Sunday, 23 May 2010

Các vụ giết người hàng loạt bộc lộ những bất ổn sâu sắc của xã hội Trung Quốc


TRUNG QUỐC -
Bài đăng : Chủ nhật 23 Tháng Năm 2010 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 23 Tháng Năm 2010


Cảnh sát dạy những thế võ tự vệ cho học sinh ở Nam Kinh.
Ảnh: Reuters
Thụy My

Tuần báo Le Courrier International trích dịch bài viết trên một tờ báo địa phương Quảng Châu, mang tựa đề «Khi những con người thấp cổ bé miệng không còn chịu đựng được nữa». Bài báo nhận định nguyên nhân sâu xa của những vụ giết người hàng loạt gần đây: đó là hố sâu bất bình đẳng ngày càng được đào sâu trong xã hội. Một nhà xã hội học đã nhấn mạnh đến nguy cơ lây lan của hiện tượng này.

Chỉ trong vòng hơn một tháng, đã có 5 trường học bị tấn công. Có thể kể một vụ điển hình: ngày 23/3, một cựu bác sĩ 42 tuổi đã dùng dao đâm túi bụi vào 13 học sinh chỉ trong 55 giây, làm 8 em bị chết và 5 em bị thương. Người này hiện thất nghiệp, vô gia cư và không có vợ con. Theo lời thú nhận của anh ta, thì động cơ là do quá chán nản vì không tìm được việc làm, thất tình và bị người chung quanh chế nhạo. Thủ phạm đã phải lãnh án tử hình.

Chính thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã phải công nhận, khi trả lời kênh truyền hình Phượng Hoàng của Hongkong : « Xã hội Trung Quốc ẩn chứa những mâu thuẫn sâu sắc đang tăng dần, và là nguồn gốc của loạt thảm sát học sinh. Không chỉ tăng cường các biện pháp an ninh, mà cần phải tấn công vào cội rễ của vấn đề ».

Bài báo dẫn thêm một số trường hợp khác ngoài các vụ tấn công vào trường học. Theo tác giả bài báo, thì thủ phạm là những người ngấm ngầm bất mãn với xã hội. Họ muốn « khẳng định » mình bằng cách sát hại một cách thô bạo những người vô tội, yếu ớt hơn họ, để trả thù đời. Vụ tấn công vào trường học kể trên tuy khủng khiếp, nhưng đáng sợ hơn cả là làn sóng bắt chước sau đó.

Chỉ ba ngày sau, tại khoa hồi sức thuộc bệnh viện công cùng địa phương, một phụ nữ trung niên có con gái 8 tuổi bị cưỡng hiếp, đã chất vấn bí thư đảng ủy của địa phương này : « Nếu ông vẫn chưa giải quyết vụ con gái tôi bị xâm hại, thì tôi cũng sẽ giết ai đó cho xem». Vài hôm sau, một người khác ở Vũ Hán vốn đã khiếu nại việc người khác xây dựng bất hợp pháp trên đất nhà mình suốt nửa năm mà không ai giải quyết, đã viết trên internet : « Nếu quyền lợi chính đáng của tôi không ai bảo đảm, tôi chỉ còn cách bắt chước ông bác sĩ đã tấn công vào trường học kia ».

Có thể đó chỉ là những lời đe dọa suông, nhưng cùng thời điểm đó đã xảy ra những vụ tấn công vô cớ vào những người vô tội như: một sinh viên bị xô ngã từ lầu 10, một lái xé cố ý tông vào nhiều xe khác…Tất cả đã đưa ra ánh sáng sự bùng nổ những căng thẳng trong xã hội. Sự hiện diện của nhiều người bị bỏ lại ngoài lề « phép lạ kinh tế », và những nhóm người dễ bị tổn thương, là đất hứa cho tội ác nảy mầm. Bạo lực và các hành vi độc ác lan rộng nhanh chóng, mà tác giả bài báo cho là sẽ quá dễ dàng nếu quy cho là những hành động cực đoan của một thiểu số không hòa nhập được với xã hội.

Hai trường hợp đe dọa sát nhân vừa nêu trên đây cho thấy sự bất lực của người dân trước một chính quyền đầy quyền năng. Có thể kể thêm những người nông dân bị lấy mất đất, những người bị tịch biên đất đã phải phản đối bằng cách tự hủy hoại thân thể, người đi kiện bị bỏ tù, cho đi cải tạo lao động hay tống vào nhà thương điên…Trong một xã hội mà người công dân không có khả năng tổ chức lại một cách hiệu quả để nói lên tiếng nói, để tranh đấu cho quyền lợi của mình, thì những người thấp cổ bé miệng không chỉ đơn giản là người nghèo hay người sống bên lề xã hội. Theo tác giả, những vụ thảm sát gần đây cho thấy xã hội Trung Quốc đang bệnh hoạn về mặt tâm lý.

Bài báo kết luận, nếu không xử lý tích cực vấn đề thì không thể nào tiến đến một « xã hội hài hòa » như Bắc Kinh đã mong muốn, và sẽ còn xảy ra nhiều thảm họa tương tự. Nếu muốn những người dân đen không bị ám ảnh bởi nguy cơ mất đất, mất việc, bị sỉ nhục, bị đẩy ra ngoài lề, những công dân bình thường không phải sống trong nỗi sợ hãi trở thành nạn nhân một vụ chém giết vô cớ, thì tất cả các nhân tố trong xã hội đều phải có cố gắng.

Khách du lịch Trung Quốc : xài tiền nhiều nhưng chưa văn minh lắm

Cũng liên quan đến Trung Quốc, Newsweek tuần này dành nhiều trang báo để nói về khách du lịch nước này. Tuy hiện nay số người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài chỉ chiếm có 4% dân số, nhưng mỗi năm lại tăng khoảng 22%. Dự kiến đến năm 2020 sẽ có đến 100 triệu lượt ra nước ngoài du lịch.

Hầu hết chọn điểm đến là Hongkong và Macao, số còn lại thì hơn phân nửa đến các nước châu Á, chỉ có 10% đi châu Âu và Mỹ. Hiện nay khách du lịch Trung Quốc đứng hàng đầu trong số du khách đến thăm Việt Nam, đứng thứ hai ở Singapore, Nepal và Đài Loan. Tại Mỹ, họ tiêu xài trung bình 7.200 đô la một người trong chuyến đi, còn tại Hongkong, số tiền du khách Trung Quốc chi ra còn cao hơn du khách Nhật đến 80%. Họ mua toàn hàng hiệu nổi tiếng, do trong nước hàng xa xỉ bị đánh thuế cao nên giá đắt, và mua ở nước ngoài thì không sợ nhầm hàng giả. Bài báo cho biết, tại Malaisia, Việt Nam và Macao, nơi khách Trung Quốc thích đến giải trí, các casino đang được xây dựng ; và Singapore thì cũng đã bỏ lệnh cấm xây casino vốn có từ 40 năm qua.

Tuy nhiên khách du lịch Trung Quốc lại thường bị các nước láng giềng châu Á kêu ca vì thái độ thiếu văn minh của họ. Tại Việt Nam, nơi dấu ấn cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 vẫn còn đó, các hướng dẫn viên than phiền là du khách Trung Quốc thường có thái độ kẻ cả, và viết blog kể xấu tình trạng chậm tiến ở đây. Ngược lại, người Hongkong và Singapore thì khá phiền lòng với những người khách không ứng xử theo văn minh đô thị. Báo chí Hongkong hay đưa hình các du khách đến từ lục địa ăn mặc lôi thôi, để trẻ em tiểu tiện nơi công cộng, và nhất là đi chân không đến Disneyland Hongkong…trong ngày khai trương hồi năm 2005. Sau vụ này Cơ quan Du lịch Quốc gia Trung Quốc đã phải biên soạn sách hướng dẫn cho người đi du lịch nước ngoài. Trong đó có những điều nên làm như lịch sự, xếp hàng, nhường chỗ cho phụ nữ, và những điều không nên làm như xả rác bừa bãi, cởi vớ nơi công cộng, cãi nhau, mặc cả trong các thương xá…

Thái Lan : Dân chủ không theo kịp sự phát triển của kinh tế

Nhìn sang Thái Lan, Le Courrier International trích bài viết của một phóng viên tờ The New York Times đã có mặt ở Bangkok từ thập niên 90, mang tựa đề “Một thủ đô lớn lên quá nhanh”. Một rừng những tòa nhà chọc trời đã mọc lên ở Bangkok. Thủ đô Thái Lan đã thịnh vượng hơn trước rất nhiều, và cho dù thiếu vắng quy hoạch, vẫn là một thành phố hấp dẫn. Nhưng cuộc khủng hoảng mới đây đã cho thấy nền chính trị nước này chưa kịp chín muồi, không đuổi kịp tốc độ phát triển của nền kinh tế.

Bài báo được viết lúc quân đội chưa tấn công vào người biểu tình, và tác giả vẫn phải đội nón sắt khi ngồi trong văn phòng, vì tường bao bọc chung quanh toàn bằng kính. Các kiến trúc sư đã không dự trù những vụ đấu súng tại khu trung tâm. Tác giả tự hỏi, có thành phố nào mà các nhà hàng, trung tâm tắm hơi sang trọng cũng nhiều bằng các vụ tấn công bằng lựu đạn ? Có thủ đô nào mà đường phố đầy dẫy xe hơi sang trọng cũng như hàng đoàn người nghèo khổ sẵn sàng chết cho mục đích đấu tranh ? Một khi các vấn đề chính trị được giải quyết trên đường phố, thì rõ ràng là đất nước đang bị cực đoan hóa.

Tương tự, một bài báo khác trên tờ New Mandala của Úc đã nhận định, nền dân chủ Thái Lan đang bị chững lại. Vì sao đề nghị tổ chức bầu cử trước thời hạn của thủ tướng Abhisit có vẻ rất hợp lý, mà phe Áo Đỏ vẫn ngần ngại ? Đó là vì họ không còn tin vào lá phiếu nữa. Có nhiều nhân vật thế lực không hề muốn tổ chức bầu cử, và cho dù có bầu đi nữa, chắc gì kết quả sau đó không bị bác bỏ, hay chính phủ mới lại bị đảo chánh như trước đây. Tác giả kết luận, chính sự mất lòng tin này đã mở đường cho các giải pháp cực đoan, bạo lực.

source

RFI Vietnamese

Thursday, 13 May 2010

Hàng triệu nông dân TQ 'bị tụt hậu'


Cập nhật: 12:04 GMT - thứ năm, 13 tháng 5, 2010

Làng Guo Long

Bắc Kinh ngày càng phải lo xử lý với khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị

Trên đường tới làng Guo Long, các xa lộ mới đầy ấn tượng dần chuyển thành các con đường đất - với các xe bò cọc cạch đi trên các sườn đồi mù mịt ở miền tây nam Trung Quốc.

Chính quyền Bắc Kinh hiện đang chú ý sát tới những làng như thế này. Sự phẫn uất đang bùng ra khi những người dân nông thôn Trung Quốc cảm thấy họ bị bỏ lại đằng sau.

Chen Fu, một lao động di dân nay về nhà thăm mẹ nói: “Các công ty nước ngoài tới đây, thuê lao động rẻ và thu mọi khoản lợi nhuận về tiền bạc”.

“Chúng tôi không có cách kiểm soát gì với chuyện này. Hệ thống của chúng tôi như vậy rồi”.

Nhờ mặc chiếc áo là phẳng phiu, anh Chen có vẻ nổi bật lên giữa các nông dân và xe bò làm việc trên đồng mía.

Anh rời khỏi làng cách đây 13 năm, khi còn là thiếu niên. Những người khác sau một thời gian khó khăn đi làm phiêu bạt giờ lại quay trở về cày cuốc trên đồng.

Anh Chen nói: “Các công ty nước ngoài bóc lột chúng tôi, nhưng rất nhiều người TQ không biết được những gì đang diễn ra”.

“Họ bị các quan chức TQ có quan hệ chặt với các công ty nước ngoài lừa phỉnh”.

Nhu cầu phúc lợi

Đây là luồng cảm xúc mạnh, nhưng người dân nông thôn thấy cần phải nói ra vì suy cho cùng, chúng cũng giống như những tranh luận đang diễn ra sôi nổi ở Bắc Kinh.

Chen Fu

Anh Chen Fu nói nhiều lao động bị các công ty nước ngoài lừa phỉnh

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, gần 500 triệu người Trung Quốc vẫn sống chỉ với chưa đầy 2 dollar/ngày. Những người nghèo nông thôn cảm thấy lợi ích của việc mở rộng kinh tế Trung Quốc đã gạt họ lại đằng sau.

Tại các cuộc gặp cao cấp của chính phủ, người ta đang có nhiều chất vấn về chuyện làm thế nào giải quyết được khoảng cách thu nhập giữa người nông thôn và thành thị ở TQ.

Một trong các vấn đề đặt ra cho giới lãnh đạo TQ là họ chỉ được coi là chính đáng khi đưa ra được các thành quả về kinh tế.

Kinh tế gia có nhiều ảnh hưởng, Yang Yao, gần đây viết rằng mô hình tăng trưởng của đảng Cộng sản Trung Quốc có thể sụp đổ nếu họ không cho 800 triệu người dân nông thôn nước này có thêm tiếng nói.

Ông lập luận rằng số tiền bỏ ra cho các dự án mới, ấn tượng, của Trung Quốc nhẽ ra có thể được tiêu vì phúc lợi của người nghèo.

Giáo sư Yao tỏ ra không ấn tượng chút nào về các sân bay tên tuổi và các xa lộ đời mới của Trung Quốc.

Ông nói: “Dạng đầu tư này chỉ có lợi cho các tập đoàn, hơn nhiều so với cho người dân thường”.

“Tuy nhiên, nếu quí vị cho phép người dân có thêm tiếng nói trong các quyết định của chính phủ, thì tăng trưởng của Trung Quốc có thể được phân bổ đồng đều hơn”.

Ông chỉ trích hệ thống tàu Maglev của Thượng Hải, là hệ thống tàu siêu nhanh từ sân bay về thành phố, được xây dựng với chi phí khổng lồ.

Ông nói: “Về cơ bản, đó chỉ là một thứ trò chơi tốn kém. Mỗi ngày, nó làm mất thêm tiền”.

Ông nghĩ rằng nếu mọi người có thể lựa chọn, thì họ sẽ tiêu tiền vào những dự án tốt cho cộng đồng, như cải thiện các nguồn cấp nước.

“Mặc dù TQ đã tăng trưởng rất nhanh, cả nước vẫn còn 200 triệu người không có nước sạch để dùng”.

Yếu tố chính trị

Tàu Maglev ở Thượng Hải

Trung Quốc đầu tư mạnh vào phát triển đô thị

Ý tưởng rằng người nghèo có thể có tiếng nói trong các quyết định của đảng Cộng sản khiến cho tranh luận này mang thêm màu sắc chính trị.

Các khu vực nông thôn của Trung Quốc trong quá khứ vốn là nơi thử nghiệm cho cải cách. Tại Guo Long, trưởng làng được bầu ra trong một quá trình dân chủ.

Tuy nhiên, khi tôi rời khỏi ngôi làng bé nhỏ với 300 gia đình này, tôi lại được nhắc nhở rằng cánh tay dài của đảng và nhà nước luôn vươn tới mọi chỗ.

Tôi gặp một phụ nữ ăn mặc lịch sự. Cô nói với tôi là cô là người trong làng.

Cô nói: “Mọi thứ cải thiện một cách đáng ngạc nhiên ở đây. Nói mọi người ở đây không nhất trí với các chính sách của chính phủ là không đúng đâu”.

Tuy nhiên, cô từ chối cho tôi biết tên và khi tôi hỏi cô làm nghề gì thì cô chỉ nói rằng cô “phục vụ nhân dân” - một khẩu hiệu của Mao ngày trước.

Sau đó, cô mới thừa nhận mình làm việc cho chính phủ và không phải người làng.

Cô giải thích: “Tôi tới đây để thanh tra và xem những gì đang diễn ra tại làng này”.

Chính phủ trung ương gần đây cam kết sẽ phân bố của cải một cách công bằng hơn.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo từng nói: “Chúng tôi sẽ không chỉ làm cho của cải xã hội tăng hơn bằng cách phát triển kinh tế, mà còn phân bố chúng một cách thật tốt”. Ông cũng hứa sẽ “kiên quyết đảo ngược khoảng cách thu nhập ngày càng rộng ra”.

Các chính sách phúc lợi mới có thể sẽ làm dịu bớt một số sự bất mãn tại vùng nông thôn Trung Quốc. Nhưng hiện người ta chưa có kế hoạch gì để cho người nông dân nước này có tiếng nói trực tiếp cả.

source

BBC Vietnamese