Saturday, 22 September 2012
Vì Sao Thế Giới Ả Rập Lại Đất Bằng Dậy Sóng?
Saturday, 12 May 2012
Ý nghĩa thật sự của ngày lễ Mẹ
Friday, 11 May 2012 18:17 |
Khoa Văn Cali Today News - Trước hết phải nhắc đến và tôn danh người sáng lập ra ngày lễ mà ngày nay nhiều nước trên thế giới cùng chia sẻ. Đó là bà Ann Reeve Jarvis, xuất thân ở West Virginia. Theo sử gia Katharine Antolini, thì vào đầu năm 1850, bà Jarvis là người tổ chức các phong trào phụ nữ đã khởi xuớng ra “Ngày làm việc của hội người mẹ” để nâng cao ý thức sống vệ sinh nhằm giảm bớt số tử vong ở các trẻ sơ sinh qua việc giảm trừ bệnh tật và việc sữa bị lên men độc. Những hội này còn giúp săn sóc các binh lính bị thương của cả hai mặt trận trong thời kỳ nội chiến từ năm 1861 đến 1865. Và sau khi chiến tranh chấm dứt thì bà Jarvis và những phụ nữ khác trong hội lại đề ra những buổi họp mặt ngoài trời gọi là “Ngày họp bạn của Mẹ” nhằm nối kết mọi người từ 2 phe đối nghịch lại gần nhau. Vào năm 1870, những phụ nữ này đã chính thức trình bày Bản tuyên ngôn của ngày Người Mẹ khuyến khích phụ nữ khắp nơi tham gia vào những hoạt động chính trị để tranh đấu cho hòa bình. Sau khi bà Ann Jarvis qua đời vào năm 1905, con gái bà là Anna Jarvis chính là người đã tiếp nối công việc của mẹ và thúc đẩy công nhận Ngày lễ Mẹ đầu tiên vào ngày 10 tháng 5 năm 1908, mọi người đã tề tựu để mừng ngày lễ tại ngôi nhà thờ ở thành phố Grafton,tiểu bang Virginia, quê hương của bà Jarvis. Ngôi nhà thờ hiện nay được đổi tên là Thánh Đường Ngày Mẹ Quốc Tế. Đối với bà Anna Jarvis, mục đích thuần túy của ngày này là để dành thời gian về bên mẹ và nói với mẹ lời cảm ơn tất cả những việc làm và hy sinh của mẹ. Đến năm 1914, khi tổng thống Wilson chọn ngày chủ nhật thứ hai trong tháng năm là ngày Lễ Mẹ chính thức, thì bà Anna Jarvis nhấn mạnh là chỉ nói về một người mẹ của mình chứ không phải là ngày chúc mừng tất cả những người làm mẹ. Rất nhanh chóng sau đó, ngành thương mại đã biến cơ hội này thành một dịp mua sắm quà cáp quan trong trong việc biếu xén. Điều này khiến bà Jarvis rất bất mãn và quyết định làm mọi cách để trả lại ngày lễ này ý nghĩa nguyên thủy mà 2 mẹ con bà đã khởi xướng. Bà đã tổ chức nhiều cuộc xuống đường phản đối, đe dọa kiện tụng và ngay cả chỉ trích phu nhân tổng thống Rosevelt về việc gây quỹ từ thiện nhân ngày Lễ Mẹ. Sự việc phản đối tính cách thương mại của ngày Lễ Mẹ diễn ra liên tục nhiều năm sau đó, và có lần bà Jarvis đã bị bắt về tội phá hoại một đại hội của ngành làm bánh kẹo để bán nhân dịp này. Tuy nhiên điều đáng buồn là bà Anna Jarvis đã mai một sức lực, tiền bạc mà không thắng được cuôc chiến này. Bà đã mất trong nghèo khổ, đãng trí ở tuổi 84, mà không thừa hưởng quyền lợi nào của ngày Lễ Mẹ do chính bà chủ trương, vì bản thân bà cũng không có con. Trong lúc đó thì qua năm tháng, ngày Lễ Mẹ đã thành một thời điểm tiêu thụ hàng hóa mạnh mẽ trên khắp thế giới do mọi người đều đua nhau phô trương quà cáp đắt tiền nhất mà mình có thể mua dược, bất chấp ý nghĩa hoặc nhu cầu cần thiết. Theo sự ước tính của liên đoàn mua bán quốc gia thì tổng số chi thu trong dịp Ngày Lễ Mẹ năm nay chỉ tại Hoa Kỳ sẽ lên đến 18.6 tỷ mỹ kim. Ngoài ra đây cũng là một ngày mà số người đi ra ngoài ăn uống lớn nhất trong năm. (Theo Reader's Digest) |
source Cali Today News |
Tuesday, 8 May 2012
15.4.1912 – 15.4.2012: kỷ niệm 100 năm tàu Titanic chìm
Cập nhật lúc: 4/14/2012 10:17:40 PM | ||||||||||||||||
15.4.1912 – 15.4.2012: kỷ niệm 100 năm tàu Titanic chìm | ||||||||||||||||
Hôm
nay, ngày 15 tháng 4 kỷ niệm đúng 100 năm ngày tàu Titanic bị chìm. Đây
là chiếc tàu lớn nhất thời bấy giờ do công ty hàng hải Anh quốc đóng và
chủ nhân hãnh diện nói chiếc tàu này không thể chìm. Tuy nhiên trong
chuyến hải hành đầu tiên vào ngày 10.4.1912, chiếc tàu đụng phải tảng
băng ngầm và đã chìm dưới đáy Đại Tây Dương làm khoảng 1,500 người trong
tổng số 2,200 hành khách chết.
Sự
kiện chiếc tàu khổng lồ “không thể chìm” bị chìm làm một số lớn hành
khách thiệt mạng đã là đề tài của các nhà báo, nhà văn, các nhà nghiên
cứu trong một thế kỷ qua với đỉnh điểm bộ phim Titanic do đạo diễn tài ba James Cameron thực hiện năm 1997.
Nhân
kỷ niệm 100 năm ngày Titanic chìm (15.4.2012), TVTS xin lược lại một số
câu chuyện quanh chiếc Titanic qua những tài liệu đã được đưa lên mạng.
> Bấm - Video: Tàu Titanic năm 1911
Câu chuyện chiếc tàu Titanic…
“Hỡi nhà vua Philippe, vua hãy nhớ rằng: vua cũng chỉ là con người!”
“Người đã được dựng nên từ bụi đất; người sẽ trở về bụi đất!”
(Linh mục Anphong Trần Đức Phương)
Ngày
16-10-2008, trên U.S.News có đăng bài của ký giả Justin Ewers nói về
việc hiện nay người ta đặt lại vấn đề làm sao con tàu Titanic “không thể
chìm”, thế mà lại chìm ngay trong chuyến hải hành đầu tiên.
‘Tàu
Titanic được đóng rất chắc chắn và không bao giờ có thể chìm được’.
Những người chủ trương đóng con tàu này đã hiên ngang nói như vậy và đặt
tên con tàu là ‘Titanic.’
Vào
tháng tư, năm 1912, tàu Titanic rời bến cảng Queenstown (Anh Quốc) để
đi New York, chở theo hơn 2,200 hành khách và thủy thủ đoàn, trong
chuyến hải hành đầu tiên. Hành khách đi trên chuyến tàu đều rất vui mừng
phấn khởi và hãnh diện vì được đi chuyến hải hành đầu tiên của con tàu
tối tân và lớn nhất thời đó, cùng với niềm tin tưởng chắc chắn là con
tàu “không thể nào chìm được”. Có người còn cao hứng tuyên bố Trời (nếu
có) cũng chẳng đánh chìm nó được.
Chữ
Titanic là lấy từ chữ Titan, tên một ông thần khổng lồ, sức mạnh vô
song (trong truyện thần thoại Hy lạp). Người ta đặt tên chiếc tàu như
vậy để thách đố mọi nguy hiểm trên biển cả.
Con
tàu “không thể chìm được” này đã thực sự chìm khi đụng vào tảng băng
vào đêm 14-4-1912. Có thể là vì thuyền trưởng và đoàn điều hành đã quá
tự phụ vào con tàu ‘không thể chìm được,’ nên đã không đề phòng đúng
luật hải hành.
Con tàu đã chìm sâu xuống lòng biển cả đem theo khoảng 1,500 nhân mạng cùng chìm xuống biển sâu!
Một số chi tiết về chiếc tàu TITANIC
Đã có nhiều bài báo và sách viết về chiếc Tàu Titanic; kể cả hai cuốn phim nổi tiếng :“A Night to Remember” (1958) và “Titanic”
(1997). Hai bài báo báo mới đây viết về chiếc tàu này là “The Secrets
of How the Titanic Sank” do Justin Ewers viết ngày 25-9-2008 (nói về
những nhà chuyên môn có ý kiến đặt lại vấn đề làm sao chiếc tàu Titanic
rất sang trọng, được đóng chắc chắn để ‘không thể chìm được,’ mà lại chìm ngay trong chuyến hải hành đầu tiên); và bài “Titanic
Survivor Sells Mementos to Pay for Care” do Jill Lawless viết ngày
16-10-2008 (nói về bà Millvina Dean là hành khách duy nhất còn sống, năm
nay (khi bài này được viết) đã 96 tuổi, lúc được cứu sống, bà mới có
hai tháng tuổi).
Từ những bài báo đó chúng tôi ghi lại mấy chi tiết đặc biệt sau đây: Tàu Titanic được
khởi đóng vào năm 1909 tại xưởng đóng tàu Harland & Wolff (Belfast,
Bắc Ireland ) và ngụời ta có ý định đóng chiếc tàu này to
lớn nhất vào thời đó (cùng với hai chiếc tàu khác là Olympic và
Britannic), chiều dài là 900 feet, chiều cao như một ngôi nhà chọc trời
thời đó.
Ngưòi
ta cố gắng đóng chiếc tàu này thật chắc chắn và bảo đảm rất an toàn để
có thể đáp ứng với mọi thử thách của biển cả (như những luồng sóng khổng
lồ, hoặc những đụng chạm mạnh mẽ khác…). Vì thế chiếc tàu được đặt tên
là Titanic (từ tên Titan, một vị thần dũng mãnh vô song trong thần thoại
Hy lạp), và được coi như chiếc tàu không thể chìm được (Unsinkable
Ship).
Hạ
thủy vào tháng Tư 1912, tàu Titanic khởi hành từ hải cảng Queenstown
(Southampton, Anh Quốc) để đi New York (Hoa Kỳ). Sau bốn ngày hải hành ,
tàu đụng phải tảng băng vào gần nửa đêm (11g40) thứ Bảy ngày 14-4-1912
và chìm vào qúa trưa (2g20) ngày Chúa Nhật 15-4-1912 tại North Atlantic,
vùng hải phận New Foundland (Canada).
Số
người trên tàu tổng cộng hơn 2200, gồm 324 hành khách hạng nhất, 285
người hạng hai, và 708 người hạng ba, cùng với thủ thủy đoàn. Hạng nhất
gồm nhiều người giàu có, kể cả ông John Jacob
Astor, người giàu nhất thế giới hồi đó; hạng ba gồm nhiều người từ các
nơi muốn sang Hoa kỳ lập nghiệp. Trong số trên 2200 người trên tàu, có
706 người đã được cứu sống nhờ chiếc tàu Carpatia; đa số là phụ nữ và trẻ em. Các người khác, kể cả thuyền trưởng E.J. Smith đều chìm theo con tàu xuống lòng biển cả.
Những hành khách sống sót, chỉ còn bà Millvina
Dean còn đang sống. Lúc này bà đã 96 tuổi. Bà được bố mẹ bế lên tàu lúc
mới có 2 tháng tuổi. Hai ông bà đi chuyến này với ý định đưa gia đình
sang Kansas City (Missouri) để lập nghiệp. Cha của bà chết trong tai nạn đó, mẹ bà và người anh của bà cũng được cứu sống. Sau này mãi khi bà đã lên tám, mẹ
bà mới kể lại cho bà biết về những hãi hùng trong đêm định mệnh đó. Bà
Millvina hiện sống trong một viện dưỡng lão ở Southampton(Anh quốc).
Ngoài
ra, có một bà người Anh khác là bà Barbara Joyce West Dainton chết vào
tháng 11 năm 2007, thọ 96 tuổi. Một bà người Hoa kỳ tên là Lillian
Asplund chết vào năm 2006, thọ 99 tuổi. Đó là những nhân chứng cuối cùng
của những người được cứu sống.
Mãi đến năm
1985, nhà Hải dương Học Robert Ballard, sau bao nhiêu năm tìm kiếm, mới
định được vị trí chiếc tàu Titanic chìm, và xác định được chiếc tàu nằm
ở độ sâu 2.5 miles trong lòng đại dương. Vài năm sau người ta đã lấy
được một số mảnh vụn lên, và khám phá ra lúc tàu Titanic đụng phải tảng
băng, nó đã bể làm đôi, trước khi chìm sâu xuống đại dương, chứ không
phải nó đã chìm nguyên chiếc tàu, như người ta đã tưởng. Hơn nữa, trong lúc tàu gặp tai nạn, sắp sửa chìm, hầu hết hành khách đã đổ dồn về phía sau chiếc tàu khổng lồ này, trong khi nó từ từ chìm sâu xuống lòng đại dương và đưa dần họ vào cuộc hành trình đi về Vĩnh cửu!’.
Titanic chìm do phạm phải lời nguyền của các Pharaoh?
Ngày
31 tháng 5 năm 1911, con tàu huyền thoại Titanic bắt đầu khởi hành.
Thuyền trưởng Edward John Smith nói về con tàu của mình: "Chính Chúa
cũng không thể đánh chìm con tàu này"…
Thuyền
trưởng Smith là người đầy kinh nghiệm. Ông từng điều khiển tàu Olympic.
Ông có bằng thuyền trưởng cao nhất: Extra Master's Certificate do Hải
quân Hoàng Gia Anh cấp. Lúc đó trên thế giới chỉ có 3 người giành được
mà thôi. Và ông đã tiên đoán sai, một năm sau, con tàu định mệnh này đã
chìm sau khi va chạm vào 1 tảng băng khổng lồ trôi lềnh bềnh. Đến nay,
đã có rất nhiều giả thiết xung quanh vụ mất tích con tàu, bao gồm cả
những giả thiết bí ẩn.
- Sự trùng hợp kỳ lạ với con tàu trong tiểu thuyết
Năm
1898, tiểu thuyết "Sự phù phiếm" của tác giả Morgan Robertson đã kể về
cái chết của một con tàu. Tác giả đã đặt tên con tàu là “Titan”, bối
cảnh câu chuyện xảy ra trước khi xảy ra vụ chìm tàu Titanic 14 năm.
Tháng 4 năm 1912, sau vụ chìm tàu Titanic bi thảm, người ta mới phát
hiện ra thảm kịch tàu Titanic và cốt truyện có nhiều điểm trùng khớp đến
kỳ lạ.
Ngoài
sự trùng hợp về cái tên mà ai cũng có thể nhận thấy, cả 2 con tàu, một
ngoài đời, một trong tiểu thuyết đều được cho là không thể chìm được,
đều bị va đập vào băng trôi, và thậm chí đến những chi tiết thiết kế
nhất định (kích thước, tốc độ, trọng lượng nước rẽ) của 2 con tàu cũng
gần như y hệt.
- Những điềm gở
Trong
khi đó, tháng 3 năm 1912, những hành khách đã mua vé trước khi tham gia
cuộc hành trình đầu tiên của con tàu Titanic đã nhận được thư cảnh báo
về sự nguy hiểm của cuộc du hành trên biển này. Sau đó người ta khai
thác ra rằng, tác giả của bức thư đó chính là một thầy bói nổi tiếng
thời đó. Tuy nhiên, chỉ có khách hàng của ông mới để tâm đến lời cảnh
báo và không tham gia chuyến đi đó nữa, và tất cả những người còn lại
vẫn đi đơn giản vì họ không để tâm đến bức thư đó.
Vài
tiếng đồng hồ trước khi con tàu rời bến, có khoảng 55 người từ chối
chuyến đi vì những lí do khác nhau. 16 người trong số những người sống
sót về sau đã nói rằng, trong cái đêm xảy ra thảm kịch, họ đã mơ thấy
con tàu bị đắm.
Cũng
vào thời điểm đó, Blanche Marshall, một phụ nữ người Anh cùng chồng
đang hưởng tuần trăng mật trên đảo Wight (the Island of Wight). Khi con
tàu Titanic đi qua đảo, đôi vợ chồng trẻ quyết định đi xem con tàu. Ngay
khi nhìn thấy con tàu Titanic xuất hiện từ xa, Blanche bất ngờ kêu lên:
"Con tàu sẽ không đến được Mỹ, nó sẽ bị chìm! Tôi đã trông thấy nó.
Hàng trăm người sẽ bị chìm xuống làn nước đóng băng! Đừng để họ chết!".
Khi đó, người ta đã cho rằng cô bị điên.
- Lời nguyền của các Pharaoh
Một
giả thuyết bí ẩn nữa liên quan đến truyền thuyết về "Lời nguyền của các
Pharaoh". Con tàu xấu số Titanic đã chở xác ướp của một phụ nữ với tư
thế nằm của thần Mặt trời. Thị trưởng Centerville muốn đưa xác ướp sang
New York. Để tránh bị phá hủy trong khi vận chuyển, xác ướp được đặt
trên khoang chỉ huy của thuyền trưởng. Trên đầu xác ướp có tượng của
Orisis, biểu tượng thần chết của người Ai Cập, được khắc một dòng chữ:
"Chỉ riêng ánh mắt của Người cũng đủ để tiêu diệt kẻ nào dám án ngữ trên
con đường của Người".
- Nghi án về chủ sở hữu con tàu
Một
giả thuyết nữa của hai nhà nghiên cứu Robin Gardiner và Dan van der Vat
đã làm thay đổi câu chuyện về chuyến tàu định mệnh này. Họ tin rằng,
con tàu bị chìm không phải tàu Titanic, mà là tàu Olympic. Cả hai con
tàu gần như được đóng cùng lúc tại một xưởng đóng tàu. Sau đó, vào ngày
20 tháng 10 năm 1910, lần đầu tiên khởi hành, con tàu Olympic đã hỏng do
bị trôi vào một con đập.
Điều
đó có nghĩa là chủ con tàu - ông Bruce Ismay và chủ xưởng đóng tàu
"Harland and Wolf"- ông Lord Pirrie phải chi ra một số tiền rất lớn để
sửa chữa và bồi thường.
Khi
"con" Olympic gặp tai nạn quá nhiều, nó đã mang tiếng bị "ma ám". Các
công ty bảo hiểm đã từ chối bảo hiểm cho con tàu này. Do đó, hai ông
Ismay và Pirrie đã quyết định dùng con tàu này để thực hiện cuộc hành
trình Đại Tây Dương với cái tên “Titanic”. Và tất nhiên, công ty bảo
hiểm đã không nghi ngờ chút nào, nếu như con tàu chìm, 52 triệu bảng Anh
tiền bồi thường sẽ vào túi của 2 người đồng sở hữu này.
Và
dường như kế hoạch của 2 ông đã thành công rực rỡ. Thể hiện sự quan tâm
đến sự an toàn của hành khách và toàn bộ thủy thủ trên con tàu "ma ám",
họ đã quyết định huy động một tàu khác vớt xác nạn nhân sau vụ chìm tàu
với cái tên ảo "Titanic" đã "không may" bị tai nạn. Để không bị nghi
ngờ, con tàu "cứu hộ" đã rời bến 1 tuần sau khi con tàu "Titanic giả" ra
biển. Các ông đã tính nhầm vì thảm họa xảy ra chỉ sau 3 ngày con tàu
"Titanic" giả rời bến.
Vậy còn con tàu “Titanic” thật thì sao? Hai nhà
nghiên cứu Gardiner và Danvan der Vat tin rằng, nó đã thuận buồm xuôi
gió với cái tên khác trong hải trình của Hoàng gia Anh với hạm đội White
Star Line đã cập bến vào năm 1935.
- Tàu bị đắm và nhanh chìm do được làm quá ẩu?
Cách
đây 99 năm, tàu Titanic đã chìm dưới lòng Bắc Đại Tây Dương. Kể từ đó,
"chỉ có Chúa Jesus và những cuộc nội chiến mới được nhắc đến"- một nhà
sử học ở Harvard đã châm biếm. Trong gần 200 đầu sách, những bộ phim và
tài liệu, cả một bộ phim cùng tên có doanh thu cao nhất mọi thời đại,
các nhà sử học, khoa học và những người say mê tàu Titanic vẫn còn tranh
cãi kịch liệt về nguyên nhân thực sự khiến con tàu chở khách lớn nhất
này chìm sau 2h40’ vì đâm vào tảng băng trôi làm 1.522 hành khách thiệt
mạng.
Con
tàu này khi được đóng đã luôn chứng minh cho hành khách thấy rằng họ
không cần phải lo lắng. Khi Brad Matsen giải thích trong cuốn sách mới
của ông với nhan đề: "Bí mật cuối cùng của tàu Titanic", những câu hỏi
đã được trả lời trong một cuộc điều tra bí mật với các chủ tàu. Để xác
định chính xác thời gian, các nhà nghiên cứu đã tập hợp đủ chứng cứ để
chứng minh rằng, con tàu đã bị vỡ làm 3 mảnh trước khi chìm chứ không
phải là 2 mảnh sau khi chìm - và con tàu chìm nhanh hơn, ở một góc thấp
hơn nhiều so với phỏng đoán của đạo diễn bộ phim cùng tên James Cameron -
tất cả là do thiếu đinh tán và thân tàu yếu.
Nhưng
theo tài liệu mà tổ chức Harland và Wolff tìm ra ở Belfast, Ireland -
nơi mà tàu Titanic và các con tàu cùng kiểu dáng được chế tạo- đã khám
phá ra rằng, vấn đề không chỉ là do kĩ thuật đóng tàu kém và chưa hoàn
thiện mà còn là sự cẩu thả: các chủ tàu nghi ngờ thân tàu quá mỏng nhưng
họ đã gạt đi mối lo ngại của các kĩ sư trong buổi đấu thầu nhằm hạ thủy
con tàu đúng thời gian.
Một
cuộc điều tra đã được tiến hành ngay sau khi con tàu bị chìm nhưng lại
không được công bố; những nhà lãnh đạo của tổ chức Harland và Wolff đã
tài trợ cho 2 cuộc điều tra của chính phủ nhằm tìm ra nguyên nhân của vụ
đắm tàu mà mối nghi ngờ được đặt lên vai viên thuyền trưởng. Có quá
nhiều nạn nhân kiện khiến cho các chủ tàu của Titanic bị phá sản - trong
đó có J.P Morgan.
Trong
thời đại mà mỗi năm có hàng trăm tàu chở khách qua Đại Tây Dương thì
việc đắm tàu không phải là bất bình thường. Thậm chí ngay cả khi tàu
Titanic đang được chế tạo, một vụ va chạm gần Nantucket, Mass, giữa hai
con tàu sang trọng Republic và Florida đã trở thành tiêu điểm trên toàn
cầu. Cả hai con tàu đều phải chịu những thiệt hại nặng nề hơn so với tàu
Titanic bị chìm. Nhưng tàu Florida vẫn tự về được đến New York và tàu
Republic đã lênh đênh trên biển trong suốt 38 giờ - tất cả 750 hành
khách đã được cứu thoát.
Tại
sao tàu Titanic lại gặp phải quá nhiều đều tồi tệ như vậy thì vẫn còn
là một bí ẩn. Mãi đến năm 2005, các thợ lặn làm việc cho Matsen đã tìm
thấy hai mảnh lớn của bụng tàu - điều đó cũng đủ để cho các nhà khoa học
khẳng định nguyên nhân gây ra vụ đắm tàu là do thân tàu quá mỏng và
thiếu đinh tán.
Nhưng
đến tận bây giờ chúng ta vẫn không biết những người đóng tàu cũng biết
điều đó. Tom McCluskie, chuyên viên lưu trữ đã nghỉ hưu của hãng Harland
và Wolff, khi nghe tin về những khám phá của Matsen, ông đã đưa ra bản
điều tra chi tiết của công ty từ năm 1912 mà trước đấy đã được giấu kín.
"Những
gì chúng ta tính toán bằng cách phân tích pháp lý những mảnh còn lại
của con tàu hoàn toàn trùng khớp với những gì mà hãng Harland và Wolff
đã tính toán dựa trên những hiểu biết chi tiết của họ về quá trình chế
tạo con tàu"- Matsen phát biểu. Ông nhấn mạnh: "McClusie nói rằng, ông
đã chờ cho người ta lắp ráp xong con tàu trước khi ông đưa ra những tài
liệu đó". Cả đội thợ lặn, các nhà khoa học cùng với các kĩ sư của
Harland và Wolff đều kết luận rằng, với một thân tàu và đinh tán khỏe
hơn có thể sẽ giúp con tàu trụ trên biển lâu hơn, hạn chế được lượng
người tử vong (sau này hãng Harland và Wolff đã trang bị nhiều đinh tán
hơn cho con tàu Britannic theo kĩ thật ban đầu của tàu Titanic).
Tàu
Titanic là một sản phẩm của sự cạnh tranh khốc liệt được thúc đẩy bởi
sự tăng trưởng lợi nhuận trong hàng hải từ cuộc chiến tranh Mỹ-Tây Ban
Nha. Với hi vọng kiểm soát Bắc Đại Tây Dương, J.P Morgan dần nắm giữ
được một số công ty hàng hải của Anh và Mỹ. Chính phủ liên bang ủng hộ
ông bằng việc trợ cấp và miễn thuế. Sau đó chính phủ Anh đã trợ cấp giúp
hãng hàng hải Cunard, một trong những công ty duy nhất chống lại sự thu
mua của Morgan. Matsen nói rằng "Tất cả số tiền đã được ném vào một
ngành công nghiệp mà gần như không kiểm soát được".
Việc
đóng thân tàu mỏng hơn 1/4 inch và đinh tán mỏng hơn 1/8 inch so với
những thiết kế ban đầu được cho là sẽ giảm bớt trọng lượng của con tàu
đến 2.500 tấn, khiến nó có thể vượt qua kênh đào Anh nhanh hơn những con
tàu khác. Bởi vì những điều chỉnh trong việc đóng tàu đã không theo kịp
tiến độ của những con tàu lớn hơn, nên những chi tiết kĩ thuật mỏng hơn
vẫn đáp ứng được tiêu chuẩn cho ngày hạ thủy con tàu. "Đó là một cách
để làm khách hàng hài lòng"- Matsen nói. "Nếu J.P. Morgan muốn một con
tàu làm bằng giấy bồi thì họ cũng sẽ làm như vậy"- Nhưng thật may là ông
ta đã không yêu cầu như thế.
Vậy
đâu là nguyên nhân gây ra thảm kịch thế kỷ 20 này? Một lời nguyền? Sự
vô đạo đức của những người sở hữu con tàu? Hay sự trùng hợp với một câu
chuyện?
Những giả thiết trên góp phần vén màn bí ẩn về cái chết bất đắc kỳ tử của con tàu thế kỷ "Titanic.
(Nguồn: Nguyễn Minh – Hòa Thu, theo Spiegel)
|
TiVi Tuan San
|
Monday, 9 April 2012
Aung San Suu Kyi nhậm chức dân biểu Miến Điện ngày 23/04/2012
Aung San Suu Kyi nhậm chức dân biểu Miến Điện ngày 23/04/2012
Lãnh đạo đối lập Miến Điện, đắc cử dân biểu trong cuộc bầu cử bổ túc vừa qua, sẽ chính thức bước vào nghị trường vào ngày thứ hai 23/04/2012. Cuộc tranh đấu cải tiến chính trị và dân sinh tại Miến Điện của giải Nobel Hòa Bình 1991, sẽ từ đường phố và nhà tù chuyển vào diễn đàn quốc hội.
Theo phát ngôn viên của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ Nyan Win, bà Aung San Suu Kyi, dân biểu đơn vị Kawhmu, gần Rangoon, sẽ xuất hiện lần đầu tiên tại Hạ viện với tư cách đại diện nhân dân vào ngày 23/04/2012. Một viên chức tại Hạ viện xác nhận là thư mời tham dự khóa họp đã được gửi đến toàn thể thành viên quốc hội kể cả bà Aung San Suu Kyi.
Sau hơn 15 năm bị quản chế và lao tù trong 22 năm trở lại đây, nhà lãnh đạo đối lập bước vào chính trường Miến Điện sau cuộc bầu cử bổ túc 01/04/2012.
Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ chiếm được 43 ghế trên tổng số 44 đơn vị dự tranh, gồm 37 dân biểu Hạ viện, 4 thượng nghị sĩ và 2 đại biểu nghị viện địa phương.
Trong cuộc bầu cử Hạ viện bổ sung vừa qua, đảng cầm quyền Liên đới và Phát triển Liên bang chỉ thắng được tại đơn vị duy nhất nơi mà đối lập không dự tranh.
Tuy nhiên, cùng với 25% ghế dành riêng cho quân nhân tại chức và qua cuộc bầu cử thiếu minh bạch tháng 11/2010, phe thân chính quyền chiếm đa số áp đảo tại Hạ viện.
Theo lãnh đạo Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, điều quan trọng không phải là con số mà là ở quyết tâm. Bà tuyên bố trước là sẽ đem lý tưởng tranh đấu vào quốc hội. Trong tư cách là một dân biểu, mục tiêu bất di bất dịch của bà là cải tiến Miến Điện thành một nhà nước cai trị theo luật pháp, tu chính Hiến pháp để chế độ được dân chủ hơn và xây dựng một đất nước hòa bình.
source
RFI Vietnamese
Thursday, 5 April 2012
Báo TQ phản ứng vụ Palau bắn ngư dân
Báo TQ phản ứng vụ Palau bắn ngư dân
Hoàn cầu Thời báo phản ứng vụ ngư dân Trung Quốc bị bắn ở Palau trong bối cảnh báo này gọi là ‘Thái Bình Dương ngày càng ít yên bình’.
Tờ báo theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc đã lên tiếng hôm 5/4/2012 sau vụ một ngư phủ Trung Quốc bị trúng đạn chết và nhiều người khác bị cầm giữ bởi đảo quốc Palau hôm 31/3 hoặc 1/4 tùy theo múi giờ Trung Quốc.
Chiếc tàu chính cho nhóm ngư dân này đã bị cháy, còn thuyền nhỏ chở họ đi bắt hào to ở vùng bờ biển bị nạn, theo các hãng thông tấn.
Báo Pacific Daily News dẫn lời phát ngôn viên cho Phủ Tổng thống Palau, ông Fermin Meriang, thuật lại rằng khi thuyền cá Trung Quốc lao tới, cảnh sát biển Palau buộc phải nổ súng cảnh báo vào máy tàu chứ không nhằm vào ai cả.
Nguồn tin này trích quan chức Palau nói "một viên đạn chắc đã văng ra và găm trúng vào đùi một thuyền viên Trung Quốc" khiến ông này chết vì mất máu trước khi được đưa vào bệnh viện.
Con số người bị bắt cũng chưa rõ chỉ là năm người hay 25.
Báo Hoàn cầu gọi đây là vụ ‘xung đột nghề cá’ giữa Trung Quốc và Palau.
Hậu quả là vụ việc “gây sốc” cho người dân Trung Quốc, theo bài báo.
Bài báo cũng coi Palau, một đảo quốc chỉ có 200 nghìn dân, nằm gần Guam và cách Philippines 500 hải lý, là thuộc nhóm “các nước xung quanh” Trung Quốc trên biển.
Tờ báo thừa nhận “trong những năm gần đây, tranh chấp của Trung Quốc trên biển với các nước xung quanh ngày càng trở nên thường xuyên,”
Bài báo trích lời các nhà nghiên cứu tại Đại học Chiết Giang nói rằng “biển Thái Bình Dương như đang ngày càng ít bình yên”.
Tuy nhiên báo Hoàn cầu không đi vào chi tiết về các vụ va chạm đó mà chỉ đề nghị một biện pháp tìm thỏa thuận song phương để “bảo hộ dân sự” cho các công dân nước ngoài khi có xung đột trên biển.
Tờ báo này viết: “Đề nghị của chúng tôi là Trung Quốc cần tìm cách tham gia các thỏa thuận bảo vệ dân sự song phương” với một số chính phủ nước ngoài,”
“Qua đó, sẽ có thể thúc đẩy cộng đồng quốc tế ký biên bản đa phương để bảo vệ công dân ở hải ngoại.”
Hoa Kỳ phòng vệ giúp
Trong lúc cơ quan ngoại giao Trung Quốc tiếp tục điều tra vụ bắn chết ngư dân nước họ đánh bắt tại vùng đảo Palau, vụ việc được quốc tế chú ý đến còn vì chiếc du thuyền siêu hạng của tỷ phú Mỹ, Paul Allen cũng tham gia cứu họ các thành viên thủy thủ đoàn Trung Quốc.
Hôm thứ Tư, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay trên trang mạng của họ rằng Đại sứ quán nước này tại Micronesia, đảo quốc cạnh Palau, đang điều tra vụ ngư dân mà họ vẫn chưa xác định được danh tính.
Cơ quan ngoại giao Trung Quốc cũng nói nếu công dân họ “vi phạm luật quốc tế” thì lãnh sự sẽ cố gắng hết sức để bảo vệ họ.
Palau chỉ có quan hệ ngoại giao với Đài Loan chứ không duy trì quan hệ với Trung Quốc.
Đảo Palau không có lực lượng phòng vệ riêng mà để cho Hoa Kỳ lo chuyện quân sự và phòng vệ lãnh hải.
Tổng thống Palau Johnson Toribiong đã đưa ra tuyên bố về vụ việc nhưng không nhắc gì đến vụ bắn ngư dân Trung Quốc và chuyện bắt giữ những người khác.
Tuy nhiên, ông cho hay một phi công có giấy phép bay của Hoa Kỳ và hai cảnh sát viên đã mất tích 48 giờ kể từ khi họ đi tìm chiếc tàu chính bị cháy.
Tuần tra biển của Hoa Kỳ và chiếc du thuyền siêu hạng mà người đồng sáng lập tập đoàn Microsoft, ông Paul Allen, làm chủ cũng tham gia tìm kiếm dù ông không có mặt.
source
BBC Vietnamese
Saturday, 10 March 2012
Nhật Bản suy tính 'các thành phố của tương lai' cho các cộng đồng bị tàn phá
Thứ Sáu, 02 tháng 3 2012
Nhật Bản suy tính 'các thành phố của tương lai' cho các cộng đồng bị tàn phá
Nhật Bản đang lập kế hoạch xây dựng 6 thành phố tiết kiệm năng lượng, gọi là ‘các thành phố của tương lai’ tại những vùng bị tàn phá bởi trận động đất mạnh 9 độ richter và sóng thần một năm trước. Nhưng hiện có các quan ngại về quy mô và tính bền vững của các dự án, và rằng liệu các công ty quốc tế có cơ hội tham gia hay không.
Steve Herman | Fukushima, Japan
Sau khi trận sóng thần hôm 11/3 năm ngoái cuốn sạch một số cộng đồng duyên hải và nhiều cư dân ở các cộng đồng này, nhiều người lo ngại rằng một số thị trấn sẽ biến mất mãi mãi. Nhưng Nhật Bản hiện đang lập kế hoạch hồi sinh một số nơi, biến chúng thành các cộng đồng tiết kiệm năng lượng. Một số các khái niệm khá táo bạo.
Bộ ba thị trấn bị tàn phá – Ofunato, Rikuzentakata và Sumida Kesen - sẽ cùng trở thành nơi triển khai dự án năng lượng mặt trời khổng lồ đầu tiên trên thế giới với nguồn pin do địa phương cung cấp.
Kamaishi có kế hoạch cung cấp năng lượng riêng cho dân cư địa phương tiêu thụ và thiết lập các ngành công nghiệp mới. Higashi Matsushima sẽ sử dụng các công nghệ xây dựng hiện đại nhất để tạo dựng cộng đồng có khả năng chống chọi thảm họa. Iwanuma có thể sử dụng các đống đổ nát từ thảm họa tự nhiên để tái tạo môi trường tự nhiên. Nó sẽ có một mạng lưới điện năng lượng mặt trời thông minh.
Và thị trấn Shinichi có kế hoạch trở thành một ‘trung tâm hạ tầng thông tin’ trong khi Minamisoma muốn trở thành thành phố với chủ đề ‘lương thông năng lượng’, có thể sử dụng năng lượng gió.
Các nguồn năng lượng hóa thạch nhập khẩu vẫn được sử dụng phần lớn cho nền kinh tế Nhật Bản, nhất là kể từ khi gần như toàn bộ các lò phản ứng hạt nhân của nước này hiện ngưng hoạt động vì nhiều lý do. Giới hữu trách đang tìm kiếm các ý tưởng táo bạo về năng lượng thay thế.
Tại một cuộc hội thảo ở Fukushima, một số người từ các cộng đồng bị ảnh hưởng, các nhà quy hoạch đô thị quốc tế và các nhà ngoại giao đã được chủ tịch một nhóm học thuật tường trình về thẩm định một số dự án tối tân.
Kiến trúc sư kiêm kỹ sư Shuzo Murakami nói các cư dân ‘thành phố tương lai’ sẽ không những kiểm soát việc sử dụng năng lượng mà còn có thể tạo ra và lưu trữ năng lượng trong chính các ngôi nhà của mình.
Nhưng ông Murakami khuyến cáo rằng các cộng đồng mới không thể được thiết kế theo cách chỉ đổ tiền vào việc xây dựng. Theo ông, các thành phố mới cần phải có khả năng tự túc và tự duy trì để người dân muốn sống tại những nơi đó về lâu về dài.
Thậm chí trước khi xảy ra thảm họa năm ngoái, một số cộng đồng cũng đã phải đối phó với các thách thức lớn. Các cư dân trẻ tuổi đổ về các thành phố lớn, bỏ lại các công việc đồng áng và đánh bắt cá.
Những người sống sót và các nhà quy hoạch lo ngại rằng các dự án có thể sẽ trở thành bản sao mới nhất của các dự án khổng lồ, tiêu tốn nhiều tỷ đôla. Nhật Bản đã chứng kiến nhiều dự án kiểu như vậy trong vài thập kỷ qua, khi các chính trị gia và các công ty xây dựng cấu kết với nhau, chủ yếu vì nguồn lợi tài chính của mỗi bên.
Nhật Bản khuyến khích các công ty nước ngoài tham gia vào việc tái thiết. Nhưng các tổ chức hải ngoại phàn nàn rằng họ thấy ít hứng thú thực sự đối với khả năng và các sản phẩm của họ, cả với vấn đề thu dọn khổng lồ lẫn các nỗ lực tái thiết tính cho đến này. Một số nói với đài VOA rằng các tay trung gian Nhật Bản chỉ đề nghị hỗ trợ nếu được đút lót.
Một diễn giả chính tại hội thảo Fukushima là ông Richard Jones, phó giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế.
Ông nói với đài VOA rằng các nhà thực hiện quyết định của Nhật Bản cần phải tập trung vào nhu cầu của người dân thay vì tham vọng của các công ty lớn của Nhật Bản:
“Dĩ nhiên trong các tình huống như thế này, luôn luôn có sự thèm muốn, vì suy cho cùng, họ đang chi nhiều tiền công quỹ để tập trung vào các nguồn lực địa phương. Nhưng tôi kêu gọi mọi người hãy cố gắng nghĩ đến tương lai lâu dài cũng như về nhu cầu của người dân trong khu vực".
Và ông Jones nói rằng nhu cầu quan trọng nhất ở các khu vực bị tàn phá là tái thiết càng nhanh càng tốt:
“Tôi cho rằng họ không nên cố gắng sáng chế ra một điều gì mới lạ vì đã có nhiều gương điển hình về các cộng đồng khác và các dự án đã đạt được nhiều thành quả khá tốt.”
Cựu đại sứ Hoa Kỳ tại 4 nước nói rằng các cộng đồng thông minh ở Đan Mạch, Anh, Đức và Thụy Điển là các mô hình khả thi để Nhật Bản học hỏi.
Những người ủng hộ cho rằng các bài học đó bao gồm cách thức công tác quy hoạch và xây dựng phải có sự tham gia như thế nào của các cư dân tương lai và những người có quyền lợi trong đó để bảo đảm rằng chúng vừa tiết kiệm năng lượng, vừa khiến người ta phải mơ ước sống ở đó.
VOA Vietnamese