự kiến được mời thường xuyên hơn nhưng phải có điều kiện. Mặc dù điều kiện đó không liên quan tới việc ông đi giầy hay dép.

source

BBC Vietnamese

Friday, 5 February 2010

Nhà tù diệt chủng của Pol Pot tại Kampuchia


December 04, 2009


NGUYỄN TƯỜNG TÂM

Cựu lãnh đạo nhà tù diệt chủng nổi tiếng Tuol Sleng tại Kampuchia có tên thật là Kaing Guek Eav, nhưng bí danh là ông Duch. Ông ta từng là giáo viên dạy toán. Theo bản tin ngày 27 /11/2009 của đài BBC, trước phiên toà được Liên Hiệp Quốc bảo trợ, cựu lãnh đạo nhà tù Tuol Sleng này đã nhận trách nhiệm về cái chết của 15 ngàn người đã trải qua nhà tù này nhưng đồng thời ông ta cũng xin toà trả tự do cho ông ta. Lời yêu cầu của ông ta khiến cả toà sửng sốt.

Tôi đã tới thăm nhà tù Tuol Sleng tại Kampuchia vào ngày mùng 8/8/2006.
Với những hình ảnh phòng giam và tra tấn thẩm cung thì chế độ Pol Pot không tàn ác hơn chế độ giam giữ tù cải tạo của (...) mà tôi đã trải qua hơn 9 năm qua 4 trại giam. Những người tù cải tạo bị đưa ra (...) còn trải qua nhiều điều khủng khiếp hơn nhà tù này.

Dưới đây là những tấm hình tôi chụp ngày hôm đó kèm theo những bảng chú thích tại chỗ.

Giá treo cổ

Cái cột này trước đây được học sinh dùng làm cột tập thể dục. Khờ Me Đỏ đã dùng chỗ này làm địa điểm thẩm vấn. Các thẩm vấn viên trói hai bàn tay tù nhân ra sau lưng rồi kéo ngược tù nhân lên. Chúng làm như thế cho tới khi tù nhân bị bất tỉnh. Sau đó chúng nhúng đầu tù nhân vào cái bình chứa nước bẩn hôi thối (nước tiểu) mà chúng dùng để bón cây trên các mảnh đất bên ngoài. Làm như thế các nạn nhân sẽ mau chóng tỉnh lại, và các tên thẩm vấn có thể tiếp tục cuộc thẩm vấn.

Bản Nội Qui An Ninh

Bản Nội Qui An Ninh
1- Bạn phải trả lời đúng đắn mọi câu hỏi. Không được lấp liếm (Don’t turn them away).
2- Không được cố che dấu mọi sự kiện bằng những viện cớ này nọ. Bạn bị tuyệt đối cấm thách thức chúng tôi.
3- Đừng có điên vì bạn là một kẻ dám cản trở cách mạng.
4- Bạn phải trả lời ngay tức khắc mọi câu hỏi, không được mất thì giờ suy nghĩ.
5- (Không dịch vì không hiểu ý.) Don’t tell me either about your immoralities or the essence of the revolution.
6- Khi bị đánh hay bị tra điện tuyệt đối không được la khóc.
7- Không được làm gì hết, ngồi yên và đợi lệnh. Nếu chưa có lệnh thì im lặng. Khi được lệnh làm một việc gì thì phải làm ngay tức khắc mà không được phản đối.
8- Không được viện cớ Kampuchea Krom (người dịch không hiểu ý này) để che dấu bí mật hay sự phản bội của bạn.
9- Nếu bạn không tuân theo tất cả mọi qui tắc ở trên thì bạn sẽ bị đánh nhiều roi điện.
10- Nếu bạn không tuân hành bất cứ điểm nào của nội qui này thì bạn sẽ hoặc đánh 10 roi hoặc bị giật điện 5 lần.

Bảo tàng viện Diệt chủng Tuol Sleng

Trong quá khứ, “TUOL SLENG” Museum là một trong những trường trung học cấp hai (đệ nhất cấp / secondary school) tại Thủ đô, có tên là trường trung học “Tuol Svay prey”
Sau ngày 17 tháng 4-1975, bè lũ Pol Pot đã biến trường này thành nhà tù có tên là “S.21” (viết tắt của chữ Văn phòng an ninh số 21-Security office 21). Đây là nhà tù lớn nhất tại Nước Cambodia Dân Chủ.

Một hình nhân bị cùm trên giường sắt

Những phòng học ở tầng trệt và tầng thứ nhì được phân ra thành từng sà lim giam cá nhân. Trong khi những phòng học ở tầng trên được dùng làm phòng giam tập thể.
Nhiều ngàn nạn nhân (nông dân, công nhân, kỹ thuật viên, kỹ sư, bác sĩ, giáo sư, học sinh, tu sĩ phật giáo, cán bộ của Pol Pot và binh sĩ mọi cấp bậc, viên chức ngoại giao, ngoại kiều, v..v) bị giữ và sát hại cùng với vợ con họ.

Có rất nhiều bằng chứng ở đây cho thấy sự diệt chủng của bè lũ Pol Pot: Phòng biệt giam, dụng cụ tra tấn, hồ sơ, danh sách tù nhân cùng quần áo và tư trang của họ.

Người ta cũng tìm thấy những ngôi mộ tập thể ở những khu vực xung quanh…

Điều tôi thấy tàn ác nhất mà tôi không hiểu là tại sao Pol Pot lại tàn sát cả những phụ nữ và trẻ em. Tại bảo tàng viện Toul Sleng, tôi thấy rất nhiều hình các phụ nữ và trẻ em nạn nhân. Nhưng những tấm hình đó quá nhỏ nên tôi không chụp.

Tác giả trong khuôn viên nhà tưởng niệm Cánh Đồng Chết tại Campuchia ngày 8 tháng 8, 2006 lúc 12 giờ trưa.

Tại một khu lưu niệm Cánh Đồng Chết nằm tại một địa điểm khác ở Campuchia, tôi thấy đầu lâu chất đống trong một căn phòng trưng bày. Quá nhiều và quá ghê sợ nên tôi không chụp tấm ảnh nào vì tôi không muốn thấy lại hình ảnh ấy lần nữa và tôi cũng không nghĩ ai muốn được xem tấm hình chụp những đầu lâu chất đống như vậy. Hình ảnh đó khiến tôi nhớ tới tấm hình cả trăm cái đầu lâu nạn nhân bị (...) tàn sát khi chúng chiếm (...).[NTT]

Tất cả các hình trong bài này được chụp bởi tác giả
tại bảo tàng viện Nhà Tù Tuol Sleng ngày 8-8-06 lúc 1:00 PM

source

Viet Tribune