Sunday 21 February 2010

Ngàn Năm Nhìn Lại Thế Giới...Ngàn năm (...) đất Thăng Long...


February 19, 2010


NGUYỄN XUÂN NGHĨA/Việt Tribune

Giật mình nhớ chuyện ngàn năm cũ
Chiêm-Lạp xưa kia vốn chẳng hèn!...

Nhượng Tống Hoàng Phạm Trân đã viết như vậy – trước khi bị (...) ám sát. Bây giờ chúng ta lại giật mình nhớ tới ông vì Hà Nội chuẩn bị kỷ niệm Ngàn năm Thăng Long sau khi quyết định (...) Hoàng thành Thăng Long (...) tòa nhà Quốc hội được quảng cáo là hoành tráng vĩ đại!

Nói về “Ngàn năm Thăng Long”, ta nhớ đến Thái tổ Lý Công Uẩn và quyết định dời đô từ Hoa Lư lên La Thành… Nói đến nhà Lý, triều đại tồn tại liên tục 216 năm, chúng ta nhớ đến 70 năm loạn lạc trước đó, kể từ khi Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán rồi xưng vương năm 939… Sau hơn ngàn năm Bắc thuộc, nước Nam đã thành hình từ những biến cố ấy… cho đến ngày nay. Đó là nội dung bài viết trên cột báo này vào tuần trước…

Bây giờ, nhìn rộng ra ngoài, khi Thăng Long lên ngôi là Kinh đô Đại Việt thì các nước khác đang là gì, làm gì?...

Khi ấy, Hoa Kỳ chưa kịp đầu thai!

Khi ấy, Đế quốc La Mã đã tàn lụi tại Âu Châu và chỉ còn phân nửa miền Đông dưới tên là Đế quốc Byzantium. Byzantium hay Byzance là tên cũ của Constantinople, một kinh đô đông dân nhất nhì địa cầu vào thời cổ. Đế quốc tại Byzance này tiêu vong vào năm 1453 vì sự xuất hiện của Đế quốc Ottoman theo Hồi giáo tại Trung Đông, là chuyện về sau…

Múa rồng tại Hà Nội ngày 18 tháng 2, 2010 kỷ niệm lần 221 chiến thắng của Hoàng Đế Quang Trung. Hoàng Đình Nam/Getty Images

Vào thời nhà Lý của nước ta thì tại khu vực Âu Châu như ta nói hiện nay, Thiên chúa giáo là thế lực tôn giáo và chính trị có ảnh hưởng tỏa rộng. Nhưng chưa hẳn là có thực quyền vì còn bị các lãnh chúa địa phương vận dụng, lợi dụng và khai thác, để tranh đoạt quyền bính. Âu Châu vào thời gọi là “Hạ Trung Cổ”, từ thế kỷ thứ X tới thế kỷ XV, thật ra còn… man rợ.

Và chinh chiến là quy luật phổ biến. Nếu đem loạn “Thập nhị Sứ quân” của nước Nam mà nhân lên kích thước của cả một đại lục thì ta có tình hình Âu Châu vào đời Lý của mình.

Tại đây, thủ lãnh các tiểu vương quốc diệt nhau để tiến lên vị trí vương quốc – chứ chưa có thể nói đến “quốc gia” hay “đế quốc” như chúng ta hiểu sau này. Đồng thời, xung đột giữa các vương quốc ở phía Tây với thế lực Hồi giáo rất mạnh ở phía Đông đã mở ra nhiều đợt “Thập tự chinh” – tiến về Thánh địa Thiên chúa giáo ở Trung Đông. Với hậu thuẫn của Giáo hội La Mã và lời kêu gọi của Đế quốc Byzantinum (mảnh vụn còn lại của Đế quốc La Mã tại phía Đông), các lãnh chúa và vương quốc cùng phất cờ “Thánh chiến” để bảo vệ đạo pháp.

Thực tế có khi là nhân danh Giáo hội hay đức Giáo hoàng mà gia tăng quyền lực và ảnh hưởng của họ....

Tại Pháp, dòng Capétiens – do tên “tục” của vua Hugues Đệ nhất là Hugues “Capet” – là thế lực mạnh nhất. Chính thức tồn tại từ năm 987 đến sau cuộc Cách mạng Pháp (đến năm 1792, là khi Quang Trung thăng hà). Nói “mạnh nhất” nghĩa là tương đối thôi. Như vua Lý Thái Tổ của ta, từ khi lên ngôi, vua Hugues Capet này phải chật vật tiễu trừ và tiêu diệt các lãnh chúa địa phương, mà sau này ta cứ gọi là “phong kiến”. Cũng như nhà Lý, nhà Capet bắt đầu định chế hóa việc nối dõi để mỗi đời vua lên ngôi lại khỏi là một đợt can qua binh lửa hay đảo chánh trong triều….

Trong mấy trăm năm, trên cực điểm thì dòng Capet làm chủ được một lãnh thổ gần bằng phân nửa nước Pháp hiện nay – mà thôi. Thế lực đối nghịch đáng kể nhất là một vương quốc mới nổi ở bên kia bờ biển, mà sau này ta gọi là nước Anh. Như trong nhà Lý của Đại Việt, chinh chiến và hôn nhân là hai giải pháp bành trướng thế lực hay cầu hòa….

Tranh chấp giữa nhà Capet tại Pháp và nhà Plantagenêt tại Anh là một biến cố lớn và kéo dài…

Dù sao, vua Philippe August của nhà Capet – bậc hùng tài coi như mạnh nhất Âu châu vào thời suy vọng của nhà Lý ở nước ta – thì chỉ kiểm soát được một phần ba lãnh thổ Pháp. Cháu nội của ông là Louis IX phải hòa giải với nhà Plantagenêt và nương vào Giáo hội để khống chế được các vương hầu ở dưới. Ông được phong thánh nên sau này mới có tên là vua Saint Louis.

Bên kia biển Manche, khi dân ta đang giành lại quyền tự chủ thì nước Anh còn là một khu vực gồm bảy vương quốc. Tất nhiên là đánh nhau tưng bừng còn hơn Thập nhị Sứ quân!

Khi triều Lý củng cố được chế độ quân chủ đầu tiên của nước Nam, dân Normand trên đất Pháp tràn qua chiếm nước Anh. Đó là thành tích máu lửa của Quận công Guillaume le Conquérant – phải dùng tên Pháp vì là dân… Tây – vào năm 1066. Gọi là “công” vì ông chỉ là “duc” hay “duke” – còn dưới tước “vương” của nhà vua. Hãy nghĩ đến các ông vua chỉ ở hạng “công” như Tề Hoàn công hay Tấn Văn công, so với các Thiên tử Chu Bình vương, Chu Noãn vương thời Xuân Thu bên Tầu; hoặc các sứ quân Trần Minh công, Ngô Lãm công bị Vạn Thắng vương Đinh Bộ Lĩnh khuất phục… thì mình dễ nhớ tới sự khác biệt giữa “vương” và “công”!

Đâm ra, một dòng vua nửa Anh nửa Normand ra đời và cai trị toàn thể nước Anh cùng một phần lãnh thổ rất rộng của Pháp! Hãy tưởng tượng như các vua chúa Chiêm Thành vào Thăng Long và từ đó làm chủ nước Đại Việt vậy… Ngàn năm trước, chuyện ấy không xảy ra tại nước ta. Ngược lại là khác, như Nhượng Tống đã nhắc nhở.

Ông Guillaume này bị gọi là “Con Hoang” vì là con ngoại hôn của Quận công Robert le Magnifique – và có vài chục đứa con. Con cháu đời sau lập ra dòng Plantagenêt tại Anh và việc tranh đoạt quyền bính kéo dài giữa hai nước Anh Pháp. Tranh đoạt ấy dây dưa mãi và dẫn đến “Trận chiến Trăm năm” giữa hai nước, thực tế là 116 năm, mãi đến 1453 mới dứt.

Trong thời kỳ gọi là “Hạ Trung Cổ” – kéo dài từ sự ra đời của nhà Capet tại Pháp cho đến khi Đế quốc Byzance tan rã và thành phần ưu tú của họ chạy về Âu Châu để mở ra thời Phục Hưng năm 1453 – thì Âu Châu thật ra còn rất nghèo. Và lạc hậu. Các sử gia của họ gọi đó là “thời kỳ đen tối”. Chỉ sau thời Phục Hưng, Âu Châu mới thực sự lớn mạnh, rồi chinh phục toàn cầu.

Trong giai đoạn Hạ Trung Cổ ấy, về tư tưởng, văn hoá và giáo dục, thì Thiên chúa giáo là thế lực có ảnh hưởng nhất. Chiến tranh và sự tranh đoạt quyền bính giữa các lãnh chúa hay vương công là thực tế thường trực. Làng xã có phát triển dần thành các thị trấn, nhưng còn nhỏ hẹp. Và phải được bảo vệ bằng thành lũy. Thể thao là trò chơi nhằm trau giồi khả năng chiến trận, và một số tiến bộ khoa học thu lượm được là nhờ những va chạm và học hỏi với thế giới Hồi giáo. Ngoài tư tưởng Thiên chúa giáo và một số di sản văn hóa thời Hy Lạp La Mã, thì nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật của cõi Âu Châu đó xuất phát từ Trung Đông…

Khi ấy, Âu Châu có nghe nói đến một đế quốc còn lớn hơn nữa, tại Viễn Đông. Đó là nhà Đại Tống mà mình sẽ tìm hiểu sau vì thật ra, đây là một triệu đại èo uột và duy nhất của Trung Quốc bị Đại Việt đánh cho tơi tả ngay trong lãnh thổ! Ăn Tết rồi và nhớ về “Ngàn năm Thăng Long” của mấy (...) thì nên nhớ lại những chuyện đó.

Để đừng có hèn nữa![NXN]

source

Viet Tribune Online

No comments:

Post a Comment