Monday, 31 August 2009

Dân chủ tự ải

Dân Honduras biểu tình ủng hộ TT bị truất phế Manuel Zelaya tại Tegucigalpa, 11/8, 2009. Orlando Sierra/Getty Images
August 31, 2009
Dân chủ tự ải
Nguyễn Xuân Nghĩa-Việt Tribune
Các nền dân chủ có thể tự treo cổ...Bị vùi sâu dưới những chuyện quốc gia đại sự, có một tin rất nhỏ đã bị truyền thông Hoa Kỳ quên không đăng tải….Jamal Yousef là một cựu sĩ quan của quân đội Syria, nhưng lại buông súng để thành tay buôn súng, mà chỉ buôn súng cho quân khủng bố. Ba năm về trước, nhân viên tình báo Hoa Kỳ tại Honduras đã phát giác một nghiệp vụ cung cấp của Yousef. Hàng hoá là một kho võ khí vĩ đại gồm các loại súng AR-15, M-16, M-60, chất nổ C-4, lựu đạn (2.500 quả), súng phóng lựu và 18 hoả tiễn địa không. Bên mua là lực lượng phiến quân Mác-xít FARC của xứ Colombia, chuyên trị về nghệ thuật kết hợp khủng bố với buôn ma túy.
FARC trả tiền xương máu đó bằng một tấn nha phiến, cho Yoursef thoải mái phân phối khắp nơi, kể cả vào nước Mỹ.Yousef bị nhà chức trách Honduras bắt được và kết án ba năm tù vì những tội nhỏ. Ba năm đã mãn. Ở bên ngoài, từ nhiều năm nay, giới chức Hoa Kỳ xin dẫn độ Yousef qua Mỹ để ra toà về tội buôn bán ma túy và tiếp tế cho quân khủng bố. Hôm Thứ Tư 19 tháng Tám vừa qua, Yousef đã “hạ cánh” tại New York và có thể ngồi bóc ít ra là hai chục cuốn lịch: Chính quyền Honduras thoả mãn lời yêu cầu của Hoa Kỳ. Tin ấy vuột khỏi mối quan tâm của dân Mỹ vì bị truyền thông bỏ quên, cũng như bộ Tư Pháp Mỹ cũng quên không cám ơn Chính quyền Honduras về cử chỉ này. Chỉ vì Chính quyền Obama và bộ Ngoại giao Mỹ kết án việc Tối cao Pháp viện Honduras truất phế Tổng thống Mel Zelaya, một quyết định hợp hiến và hợp pháp của Honduras. Zelaya là một Tổng thống có tham vọng dùng quân đội cải sửa Hiến pháp để lại ra tái tranh cử sau khi mãn nhiệm và khi bị quân đội từ chối thì cách chức các tướng lãnh. Ông ta cũng thuộc khuynh hướng cực tả, coi Fidel Castro của Cuba hay Hugo Chavez của Venezuela là đồng chí, thần tượng nên được mấy xứ này cực lực bênh vực.Vì vụ “đảo chính” đó, Chính quyền Obama đòi trừng phạt Chính quyền của một xứ nhỏ bé và đang bị hăm dọa tứ bề. Vậy mà Honduras vẫn chơi bảnh và giúp Mỹ giải trừ nạn khủng bố và buôn lậu ma túy. Một ngày sau, một chuyện khác đã nổ lớn – cũng liên quan đến khủng bố.Chính quyền xứ Scotland – một quốc gia trong Vương quốc Anh (United Kingdom) – đã trả tự do cho một tay khủng bố của xứ Libya là Abdel Basser Ali al-Megrahi. Al-Megrahi là tay đặc công đã đánh bom phi vụ 103 của hãng Pan-Am vào tháng 12 năm 1988. Chiếc Boeing 747 nổ tung trên ngôi làng Lockerbie của Scotland khiến 270 người tử nạn – và vài năm sau Pan-Am phá sản. Các cuộc điều tra của quốc tế đã tìm ra bàn tay Lybia trong vụ khủng bố này và do áp lực của Liên hiệp quốc và các nước khác, al-Megrahi được giải giao cho toà án Scotland xét xử, để lãnh án tù chung thân, về sau được đổi ra 27 năm. Chưa đầy tám năm sau, ngày 20 vừa qua, Chính quyền Scotland viện lý do nhân đạo vì al-Megrahi lâm bệnh mà cho phép tay khủng bố này được tự do bay về Lybia. Chính quyền Lybia cho đón tiếp al-Megrahi như anh hùng dân tộc và được gặp lãnh tụ Moammar Gaddafi trong một lễ liên hoan! Chính quyền Obama cực lực lên án quyết định ấy của Scotland và một người cực kỳ kín đáo như Giám đốc FBI Robert Mueller cũng phải công khai than phiền. Tại Anh, vụ này làm Thủ tướng Gordon Brown lúng túng không ít và hy vọng tái đắc cử lại càng thêm mịt mờ.Mà chuyện không chỉ có vậy!Ngày 24 vừa qua, Bộ trưởng Tư pháp Scotland giải trình trước Quốc hội lý do nhân đạo khi tha bổng al-Megrahi. Nhưng, giới chuyên gia y khoa hoài nghi lý do bệnh lý trong khi dư luận nói ra nguyên nhân thật: Bộ trưởng Kinh doanh của Chính quyền Gordon Brown là Peter Mandelson đã trực tiếp thương thảo với Lybia về các hợp đồng cung cấp dầu khí của Lybia cho nước Anh. Cái giá là tự do cho al-Megrahi. Và cái tát là tay khủng bố này được Lybia chào mừng như một anh hùng – ngược với thoả thuận trước đó. Sau khi lên máy bay đưa “anh hùng” al-Megrahi từ Scotland về Tripoli, con trai của lãnh tụ Gaddafi là Saif al Islam Gaddai đã lên truyền hình Lybia xác nhận chuyện bán chác này!Nước Mỹ đâm ra ngẩn ngơ về chuyện đổi bạn lấy dầu! Một đồng minh chí thiết là nước Anh lại vì nhu cầu năng lượng – để thoát khỏi vòng phong toả của Liên bang Nga – buông tha quân khủng bố. Trong khi Obama coi cử chỉ hào hùng của xứ Honduras là không đáng kể! Lybia có dầu khí, Honduras thì nghèo kiết xác! Chuyện chưa hết. Ngày al-Megrahi được thả thì cũng là lúc Tổng thống Thụy Sĩ Hans-Rudolf Merz chính thức qua thủ đô Tripoli để xin lỗi lãnh tụ Gaddafi về việc tháng Bảy năm ngoái Thụy Sĩ đã bắt con trai và con dâu của Gaddadi tại trong một khách sạn cực sang ở Genève. Hannibal Gaddafi và vợ đã đánh đập người làm ngay trong khách sạn (và còn đòi quăng một người qua cửa sổ!) Năm ngoái, Lybia bèn trả đũa bằng cách ngưng bán dầu cho Thụy Sĩ. Bị mất 20% số dầu tiêu thụ vì một chuyện “không đâu” như vậy thì Tổng thống đành chắp tay đi xin lỗi, khiến thần dân của xứ sở văn minh hiền hoà này thấy nhục không ít!Scotland, Vương quốc Anh hay Thụy Sĩ là những tấm gương sáng về nền dân chủ của Tây phương. Mà sáng chỉ một phía! Khi bị Liên bang Nga chơi ép với đòn tấn công Georgia và xiết ống dẫn khí tại Ukraine, các ước Tây Âu đều biết mở bản đồ: tìm dầu ở đâu bây giờ? Tại Trung Đông hay Bắc Phi? Iran, Iraq, Al1gérie hay Lybia? Suy đi tính lại thì lãnh tụ khật khùng Gaddafi vẫn là người có thể nói chuyện phải quấy được. Miễn là ta hơi hèn một chút. Miễn là ta chịu hèn một chút nên ngày xưa dân Âu Châu đã từng lùi dần và nhượng bộ quyền tự do của từng người cho chủ nghĩa phát xít – để rồi chế độ Đức quốc xã lớn mạnh và đưa cả lục địa vào đại chiến khiến Hoa Kỳ phải nhập trận. Nhưng Hoa Kỳ ngày nay không là quốc gia có thể phê phán các đồng minh bên kia Đại Tây dương về sự thiếu đởm lược hoặc tinh thần thực dụng tới mức thành đồng lõa với tội ác.Năm xưa, 1975, một vị Tổng thống hiền lành như Gerald Ford còn từ chối gặp gỡ nhân vật bất đồng chính kiến khét tiếng của Liên bang Xô viết là nhà văn Aleksandr Solzhenitsyn, để khỏi làm Moscow phật ý. Ngày nay, nguyên Tổng thống Bill Clinton cũng… đeo đồng hồ Thụy Sĩ của Tổng thống Merz mà bay qua Bình Nhưỡng nói chuyện với lãnh tụ Bắc Hàn và đem về hai ký giả bị bắt làm con tin. Cũng thế, việc bộ Ngoại giao Mỹ rà lại đối sách với chế độ quân phiệt Miến Điện để giải tỏa dần lệnh cấm vận chưa chắc đã giúp gì cho lãnh đạo phong trào dân chủ là bà Aung San Suu Kyi. Nhưng có khi lại đem về nhiều hợp đồng năng lượng cho doanh nghiệp Mỹ, được tráng men là “nhằm kéo Miến Điện ra khỏi quỹ đạo Trung Quốc”. Các nhà đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam cũng sẽ được nhắc khéo như vậy! Đấy là tinh thần thực dụng của ngoại giao. Một lý do có vẻ như chính đáng vì mục tiêu sau cùng vẫn là để bảo vệ quyền lợi của Hoa Kỳ. Nhưng, chìm sâu bên dưới vẫn là phản ứng tự sát của các nền dân chủ. Và Hoa Kỳ đang dẫn đầu tinh thần đó.Chuyện thả quân khủng bố thì đang trở thành hiện thực ngay tại Mỹ với quyết định đóng cửa trại giam Guantanamo mà chưa biết sẽ đưa 240 tù phạm đi đâu. Không chỉ thả quân khủng bố mà còn truy tố nhân viên tình báo vì phương cách thẩm tra nghi can khủng bố đầy tính chất tra tấn! Người ta tra tấn nhau về định nghĩa của tra tấn và tổ chức việc thanh toán chính trị bằng tòa án. Chuyện này, bộ Tư pháp Mỹ đang làm thủ tục tiến hành, khiến Giám đốc Trung ương Tình báo CIA là Leon Paneta nổi điên – có khi sẽ đòi từ chức nay mai. Ông Panetta là nhân vật Dân Chủ ôn hoà, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Chính quyền Bill Clinton, nay đang phải xoay chuyển trong cơn tự sát tập thể ở chung quanh khi nhân viên bảo vệ an ninh cho nước Mỹ lại bị Chính quyền Obama coi là đáng nghi và đáng sợ hơn quân khủng bố. Nhưng, chuyện tự sát quy mô và rắc rối nhất vẫn là kế hoạch cải tổ chế độ bảo dưỡng sức khoẻ (health care) đang được xoay thành cải tổ chế độ bảo hiểm y tế (medical insurance). Những vấn đề chính đáng và nguy ngập của xã hội Mỹ – chi phí bảo dưỡng gia tăng, một số người không có bảo hiểm, sự phá sản tất yếu và kinh hoàng của quỹ An sinh Xã hội Social Security, Quỹ trợ cấp Y tế cho người già (Medicare) hay người nghèo (Medicaid) – bị chìm sâu trong cuộc vận động đại quy mô của các thế lực kinh doanh và chính trị, kể cả các nghiệp đoàn. Với những giải pháp giả tạo và chắc chắn là còn gây tốn kém lớn lao hơn nữa. Lồng trong đó là giải pháp trợ tử – giúp cho người già chóng đi theo quy luật đào thải thực dụng – hoặc việc phá thai nhờ tiền của công quỹ, và nhiều tính toán tàn nhẫn khác.Trong khi ấy, truyền thông vẫn không thể giải thích được sự việc cho rõ ràng vì chưa ai đưa ra được một kế hoạch phân minh ngoài đạo luật ngàn trang của Hạ viện. Nhiều nhà bình luận thiếu am hiểu còn nhảy vào trong cuộc với những giải thích không ngây ngô thì nhuốm mùi xuyên tạc. Có người ngớ ngẩn cao độ, trí nhớ lại rất kém, còn mơ ước một loại “hợp tác xã y tế” để bảo đảm sức khoẻ cho mọi người! Chế độ công quản y tế đó đã có một tiền lệ vừa tanh bành mà cứ vội quên. Đó là hai công ty bán công về tài trợ tín dụng gia cư Fanny Mae và Freddie Mac bị phá sản năm ngoái! Khi nhà nước bao cấp của Obama nhân cơn suy thoái kinh tế mà nắm lấy việc chi thu cho mục tiêu “kích thích kinh tế” và cải tạo xã hội thì bội chi ngân sách đã vội bốc lên trời: chín ngàn tỷ đô la trong suốt 10 năm tới. Gánh nặng công trái sẽ vượt mọi kỷ lục cổ kim và sụp lên đầu các thế hệ kế tiếp. Khi nhà nước bao cấp đó lại đòi quản lý luôn sức khoẻ của toàn dân, chúng ta nên chờ đợi nhiều chuyện kinh hãi khác! Các nền dân chủ thường có sức mạnh nhờ quyền tự do của người dân nên khó sụp đổ nếu bị tấn công từ bên ngoài. Nhưng ngay bên trong, các xã hội dân chủ cũng có bản năng tự sát khi tự gây họa. Rồi cứ vậy mà lụn bại dần. Nền dân chủ có thể tự treo cổ – tự ải. Nhại lời của (...), hãy tìm hiểu xem ai bán sợi dây oan nghiệt đó cho họ? [NXN]

***************************
source
Viet Tribune Online

Friday, 28 August 2009

Hungary mở cửa cho Đông Đức ra sao




Cựu thủ tướng Hungary Nemeth (BBC)

Cựu thủ tướng Hungary Miklos Nemeth tin rằng ông đã nắm được tín hiệu từ vị thế của ông Gorbachev.

"Chính tại Hungary mà viên đá đầu tiên đã được gỡ bỏ khỏi bức tường Berlin," cựu Thủ tướng Đức Helmut Kohl nói.

Người kế nhiệm của ông, bà Angela Merkel đã tới thị trấn Sopron của Hungary hôm thứ Tư để cảm ơn quốc gia này đã mở cửa biên giới của mình cách đây 20 năm. Quyết định này đã dẫn tới sự sụp đổ của bức tường nổi tiếng ba tháng sau đó.

Nhưng có một điều khá tò mò là một buổi picnic tại một cánh đồng bên ngoài Sopron đã làm thay đổi bộ mặt của Châu Âu.

Vào mùa hè năm 1989, hàng ngàn khách du lịch Đông Đức đã lên đường qua Hungary, tìm cách để tới Áo. Điều đã thúc đẩy họ chính là quyết định dũng cảm hồi đầu năm đó của vị thủ tướng theo đường lối cải cách của Hungary, Miklos Nemeth, đem gỡ bỏ hệ thống an ninh dọc theo biên giới.

"Tôi nghĩ rằng bức tường này đã lỗi thời trong thế kỷ 20," ông Nemeth nói với BBC. Một lý do nữa là Hungary, khi đó chịu quá nhiều nợ nần, đơn giản là không có đủ kinh phí 1 triệu đô-la để duy trì nó.

Robert Breitner

Robert Breitner tại khu vườn nhà thờ mà ông đã tá túc 20 năm trước.

Khi đi nghỉ trở về trong chiếc xe công vụ của mình, ông Nemeth đã bị sốc khi nhìn thấy hàng trăm thanh niên và gia đình của họ cắm trại bên ngoài tòa lãnh sự Tây Đức ở thủ đô Budapest. Nhiều người khác tìm chỗ tá túc tại Nhà thờ Gia đình Thần thánh đường bệ tọa lạc tại một quận nhiều cây cối, bóng mát ơ thủ đô Hungary.

Một trong số này là Robert Breitner, khi đó 19 tuổi. Ông này đã tới nơi mà chỉ có một bộ áo quần trên người, sau khi đánh mất ba-lô trong một lần trốn bất thành.

"Đường phố tràn đầy các loại xe hơi Đông Đức," ông hồi tưởng.

"Nhiều gia đình đến đích trong hai hoặc ba chiếc xe ô tô sau nhiều lần bỏ trốn. Họ mất chiếc xe này thì dùng chiếc khác!"

Câu chuyện của ông Breitner khá là điển hình. Vì gia đình của ông theo Cơ Đốc giáo, ông không được phép học trung học tại Cộng hòa Dân chủ Đức. Ông cũng không thể tới Liên Xô, và cũng không thể tới được Tây Đức, nơi mà hầu hết họ hàng, thành viên gia đình sinh sống.

Họ sợ chúng tôi tập hợp họ lại tại một địa điểm và trao họ về tay các giới chức chính quyền Đông Đức.

Cha Kozma

Từ năm 14 tuổi, ông đã quyết định bỏ trốn. "Tôi lớn lên chỉ cách bức tường Berlin 300 mét, nhưng với tôi, việc thử vượt nó ở đây là quá nguy hiểm," Breitner nói. Ông nghĩ tại Hung-ga-ri "khả năng bị giết chết không cao như thế".

Mật vụ Đông Đức

Người đã mở cửa vào nhà thờ là Cha Imre Kozma, người phụ trách tổ chức từ thiện 'Order of Man-ta'. Tổ chức thiện nguyện này đã dựng các lều lán và phân phối lương thực - tất cả diễn ra dưới con mắt theo dõi của mật vụ Đông Đức (Stasi) với các nhân viên được cắm ngay ở phía bên kia đường.

Cha Kozma nói rằng những người tị nạn sợ nhau và sợ cả các tình nguyện viên người Hungary.

Cha Kozma

Cha Kozma nói những người tị nạn sợ lẫn nhau.

"Họ sợ chúng tôi tập hợp họ lại tại một địa điểm và trao họ về tay các giới chức chính quyền Đông Đức."

Rồi vào tháng tám, nơi này ngập đầy các tờ rơi nói về một chuyến picnic xuyên Châu Âu.

Phe đối lập đã quyết định tổ chức sự kiện này như một buổi lễ chào mừng tình láng giềng hữu hảo, với bia và thịt nướng trên lò, ngay trên biên giới với Áo. Thế nhưng những người tị nạn còn muốn nhiều hơn là một cuộc picnic.

Ngày nay, bạn có thể lái xe hay đi bộ vào Áo mà không hề bị chất vấn. Bức màn sắt đã trở thành một bức tường để dựng xe đạp.

Tuy nhiên, hồi tháng 8/1989, vẫn còn nhiều hàng rào thép gai ở đó. Chỉ trước 3 giờ chiều hôm đó, trung tá Arpad Bella, người phụ trách trạm biên giới phía bên Hungary, thấy một đám đông nam giới, phụ nữ, thậm chí trẻ em lao chạy về phía ông.

Ngay trước mắt của ông, làn sóng đầu tiên của những người tị nạn Đông Đức xô về phía Tây một chiếc cổng bằng gỗ mà phía trên nóc được rào bằng kẽm gai. Một số khóc, số khác cười vang, ôm lấy nhau. Những người khác tiếp tục chạy vì họ không tin rằng đã ở trong phần đất của Áo.

Laszlo Nagy (BBC)

Laszlo Nagy, người tham gia tổ chức tiệc picnic xuyên Âu

Tình thế lưỡng nan

Không hề có được một chỉ dẫn rõ ràng nào từ cấp trên, Trung tá Bella quyết định không nổ súng. "Điều đó thật khủng khiếp đối với tôi!" ông nói. "Hai trăm người dân này chỉ cách tự do có mười mét. Do đó, tôi đã ra một quyết định mà tôi nghĩ là tốt nhất đối với Hungary và cho lương tâm của chính tôi."

Ở phần bên kia biên giới, chánh thanh tra người Áo, Johann Goeltl đối diện với một tình thế lưỡng nan khác. Trong cuộc chạy trốn tìm tự do, một gia đinh Đông Đức bị rớt lại một đứa con trai tám tuổi, ở bên kia cổng biên giới, mà bấy giờ đã bị đóng lại.

"Hãy làm ơn, hãy làm ơn cho cháu được đi qua," họ nài xin", Nếu không chúng tôi sẽ phải trở lại với chế độ khủng khiếp đó". Và bằng một cách nào đó, chánh thanh tra Goeltl đã làm được việc là cho cậu bé lọt qua.

Bản đồ Hung-ga-ri

Đến cuối ngày hôm đó, hơn 600 người Đông Đức đã băng qua được phía Tây. Ba tuần sau đó, khi Hungary cho mở cửa biên giới hoàn toàn, 60.000 người nữa đã tràn qua. Trong số những người đầu tiên rời đi là Robert Breitner, người đã tới kịp Berlin để chứng kiến bức tường sụp đổ.

Nhưng hơn 20 năm trôi qua, Trung tá Bella cảm thấy ông chỉ là một nhân vật trong một vở diễn phức tạp mà người đạo diễn vẫn chưa được biết đến. Vài trong số những người đã tổ chức cuộc pic-nic xuyên Châu Âu, như kỹ sư Laszlo Nagy, cũng cảm thấy các chính trị gia đã sử dụng sự kiện này để thử nghiệm xem họ có thể đưa sự việc đi xa tới đâu.

"Nếu bạn đang tham gia một cuộc thử nghiệm mà bạn không được thông báo trước, bạn cảm thấy như mình là một con sâu được người ta sử dụng làm mồi câu cá," Ông Nagy nói. "Họ ném chúng tôi xuống mực nước sâu và họ nhìn xem liệu những con cá mập có tới hay không."

Cá mập ở đây đương nhiên là Liên Xô, khi đó vẫn có tới 100.000 quân đồn trú tại Hungary. Dưới thời Mikhail Gorbachev, người Nga có vẻ được hướng về các cuộc cải cách hơn là tới các can thiệp quân sự.

Vào tháng ba năm 1989, ông Miklos Nemeth nói với nhà lãnh đạo xô-viết rằng ông có kế hoạch tháo gỡ hàng rào kẽm gai dọc theo biên giới. Ông Gorbachev đã phản ứng một cách ôn tồn và nói rằng vấn đề an ninh biên giới đó là việc của ông Nemeth, chứ không phải là việc của ông. Vị Thủ tướng Hungary coi đây như là đèn xanh đã được bật. Nhưng liệu sự việc đã có thể diễn biến khác đi?

"Chắc chắn thế, chúng tôi đã làm ra nhiều kịch bản," Ông Nemeth nói.

"Đối với tôi, điều quan trọng nhất trong thời điểm đó là tôi nhận định ra sao vị trí của ông Gorbachev trong cơ cấu quyền lực. Nếu ông ta bị của người bị hạ bệ, đá văng ra khỏi quyền lực, đã có thể có một câu chuyện khác, tôi có thể cho bạn biết."

Cũng giống như ông Gorbachev, ông Nemeth hồi hưu khỏi sự nghiệp chính trị. Ông hơi buồn vì Hungary không còn là một quốc gia dẫn đầu ở Trung Âu nữa.

Trung tá Bella và chánh thanh tra Goeltl trở thành bạn bè và thường xuyên gặp gỡ để nói chuyện về quá khứ.

Robert Breitner đi vào nghiên cứu chính trị học và hiện đang làm việc tại St Petersburg, ông hạnh phúc khi thấy cả hai phía Đông và Tây có thể làm ăn kinh doanh với nhau.

Còn đối với Cha Kozma, đã có ít thay đổi xảy ra. Ông vẫn lái một trong những chiếc xe hơi hiệu Trabants đã được những người tị nạn Đông Đức mà ông từng giúp đỡ, bỏ lại cách đây 20 năm.

*********************************************

source

BBC Vietnamese

Ký ức gây chia rẽ



Trong bài thứ hai của loạt đánh dấu sự bùng nổ Thế chiến Hai 70 năm trước, sử gia người Anh Orlando Figes phân tích ý nghĩa của Hiệp ước Molotov-Ribbentrop đối với châu Âu năm 1939 - và ý nghĩa của nó ngày hôm nay.

Các nước Đông Âu vẫn nhớ về hiệp ước với sự căm ghét


"70 năm đi qua, hiệp ước giữa Hitler và Stalin vẫn phủ bóng lên châu Âu. Ký ức về nó tiếp tục gây chia rẽ.

Với người Ba Lan, Lithuania, Latvia, Estonia và Bessarabia, hiệp ước này mở đầu thời kỳ khủng bố, lưu đầy hàng loạt, nô lệ và giết chóc mà cả Đức Quốc xã lẫn Hồng quân cùng đem lại khi hai bên phối hợp xâm lược các nước này thể theo nghị định thư bí mật của hiệp ước - theo đó, Stalin và Hitler đồng ý chia đôi Đông Âu.

Với người Do thái trên các phần đất này, hiệp ước cấp giấp phép cho sự diệt chủng (Holocaust). Với phe Tả ở châu Âu, ý nghĩ rằng lãnh đạo Liên Xô có thể ký hiệp ước với Hitler là biểu tượng của sự phá sản đạo đức của thể chế Sô Viết.

Trong thời gian dài, những người bênh vực Stalin tìm cách lý giải sự quay ngoắt ý thức hệ như là một nhu cầu thực tiễn để "mua thời gian" cho Liên Xô tự vệ trước Đức.

Rõ ràng đến mùa hè 1939, Stalin có lý do để nghi ngờ Pháp và Anh không thực sự muốn có liên minh quân sự với Liên Xô. Việc Ba Lan, dễ hiểu, không cho phép Hồng quân đóng trên đất Ba Lan là trở ngại chính. Điều này khiến lãnh đạo Liên Xô ngả sang đề nghị an ninh của Hitler.

Nhưng Stalin không xem chuyện này là để mua thời gian cho cuộc chiến chống Đức mà cuối cùng nổ ra năm 1941.

Ông không phân biệt giữa các nước tư bản tự do và độc tài phát xít - cả hai đều là kẻ thù.

Qua hiệp ước, ông nghĩ rằng có thể khiến hai phe này đánh nhau bằng cách cho Hitler rảnh tay xâm lược Ba Lan và đánh các đồng minh Tây phương mà không có sự can thiệp của Liên Xô.

Stalin có những tính toán gì khi ký hiệp ước?

Stalin nói năm 1939: "Chúng ta không phản đối chiến tranh [giữa Đức và các nước Tây phương] nếu chúng đánh nhau và làm suy yếu lẫn nhau."

Cùng với hiệp ước - được Ngoại trưởng Đức Joachim von Ribbentrop và Ngoại trưởng Nga Vyacheslav Molotov ký - còn là nghị định thư bí mật. Trong nhiều năm sau đó, Liên Xô phủ nhận sự tồn tại của chúng.

Mãi đến năm 1989, sau các cuộc tuần hành đánh dấu 50 năm ngày ký hiệp ước, một ủy ban Liên Xô mới thừa nhận chúng tồn tại - cho dù văn bản đó cũng chỉ công bố tại Nga vào năm 1992.

Hiệp ước vẫn là sự mất mặt cho những người ở nước Nga thời Putin tự hào về thành tựu của Liên Xô trong cuộc chiến.

Việc kỷ niệm nó là cái gai thường trực trong quan hệ của Nga với các nước châu Âu láng giềng, những nước nhìn hiệp ước từ góc cạnh đàn áp của Liên Xô sau 1945.

Nghị viện châu Âu đã kêu gọi đặt ngày 23/08 thành ngày tưởng nhớ mọi nạn nhân của các chính thể toàn trị - Hitler và Stalin. Đó không phải là ý tưởng tồi.

Có lẽ nó sẽ giúp giảm căng thẳng do ký ức về hiệp ước tạo ra."

Orlando Figes là Giáo sư Lịch sử tại trường Birkbeck College, University of London. Ông là tác giả nhiều sách về lịch sử Nga, và tác phẩm mới nhất là The Whisperers: Private Life in Stalin's Russia (2007). Sách của ông đã được dịch sang hơn 20 thứ tiếng.

*******************************************************

source

BBC Vietnamese

Sunday, 16 August 2009

Tháng 4, 1865 tại Appamatox, Virginia


May 02, 2008

Tháng 4, 1865 tại Appamatox, Virginia

Phan Quang Tuệ

Ngày 9 tháng 4, 1865 rơi đúng vào ngày Chủ Nhật, ngày lễ lá khởi đầu tuần thánh đánh dấu ngày Chúa Giê Su vào thành Jerusalem.

Đêm trước đó, Đại Tướng Robert Lee thống lãnh Quân đội Miền Nam cùng Ban Tham Mưu ngừng chân đặt bản Doanh Bộ chỉ huy trong một cánh rừng gần Toà Thị Xã Appamatox, thuộc tiểu bang Virginia. Sáu ngày liên tiếp trước đó đạo quân miền Nam đã đi không ngừng nghỉ tiến về phía Tây hướng về dãy núi Blue Ridge nơi mà Tướng Lee từng tuyên bố ông có thể cầm cự chiến đấu ít nhất là 20 năm. Nhưng đêm nay khi tướng Lee và Bộ Tham Mưu mệt mỏi của ông dừng quân tại Appamatox thì đạo quân miền Nam đang bị quân đội miền Bắc bao vây, lương thực cạn, hy vọng tiếp tế không có, hy vọng tăng viện cũng không. Xa xa tiếng đại bác xé màn đêm dội về. Tất cả hy vọng của tướng Lee đặt vào một vị tướng trẻ gan dạ, John Gordon, để xuất phát sáng sớm hôm sau tiến quân chọc thủng phòng tuyến bao vây của quân đội miền Bắc.

Các tranh sơn dầu về cuộc nội chiến Mỹ năm 1867. Civil war.com

Cách đó không xa, viên sĩ quan phụ tá của tướng Grant, thống lãnh quân đội miền Bắc, bước vào phòng riêng của tướng Grant để đánh thức ông dậy. Lúc ấy mới 4 giờ sáng, nhưng căn phòng trống không. Bước ra ngoài người sĩ quan trẻ thấy bóng tướng Grant đang bước tới lui, hai tay bóp trán, cố gắng làm dịu cơn nhức đầu đang hành hạ. Người sĩ quan hầu cận vội mang đến tướng Grant một tách cà phê nóng hổi. Tách cà phê dẫu có giúp cơn nhức đầu nhưng không làm giảm bớt mối căng thẳng lo âu của tướng Grant. Sau cùng tướng Grant kéo ghế ngồi, và khởi sự thảo bức thư trả lời thư mới nhận được từ tướng Robert Lee. “Tôi rất muốn hòa”, tướng Grant viết, “và mong muốn kết thúc cuộc chiến mà không phải tổn thất thêm một nhân mạng nào nữa. Nhưng cuộc hội kiến do Đại Tướng đề nghị vào 10 giờ sáng hôm nay không có một lợi ích nào cụ thể và tôi không có thẩm quyền quyết định hoà hay chiến.” Nhưng bức thư của tướng Grant đã không kịp đến tay tướng Lee. Tiếng súng đã lại bắt đầu nổ.

5 giờ sáng, sương mù còn bao phủ rặng đồi bên kia Appamatox. Loạt đạn đầu tiên xé màn sương, đánh thức sáng Chủ nhật, tiếp theo là tiếng thét tiến quân của quân đội miền nam. Từng đợt tấn công của tướng Gordon đã đánh bật tuyến phòng thủ đầu của quân miền Bắc, chiếm nhiều cỗ súng đại bác, đánh bạt hai bên mở rộng đường tiến quân, và ào ạt tiến lên đồi. Nhưng từ phiá bên kia đồi, quân miền Nam đã đụng phải một bức tường dày đặc, kéo dài hơn 2 dặm, của hai đơn vị bộ binh quân đội miền Bắc. Và ép từ phiá sau là hai đơn vị bộ binh quân miền Bắc tiến lên. Quân miền Nam bị ép vào giữa, tiến không được, lui cũng không xong, và chém vè cũng không được. Chỉ trong vòng 3 tiếng đồng hồ sau, tướng Lee được tin khấp báo của tướng Gordon “Quân sĩ của tôi đã chiến đấu hết mình. Trình Đại Tướng tôi không làm gì hơn được nữa!”.

Lập tức tướng Lee triệu tập Ban Tham Mưu thâu hẹp để quyết định hoà hay chiến. Chuẩn Tướng Alexander, mới 29 tuổi, chỉ huy đơn vị pháo binh, được tướng Lee tín cẩn, đề nghị một giải pháp thứ ba. Quân đội miền Nam sẽ tan hàng, xé nhỏ biến vào vùng đồi núi, và khởi đầu một cuộc chiến du kích lâu dài hơn. Tướng Alexander bảo đảm ít nhất là 2/3 lực lượng quân miền Nam sẽ thoát được vòng vây.

Tướng Lee ngồi im lặng, cân nhắc. Ông còn đủ lực lượng để kéo dài cuộc chiến. Và quyết định của ông sẽ ảnh hưởng không những đến số phận của quân đội miền Nam, của sĩ quan binh sĩ dưới quyền và gia đình của họ, của cuộc nội chiến Nam Bắc, mà còn cho cả số phận và tương lai của một quốc gia mới thành hình.

“Không”, tướng Lee cất tiếng, “Tôi và quý vị tướng lãnh không có quyền chỉ nghĩ đến số phận của mình. Chúng ta phải nghĩ đến tiền đồ của quốc gia nói chung. Quý vị có thể kéo vào đồi núi để khởi sự cuộc chiến du kích, nhưng con đường xứng đáng nhất còn lại cho tôi là chấp nhận đầu hàng trước tướng Grant và hoàn toàn nhận trách nhiệm về những hành vi của tôi.”

Và với lời tuyên bố đó, tướng Robert Lee, một tướng lãnh được binh sĩ dưới quyền tôn sùng tuyệt đối, đã làm một quyết định có tầm vóc lịch sử.

Tướng Lee nói với các tướng bao quanh: “Giờ đây tôi chẳng còn làm gì hơn là đến trình diện và đầu hàng trước tướng Grant.”

Và ông chuẩn bị trang phục để lên đường đi gặp Tướng Grant. Ông mặc trang phục đại lễ của một đại tướng, đeo bao tay, lưng thắt một vòng lụa đỏ, hông mang trường kiếm. “Hôm nay ta có thể bị tướng Grant bắt làm tù binh, ông giải thích với thuộc tướng, và ta muốn xuất hiện một cách trang trọng đúng với quân cách.”

Tin đến từ bản doanh của tướng Grant cho biết ông đang trên đường đến hội kiến với tướng Lee và yêu cầu tướng Lee cho biết giờ và điạ điểm hội kiến. Nghĩa là Tướng Grant, người chiến thắng, dành cho tướng Lee, kẻ chiến bại, ưu tiên chọn thời gian và địa điểm cuộc hẹn để đầu hàng. Lại một quyết định thoạt xem không đáng kể, nhưng có hậu quả lịch sử.

Tướng Lee tức khắc ra lệnh cho sĩ quan tuỳ viên lên đường tìm ngay một địa điểm thuận tiện. Và trong khi chờ đợi, tướng Lee đến ngã mình tựa lưng vào một thân cây. Tướng Lee nhắm mắt lại và thiếp đi lúc nào không hay. Ông đã thức giấc từ sớm và gần đến trưa chưa nuốt một tí gì vào bụng.

Nơi được chọn là một căn nhà nhỏ mái ngói thuộc Appamatox, một thị xã hẻo lánh nằm vào phiá Nam tiểu bang Virginia. Có độ chừng 20 căn phố, lèo tèo vài cửa hàng nhỏ, một lữ quán và toà thị xã. Khi mặt trời leo lên cao là lúc tướng Lee bước vào nơi hẹn tiếp theo một sĩ quan tuỳ viên và một sĩ quan tham mưu thuộc Bộ Tham Mưu của Tướng Grant. Tướng Lee, uy nghi trong bộ binh phục đại lễ, hông đeo trường kiếm, ngồi xuống cạnh một chiếc bàn gỗ nhỏ. Giờ đây ông đã ngồi ngay trong lòng đất đối phương. Vị tướng lãnh quý phái miền Nam bắt đầu chờ đợi, kiên nhẫn.

Vào khoảng nửa tiếng sau, tiếng giày nện lên sàn gỗ và tướng Grant bước vào. Khác hẳn với tướng Lee, tướng Grant không đeo kiếm, không mặc quân phục, quần và đôi ủng lấm đầy bùn.

Tướng Lee đứng dậy. Hai tướng lãnh đối thủ bắt tay và cùng ngồi xuống cách xa nhau. Khoảng chừng hơn mười sĩ quan tham mưu của tướng Grant đứng im lặng trong hành lang. Gương mặt của tướng Lee bất động. Để giảm không khí căng thẳng, tướng Grant mở đầu: “Tướng Lee, tôi đã gặp ngài một lần trước đây khi cả hai chúng ta đến phục vụ trong quân đội tại Mễ Tây Cơ. Tôi vẫn còn nhớ mãi lần gặp ngài đầu tiên.” “Vâng”, Tướng Lee trả lời “Tôi nhớ có gặp ngài rồi nhưng không thể nhớ rõ hơn.”

Câu chuyện có lúc chậm lại nhưng rồi tiếp tục và trở thành gần như thân mật cho đến lúc tướng Lee cắt ngang.

“Thưa tướng Grant tôi mạn phép thưa đại tướng là mục đích cuộc hội kiến giữa chúng ta để xác nhận những điều kiện để đại tướng chấp thuận sự đầu hàng của quân đội của tôi.”

Tướng Grant trả lời, “Điều kiện đầu hàng là những điều kiện tôi đã nói rõ trong thư tôi gửi Đại Tướng ngày hôm qua, nghĩa là tất cả mọi sĩ quan và binh sĩ phải buông súng đầu hàng và tất cả vũ khí, đạn dược, quân trang, quân bị phải được giao nộp như bị tịch thu.”

Tướng Lee gật đầu. Những lời nói của tướng Grant đã đánh tan nỗi lo sợ trong lòng của tướng Lee từ chập sáng. Tướng Lee nói, “Vâng, tôi cũng nghĩ rằng đó sẽ là những điều kiện mà Đại Tướng sẽ ấn định.”

Tướng Grant trả lời, “Vâng, và tôi hy vọng những điều kiện đầu hàng sẽ đưa đến sớm một cuộc ngưng bắn trên tất cả mặt trận và sẽ là phương tiện để khỏi gây thêm bất cứ một tổn thất nhân mạng nào nữa.”

Sau đó, theo lời yêu cầu của tướng Lee, tướng Grant đích thân thảo bản văn kiện chính thức đầu hàng của quân đội liên hiệp miền Nam và sau đó tự tay trao cho tướng Lee xem lại.

Chậm rãi, từ tốn, tướng Lee rút cặp kiếng đeo mắt, lấy khăn lau kỹ lưỡng, đeo kính lên và chăm chú đọc.

“…. Vũ khí, đại bác và các tài sản công phải được liệt kê, sắp xếp và giao nộp cho một viên sĩ quan do tôi chỉ định. Những vũ khí này sẽ không gồm có vũ khí cá nhân của các sĩ quan, cũng như ngựa và tư trang của họ. Sau khi hoàn tất, mọi sĩ quan và binh sĩ sẽ được phép trở về nguyên quán, và sẽ không bị quấy nhiễu bởi các cơ quan cầm quyền chừng nào họ tôn trọng lệnh đầu hàng và tuân theo luật lệ địa phương nơi họ cư ngụ.”

Lần đầu tiên trong buổi hội kiến, gương mặt của tướng Lee tươi hẳn. Như vậy có nghĩa là sĩ quan và binh sĩ dưới quyền của ông sẽ không bị giam giữ như tù binh chiến tranh. Có nghĩa là họ sẽ không bị đem ra bêu riếu diễn hành hạ nhục trên các đường phố. Có nghĩa là họ sẽ không bị mang ra toà truy tố về tội phản loạn.

Tướng Lee nói, “Thưa Đại Tướng, những điều kiện đầu hàng thế này sẽ có ảnh hưởng rất tốt với quân đội của tôi.” Và tướng Lee nói tiếp, “Nhưng thưa ngài, trong quân đội miền Nam cuả tôi, ngay cả binh sĩ khi gia nhập cũng mang theo ngựa của họ vào quân đội.”

Tướng Grant nói ông sẽ không thay đổi gì trong văn kiện đầu hàng, nhưng sẽ ra khẩu lệnh cho phép mọi binh sĩ miền Nam được phép mang ngưạ và lừa về quê quán để xử dụng trong việc trồng trọt ở các nông trại.

Nhưng Tướng Lee còn thêm một lời yêu cầu nữa. Ông trình bày cho tướng Grant biết ông còn giam giữ hơn một ngàn tù binh quân đội miền Bắc nhưng không có lương thực cung cấp cho họ và ngay chính quân đội của ông cũng không còn lương thực. Không ngập ngừng, tướng Grant đề nghị sẽ ra lệnh xuất kho cấp ngay khẩu phần cho hơn 25,000 quân sĩ của quân đội liên hiệp miền Nam. Tướng Grant hỏi, “Như vậy, đủ chưa?”

“Thưa quá đủ, quá đủ, thưa đại tướng.” Tướng Lee trả lời.

Tướng Lee đứng dậy, lần lượt bắt tay các sĩ quan trong Bộ Tham Mưu của tướng Grant, bắt tay tướng Grant, nghiêng mình chào tất cả mọi người có mặt và bước ra khỏi căn nhà.

Tướng Lee ngừng chân ở đầu cầu thang. Gương mặt nghiêm trang và buồn bã. Tay cầm bao tay và mũ lông. Ông cảm thấy cô đơn tận cùng. Tướng Lee máy móc đưa tay chào lại những sĩ quan cao cấp quân đội chiến thắng miền Bắc đang rập chân nghiêm chào ông khi ông bắt đầu bước xuống cầu thang. Với một giọng mệt mỏi, gần như thều thào, tướng Lee ra lệnh sĩ quan hầu cận đem con tuấn mã trung thành, sửa lại thế ngồi, và thúc nhẹ vào hông ngựa. Lúc ấy tướng Grant và ban sĩ quan tham mưu đã đứng sẵn ở bao lơn trước căn nhà. Khi ngựa tướng Lee rảo bước qua, cặp mắt của hai vị tướng quân chạm nhau một giây phút, họ đồng ngã nón chào. Trên bao lơn xung quanh tướng Grant và suốt trong sân trước căn nhà lịch sử, sĩ quan và binh sĩ miền Bắc đều đưa tay chào kính vị tướng bại trận quân đội liên hiệp miền Nam.

Tin đồn đầu hàng của tướng Lee tràn lan mau chóng như thuốc súng. Khắp nơi binh sĩ miền Bắc reo mừng. Họ liệng lên không trung mũ nón, giày, bao đạn, áo hay bất cứ gì tung lên được. Họ ôm nhau, hôn nhau. Các súng ống, kể cả đại bác bắt đầu nổ. Thế nhưng tướng Grant ra lệnh ngưng ngay tức khắc những biểu lộ bày tỏ của binh sĩ miền Bắc. “Rồi sẽ có ngày mừng chiến thắng”, tướng Grant giải thích, “Nhưng không phải là ngày hôm nay. Quân đội miền Nam đã đầu hàng. Nhưng chúng ta không reo mừng trên chiến bại của họ.” Điều quan trọng với tướng Grant là làm sao thắng trận mà đồng thời giữ được sự toàn vẹn của dân tộc.

4:30 chiều ngày 9 tháng 4, 1865, Bộ Trưởng Bộ Chiến Tranh tại Hoa Thịnh Đốn nhận được một điện văn ngắn ngủi của tướng Grant, “Tướng Lee đã buông súng đầu hàng quân đội miền Nam theo những điều kiện do tôi ấn định.”

Cách đó không bao xa, tướng Lee cỡi ngưạ trở về bản doanh của mình. Dọc hai bên đường, binh sĩ miền Nam nghiêm chào vị tướng lãnh mà họ tôn sùng. Nhiều người bật khóc, phủ phục bên đường. Tướng Lee cũng không cầm được nước mắt. Về đến đại bản doanh, trước mặt sĩ quan và binh sĩ đứng chờ, tướng Lee hướng về họ và nói: “Ta đã cố gắng làm tất cả những gì có thể làm được. Và nay lòng ta nặng chĩu để có thể nói gì hơn.”

Bước đi vài bước, ông dừng lại và thêm: “Các ngươi hãy trở về quê quán. Và nếu các ngươi sống được như những công dân tốt như các ngươi đã từng chiến đấu như các chiến sĩ thì các ngươi sẽ thành công rồi. Và tôi sẽ luôn luôn hãnh diện vì các anh em.” Và tướng Lee biến mình vào trong lều vải của mình.

Mặt trời bắt đầu ngã mình về phiá Tây. Một cơn mưa nhẹ dần dần bao phủ bầu trời.

Qua ngày hôm sau, ngày 10 tháng 4, 1865, Tướng Lee công bố Quân Lệnh cho Toàn Quân. Quân Lệnh được gọi là General Orders Number 9 chính thức ra lệnh đầu hàng cho đạo quân liên hiệp miền Nam. Dẫu ngắn ngủi nhưng lời lẽ đanh thép, hùng dũng oai nghiêm, bản Quân lệnh của Tướng Lee được hậu thế lưu lại như một trong những văn kiện lịch sử được tôn sùng tại miền Nam Hiệp Chủng Quốc.

Nếu điều kiện đầu hàng được hai tướng Lee và Grant ký kết tại Appamatox ngày 9 tháng 4, 1865 thì 3 ngày sau, ngày 12 tháng 4 mới là ngày quân liên hiệp miền Nam chính thức buông súng đầu hàng.

Tướng Grant ra lệnh tổ chức một lễ đầu hàng chính thức. Lệnh của tướng Grant là buổi lễ đầu hàng phải thật giản dị. Lễ đầu hàng này đã đi vào lịch sử của cuộc nội chiến Nam Bắc.

Hai đạo quân dàn đôi bên con đường dài nằm dọc theo phiá Đông Appamatox. Phiá sau là giải đồi chập chùng với những cánh rừng nhỏ và từng ngọn đồi cỏ rậm rạp. Chỉ huy cánh quân miền Bắc và điều khiển buổi lễ là tướng Chamberlain, nguyên là một giáo sư đại học, Huy Chương Danh Dự, hai lần bị thương trên chiến trường. Chỉ huy 28,000 sĩ quan và binh sĩ liên hiệp miền Nam là tướng Gordon, một trong những cận tướng can trường của Đại tướng Lee, 4 lần bị thương tại mặt trận, một lần bị trúng đạn xuyên qua mặt.

Tướng Chamberlain đã ghi lại trong hồi ký cuả mình: “Từng đoàn, từng đoàn, họ tiến bước theo nhịp quân hành, ép chặt vào nhau giống như một giòng người đội vương miện màu đỏ ối, giương cao quân kỳ và hiệu kỳ. Đây là những người mà gian lao, đau khổ, nhọc nhằn, kể cả tử thần không bẻ cong được quyết tâm của họ. Họ đứng thẳng hàng trước mặt đoàn quân chúng tôi, tơi tả, xương xẩu, nhưng hiên ngang, mắt sáng ngời chiến thắng, họ là những hình ảnh sống phản ảnh mối liên hệ thắm thiết chỉ có thể có giữa những đồng đội trên chiến trường.”

Không hề dự định trước, cũng như không hề được chuẩn y trước, tướng Chamberlain bất thần hô lớn ra lệnh, “Bồng súng chào” cho quân đội miền Bắc. Một tiếng kèn lệnh vang lên, và lập tức toàn thể đoàn quân miền Bắc bồng súng lên vai, tiếng báng súng rập khuôn vang lên.

Phiá đối diện, tướng Gordon thúc nhẹ con tuấn mã khụy hai chân trước xuống, người và ngựa cùng cúi đầu, gươm tuốt trần chúc mũi trong một giáng đìệu hùng vĩ tuyệt vời. Cùng lúc, đoàn quân miền Bắc chuyển qua bồng súng nghiêm chào. Họ chào những “anh hùng bại trận”, họ bày tỏ sự kính trọng của những người Hoa Kỳ đối với những người Hoa Kỳ.

Và phiá hàng quân miền Bắc tiếp tục giữ đúng thế nghiêm. Không có thêm một tiếng kèn. Không có một tiếng trống. Không có một tiếng hô chiến thắng. Không có một tiếng nói. Không cả một tiếng thầm thì. Mà chỉ còn là một hàng quân im phăng phắc. Mọi nhịp thở như ngừng lại.

Buổi lễ đầu hàng kéo dài 7 tiếng đồng hồ. Gần 28,000 người, trên 100,000 tấn vũ khí, đạn dược, quân kỳ, hiệu kỳ lần lượt bỏ xuống. Từng đơn vị tiến lên, gác súng, tháo bao đạn, và xếp súng xuống. Kế đến họ trìu mến cuốn hay xếp quân kỳ, hiệu kỳ, lắm cái tơi tả và nhuộm máu đã khô và khẽ đặt nhẹ xuống mặt đất.

5 ngày sau khi tướng Lee đầu hàng, một biến cố xảy ra làm rung động nước Mỹ. Ngày 14 tháng 4, 1865, ngày thứ sáu tuần thánh, tổng thống Abraham Lincoln bị ám sát, bộ trưởng Bộ Nội Vụ bị thảm sát, Phó Tổng Thống Andrew Johnson bị ám sát hụt. Cả nước Mỹ, chưa ra khỏi hoàn toàn cuộc nội chiến, lâm vào vực thẳm một cuộc nội loạn. Nhưng cuộc nội loạn đã không xảy ra. Như một phép lạ mầu nhiệm, nước Mỹ đã vươn mình ra từ cuộc nội chiến, một loại chiến tranh tàn khốc nhất cho đời sống các dân tộc, và từ đó trở thành một cường quốc trên thế giới. (PQT)

-----------------------------------------------------------------------------------------

source

Viet Tribune Online

Và Chúa Khóc



Đức Hà
OneViet.com

OKLAHOMA CITY – Không như tượng Chúa Giê-Su thường thấy ở những nơi khác, pho tượng đấng cứu rỗi cao cả đặt tại góc Harvey và đường số 5th ở Oklahoma City, lại quay mặt vào tường, đầu gục xuống, tay trái nắm chặt đè lên tim, tay phải bụm mặt. Chúa khóc. Người ta có cảm tưởng như toàn thân Ngài run rẩy với tiếng nấc nghẹn. Hãi sợ và kinh hoàng cho sự ác độc dã man đến cùng cực của loài người. Cạnh đó, những hàng cột đá đen sừng sững, lạnh tanh, vô cảm. Ngài không dám ngoảnh lại vì phía sau, ngay phía bên kia đường là hệ quả hãi hùng của một hành vi thù hận, là mồ chôn tập thể của 168 nhân mạng vô tội ngày Thứ Tư 19 tháng Tư, 1995. Bệ đá phía dưới hai bàn chân đất của Chúa có khắc hàng chữ “And Jesus Wept.”
Thấm thoát đã 14 năm.

Tưởng Niệm

Nếu bên kia đường Chúa khóc than thì bên này là một sự lặng yên đến rợn người. Hai bức tường vĩ đại, được thiết kế giống như vách ở hai đầu tòa nhà Alfred P. Murrah Federal Building nay không còn nữa, chấn ngang đoạn đường số 5th giữa Harvey và

Robinson. Trên cao nổi bật hàng chữ vừa nhắc nhở vừa an ủi “Chúng ta đến đây để tưởng nhớ những người đã bị bức hại, người sống còn và người đã đổi thay vĩnh viễn. Cầu mong cho tất cả những người khi rời khỏi nơi này thấu hiểu hậu quả của bạo tàn. Cầu mong đài tưởng niệm này mang lại sự an ủi cùng nghị lực, bình an, hy vọng và niềm thanh thản.” Chỉ trong ba phút oan nghiệt từ 9:01 đến 9:03 sáng ngày 19, tòa nhà chín tầng mang tên vị thẩm phán được xem là gương mẫu và lỗi lạc của hệ thống tư pháp Mỹ bị phạt ngang mất 1/3 mặt tiền. Bỗng dưng trong giây phút ngắn ngủi, nơi đây trở thành chỗ an nghỉ vĩnh cửu của 168 nhân mạng trong đó có 19 trẻ em, không kể ba thai nhi còn trong bụng mẹ và một cái giò có thể là của nạn nhân số 169 không xác minh được. Thêm vào đó là 853 người bị thương tích từ nhẹ đến nặng, thoát chết trong kẽ tóc. Theo lý luận của người đặt bom, từng là quân nhân đã tuyên thệ bảo vệ tổ quốc Hoa Kỳ, thì “Khi chính quyền sợ nhân dân thì chúng ta có tự do. Còn khi người dân sợ nhà nước sẽ nẩy sinh ra độc tài chuyên chế,” vì thế cho nổ một tòa nhà liên bang là lời cảnh báo phản ứng lại chính quyền độc đoán, đặc biệt chú trọng đến cách thức cơ quan an ninh giải quyết vụ Waco, vụ Ruby Ridge trước đó. Căm thù chế độ tức hận thù FBI, US Marshals, DEA, ATF … và tòa nhà ở Oklahoma lại có đầy đủ các yếu tố thuận lợi để cho nổ, nơi đặt nhiều cơ quan công lực liên bang, lại vừa giết hại được tối đa do toàn bằng kiếng, lại có không gian rộng rãi chung quanh để sau đó tiện cho truyền thông quay phim chụp hình. Thế là 6,200 pounds phân bón hóa học được chế biến thành chất nổ (tương đương 5,000 pounds TNT) trị giá không tới 5 ngàn đã gây thiệt hại cho ít nhứt 652 triệu đô-la và hệ lụy cho biết bao nhiêu người.

Khoảng trống do vụ phá hoại gây ra giờ đây là khu tưởng niệm trang trọng đầy ý nghĩa. Bức tường thời gian - Gates Of Time, 9:01 phía Đông và 9:03 phía Tây được ngăn cách bởi một hồ nước trong vắt. Tất cả như chìm đắm trong một không gian thoáng mát tĩnh mịch. Tiếng nước róc rách chảy nhẹ nhàng ở bốn cạnh hồ như muốn cuốn đi tiếng rên xiết đau thương oan ức của người quá vãng và xoa dịu lòng căm phẫn của người sống. Những đợt gió nhẹ luồn xuyên qua rừng thông xanh xào xạc phản chiếu trên mặt hồ phẳng lặng yên ắng. Trên bãi cỏ nhung mịn màng dốc thoai thoải là 168 chiếc ghế đá với tựa lưng bằng đồng đặt trên bục thủy tinh trong suốt, tượng trưng cho chiếc ghế trống tại bàn ăn gia đình các nạn nhân. Mỗi chiếc ghế đều có ghi khắc tên của một oan hồn mà người vào xem có cảm giác như vẫn còn ẩn khuất đâu đó chờ đêm đến lại hiện về. Vào ban ngày, những chiếc ghế tạo thành ảo tưởng như nổi bồng bềnh trên thảm cỏ và khi màn đêm buông xuống, ánh sáng từ đáy bục thủy tinh chiếu lên càng làm cho cảnh vật thêm huyền ảo lung linh. Không phải bạo lực có thể hủy hoại tất cả bởi vì đối diện với chín hàng ghế là The Survivor Tree cây cổ thụ chứng nhân của vụ nổ bom. Cho dù vạn vật đổi thay, cây vẫn tồn tại, trơ gan cùng tuế nguyệt. Cây vẫn đứng nơi đây từ hơn 90 năm. Cạnh gốc cây người ta đọc được hàng chữ: “The spirit of this city and this nation will not be defeated; our deeply rooted faith sustains us.”
Không tính vụ tấn công ngày 11 tháng Chín, 2001, thì cuộc khủng bố của nội thù tại trung tâm thành phố Oklahoma City tháng Tư, 1995 được xem vụ sát hại kinh hoàng nhứt lịch sử Hoa Kỳ.

Chuẩn Bị

Hai kẻ chủ mưu chính đã chuẩn bị hành động từ 1988 khi cùng theo học căn bản quân sự tại trung tâm huấn luyện Fort Benning của Bộ Binh Hoa Kỳ. Họ cùng có tư tưởng chống chính quyền, chống lại việc kiểm soát vũ khí, và bất bình về việc cơ quan an ninh sử dụng võ lực để giải quyết các vụ chống đối của giáo phái Davidian ở Waco, Texas năm 1993 và của một thành viên thân nhóm neo-Nazi Aryan Nations ở Ruby Ridge, Idaho năm 1995. Lúc đầu hai người chỉ định phá nổ một tòa nhà liên bang, nhưng sau đó đổi ý và phối hợp hai mục tiêu cùng lúc, tức vừa nổ bom một trụ sở cơ quan liên bang vừa giết hại được càng nhiều nhân viên chính quyền càng tốt. Theo lời khai báo sau này, người ta được biết thủ phạm cho rằng các cá nhân có thể vô tội, nhưng lại có tội vì phục vụ cho một thể chế xấu xa.
Và không may cho Oklahoma City, tòa nhà Alfred P. Murrah được chọn. Đúng 9 giờ 2 phút sáng ngày 14, một chiếc truck Ryder màu vàng chứa 6,200 pounds chất nổ gây thành chấn động 3.0 trên thang đo Richter, đã làm thay đổi hoàn toàn nước Mỹ. Không đầy 90 phút sau, thủ phạm bị chận bắt vì điều khiển một chiếc xe thiếu bảng số và mang súng bất hợp pháp. Đó cũng là phút tự do cuối cùng của một ác quỷ, người làm Chúa phải quay lưng và khóc từ 14 năm nay và mãi mãi.
Tên họ: Timothy McVeigh tử hình ngày 11 tháng Sáu, 2000, tuổi đời 32.

Vào Chủ Nhật 19 tháng Tư năm nay, Hoa Kỳ và thành phố Oklahoma City sẽ tưởng niệm năm thứ 14 ngày nổ bom. Buổi lễ bao gồm cầu nguyện do nhiều tôn giáo chủ trì, đọc trích đoạn kinh cầu siêu, nhạc đạo với Jani Smith và 168 phút im lặng tưởng nhớ những người khuất bóng Xem thêm chi tiết tại đây
source
Onviet

Wednesday, 12 August 2009

'Nhận hình phạt tàn khốc nhất'



'Nhận hình phạt tàn khốc nhất'

Đồng chí Duch, tên thật là Kaing Guek Eav

Ông Kaing Guek Eav, biệt danh Đồng chí Duch, xin các nạn nhân tha thứ

Một thành viên hàng đầu của Khmer Đỏ đã yêu cầu nhận hình phạt nặng nhất tại phiên tòa xử tội ác chiến tranh ở Campuchia.

Kaing Guek Eav - được biết nhiều hơn qua biệt danh Đồng chí Duch - nói với phiên tòa do Liên Hiệp Quốc bảo trợ rằng ông ta nhận trách nhiệm cho nỗi đau khổ của một triệu người Campuchia đã mất vợ, mất chồng trong giai đoạn Khmer Đỏ cầm quyền.

Đồng chí Duch đứng đầu trại tù S-21 khét tiếng của Khmer Đỏ ở Phnom Penh.

Trước đó ông ta đã nhận tội tra tấn và hành quyết hàng ngàn tù nhân.

'Hình phạt'

Một bản tuyên bố của Kaing Guek Eav nói: "Tôi muốn người dân Campuchia dành cho tôi hình phạt tàn khốc nhất."

Ước tính có tới 16.000 người đã bị tra tấn và giết trong thời kỳ Đồng chí Duch cai quản trại tù giai đoạn 1975-1979.

Sau này, ông Duch trở thành người Kitô giáo, làm việc cho các tổ chức cứu trợ quốc tế sau khi Khmer Đỏ bị lật đổ.

Hôm thứ Tư, ông nhắc lại chi tiết Chúa Jesus đã bị ném đá trước lúc chết vì đóng đinh trên thập giá.

Ông nói: "Nếu người Campuchia làm theo hình phạt truyền thống này, họ có thể làm với tôi. Tôi chấp nhận."

Duch là một trong năm nhân vật cao cấp của Khmer Đỏ ra tòa và là người duy nhất nhận trách nhiệm vì hành động của mình.

Phiên tòa xử ông bắt đầu hồi tháng Ba và dự kiến kết thúc cuối năm nay.

Trong phiên xử hôm thứ Tư, nhân chứng, bà Bou Thon, 64 tuổi, kể lại rằng chồng bà là tài xế ở Bộ Công nghiệp của Khmer Đỏ, và bị tố cáo phản bội rồi đưa vào trại S-21.

Chồng và bốn đứa con của bà mất tích, và bà tin rằng tất cả đã chết ở địa điểm Choeung Ek, được biết tới qua tên Cánh đồng Chết, nơi các tù nhân trại S-21 bị đưa tới để hành hình.

Bà khóc trước tòa, nói rằng bà cố quên và tha thứ, nhưng không thể.

-----------------------------------------------------------------------

source

BBC Vietnamese

Saturday, 8 August 2009

Tân Chủ Tịch Hạ Viện Hoa Kỳ: Nancy Pelosi



Ngọc Thụy
OneViet.com

Lần đầu tiên một phụ nữ đại diện cho District 8 ở San Francisco11 lần liên tiếp, đã bầu chọn vào chức Chủ Tịch Hạ Viện Hoa Kỳ, người thứ hai có thể làm tổng thống Hoa Kỳ sau phó tổng thống.
“Tôi nhận chiếc búa chỉ huy này trong tinh thần cùng hợp tác, chứ không phe nhóm, và ước mong cùng làm việc với quý vị thay mặt toàn thể nhân dân Hoa Kỳ. Trong Hạ Viện này, chúng ta có thể thuộc đảng phái khác nhau, nhưng chúng ta cùng phục vụ một đất nước,” bà Nancy Pelosi phát biểu khi nhận chức vụ mới, bài tường thuật của AP cho biết.
Cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đều cam kết hợp tác vượt qua những bất đồng và chia rẻ đảng phái từ nhiều năm qua để đưa Quốc Hội thứ 110 đến thành công.
Bà Pelosi nói tiếp “Đây là một biến cố lịch sử cho Quốc Hội Hoa Kỳ và cho phụ nữ tại đất nước này. Đây là thời điểm mà chúng ta đã chờ đợi từ hơn 200 năm nay.”

Với tỉ lệ 233 dân biểu Dân Chủ so với 202 thuộc Cộng Hòa, Hạ Viện nay do đảng Dân Chủ kiểm soát lần đầu tiên kể từ 1994 cho thấy người dân Mỹ muốn có đổi thay.
“Kết quả bầu cử năm 2006 là lời kêu gọi sửa đổi – không phải chỉ thay quyền kiểm soát tại Hạ Viện, mà phải hướng đất nước theo một hướng mới. Không nơi nào người Mỹ muốn có hướng đi mới hơn là ở Iraq. Nhân dân Mỹ bác bỏ mối cam kết không giới hạn cho một cuộc chiến không có lối ra,” bà Pelosi nhấn mạnh.

Tại Thượng Viện, tỉ số đại biểu (hai đại biểu cho mỗi tiểu bang) cũng chênh lệch với 51 Dân Chủ - 49 Cộng Hòa, trong đó có 49 thuộc Dân Chủ, 49 Cộng Hòa và hai độc lập, nhưng cả hai đều đứng về phía Dân Chủ.
Quốc Hội Hoa Kỳ khóa họp thứ 110 với Dân Chủ nắm quyền đã mở ra chương mới trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Bush khi ông hoàn tất hai năm còn lại trong lúc chính quyền bị chia rẽ.

Dân Biểu Nancy Pelosi, thuộc gia đình gốc Ý họ D’Alesandro theo đạo Thiên Chúa, sinh ngày 26 tháng Ba, 1940 tại Baltimore, Maryland. Bà Pelosi tốt nghiệp đại học Trinity Washington University ở Washington D.C., nơi bà gặp và cưới ông Paul Pelosi và sau đó chuyển về sinh sống tại quê chồng ở San Francisco. Bà có năm người con, bốn gái và một trai. Theo Wikipedia tài sản của gia đình Pelosi lên đến hơn 25 triệu đô la.

Xem thêm chi tiết tại: http://www.house.gov/pelosi/

source

http://www.oneviet.com/archives/2007/01/tan_ch_tch_h_vin_hoa_k_nancy_p.php#more

Friday, 7 August 2009

Mười Năm của Putin

August 07, 2009

Mười Năm của Putin

Nguyễn Xuân Nghĩa-Việt Tribune

Khi Trùm Cớm thành Ông Trùm

Tuần qua, ngày sinh nhật của Tổng thống Barack Obama – sinh nhật đầu tiên trong Phủ Tổng thống của một tổng thống gốc da đen đầu tiên của Mỹ – có tiếng vang của một cái pháo tẹt. Chuyện không có gì mà ầm ĩ, dù truyền thông Mỹ có ra sức thổi ống đu đủ lên tới trời xanh.

Một ngày kỷ niệm khác mới đáng ghi nhớ, vì làm thay đổi cục diện thế giới.

Mùng tám Tháng Tám, Liên bang Nga mở cuộc tấn công vào hai khu vực tự xưng là ly khai của Georgia. Kể từ ngày đó, một năm đã qua rồi mà Georgia vẫn như cá nằm trên thớt, và có thể sẽ bị xẻo thịt một đợt nữa trong những ngày tới! Công trình sư của biến cố ấy là Thủ tướng Vladimir Putin. Tuần này, ông lặng lẽ kỷ niệm một biến cố khác…

Mười năm về trước, ngày chín Tháng Tám, Vladimir Putin được Tổng thống Boris Yeltsin bổ nhiệm làm một trong ba Đệ nhất Phó Thủ tướng (!) của Nội các Sergei Stepashin. Cùng ngày đó, Thủ tướng Stepashin Yeltsin bị cách chức – chủ yếu vì thiếu nhiệt tình trong cuộc chiến tại Chechnya – Putin lên xử lý thường vụ. Lập tức Yeltsin tuyên bố sẽ chọn Putin làm người kế vị. Đến cuối ngày, Putin tuyên bố sẽ ra tranh cử Tổng thống….

Ngần ấy diễn biến dồn dập nội trong một ngày đã có âm hưởng của một cuộc đảo chánh của phe an ninh và quân đội sau khi Liên bang Nga có năm Thủ tướng trong 18 tháng. Từ mùng chín Tháng Tám năm 1999, nước Nga đã bước qua ngả khác. Vì thế mới có vụ tấn công Georgia vào năm ngoái.

Chúng ta nên nhìn lại chuyện này, một biến cố có ý nghĩa và rất đáng suy ngẫm….

***

Thử Tướng Nga Putin gặp gỡ Thủ Tướng Thổ Nhĩ Kỳ tại thủ đô Ankara ngày 6 tháng 8, 2009. POOL/AFP/Getty Images

Trong 10 năm liền sau 1989, cả thế giới và nhất là các nước Tây phương cứ mong là sau khi khối Xô viết khủng hoảng rồi tan rã, Liên bang Nga sẽ tiến dần ra chế độ dân chủ và cải cách theo kinh tế thị trường. Là một chính khách có bản lãnh, Boris Yeltsin không thực hiện nổi việc đó.

Di sản đáng nói nhất của ông không phải là đã cải tổ kinh tế cho một số tài phiệt có cơ hội chia chác tài sản quốc gia mà đã nhìn ra chân tướng của Vladimir Putin. Khi dọn đường cho Putin, ông được rút lui êm thắm để ra đi nhẹ nhàng trong vòng tay của Lưu Linh.

Kể từ đấy, Putin đưa nước Nga về chốn cũ... Còn chuyện dân chủ thì vẫn là giấc mơ.

Vì sao như vậy?

Vì Liên bang Nga là một lục địa bát ngát, có diện tích rộng gấp đôi lãnh thổ Hoa Kỳ, trải ngang 11 múi giờ trên mặt địa cầu. Nhưng là một lục địa không may. Sự nghèo khổ của Nga là cái nghiệp vì địa dư hình thể không thuận lợi cho canh tác và chuyển vận – như trường hợp Âu Châu và Hoa Kỳ hoặc miền Đông của Trung Quốc. Con sông lớn duy nhất có thể đẩy giang thuyền và hàng hóa từ nơi này qua nơi khác thì chỉ đẹp trong thi ca. Đó là sông Volga, thường bị đóng băng vì lạnh, lại chảy vào biển Caspian bị tù trong lục địa và có vị trí kinh tế thương mại rất thấp.

Nước Nga chỉ có thể tồn tại khi con người bước vào việc khai sông xẻ núi.

Con người ở đây là triều đình, Bộ Chính trị hay Chính quyền. Tải sản của quốc gia vì vậy được đầu tư vào chuyển vận, nếu không thì dân đói và nổi loạn – là chuyện đã từng xảy ra. Và ngoài Moscow, những trung tâm thị tứ lớn của Nga thường do con người xây dựng trên các trục giao lưu nhân tạo. Với địa hình địa vật ấy, việc kỹ nghệ hoá để canh tân xứ sở là bài toán mà Hoa Kỳ và Âu Châu không gặp nên khó mường tượng ra.

Việc sản xuất lương thực để đưa tới từng nhà cho xứ sở khỏi loạn là yếu tố tự nhiên dẫn tới nạn trưng thu và bóc lột nông dân, từ khi chủ nghĩa cộng sản chưa xuất hiện. Khi chủ nghĩa này được áp dụng tại Nga thì nó... vận hành đúng quy luật nhờ điều kiện thiên nhiên ấy. Và nhờ vậy mà có góp phần công nghiệp hoá nước Nga – bằng núi xương sông máu. Đó là thành tích của Stalin.

Nhiều người lý tưởng có thể khó chịu khi thấy nói rằng địa dư hình thể Nga là yếu tố giải thích chế độ tập trung quản lý và độc tài sắt máu. Nghĩa là hàm ý xá tội cho bạo chúa. Thực tế là con người vẫn bị chi phối bởi điều kiện thiên nhiên và 10 năm thử nghiệm dân chủ của Yeltsin có phần nào cho thấy sự thật đó. Nước Đức có thể đã rơi vào chế độ độc tài khát máu, của cả chủ nghĩa phát xít lẫn cộng sản, mà vẫn thoát ra được.

Nga thì không.

***

Cộng đồng dân tộc nào cũng muốn được tồn tại với bản sắc của mình và phải nương vào thiên nhiên để phòng thủ, tự vệ. Sống trên các vùng đất trống trải không có núi rừng bảo vệ hay sông nước để phòng ngự và chuyển quân, thì rất dễ bị ngoại xâm và bị đồng hoá, rồi tiêu vong. Dân ta có thể hiểu điều ấy từ khi còn sinh sống tại lưu vực sông Cả, sông Mã và nương vào hang động ở cuối rặng Trường Sơn để mình vẫn là mình. Nước Nga không được như vậy.

Xứ sở này không có biên giới thiên nhiên – như “hải đảo” Hoa Kỳ hay “lục địa” Trung Quốc, được đại dương hay núi rừng bảo vệ – mà là vùng đất trống trải. Ba rặng núi lớn nhất, từ Tây qua Đông là vùng Carphatian, Caucasus rồi rặng Thiên Sơn (tại Trung Á) là ba tấm bình phong quá hẹp. Ngoài ra, chỉ có đầm lầy bên Tây Bá Lợi Á. Còn lại là một sự trống trải vô bờ. Vì vậy, dân Nga không thể quên được các đợt tấn công của Mông Cổ, Napoleon hay Đức Quốc xã trong lịch sử.

Ngoài chuyện địa dư hình thể đã dẫn tới chế độ kinh tế tập trung thì nhu cầu an ninh cũng khiến Nga luôn luôn nghĩ tới việc thiết lập các vùng trái độn quân sự và trưng binh đồn trú khấp nơi. Không một quốc gia nào trên thế giới lại phải tốn kém như xứ này để nuôi một đạo quân lớn lao như vậy. Và chính quyền trung ương – Bộ Chính trị thời Xô viết – càng củng cố vùng trái độ thì quốc gia càng kiệt quệ.

Mà trong các vùng trái độn ấy, sắc tộc Nga la tư phải chung sống với nhiều sắc dân khác.

Làm sao chung sống trong thế mạnh nếu không đàn áp, tiêu diệt hay khuynh đảo các sắc dân này? Từ thời Stalin rồi, nhiều cộng đồng thiểu số bị bứng gốc và đầy qua nơi khác sinh sống trong khi dân Nga được đưa về làm chủ nhiều khu vực của vùng phiên trấn, từ biển Baltic phía Bắc đến Trung Âu hay Trung Á phía Nam. Trong những vùng trái độn có đặc tính xôi đậu ấy, an ninh và tình báo trở thành yêu cầu tất yếu. Hệ thống mật vụ được định chế hoá, với bàn tay cực kỳ thô bạo, để dẹp yên mọi mầm loạn, về cả chủng tộc lẫn ý thức hệ.

Nhân đây, cần nhắc lại là bốn chục năm về trước, hai đại trí thức Nga là Andrei Sakharov và Alekxandr Solzhenitsyn đã gián tiếp tranh luận về bài toán ấy. Nhà vật lý Sakharov thi cho rằng ý thức hệ Cộng sản là nguyên nhân của các tai họa và nếu từ bỏ chủ nghĩa cộng sản, nước Nga sẽ có một tương lai khá hơn. Văn hào Solzhenitsyn suy luận hơi khác vì nhìn thấy thuộc tính độc tài trong văn hoá Nga. Ông muốn tìm giải pháp cứu rỗi sâu xa hơn ý thức hệ, trong tôn giáo và tư tưởng văn hoá. Cả hai đều có lý, nhưng có lẽ con người nhân văn Solzhenitsyn bắt được cái thần của nền văn hoá chuyên chế đó.

Và cả hai đều là nạn nhân của một thuộc tính khác, là chế độ mật vụ.

Chế độ này đã hiện hữu từ thời các Sa hoàng và hệ thống hoá trong thời cộng sản – cho đến ngày nay… Chính là hệ thống quản lý tập trung, phòng ngự quân sự và cai trị bằng mật vụ mới đưa tới hiện tượng đặc thù của xứ này: lãnh đạo Nga cần mật vụ và đồng hóa với mật vụ, dưới rất nhiều tên gọi khác nhau. Nổi tiếng nhất là KGB.

Trẻ trung nhất trong thế giới đó có Vladimir Putin, người lọt mắt xanh của Boris Yeltsin.

***

Mười năm về trước, khi Putin được đưa lên làm Thủ tướng thứ sáu của Liên bang Nga trong có một năm rưỡi, ít ai tin là ông sẽ tồn tại quá một con trăng, huống hồ lên làm Tổng thống, Vậy mà Putin đã đắc cử, làm Tổng thống hai nhiệm kỳ và gồm thâu thiên hạ về một mối để giành lại thế lực đã mất của nước Nga. Ông có trình độ nghiệp vụ thích hợp cho nhu cầu!

Putin không thuộc loại tài phiệt, chuyên gia hay chính khách thư lại của hệ thống cũ mà là một người yêu nước… theo kiểu mật vụ. Ông nắm vững thông tin và kỹ thuật tổ chức để hiện đại hoá hệ thống bảo vệ bằng công an và tập trung quyền lực thiết yếu vào điện Kremlin. Kinh tài, tuyên truyền hay an ninh, quân đội, v.v… ngần ấy cơ chế đều có chức năng ưu tiên là xây dựng sức mạnh cho chế độ đã.

Vì vậy, trong 10 năm liền, Vladimir Putin đã làm nước Nga thay đổi, ổn định hơn thời Yeltsin, mà hà khắc và lưu manh hơn. Với hệ thống cai trị ấy, thế lực kinh tế của Nga không thể thay đổi và xứ này vẫn là một quốc gia chậm tiến. Nhưng khả năng bảo vệ chế độ và gây hấn với bên ngoài thì đã khác xưa.

Khi Phó Tổng thống Joe Biden của Hoa Kỳ lên giọng khinh miệt sức mạnh kinh tế Liên bang Nga (xin đọc lại bài “Liên bang Nga – Thế và Lực – Joe Biden nói đúng mà có khi… nghĩ sai” trên cột báo này vào tuần trước), ông chỉ nhìn thấy một phần của vấn đề. Nhờ hệ thống mật vụ của nó, chế độ này có thể tồn tại lâu hơn và gây họa nhiều hơn. Trong một quốc gia mà các phần tử ưu tú lại tập trung vào việc bảo vệ an ninh thì xã hội không tiến được và người dân sẽ còn khổ. Nhưng đấy là vấn đề của dân tộc Nga. Vấn đề của thế giới là sự tồn tại của Putin và những người sẽ kế tục sự nghiệp của ông ta: họ suy nghĩ và hành xử như Trùm Cớm, theo những quy luật khác.

Mười năm sau khi ngôi sao Putin xuất hiện, và nay vẫn còn sáng, mình cũng nên nhìn vào góc tối đó của nước Nga…. Khi ấy, may ra thì ta hiểu được võ công của Kim Chính Nhật tại Bắc Hàn và màn biểu diễn của nguyên Tổng thống Bill Clinton khi ông “vận động” để đón về hai nhà báo gốc Mỹ bị mật vụ Bắc Hàn bắt giữ – rồi ân xá đúng lúc! Tào lao! [NXN]

-----------------------------------------------------------------

source

Viet Tribune Online

Hậu trường vụ Clinton thăm Bắc Hàn

August 07, 2009

Hậu trường vụ Clinton thăm Bắc Hàn

KIM GHATTAS/BBC

Đó là một chuyến đi giải cứu kịch tính, với sự kết hợp của các nhân vật ấn tượng cùng đầy đủ chi tiết cho một cuốn tiểu thuyết trinh thám.

Một vị cựu Tổng thống đầy sức cuốn hút bay qua Thái Bình Dương để giải cứu cho hai cô gái đang lâm nạn.

Cựu TT Hoa Kỳ Bill Clinton, trước trái, chụp ảnh với Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong IL, trước phải, tại Bình Nhưỡng (PyongYang) ngày 4 tháng 8, 2009.KNS/AFP/Getty Images

Một cuộc gặp gỡ với một lãnh đạo kỳ bí, ẩn dật tại một đất nước hầu như bị cô lập với phần còn lại của thế giới.

Một nhân vật nổi tiếng của Mỹ tới nơi để giải quyết khủng hoảng, trong khi phu nhân của ông – hiện là nhà ngoại giao hàng đầu của đất nước – cũng có chuyến công cán nước ngoài.

Sứ mạng của ông Clinton tới Bắc Hàn nhằm giải thoát cho hai nữ phóng viên Mỹ bị cầm tù – Laura Ling và Euna Lee – còn cho thấy một cái nhìn đối với lối ngoại giao hậu trường, cách tiến đến một thỏa thuận và là lời nhắc nhở về vai trò của các cựu Tổng thống Hoa Kỳ.

Tại một thành phố, nơi mà việc rò rỉ thông tin cho báo chí là ‘chuyện thường ngày ở huyện’ , mọi người tham gia vào sứ vụ này đều hết sức kín kẽ về chuyến đi – thậm chí cả sau khi ông Bill Clinton đã hạ cánh – từ các quan chức Tòa Bạch Ốc đến Bộ Ngoại giao giúp đỡ thương lượng và lên kế hoạch cho chuyến đi, tới đội ngũ các cựu quan chức và cộng sự đi cùng với ông Clinton.

‘Nghỉ hưu đi mua sắm’

Bà Hillary Clinton cũng không hé lộ về chuyện này . Trên thực tế, trong khi người ta còn đang hoàn tất các khâu chuẩn bị cho chuyến đi của chồng bà, tức khoảng hôm 25/7, bà còn tham gia vào cuộc khẩu chiến với Bắc Triều Tiên.

Sau khi chỉ trích giới lãnh đạo Bắc Hàn là “những đứa trẻ bất trị” chỉ muốn làm người khác chú ý, bà Clinton bị Bình Nhưỡng gọi là một “quí bà không thông minh”, và một “người nghỉ hưu” nên dành thời gian đi mua sắm.

Mặc dù Tòa Bạch Ốc khẳng định chuyến thăm của ông Clinton là một sứ mệnh nhân đạo riêng tư, chính quyền đã kiểm soát chặt việc thương thảo.

Từ trái, Cựu TT Clinton, Cựu PTT Al Gore, cô Laura Ling và cô Euna Lee trong ngày đoàn tụ 5/8/2009 tại Burbank, California. Robyn Beck/Getty Images

Truyền thông Mỹ cho biết các quan chức liên quan bao gồm cố vấn an ninh quốc gia, tướng James L Jones và chuyên gia hàng đầu của Hội đồng an ninh quốc gia về khu vực là Jeff Bader.

Một quan chức Mỹ còn nói Bắc Hàn đã đảm bảo trước khi ông Clinton đi Bình Nhưỡng rằng họ sẽ trả tự do cho hai phụ nữ này.

Hoa Kỳ và Bắc Hàn không có quan hệ ngoại giao, nhưng thường liên lạc qua các kênh tại Liên Hiệp Quốc cũng như qua nhiều nguồn trung gian khác.

Hiện vẫn còn nhiều thông tin trái ngược về tiến trình sự kiện, nhưng có vẻ như việc chọn ông Bill Clinton làm đặc sứ là do chính Bắc Hàn đề nghị.

Bắc Hàn được biết đã nói với hai nữ phóng viên là điều này giúp cho họ được trả tự do.

Cô Ling và cô Lee nay đã được đoàn tụ với gia đình. Các gia đình, về phần mình, đã thông báo lại bộ Ngoại giao thông qua cựu phó Tổng thống Al Gore.

Một quan chức Mỹ nói Tổng thống Barack Obama đã đề nghị ông Clinton lãnh sứ mạng này.

Gần như xin lỗi

Sau khi hạ cánh xuống Burbank, California, cô Ling kể chuyện cô và đồng nghiệp Lee được gác ngục thông báo họ sẽ đi tới một buổi gặp gỡ, và khi họ vào một căn phòng thì thấy cựu Tổng thống Mỹ đang đứng trước mặt.

Hai phóng viên này tháng trước đã xin lỗi, thông qua một tuyên bố tới gia đình, vì đã vượt biên giới bất hợp pháp vào Bắc Hàn từ Trung Quốc.

Hai phóng viên Laura Ling, trái, Euna Lee xúc động trong ngày trở về, giữa là Cựu TT Clinton. Gabriel Bouys/AFP/Getty Images

Ngày hôm sau, bà Hillary Clinton nhắc lại thông điệp này trong một diễn văn trên truyền hình – nhưng không hẳn là một lời xin lỗi của Washington, chỉ gần gần như thế, đủ để đưa đến một quá trình dẫn tới việc cuối cùng trả tự do cho hai phóng viên này.

Chính quyền Obama bác bỏ các tin tức trên truyền thông Bắc Hàn nói rằng ông Clinton đã xin lỗi thay mặt cho hai nữ phóng viên này. Các quan chức cũng nói họ không đưa ra nhân nhượng gì cho phía Bắc Hàn.

Tuy nhiên, đối với chính quyền theo đường lối bí mật Bắc Hàn cùng vị lãnh đạo ốm yếu luôn muốn được Washington chú ý và công nhận, chuyến thăm của cựu Tổng thống Mỹ – người lại là phu quân của Ngoại trưởng hiện nay – tự nó đã là một sự nhân nhượng.

Suy cho cùng, họ đã bác bỏ mọi đề nghị tiến cử những người khác làm đặc sứ, mà lại đề nghị muốn giải quyết vụ này với ông Clinton.

Bức hình Kim Chính Nhất mỉm cười khi ngồi cạnh ông Clinton nghiêm nghị cũng giúp cho lãnh đạo Bắc Hàn được dịp tự quảng bá hình ảnh của mình ở trong nước, vào lúc tin cho hay ông ta đang ốm yếu và chuẩn bị chuyển giao quyền lực cho người con thứ ba.

Tuy nhiên, có thể đã có đánh giá rằng đây là một sự nhượng bộ mà Washington có thể đưa ra, vì chính quyền ông Obama cũng chẳng mất quyền lợi chính trị gì mà vẫn giữ khoảng cách khi gửi đi một cựu lãnh đạo thay vì một quan chức đang nắm quyền.

Đây là quyết định, có lẽ đã được dự kiến trước, rằng sẽ bị giới bảo thủ chỉ trích.

Ông John Bolton, đại sứ của chính quyền Bush tại Liên Hiệp Quốc, nói chính quyền Obama đang tưởng thưởng cho Bắc Hàn vì hành vi xấu chơi.

Trong một bài xã luận, ông Bolton viết: “Cho dù đã có hàng thập niên cả hai đảng của Mỹ đều đưa ra tiếng nói là không thương lượng với khủng bố để đòi trả tự do cho con tin, có vẻ như chính quyền Obama không chỉ chọn cách thương lượng, mà còn gửi đi một vị cựu Tổng thống để làm chuyện này”.

Tuy nhiên, Bắc Hàn cũng giữ được thể diện khi trả tự do cho hai phóng viên mà không tỏ ra là phải chịu quá nhiều áp lực từ bên ngoài.

Tận dụng cựu Tổng thống

Trong khi không ai mong đợi sẽ có bước đột phá, các quan chức hi vọng rằng Bình Nhưỡng giờ đây sẽ đi ngược lại một vài tuyên bố gần đây, như rút khỏi các cuộc đàm phán sáu bên – là tiến trình mà cộng đồng quốc tế tìm cách thuyết phục Bắc Hàn từ bỏ chương trình nguyên tử.

Phát biểu với hãng NBC, bà Clinton nói: “Có thể bây giờ họ sẽ sẵn lòng nói chuyện với chúng tôi – trong bối cảnh đàm phán sáu bên – về ước nguyện của quốc tế muốn thấy họ giải giáp”.

Tổng thống Obama cũng tái khẳng định rằng Bắc Hàn phải từ bỏ vũ khí hạt nhân nếu họ muốn có quan hệ tốt hơn với thế giới bên ngoài.

Hiện vẫn chưa rõ ông Kim và ông Clinton đã thảo luận những gì.

Tuy nhiên, hai người đã nói chuyện ba tiếng đồng hồ, và có thể hồ sơ hạt nhân – điều mà ông Clinton vốn biết rõ – cũng được bàn thảo.

Điều này một phần giải thích tại sao ông Clinton lại quan tâm tới việc nhận lãnh trách nhiệm thách thức này.

Chính quyền của ông Clinton đã chứng kiến sự tan băng trong quan hệ với Bắc Hàn dưới chính sách Chiêu dương của Nam Hàn.

Năm 1994, dưới chính quyền Clinton, cựu Tổng thống Jimmy Carter đã có một sứ mạng tới Bình Nhưỡng, dẫn đến bước đột phá về thương lượng hạt nhân và vào năm 2000, Ngoại trưởng Madeleine Albright cũng đã tới thăm Bình Nhưỡng.

Tổng thống Clinton hi vọng sẽ tới thăm Bắc Hàn trước khi rời nhiệm sở, nhưng sau không thực hiện được do quá bận mải với các nỗ lực hòa bình tại Trung Đông.

Như vậy, dù kết quả là thế nào, ông Clinton – với tư cách quan chức cấp cao nhất của Mỹ gặp Kim Chính Nhất trong 9 năm – sẽ trở về với những đánh giá quý báu về tình trạng sức khỏe và tinh thần của ông Kim, và có thể còn về chuyện lãnh đạo Bắc Hàn sẵn lòng đến đâu trong việc ngồi xuống đối thoại.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng MSNBC, Tổng thống Obama nói: “Tôi nghi là Tổng thống Clinton sẽ có những quan sát thú vị từ chuyến thăm này”. Tổng thống Mỹ cũng cám ơn ông Clinton vì nỗ lực nhân đạo ‘phi thường’.

Sứ mệnh này đã đặt ra một số câu hỏi về vai trò của cựu Tổng thống dưới chính quyền Obama.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Robert Wood, không muốn bị lôi kéo vào các đồn đoán thì chỉ ra rằng việc ông Clinton tham gia vào vụ này là kết quả của tình huống riêng biệt.

Tuy nhiên, Michael Duffy, chủ bút tạp chí Time, người đang viết cuốn ‘Câu lạc bộ Tổng thống’ về vai trò của các cựu Tổng thống, thì nói: “mối quan hệ giữa Tổng thống đương nhiệm với những người tiền nhiệm đã tồn tại từ trước và sẽ còn tiếp tục”.

Như chính ông Clinton ngày trước đã nhờ tới ông Jimmy Carter giúp đỡ, ông Duffy cho rằng Tổng thống Obama sẽ còn dùng tới ông Clinton trong tương lai nữa, ngay cả khi ông là chồng của đương kim Ngoại trưởng.

Ông Duffy nói thêm phu nhân của ông Clinton là một yếu tố vừa “làm phức tạp hóa vừa đơn giản hóa” mọi thứ cùng lúc.

----------------------------------------------------------------------

source

Viet Tribune Online

Lão Xá và Bắc Kinh

Thứ Năm, 20/07/2006, 05:17 (GMT+7)

Bài văn Lão Xá và Bắc Kinh

Lão Xá (1899 - 1966) tên thật là Thư Khánh Xuân, nhà văn Trung Quốc. Từng học Đại học Oxford. Viết nhiều tiểu thuyết về đề tài học sinh, trí thức và thị dân. Ông tự sát trong Cách mạng văn hóa.

TT - “Vật biểu trưng của Bắc Kinh”, một đề tài dễ dẫn đến những trang viết từa tựa như lời thuyết minh của một hướng dẫn viên du lịch hạng trung bình. Vậy mà, thú vị thay, bài viết lại thấm đẫm chất văn chương, dạt dào cảm xúc, chân thành nhưng không sáo rỗng. Bài văn đạt điểm tối đa môn văn trong kỳ thi đại học vừa qua tại Bắc Kinh và được đăng trên báo Tin Tức Bắc Kinh Buổi Chiều. Tên của thí sinh không được công bố.

>> Về việc đổi mới dạy và học văn
>> Khi cảm xúc lụi tàn

Tôi nhìn thấy Tường Tử (1) đang loay hoay với mớ tiền của mình, trong lòng tính toán về việc mua xe, miệng lẩm nhẩm bài vè đoán. Bên anh ấy là xe kéo tay kiểu Bắc Kinh với thân xe đen nhánh và bánh xe sáng loáng.

Tôi nhìn thấy Vương Thuận Phát đang mải mê lau chùi bàn và đón tiếp khách hàng. Anh ấy xách ấm pha trà lớn kiểu Bắc Kinh, miệng ấm tỏa hơi nước. Tôi nhìn thấy cây lựu cao tận nóc nhà, mọc bên ngoài gian nhà chính gia đình họ Kỳ, tượng “ông Thỏ” đang ngẩng đầu đứng trên bàn vuông đặt trong sân, Quý Ông gật đầu, mỉm cười. (...)

Đọc sách của Lão Xá hình như được những nhân vật trong sách hướng dẫn dạo chơi đường phố Bắc Kinh, hít thở không khí Bắc Kinh, thưởng thức màu sắc Bắc Kinh, lắng nghe tiết điệu Bắc Kinh, cảm giác tâm trạng Bắc Kinh... những tác phẩm của Lão Xá chính là vật biểu trưng của Bắc Kinh!

Đó là từng sợi, từng chi tiết của Bắc Kinh cũ. Như một đoạn nhạc của đàn Hồ Kinh (2), sôi nổi vang vang, dư âm kéo dài. Như một ấm trà hoa nhài, mùi thơm ngào ngạt, vô cùng dư vị.

Không thể quên được cách Lão Xá thưởng thức ẩm thực Bắc Kinh. “Hạt dẻ tròn mẩy của xã Lương, ngâm qua đường cát, được xào trong nồi vang lên tiếng ‘sa sa’. Thậm chí khói dưới nồi cũng ngon”. Chỉ ở Bắc Kinh xưa mới có mùi vị hấp dẫn như thế! Chỉ Lão Xá mới lĩnh hội được một cách xúc động, truyền thần thư thế!

Mặc dù nguyên quán của Lão Xá ở tỉnh Sơn Đông, nhưng ông sinh ra ở Bắc Kinh, trưởng thành ở Bắc Kinh và vô cùng yêu quí Bắc Kinh. Ông yêu tất cả mọi thứ thuộc về Bắc Kinh. Bắc Kinh của Lão Xá như một bức tranh tết được dán trước cửa mỗi nhà vào dịp Tết Nguyên đán: trong sáng, vui tươi, mà cũng không thiếu tính bao dung; tinh xảo, tỉ mỉ, truyền đạt cái không khí văn hóa đặc trưng của Bắc Kinh.

Bằng ngòi bút của mình, con tim của mình, bằng sự yêu quí vô vàn đối với Bắc Kinh, Lão Xá đã miêu tả một thành phố Bắc Kinh vừa chân thật vừa lý tưởng. Những dòng văn cũng như tên tuổi của Lão Xá cũng trở thành vật biểu trưng của Bắc Kinh.

Lão Xá từng đi nước ngoài, từng du học, dĩ nhiên ông hiểu biết là thời gian sẽ thúc đẩy “Bắc Kinh xưa” thành “Bắc Kinh mới”. Đó là một cảm xúc phức tạp, thể hiện niềm vui xen lẫn nỗi ưu tư. Cảm xúc đó cũng thường hiện ra trong những tác phẩm của ông.

Thụy Tuyên là nhân vật chính trong truyện dài Tứ thế đồng đường thích đi dạo Bát Diện Tào, Đại San Lan, Lưu Ly Xưởng (3), nhưng anh cũng than tiếc rằng “Trong tương lai không xa, những cửa hàng đều sẽ mất tích”. Chính vì lẽ đó, Lão Xá trên sân khấu Bắc Kinh trong thời đại mới cũng cố gắng sáng tạo ngôn ngữ và vật biểu trưng của Bắc Kinh mới.

Lão Xá là người đã phát hiện, đồng thời là người yêu thích các vật biểu trưng Bắc Kinh. Bản thân ông cũng trở thành một tấm bia của lịch sử và hiện thực Bắc Kinh, trong con mắt và trong trái tim của người Bắc Kinh.

Người dịch: CHÚC XIN
(cộng tác viên của Tuổi Trẻ tại Bắc Kinh)

-------------------------------------------

source

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=151369&ChannelID=13

Đạo Khổng lụi tàn kể từ cuộc Cách mạng Văn hóa tại Trung Quốc

04-14-2009, 01:39 PM
Dakpek's Avatar
Dakpek Dakpek is offline
Thiếu Tướng
Join Date: Feb 2008
Posts: 2,556
Default Re: khuyên nên lấy Khổng giáo Lão giáo làm an dân bình thiên hạ

Trung Quốc xuất cảng Nho Giáo


Ký giả tự do, gửi cho BBCVietnamese.com



Đạo Khổng lụi tàn kể từ cuộc Cách mạng Văn hóa tại Trung Quốc

Một bộ phim mới về Khổng Tử do chính phủ Trung Quốc bỏ tiền ra sản xuất đang gây ra dư luận trong thế giới Hoa ngữ và hơn bốn triệu hậu duệ của ông.

Mục tiêu lớn của chính phủ Trung Quốc là qua bộ phim này sẽ gắn liền với việc truyền bá Nho giáo.

Nam diễn viên của phim Ngoạ Hổ Tàng Long, Châu Nhuận Phát từng gây ấn tượng bằng tướng mạo Trung Hoa với xã hội Tây Phương sẽ thủ vai Khổng Tử.

Trong các thể loại phim hành động từng đóng trước đây, Châu Nhuận Phát cũng từng thủ các vai giang hồ, xã hội đen rất thành công.

Lần nhập vai vào nhân vật được ca tụng là Chí Thánh Tiên Sư - Khổng Phu Tử sẽ tạo nên một thương hiệu văn hóa mang đậm tính sử thi rất đặc biệt của Trung Quốc và qua đó tạo nên ấn tượng về "cơn sốt" Nho Học đang được nhà cầm quyền Trung Quốc cổ suý.

Quyền lực mềm mỏng

Trung Quốc đang khao khát có một sức mạnh văn hóa để hấp dẫn toàn thế giới. Sức hút này đối với nhà cầm quyền cộng sản chính là một liều thuốc để trị liệu cho xã hội Trung Quốc hiện nay.

Sau mấy mươi năm cải cách, kinh tế phát triển nhưng Trung Quốc nay lại có những dấu hiệu hỗn loạn và trống rỗng về mặt tinh thần, gây ra nhiều mâu thuẫn xã hội.

Để lấp vào khoảng trống và sự hỗn loạn đang có nguy cơ bộc phát và xung đột về giai cấp như học thuyết Mác Lê-nin từng định nghĩa, lãnh đạo Trung Quốc tìm cách khai thác đạo đức Nho giáo - vận dụng những quy định về trật tự và những lý luận hài hòa ở trong Nho giáo để điều hòa các mâu thuẫn đang phân hóa xã hội.

Lễ kỷ niệm Khổng tử tại Khúc Phụ, quê hương ông, năm 2006

Khổng Phu Tử sinh năm 551 mất năm 497 trước Công nguyên là triết gia nổi tiếng nhất của Trung Hoa cổ đại.

Các khái niệm về xã hội không mang tính siêu hình và thần học của ông có tác động lớn đến văn hóa chính trị Trung Quốc nhưng cũng là đề tài của nhiều phái tranh biện, phát triển và sửa đổi qua nhiều triều đại.

Về mặt triết học chính trị, Nho giáo cường điệu về đẳng cấp, tôn ty và trật tự. Những thuyết về 'Thiên Nhân Hợp Đức, Thiên Nhân Tương Ứng...' về mặt trực quan có sự thu hút của văn hóa truyền thống và một phần nào gợi ý về những bản sắc của chủ nghĩa dân tộc.

Trong bối cảnh hiện nay, dùng Nho giáo để kiềm chế các mâu thuẫn xã hội là cương lĩnh "đậm đà bản sắc dân tộc" mà các nhà lãnh đạo cộng sản Trung Quốc đang toan tính.

Vì các nét bản sắc Trung Quốc thường là điều khó tranh luận cho nên đối với xã hội Trung Quốc, Nho giáo cũng trở thành một thứ 'quyền lực mềm' để khống chế những chủ nghĩa tự do và lý luận khai phóng về nhân quyền.

Vỏ bọc Nho Giáo

Học thuyết Khổng Tử cũng là một đề tài gây tranh luận không dứt. Người ta phá vỡ trật tự của Khổng Giáo để thay triều đổi đại, để làm nên một cuộc cách mạng nông dân nhưng rút cuộc chính các triều đại đều sử dụng lại Khổng Giáo như một loại công cụ để khống chế những xu hướng biến hóa của xã hội.

Trong thời Cách Mạng Văn Hóa, cuộc vận động 'Phê Lâm phê Khổng' nhắm vào Nguyên soái Lâm Bưu và phê phán Khổng Tử cáo buộc đây là những tư tưởng của giai cấp phong kiến.

Cho đến hôm nay, cơn sốt Khổng Tử và phong trào học tập kinh điển Nho Giáo cũng chính là một vòng tuần hoàn trong văn hóa trị dân của những nhà cầm quyền Trung Quốc.

Ở một góc cạnh khác, những tranh luận về khái niệm bảo vệ chân mạng đế vương, trọng nam khinh nữ và những hạn hẹp khác qua cách nhìn của Khổng Tử cũng đang diễn ra.


Trong Thế vận hội Bắc Kinh 2008, nhà cầm quyền đã dùng nhiều hình ảnh nho nhã của tín đồ Khổng Tử để quyến rũ thế giới.

Tuy nhiên, trong một biến cố gây chuyện trên truyền hình, nữ chủ trì chương trình nổi tiếng Hồ Tử Vi đã tuyên bố rằng Trung Quốc không có khả năng xuất cảng những giá trị của một nước lớn.

Qua hình ảnh của đàn ông Trung Quốc, đất nước này không thể có ưu thế nào về văn hóa để trở thành những thứ "quyền lực mềm" như văn hóa, triết học của các nước Anh, Pháp, Mỹ.

Việc thủ diễn vai Khổng Tử qua thương hiệu Châu Nhuận Phát cũng không khác xa các nhà doanh nghiệp đã từng bán các thương phẩm mang tên Khổng Tử như "Bia Rượu Tam Khổng", Dầu thơm Khổng Phủ (Khổng Phủ Hương Du)...


Tuy thế, các nhà làm phim Trung Quốc vẫn hy vọng hình ảnh của Châu Nhuận Phát sẽ làm danh tiếng vị thánh nhân của Nho giáo sẽ càng bay

Last edited by Dakpek; 04-14-2009 at 01:44 PM.
source
web.datviet.

Thiên An Môn, một sự kiện lịch sử, không thể phủ nhận

June 05, 2009

Thiên An Môn, một sự kiện lịch sử, không thể phủ nhận

Hà Giang-RFA

Như thường lệ, mỗi năm khi đến gần ngày 4 tháng 6, trong khi nhà cầm quyền Bắc Kinh tìm đủ mọi cách để xóa đi mọi dấu tích của cuộc tàn sát đẫm máu xẩy ra cách đó 20 năm tại quảng trường Thiên An Môn. Nơi đây hàng ngàn sinh viên Trung Hoa đã tử nạn vì cuộc biểu dương đòi dân chủ của họ, thì nhiều người Trung Hoa khắp nơi trên thế giới đã tưởng niệm biến cố Thiên An Môn dưới các hình thức khác nhau.

Bức hình nổi tiếng thế giới có tên Tank Man của nhiếp ảnh gia Jeff Widener thuộc hãng thông tấn AP chụp ngày 5 tháng 6, 1989 về vụ thảm sát Thiên An Môn. PHOTO: AP PHOTO/ JEFF WIDENER


Thiên An Môn biến cố không thể xóa nhòa
Từ 20 năm nay, cái tên Thiên An Môn, đã dính liền với một thảm kịch làm rúng động lương tâm nhân loại, xẩy ra vào đêm mùng 3 rạng ngày 4 tháng 6 năm 1989 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Nhưng ngày nay, du khách đến viếng thăm Thiên An Môn không thể nào tìm thấy một dấu tích gì của cuộc thảm sát đã xẩy ra cách đây 20 năm, một biến cố đã được thế giới theo dõi trong nỗi kinh hoàng tột độ khi hàng loạt sinh viên gục ngã trước lằn đạn xối xả, và xe tăng tiến vào nghiến nát thân thể họ, đánh dấu một kết cục thảm khốc của cuộc dằng co kéo dài gần 2 tháng giữa những sinh viên đứng lên đòi hỏi dân chủ và nhà cầm quyền Trung Quốc.
Ngày tưởng niệm biến cố Thiên An Môn tại Bắc Kinh là một ngày như mọi ngày. Báo chí không có lấy một bài viết đề cập đến sự kiện lịch sử này, không có lễ tưởng niệm, không buổi thắp nến cầu nguyện cho vong linh người đã chết, cũng không có cả bó hoa đặt dưới chân những bức tượng trong khuôn viên quảng trường lớn nhất thế giới, còn có cái tên rất êm đềm là Cổng Trời An Bình. Nhưng dư luận cho rằng dù nhà cầm quyền Bắc Kinh đã dùng đủ mọi biện pháp để cấm ngặt không cho ai tại Trung Hoa nhắc đến thảm kịch này, trong suốt 20 năm trời ròng rã, họ đã không thể xóa nhòa được chứng tích của lịch sử.
Các cuộc tưởng niệm biến cố Thiên An Môn đã được tổ chức khắp nơi và dưới nhiều hình thức, hàng năm các cơ quan truyền thông trên thế giới đã có hàng loạt phóng sự về biến cố này, và các nhân chứng sống sót lên tiếng kể lại những gì họ thấy.

Cuộc đấu tranh anh hùng của sinh viên TQ
Bà Ann Lau, chủ tịch Hiệp Hội Nghệ Sĩ Tạo Hình tại Los Angeles cho biết là năm nay, họ đã có 4 sinh hoạt khác nhau tại Los Angeles và các vùng phụ cận nhằm mục đích phơi bầy, nhắc nhở cho thế giới, và nhất là người dân Trung Hoa tại Trung Quốc hiểu rõ việc gì đã xẩy ra tại Thiên An Môn cách đây 20 năm. Bà nói:
“Cái chết thê thảm của các sinh viên Trung Hoa đứng lên đòi dân chủ đã giúp phần tạo ra sự sụp đổ của chế độ Cộng Sản tại Đông Âu, vì ngay sau biến cố đó, ông Gorbachev, người đã có mặt tại Bắc Kinh trong cuộc thảm sát Thiên An Môn đã từ chối không đáp ứng lời yêu cầu của nhà cầm quyền Đông Đức nhờ ông đưa xe tăng đến để giúp họ dẹp những đám biểu tình. Ông Gorbachev khẳng định rằng ông không muốn có một Thiên An Môn thứ hai.”
Ông Qi Zhiyong, một người bị cụt mất đôi chân trong cuộc thảm sát, đã đi xe lăn đến tham dự buổi triển lãm những hình ảnh của biến cố Thiên An tại Santa Monica, và tại đó ông đã trở thành một tác phẩm triển lãm sống. Ông chia xẻ: “Tôi còn nhớ như in những việc đã xẩy ra. Họ kéo đến từ hướng Tây, trên tay tất cả đều mang súng. Họ đã thật sự bắn xả vào đám đông, tôi nằm sát xuống đường, nhưng rồi xe tăng kéo vào nghiến nát mọi người, chúng tôi không thể chạy thoát, kể cả những người bỏ chạy cũng bị đuổi theo bắn chết. Dù 20 năm hay 50 năm sau, tôi sẽ nhớ mãi những chi tiết kinh hoàng ấy, nhớ mãi suốt đời, cho đến khi tôi chết.”

Dưới ánh sáng mặt trời, sự thật không thể bị che dấu
Một cuộc tuần hành được tổ chức như một tang lễ tại Hong Kong đã được sự tham dự của gần 8,000 người mặc tang phục, mang những biểu ngữ đen kẻ chữ trắng, mầu của tang tóc. Họ ca hát và hô to: “Ngày 4 tháng 6 năm nay là một ngày quan trọng, đánh dấu 20 năm sau cuộc thảm sát tại Thiên An Môn, một biến cố mà nhà cầm quyền Bắc Kinh cho đến giờ vẫn phủ nhận. Chúng tôi nghĩ rằng việc đưa sự thật của ngày 4 tháng ra ánh sáng công lý, và mang đến dân chủ cho Trung Quốc là một hành động yêu nước.”
Ông Wang Dan, một lãnh tụ sinh viên đã bị truy lùng, bắt giam và lãnh án tù 4 năm vì tội xách động đã bay từ Hoa Kỳ qua Gia Nã Đại để tham dự một cuộc thảo luận về Thiên An Môn tại Toronto, vào cuối tuần qua chia xẻ trước cử tọa khoảng 500 người.
Ông nói: “Giới trẻ ngày nay gần như không biết một tí gì về biến cố năm 1989. Trong một khoảnh khắc của lịch sử Trung Hoa chúng tôi đã được làm những gì mình muốn. Đó là lần đầu tiên sinh viện học sinh đổ xô ra đường phố và dám nói những gì mình nghĩ. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi thấy mình được sống một cách tự do.”
Bà Carroll Bogert, thuộc tổ chức Human Rights Watch, lúc ấy là một phóng viên làm việc tại Bắc Kinh, phát biểu: “Đây là một cuộc đấu tranh hoàn toàn bất bạo động đã bị dập tắt một cách tàn nhẫn bằng bạo động. Đó là điều mà cả thế giới đã chứng kiến qua ống kính của những phóng viên bám sát những xe tăng. Lúc ấy nhà cầm quyền Bắc Kinh đã hoàn toàn phủ nhận là việc đàn áp này đã xẩy ra, phủ nhận một cách trơ trẽn không biết xấu hổ. Không một ai trong giới chức có trách nhiệm dám nhận là chuyện gì đã xẩy ra.”
Nhưng thất bại lớn nhất của Bắc Kinh trong việc bưng bít sự thật về cuộc thảm sát tại Thiên An Môn là sự ra đời bất ngờ của quyển hồi ký “Tù Nhân của Nhà Nước” (Prisoner of the State) của ông Triệu Tử Dương, cố Tổng bí thư đảng Cộng Sản Trung Quốc mới được phát hành cách đây hai tuần. Cuốn hồi ký viết lại những lời ông Triệu Tử Dương ghi âm trước khi qua đời cách đây 4 năm.
Người ta cho rằng dưới ánh sáng mặt trời, sự thật sẽ không thể mãi mãi bị che khuất.

---------------------------------------------------------------------------------------

source

Viet Tribune Online