Friday 26 November 2010

Viện trợ nhân đạo cho Bắc Triều Tiên bị cắt giảm sau vụ pháo kích


Chiến tranh, xung đột Cập nhật Thứ Sáu, 26 tháng 11 2010

Viện trợ nhân đạo cho Bắc Triều Tiên bị cắt giảm sau vụ pháo kích

Nam Triều Tiên quyết định hạn chế thêm khoản viện trợ vốn rất ít ỏi cho Bắc Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng pháo kích vào đảo Yeonpyeong của Nam Triều Tiên hôm thứ Ba.

Khói bốc lên từ đảo Yeonpyeong, Nam Triều Tiên, 26/11/2010
Hình: AP

Khói bốc lên từ đảo Yeonpyeong, Nam Triều Tiên, 26/11/2010

Hôm nay Nam Triều Tiên loan báo một sự hạn chế mới đối với công tác viện trợ nhân đạo cho Bắc Triều Tiên nghèo khó.

Phát ngôn viên Bộ Thống nhất Nam Triều Tiên Chun Hae-Sung nói rằng đây là hậu quả của vụ tấn công gây chết người mà Bắc Triều Tiên thực hiện hôm thứ Ba.

Người phát ngôn này cho biết ngay cả những phẩm vật cứu trợ cơ bản nhất cho Bắc Triều Tiên cũng sẽ được kiểm tra nghiêm nhặt.

Hồi đầu tuần này, chính phủ ở Seoul nói rằng họ quyết định tạm ngưng vận chuyển sang miền bắc phần còn lại của số hàng cứu trợ lũ lụt, kể cả xi măng và tiếp liệu y tế, mà họ đã cam kết trước đây.

Nam Triều Tiên cũng hủy bỏ những cuộc họp dự trù diễn ra hôm thứ 5 giữa hai Hội chữ thập đỏ của đôi bên. Điều này làm tan biến mối hy vọng là trong thời gian sắp tới sẽ có thêm các cuộc xum họp của những gia đình bị ly tán vì cuộc chiến Triều Tiên.

Sau vụ tấn công hôm thứ 3, giới hữu trách ở Seoul cũng ra lệnh cấm không cho công dân của họ đến Kaesong -- khu công nghiệp chung ở miền bắc.

Những diễn tiến vừa kể đã gây lo ngại cho một viên chức của Liên hiệp quốc đang đi thăm Nam Triều Tiên.

Vào lúc kết thúc chuyến viếng thăm 5 ngày ở Nam Triều Tiên, ông Marzuki Darusman, báo cáo viên đặc biệt của Liên hiệp quốc về tình hình nhân quyền Bắc Triều Tiên, kêu gọi Nam Triều Tiên và các nước khác hãy nhanh chóng mở lại các kênh liên lạc thiết yếu với Bình Nhưỡng.

Ông Darusman nói rằng vụ pháo kích qua lại giữa hai miền Triều Tiên đã làm lu mờ chuyến công tác của ông nhằm đánh giá tình hình nhân quyền ở Bắc Triều Tiên và gây phương hại cho những nỗ lực nhằm cải thiện tình hình ở quốc gia bị cô lập này.

Ông nói: "Tôi nghĩ rằng điều này có thể tạo ra thêm những hiệu quả tiêu cực trong ngắn hạn. Nhưng tôi thật tâm hy vọng là chúng ta có thể nhanh chóng giải tỏa những sự ngộ nhận và khắc phục xung đột và bắt đầu đối thoại trở lại."

Bắc Triều Tiên không công nhận quyền điều tra về tình hình nhân quyền của họ của vị đặc sứ Liên hiệp quốc.

Người tiền nhiệm của ông Darusman, ông Viti Mantarbhorn, đã không được Bình Nhưỡng cho phép đến thăm trong suốt 5 năm ông giữ chức vụ này. Tháng 10 vừa qua, ông Darusman đã yêu cầu Bình Nhưỡng cho phép một vị cựu tổng chưởng lý của Indonesia đến thăm, nhưng yêu cầu đó cũng bị bác.

Sự bác bỏ đó không loại bỏ khả năng là vào một thời điểm nào đó một chuyến viếng thăm như vậy sẽ được thực hiện, bằng cách này hay cách khác.

Tuần trước, Ủy ban nhân quyền của Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã yêu cầu Bình Nhưỡng chấm dứt ngay điều mà họ gọi là “những vụ vi phạm nhân quyền có hệ thống, tràn lan, và nghiêm trọng” ở Bắc Triều Tiên.

Seoul bác bỏ kêu gọi họp khẩn của TQ để xoa dịu căng thẳng

Các nỗ lực ngoại giao đang được xúc tiến tại Châu Á để tháo ngòi những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, Nam Triều Tiên bác bỏ lời kêu gọi của Trung Quốc hãy triệu tập tức thời các cuộc đàm phán đa quốc gia nhằm thảo luận vấn đề Bắc Triều Tiên. Lời kêu gọi đó được đưa ra giữa lúc Hoa kỳ và Nam Triều Tiên khởi sự cuộc thao dượt hải quân kéo dài 4 ngày, nhằm phô trương lực lượng để thuyết phục Bình Nhưỡng chớ tiếp tục gây hấn sau cuộc tấn công hôm thứ Ba vào hòn đảo Yeonpyeong.

Tổng Thống Nam Triều Tiên Lee Myung Bak (phải) và Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc
Hình: AP

Tổng Thống Lee Myung Bak (phải) tiếp kiến Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Ðới Bỉnh Quốc,


Nam Triều Tiên bác bỏ thẳng thừng việc nối lại tức thời cuộc đối thoại đa phương liên quan tới Bắc Triều Tiên. Bộ Ngoại giao Nam Triều Tiên, bằng lời lẽ ngoại giao, nói rằng đề nghị của Trung Quốc xứng đáng được “xem xét một cách kỹ lưỡng.”

Tổng Thống Nam Triều Tiên Lee Myung-bak đã tiếp các giới chức Trung Quốc đến thăm hôm Chủ nhật.

Báo chí trích lời ông là đã nói với các giới chức Trung Quốc rằng hiện không phải lúc để nối lại đàm phán, mà cấp bách hơn là làm thế nào ứng phó với sự hiếu chiến của Bắc Triều Tiên.

Trung Quốc cho biết họ muốn chủ trì các phiên họp khẩn trong tháng 12, với sự tham dự của cả hai miền bán đảo Triều Tiên, với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nga.

Phát ngôn viên của Tổng Thống Nam Triều Tiên Hong Sang Pyong cho hay, Tổng Thống Lee Myung Bak đã nói với Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc, ông Ðới Bỉnh Quốc, rằng Seoul trông đợi Bắc Kinh sẽ dùng ảnh hưởng của mình đối với Bình Nhưỡng để xoa dịu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Người phát ngôn Nam Triều Tiên còn cho biết là dịp này, Tổng Thống Lee đã truyền đạt thông điệp rằng Seoul sẽ phản ứng mạnh mẽ trước bất cứ hành động khiêu khích quân sự nào khác từ miền Bắc.

Những cuộc thảo luận vừa kể diễn ra 5 ngày sau khi Bắc Triều Tiên tấn công một hòn đảo Nam Triều Tiên bằng một loạt đạn pháo, giết chết 4 người.

Hàng không mẫu hạm George Washington của Hoa Kỳ và hai tàu khu trục của hải quân Nam Triều Tiên cùng nhiều tàu khác, hiện đang có mặt trên vùng biển Hoàng Hải để dự cuộc tập trận 4 ngày.

Các giới chức Mỹ nói các cuộc thao dượt hải quân này đã được dự trù trước cuộc tấn công bằng trọng pháo của Bắc Triều Tiên.

Tuy nhiên, họ không bác bỏ nhận định cho rằng cuộc thao dượt đang tiến hành là một hành động phô trương lực lượng nhằm mục đích răn đe Bình Nhưỡng chớ nên tiếp tục đưa ra những hành động khiêu khích khác.

Giám đốc Viện Nghiên cứu các Vấn đề An ninh Quốc gia của Nam Triều Tiên, ông Choi Jong Chul, nói Bắc Triều Tiên khó có thể tung ra bất cứ hành động khiêu khích nào, trong khi cuộc tập trận hỗn hợp Mỹ-Nam Triều Tiên diễn ra.

Ông Choi, còn là một giáo sư dạy môn chiến lược quân sự tại Học viện Quốc Phòng Quốc Gia Triều Tiên, nói tuy nhiên một khi hàng không mẫu hạm Mỹ rời khỏi khu vực, thì khó có thể đoán trước Bắc Triều Tiên sẽ làm gì, và vì thế, Seoul cần chuẩn bị để có thể ứng phó trước bất cứ tình huống nào.

Giới truyền thông Nam Triều Tiên tường trình rằng các lực lượng quân sự của miền Bắc đã đặt các tên lửa đất-đối-đất trên bệ phóng tại Hoàng Hải, và đã di chuyển các tên lửa đất-đối-không đến các khu vực tiền tuyến.

Bình nhưỡng khuyến cáo sẽ trả đũa giữa lúc cuộc thao dượt quân sự Mỹ-Nam Triều Tiên đang diễn ra.

Một cơ quan thông tấn chính thức của Bắc Triều Tiên hôm Chủ nhật nói rằng các lực lượng miền Bắc sẽ giáng một “đòn quân sự tàn khốc”, nếu lãnh thổ Bắc Triều Tiên bị xâm phạm.

Bắc Triều Tiên thừa nhận họ đã phát động cuộc tấn công vào đảo Yeonpyeong trong khi diễn ra cuộc tập trận hàng năm của quân đội Nam Triều Tiên.

Trong cuộc diễn tập này, một đạn pháo đã được phóng về hướng Tây vào một vùng biển gần biên giới lãnh hải hai bên, một điều mà Bắc Triều Tiên không chấp nhận.

Bình nhưỡng nói nếu có tử vong nơi thường dân trong cuộc tấn công đó, thì đó là điều đáng tiếc, tuy nhiên họ nói thêm rằng Nam Triều Tiên đang sử dụng thường dân như “khiên đỡ đạn“tại đảo Yeonpyeong.

Những người còn lại trên đảo đã được lệnh phải xuống hầm trú ẩn trong 40 phút hôm Chủ nhật, sau khi có tiếng đạn pháo từ Bắc Triều Tiên, vốn chỉ cách đảo Yeonpyeong có 12 km.

Hiện không có dấu hiệu nào cho thấy là bất cứ quả đạn pháo nào đã rơi xuống đất Nam Triều Tiên hôm Chủ nhật.

Tất cả các nhà báo đã được lệnh của Bộ Quốc phòng Nam Triều Tiên phải rời đảo Yeonpyeong trước khi chiều tối.

Bộ Quốc phòng đã đánh đi một tin nhắn khẩn bằng text, nói rằng những người ở lại sẽ lâm vào tình trạng nguy hiểm bởi vì Bắc Triều Tiên có thể tung ra một hành động khiêu khích khác.

Tin cho hay, Tổng Thống Nam Triều Tiên Lee Myung-bak sẽ đọc một bài diễn văn gửi đến quốc dân trong ngày thứ Hai. Cho tới nay, ông chưa lên tiếng trước công chúng, hoặc nói chuyện với các nhà báo, kể từ khi xảy ra cuộc tấn công hôm thứ Ba.

source

VOA Vietnamese

No comments:

Post a Comment