Biển Đông tiếp tục nổi sóng
Tin RFI
Hai hôm sau khi Philippines chính thức nộp hồ sơ kiện Trung Quốc ra trước tòa án Liên Hiệp Quốc về các đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Bắc Kinh tại Biển Đông, ngày 01/04/2014, báo chí Trung Quốc cực lực tố cáo hành vi « khiêu khích » của Manila. Đại sứ Philippines tại Trung Quốc đã bị triệu mời lên Bộ Ngoại giao để nhận lời phản đối.
Trong một bài xã luận gay gắt, Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng Cộng sản Trung Quốc đã lên án động thái của Philippines, xem đấy là một hành động « vi phạm luật pháp quốc tế và sự thật lịch sử, đồng thời trái với đạo đức và các quy tắc cơ bản của quan hệ quốc tế ».
Bài báo cho là Manila đã « khiêu khích Trung Quốc » bằng cách đưa hồ sơ ra trước « cái gọi là trọng tài quốc tế, một động thái vừa phi pháp, vừa phi lý » và là « một hành động không đáng tincậy ».
Theo hãng tin Pháp AFP, bài xã luận được hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc là Tân Hoa Xã đăng lại bằng tiếng Anh, cho thấy là chính quyền Bắc Kinh muốn tuyên truyền rộng rãi cho lập luận đả kích trên đây.
Ngày 30/03/2014, đúng trong thời hạn được quy định, Philippines đã chuyển đến Tòa án Liên Hiệp Quốc về Luật Biển tập hồ sơ dày gần 4.000 trang, bao gồm các bằng chứng cho thấy là các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên hầu như toàn bộ Biển Đông đều bất hợp pháp theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS, và vi phạm quyền chủ quyền của Philippines trên thềm lục địa của mình.
Cả Trung Quốc lẫn Philippines đều đã ký kết UNCLOS, nhưng Bắc Kinh lập luận rằng Công ước Liên Hiệp Quốc không có giá trị trong tranh chấp Biển Đông, và chủ quyền của Trung Quốc bắt nguồn từ lịch sử.
Bài xã luận của Nhân dân Nhật báo ngày 01/04/2014 tố cáo Philippines là « tìm cách tranh thủ cảm tình quốc tế bằng cách đội lốt một quốc gia nhỏ và yếu ». Thực tế là Manila cố gắng « hợp thức hóa việc xâm lược các hòn đảo của Trung Quốc thông qua cơ chế trọng tài » Liên Hiệp Quốc.
Ngày 31/01/2014, đại sứ Philippines tại Bắc Kinh đã được triệu mời lên Bộ Ngoại giao để nhận lời phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc. Trên trang web Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết là Thứ trưởng Ngoại giao Lưu Chấn Dân (Liu Zhenmin) đã khẳng định lại với đại diện Philippines rằng Trung Quốc không công nhận thẩm quyền trọng tài quốc tế và cũng không tham gia vụ kiện.
Về phần mình, Tổng thống Philippines Benigno Aquino khẳng định quyết tâm thúc đẩy vụ kiện. Phát biểu với giới báo chí, ông xác định rằng vụ kiện không nhằm thách thức hay khiêu khích Trung Quốc, mà là để Bắc Kinh nhận thức được rằng Manila cũng có quyền bảo vệ quyền lợi của chính mình.
Mỹ tố cáo Trung Quốc khiêu khích Philippines
Philippines tiếp viện cho lính trên Bãi Cỏ Mây – Second Thomas Shoal. Ảnh ngày 31/03/2014.
Reuters
Sau vụ tàu tuần duyên Trung Quốc lại tìm cách ngăn chặn tàu tiếp tế Philippines tại khu vực bãi Second Thomas Shoal, Hoa Kỳ ngày 31/03/2014 phê phán một hành động « khiêu khích ». Đối với Washington, Manila hoàn toàn có quyền tiếp tế cho đơn vị quân đội Philippines đồn trú trong khu vực này.
Phát biểu với các phóng viên báo chí, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf cho rằng mưu toan ngăn chặn tàu tiếp tế Philippines đến bãi Second Thomas Shoal, ngày 29/03/2014, là « một hành động khiêu khích và gây bất ổn định ».
Second Thomas Shoal (Philippines gọi là Ayungin, Việt Nam gọi là Bãi Cỏ Mây, Trung Quốc gọi là Nhân Ái) là một bãi ngầm thuộc vùng quần đảo Trường Sa, đang là đối tượng tranh chấp giữa Philippines, Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan.
Philippines đã giành quyền kiểm soát thực tế bãi này từ năm 1999, nhưng trong thời gian gần đây, Trung Quốc luôn cho tàu tuần tra trong khu vực nhằm chặn đường tiếp tế cho đơn vị thủy quân lục chiến Philippines đóng trên một chiếc tàu mắc cạn trên bãi.
Theo bà Harf, Philippines được quyền tiếp tế cho binh lính đồn trú trên rạn san hô này, vì lẽ sự hiện diện đó đã có từ trước năm 2002, năm Trung Quốc và ASEAN ký kết bản Tuyên bố về Ứng xử của các bên tại Biển Đông.
Phát ngôn viên ngoại giao Mỹ khẳng định : « Là một đồng minh kết ước với Cộng hoà Philippines, Hoa Kỳ kêu gọi Trung Quốc tránh những hành vi khiêu khích mới, bằng cách để yên cho Philippines tiếp tục duy trì sự hiện diện ở bãi Second Thomas Shoal ».
Sự cố bị Washington gọi là hành vi khiêu khích xảy ra hôm 29/303/2014 khi 2 tàu tuần duyên Trung Quốc đuổi theo một chiếc tàu dân sự Philippines, chở hàng tiếp tế đến cho đơn vị thủy quân lục chiến Philippines đồn trú trên chiếc tàu cũ trên bãi Second Thomas Shoal.
Tàu Philippines rốt cuộc đã thoát khỏi sự phong tỏa của Trung Quốc để đến được Bãi Cỏ Mây và chuyển hàng tiếp tế cho đơn vị quân đội đồn trú tại đấy. Đây là lần thứ hai mà lực lượng tuần duyên Trung Quốc tìm cách ngăn không cho tàu tiếp tế Philippines đến bãi Second Thomas Shoal. Lần trước là vào ngày 09/03/2014, khi hai chiếc tàu dân sự Philippines bị tàu Trung Quốc đe dọa, bị buộc phải quay về.
SOURCE
TREDEPONLINE