Đòi xử Gorbachev 'vì để Liên Xô tan rã'
Cập nhật: 09:27 GMT - thứ sáu, 11 tháng 4, 2014
Năm nghị sỹ Nga kêu gọi đưa cựu Chủ tịch Mikhail Gorbachev ra xử vì đã để Liên Xô sụp đổ.
Đáp trả họ, ông Gorbachev nói ý tưởng đó là ‘phi lý’ và có mục tiêu đánh bóng tên tuổi.
Ukraine là một trong 14 nước giành độc lập khỏi Moscow khi Liên Xô giải tán năm 1991.Năm dân biểu gồm hai người thuộc đảng của Tổng thống Vladimir Putin nói họ bị tác động bởi cuộc khủng hoảng diễn ra ở Ukraine.
Ông Gorbachev khi đó đã không còn cầm quyền nhưng là kiến trúc sư của chính sách cải cách và công khai (perestroika và glasnost), bắt đầu mấy năm trước khi Liên Xô tan vỡ.
Một trong số năm dân biểu nói trên, ông Ivan Nikitchuk, thuộc đảng Cộng sản, nói về ông Gorbachev với hãng AFP rằng:
“Chúng tôi muốn đem ông ta và những người giúp ông ta tàn phá Liên Xô ra xử vì phản bội lại các lợi ích dân tộc.”
Theo họ, ông Gorbachev đã bác bỏ ý nguyện của người dân muốn “gìn giữ Liên Xô qua cuộc trưng cầu dân ý”.
Ông Nikitchuk cho rằng Liên Xô tan rã đã dẫn tới xung đột giữa các nước thuộc Liên bang cũ, gồm cả Ukraine.
Ông Gorbachev bác bỏ chuyện này, coi đó là “yêu cầu hoàn toàn vô lý từ góc độ lịch sử”.
"Chúng tôi muốn đem ông ta và những người giúp ông ta tàn phá Liên Xô ra xử vì phản bội lại các lợi ích dân tộc"
Dân biểu Nga Ivan Nikitchuk
Công tố viện Nga không bình luận về chuyện này và nhiều nỗ lực trước đây của đảng Cộng sản Nga muốn xét xử ông Gorbachev đều không thành.
'Công và tội'
Hiện tại Liên bang Nga các ý kiến về vai trò của ông Mikhail Gorbachev vẫn còn rất chia rẽ, gồm bên lên án ông để 'Liên Xô tan rã' và phái tự do dân chủ ủng hộ ông.
Riêng tổng thống đương nhiệm, ông Vladimir Putin ngày càng tỏ ra nuối tiếc Liên Xô và có ý định phục hồi lại vị thế lớn của Nga trong một không gian hậu Xô - Viết.
Sinh năm 1931, ông Mikhail Gorbachev thăng tiến trong hệ thống đảng Cộng sản Liên Xô và trở thành Tổng Bí thư đảng này từ 1985 đến 1991.
Giai đoạn cầm quyền của ông đánh dấu quá trình 'tan băng' và hòa hoãn trong quan hệ với Phương Tây cùng một số cải cách thể chế tại Liên Xô.
Nhưng các nước cộng hòa thuộc Liên bang lại coi các cuộc cải tổ nới lỏng kiểm soát từ Moscow đó là cơ hội để hướng tới độc lập, tách khỏi Liên Xô.
Các nước cộng sản Đông Âu từ Đông Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary đều từ bỏ hệ thống Xô-Viết.
Trong nội bộ, dù giữ các chức vụ cao nhất, ông Gorbachev cũng bị thách thức từ nhiều phe phái.
Tháng 5/1989, ông trở thành Chủ tịch của Xô-Viết Tối cao, tức nguyên thủ quốc gia.
Sau đó, trong cuộc bầu cử đầu tiên từ 1917 tại quốc gia cộng sản lớn nhất hành tinh, ngày 15/3/1990, ông trở thành Tổng thống của Liên Xô.
Bị phái dân tộc chủ nghĩa Nga của ông Boris Yeltsin coi là 'cải tổ không đủ nhanh' và bị cả những người cộng sản bảo thủ ngăn chặn, vị thế của Gorbachev suy yếu.
Ông bị tước quyền và tự do cá nhân khi đang đi nghỉ ở Crimea tháng 8/1991 trong lúc tại Moscow xảy ra chính biến.
Trở lại Moscow sau đó, dù danh nghĩa vẫn là tổng thống, ông không còn làm chủ được hệ thống quyền lực sau khi bị chính phái của ông Yeltsin tấn công.
Ông Gorbachev tuyên bố từ chức tổng thống Liên Xô ngày 25/12 năm 1991.
Trả lời Bấmphỏng vấn BBC hồi tháng 8/2011, ông nói với phóng viên Bridget Kendall rằng ban đầu "các khẩu hiệu perestroika của ông có mục tiêu làm cải thiện chế độ chứ không nhằm thay đổi nó".
Nhưng các diễn biến tiếp theo đã ập đến và ông Gorbachev không kiểm soát được tình hình, điều khiến ông nay thừa nhận "tôi đã chậm trễ nhưng có thể không chậm đủ".
Ở Phương Tây còn nhiều ý kiến ca ngợi ông Gorbachev đã giúp chấm dứt Chiến tranh Lạnh nhưng cũng có những người phê phán ông không giải tán đảng Cộng sản nhanh hơn và không làm chủ được nhịp độ cải tổ mà ông mở đường.
BBC VIETNAMESE
No comments:
Post a Comment