Thursday 13 May 2010

Hàng triệu nông dân TQ 'bị tụt hậu'


Cập nhật: 12:04 GMT - thứ năm, 13 tháng 5, 2010

Làng Guo Long

Bắc Kinh ngày càng phải lo xử lý với khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị

Trên đường tới làng Guo Long, các xa lộ mới đầy ấn tượng dần chuyển thành các con đường đất - với các xe bò cọc cạch đi trên các sườn đồi mù mịt ở miền tây nam Trung Quốc.

Chính quyền Bắc Kinh hiện đang chú ý sát tới những làng như thế này. Sự phẫn uất đang bùng ra khi những người dân nông thôn Trung Quốc cảm thấy họ bị bỏ lại đằng sau.

Chen Fu, một lao động di dân nay về nhà thăm mẹ nói: “Các công ty nước ngoài tới đây, thuê lao động rẻ và thu mọi khoản lợi nhuận về tiền bạc”.

“Chúng tôi không có cách kiểm soát gì với chuyện này. Hệ thống của chúng tôi như vậy rồi”.

Nhờ mặc chiếc áo là phẳng phiu, anh Chen có vẻ nổi bật lên giữa các nông dân và xe bò làm việc trên đồng mía.

Anh rời khỏi làng cách đây 13 năm, khi còn là thiếu niên. Những người khác sau một thời gian khó khăn đi làm phiêu bạt giờ lại quay trở về cày cuốc trên đồng.

Anh Chen nói: “Các công ty nước ngoài bóc lột chúng tôi, nhưng rất nhiều người TQ không biết được những gì đang diễn ra”.

“Họ bị các quan chức TQ có quan hệ chặt với các công ty nước ngoài lừa phỉnh”.

Nhu cầu phúc lợi

Đây là luồng cảm xúc mạnh, nhưng người dân nông thôn thấy cần phải nói ra vì suy cho cùng, chúng cũng giống như những tranh luận đang diễn ra sôi nổi ở Bắc Kinh.

Chen Fu

Anh Chen Fu nói nhiều lao động bị các công ty nước ngoài lừa phỉnh

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, gần 500 triệu người Trung Quốc vẫn sống chỉ với chưa đầy 2 dollar/ngày. Những người nghèo nông thôn cảm thấy lợi ích của việc mở rộng kinh tế Trung Quốc đã gạt họ lại đằng sau.

Tại các cuộc gặp cao cấp của chính phủ, người ta đang có nhiều chất vấn về chuyện làm thế nào giải quyết được khoảng cách thu nhập giữa người nông thôn và thành thị ở TQ.

Một trong các vấn đề đặt ra cho giới lãnh đạo TQ là họ chỉ được coi là chính đáng khi đưa ra được các thành quả về kinh tế.

Kinh tế gia có nhiều ảnh hưởng, Yang Yao, gần đây viết rằng mô hình tăng trưởng của đảng Cộng sản Trung Quốc có thể sụp đổ nếu họ không cho 800 triệu người dân nông thôn nước này có thêm tiếng nói.

Ông lập luận rằng số tiền bỏ ra cho các dự án mới, ấn tượng, của Trung Quốc nhẽ ra có thể được tiêu vì phúc lợi của người nghèo.

Giáo sư Yao tỏ ra không ấn tượng chút nào về các sân bay tên tuổi và các xa lộ đời mới của Trung Quốc.

Ông nói: “Dạng đầu tư này chỉ có lợi cho các tập đoàn, hơn nhiều so với cho người dân thường”.

“Tuy nhiên, nếu quí vị cho phép người dân có thêm tiếng nói trong các quyết định của chính phủ, thì tăng trưởng của Trung Quốc có thể được phân bổ đồng đều hơn”.

Ông chỉ trích hệ thống tàu Maglev của Thượng Hải, là hệ thống tàu siêu nhanh từ sân bay về thành phố, được xây dựng với chi phí khổng lồ.

Ông nói: “Về cơ bản, đó chỉ là một thứ trò chơi tốn kém. Mỗi ngày, nó làm mất thêm tiền”.

Ông nghĩ rằng nếu mọi người có thể lựa chọn, thì họ sẽ tiêu tiền vào những dự án tốt cho cộng đồng, như cải thiện các nguồn cấp nước.

“Mặc dù TQ đã tăng trưởng rất nhanh, cả nước vẫn còn 200 triệu người không có nước sạch để dùng”.

Yếu tố chính trị

Tàu Maglev ở Thượng Hải

Trung Quốc đầu tư mạnh vào phát triển đô thị

Ý tưởng rằng người nghèo có thể có tiếng nói trong các quyết định của đảng Cộng sản khiến cho tranh luận này mang thêm màu sắc chính trị.

Các khu vực nông thôn của Trung Quốc trong quá khứ vốn là nơi thử nghiệm cho cải cách. Tại Guo Long, trưởng làng được bầu ra trong một quá trình dân chủ.

Tuy nhiên, khi tôi rời khỏi ngôi làng bé nhỏ với 300 gia đình này, tôi lại được nhắc nhở rằng cánh tay dài của đảng và nhà nước luôn vươn tới mọi chỗ.

Tôi gặp một phụ nữ ăn mặc lịch sự. Cô nói với tôi là cô là người trong làng.

Cô nói: “Mọi thứ cải thiện một cách đáng ngạc nhiên ở đây. Nói mọi người ở đây không nhất trí với các chính sách của chính phủ là không đúng đâu”.

Tuy nhiên, cô từ chối cho tôi biết tên và khi tôi hỏi cô làm nghề gì thì cô chỉ nói rằng cô “phục vụ nhân dân” - một khẩu hiệu của Mao ngày trước.

Sau đó, cô mới thừa nhận mình làm việc cho chính phủ và không phải người làng.

Cô giải thích: “Tôi tới đây để thanh tra và xem những gì đang diễn ra tại làng này”.

Chính phủ trung ương gần đây cam kết sẽ phân bố của cải một cách công bằng hơn.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo từng nói: “Chúng tôi sẽ không chỉ làm cho của cải xã hội tăng hơn bằng cách phát triển kinh tế, mà còn phân bố chúng một cách thật tốt”. Ông cũng hứa sẽ “kiên quyết đảo ngược khoảng cách thu nhập ngày càng rộng ra”.

Các chính sách phúc lợi mới có thể sẽ làm dịu bớt một số sự bất mãn tại vùng nông thôn Trung Quốc. Nhưng hiện người ta chưa có kế hoạch gì để cho người nông dân nước này có tiếng nói trực tiếp cả.

source

BBC Vietnamese

No comments:

Post a Comment