Friday 7 August 2009

Thiên An Môn, một sự kiện lịch sử, không thể phủ nhận

June 05, 2009

Thiên An Môn, một sự kiện lịch sử, không thể phủ nhận

Hà Giang-RFA

Như thường lệ, mỗi năm khi đến gần ngày 4 tháng 6, trong khi nhà cầm quyền Bắc Kinh tìm đủ mọi cách để xóa đi mọi dấu tích của cuộc tàn sát đẫm máu xẩy ra cách đó 20 năm tại quảng trường Thiên An Môn. Nơi đây hàng ngàn sinh viên Trung Hoa đã tử nạn vì cuộc biểu dương đòi dân chủ của họ, thì nhiều người Trung Hoa khắp nơi trên thế giới đã tưởng niệm biến cố Thiên An Môn dưới các hình thức khác nhau.

Bức hình nổi tiếng thế giới có tên Tank Man của nhiếp ảnh gia Jeff Widener thuộc hãng thông tấn AP chụp ngày 5 tháng 6, 1989 về vụ thảm sát Thiên An Môn. PHOTO: AP PHOTO/ JEFF WIDENER


Thiên An Môn biến cố không thể xóa nhòa
Từ 20 năm nay, cái tên Thiên An Môn, đã dính liền với một thảm kịch làm rúng động lương tâm nhân loại, xẩy ra vào đêm mùng 3 rạng ngày 4 tháng 6 năm 1989 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Nhưng ngày nay, du khách đến viếng thăm Thiên An Môn không thể nào tìm thấy một dấu tích gì của cuộc thảm sát đã xẩy ra cách đây 20 năm, một biến cố đã được thế giới theo dõi trong nỗi kinh hoàng tột độ khi hàng loạt sinh viên gục ngã trước lằn đạn xối xả, và xe tăng tiến vào nghiến nát thân thể họ, đánh dấu một kết cục thảm khốc của cuộc dằng co kéo dài gần 2 tháng giữa những sinh viên đứng lên đòi hỏi dân chủ và nhà cầm quyền Trung Quốc.
Ngày tưởng niệm biến cố Thiên An Môn tại Bắc Kinh là một ngày như mọi ngày. Báo chí không có lấy một bài viết đề cập đến sự kiện lịch sử này, không có lễ tưởng niệm, không buổi thắp nến cầu nguyện cho vong linh người đã chết, cũng không có cả bó hoa đặt dưới chân những bức tượng trong khuôn viên quảng trường lớn nhất thế giới, còn có cái tên rất êm đềm là Cổng Trời An Bình. Nhưng dư luận cho rằng dù nhà cầm quyền Bắc Kinh đã dùng đủ mọi biện pháp để cấm ngặt không cho ai tại Trung Hoa nhắc đến thảm kịch này, trong suốt 20 năm trời ròng rã, họ đã không thể xóa nhòa được chứng tích của lịch sử.
Các cuộc tưởng niệm biến cố Thiên An Môn đã được tổ chức khắp nơi và dưới nhiều hình thức, hàng năm các cơ quan truyền thông trên thế giới đã có hàng loạt phóng sự về biến cố này, và các nhân chứng sống sót lên tiếng kể lại những gì họ thấy.

Cuộc đấu tranh anh hùng của sinh viên TQ
Bà Ann Lau, chủ tịch Hiệp Hội Nghệ Sĩ Tạo Hình tại Los Angeles cho biết là năm nay, họ đã có 4 sinh hoạt khác nhau tại Los Angeles và các vùng phụ cận nhằm mục đích phơi bầy, nhắc nhở cho thế giới, và nhất là người dân Trung Hoa tại Trung Quốc hiểu rõ việc gì đã xẩy ra tại Thiên An Môn cách đây 20 năm. Bà nói:
“Cái chết thê thảm của các sinh viên Trung Hoa đứng lên đòi dân chủ đã giúp phần tạo ra sự sụp đổ của chế độ Cộng Sản tại Đông Âu, vì ngay sau biến cố đó, ông Gorbachev, người đã có mặt tại Bắc Kinh trong cuộc thảm sát Thiên An Môn đã từ chối không đáp ứng lời yêu cầu của nhà cầm quyền Đông Đức nhờ ông đưa xe tăng đến để giúp họ dẹp những đám biểu tình. Ông Gorbachev khẳng định rằng ông không muốn có một Thiên An Môn thứ hai.”
Ông Qi Zhiyong, một người bị cụt mất đôi chân trong cuộc thảm sát, đã đi xe lăn đến tham dự buổi triển lãm những hình ảnh của biến cố Thiên An tại Santa Monica, và tại đó ông đã trở thành một tác phẩm triển lãm sống. Ông chia xẻ: “Tôi còn nhớ như in những việc đã xẩy ra. Họ kéo đến từ hướng Tây, trên tay tất cả đều mang súng. Họ đã thật sự bắn xả vào đám đông, tôi nằm sát xuống đường, nhưng rồi xe tăng kéo vào nghiến nát mọi người, chúng tôi không thể chạy thoát, kể cả những người bỏ chạy cũng bị đuổi theo bắn chết. Dù 20 năm hay 50 năm sau, tôi sẽ nhớ mãi những chi tiết kinh hoàng ấy, nhớ mãi suốt đời, cho đến khi tôi chết.”

Dưới ánh sáng mặt trời, sự thật không thể bị che dấu
Một cuộc tuần hành được tổ chức như một tang lễ tại Hong Kong đã được sự tham dự của gần 8,000 người mặc tang phục, mang những biểu ngữ đen kẻ chữ trắng, mầu của tang tóc. Họ ca hát và hô to: “Ngày 4 tháng 6 năm nay là một ngày quan trọng, đánh dấu 20 năm sau cuộc thảm sát tại Thiên An Môn, một biến cố mà nhà cầm quyền Bắc Kinh cho đến giờ vẫn phủ nhận. Chúng tôi nghĩ rằng việc đưa sự thật của ngày 4 tháng ra ánh sáng công lý, và mang đến dân chủ cho Trung Quốc là một hành động yêu nước.”
Ông Wang Dan, một lãnh tụ sinh viên đã bị truy lùng, bắt giam và lãnh án tù 4 năm vì tội xách động đã bay từ Hoa Kỳ qua Gia Nã Đại để tham dự một cuộc thảo luận về Thiên An Môn tại Toronto, vào cuối tuần qua chia xẻ trước cử tọa khoảng 500 người.
Ông nói: “Giới trẻ ngày nay gần như không biết một tí gì về biến cố năm 1989. Trong một khoảnh khắc của lịch sử Trung Hoa chúng tôi đã được làm những gì mình muốn. Đó là lần đầu tiên sinh viện học sinh đổ xô ra đường phố và dám nói những gì mình nghĩ. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi thấy mình được sống một cách tự do.”
Bà Carroll Bogert, thuộc tổ chức Human Rights Watch, lúc ấy là một phóng viên làm việc tại Bắc Kinh, phát biểu: “Đây là một cuộc đấu tranh hoàn toàn bất bạo động đã bị dập tắt một cách tàn nhẫn bằng bạo động. Đó là điều mà cả thế giới đã chứng kiến qua ống kính của những phóng viên bám sát những xe tăng. Lúc ấy nhà cầm quyền Bắc Kinh đã hoàn toàn phủ nhận là việc đàn áp này đã xẩy ra, phủ nhận một cách trơ trẽn không biết xấu hổ. Không một ai trong giới chức có trách nhiệm dám nhận là chuyện gì đã xẩy ra.”
Nhưng thất bại lớn nhất của Bắc Kinh trong việc bưng bít sự thật về cuộc thảm sát tại Thiên An Môn là sự ra đời bất ngờ của quyển hồi ký “Tù Nhân của Nhà Nước” (Prisoner of the State) của ông Triệu Tử Dương, cố Tổng bí thư đảng Cộng Sản Trung Quốc mới được phát hành cách đây hai tuần. Cuốn hồi ký viết lại những lời ông Triệu Tử Dương ghi âm trước khi qua đời cách đây 4 năm.
Người ta cho rằng dưới ánh sáng mặt trời, sự thật sẽ không thể mãi mãi bị che khuất.

---------------------------------------------------------------------------------------

source

Viet Tribune Online

No comments:

Post a Comment