Friday 31 July 2009

Liên bang Nga - Thế và Lực

July 31, 2009

Liên bang Nga - Thế và Lực

Nguyễn Xuân Nghĩa-Việt Tribune

Joe Biden nói đúng mà có khi… nghĩ sai
Trong cuộc tranh cử tổng thống năm ngoái, Nghị sĩ Barack Obama mời Nghị sĩ Joe Biden chứ không mời Nghị sĩ Hillary Clinton đứng chung liên danh. Người ta cho rằng Biden đã hơn 66 tuổi và dày kinh nghiệm đối ngoại trong Ủy ban Ngoại giao Thượng viện nên có thể bù đắp cho yếu kém của Obama. Sau cuộc tranh cử, Phó Tổng thống Joe Biden mới gây bàng hoàng với quá nhiều phát biểu tùy hứng, khiến Chính quyền Obama cứ phải chữa cháy.
Tuần qua, ông Biden lại thi thố tài năng đó.
Sau khi thăm hai nước Cộng hoà đang bị Liên bang Nga uy hiếp là Georgia và Ukraine, ngày Thứ Sáu 25, Phó Tổng thống Mỹ trả lời phỏng vấn của nhật báo Wall Street Journal và nói ra sự thật phũ phàng được tờ báo lập tức đăng tải. Rằng trong quan hệ Nga-Mỹ, Hoa Kỳ đã tự đánh giá quá thấp, chứ Liên bang Nga đang gặp rất nhiều khó khăn sinh tử.

PTT Joe Biden, trái, gặp gỡ các nghị sĩ Georgia ở thủ đô Tbilisi ngày 23 tháng 7, 2009.Vano Shlamov/Getty Images

Lời phát biểu gây chấn động tới tận Moscow là “dân số Nga đang co cụm dần, kinh tế thì èo uột, hệ thống ngân hàng và cơ chế khó tồn tại trong 15 năm tới”.... Joe Biden dứt điểm: Đang ở vào hoàn cảnh mà thế giới đã thay đổi vậy, lãnh đạo Nga vẫn bám vào quá khứ nên ở trên một tư thế không vững bền!
Tại Moscow, và từ trong điện Kremlin ra, nước Nga có phản ứng gay gắt về cuộc phỏng vấn: Cứ tưởng Chính quyền Obama chủ trương đổi mới và cải thiện quan hệ với Nga, hoá ra vẫn đi theo đường lối Bush! Tại Hoa Kỳ, Ngoại trưởng Hillary Clinton phải xắn quần nhào ra chữa lửa rằng Liên bang Nga đang là một cường quốc. Đâm ra thiên hạ tự hỏi, như nhiều nhà bình luận của Nga, rằng Chính quyền Obama có thống nhất ý kiến không, và ai là người lãnh đạo?
Chúng ta cần nhìn lại câu chuyện lý thú này trên toàn cảnh, trước tiên là từ Chính quyền Obama.

ĐỐI SÁCH CỦA OBAMA
Ngay sau khi nhậm chức, Phó Tổng thống Joe Biden đã phát biểu rằng Hoa Kỳ phải bật lại cái nút đối thoại với Liên bang Nga (“reset the button”, mà đáng lẽ Biden phải nói là “hit the reset button” – ăn nói linh tinh vốn là tật khó chừa). Sau đấy, khi gặp Ngoại trưởng Nga, Hillary Clinton cũng tặng một hộp nhựa có cái nút đỏ, biểu tượng của thế hợp tác mới – được chính bộ Ngoại giao của bà dịch sai sang tiếng Nga. Mà thôi, đó chỉ là tiểu tiết.
Hơi luộm thuộm, nhưng chẳng sao!
Chuyện chính là đầu tháng Bảy, Tổng thống Barack Obama thăm viếng Liên bang Nga và gặp Tổng thống Dmitri Medvedev rồi lãnh tụ thật của Nga là Thủ tướng Vladimir Putin. Obama muốn thực sự hợp tác với Nga để cùng giải quyết một số vấn đề mà hai bên quan tâm. Về phía Hoa Kỳ là con đường tiếp vận cho chiến trường Afghanistan và việc can gián Iran. Về phía Liên bang Nga là hồ sơ Đông Âu hoặc vùng ảnh hưởng truyền thống của Nga – hay của Liên Xô cũ – trên các nước đã từng nằm trong quỹ đạo Xô viết, là vai trò của Minh ước NATO…
Tại thượng đỉnh ấy, đôi bên chưa đạt thoả thuận thật quan trọng ngoài thỏa ước tài giảm võ khí chiến lược START và việc Hoa Kỳ được lập cầu không vận trên lãnh thổ Nga để tiếp vận chiến trường Afghanistan. Những chuyện còn lại là sự bành trướng của NATO tới sát biên giới Nga, hay kế hoạch phòng thủ chiến lược BMD tại Ba Lan và Cộng hoà Tiệp, hoặc áp lực của Nga đối với Iran, v.v…. vẫn chưa ngã ngũ.
Nghĩa là sau khi cầm quyền, Chính quyền Obama có muốn cải thiện quan hệ với Nga và đôi bên đang ở giữa hoàn cảnh thương thảo để đạt mục tiêu riêng. Nếu vậy, cớ sao Phó Tổng thống Mỹ lại nói ra sự thật về nội tình nước Nga mà Putin ở trong cuộc không thể không biết? Vì Biden cao hứng nói bậy, hay có chủ đích vỗ mặt đối phương với ẩn ý nào đó? Hay vì Hoa Kỳ chuẩn bị hội nghị Mỹ-Hoa đầu tiên ngay tại thủ đô Washington?
Giả thuyết về ý đồ thì nhiều lắm… Dù không đặt nhiều kỳ vọng vào khả năng đối ngoại của Chính quyền Obama, người ta vẫn không thể tin là họ đã sớm lâm vào cảnh quân hồi vua phèng, trống đánh xuôi lèn thổi ngược như vậy. Chúng ta phải tìm giả thuyết khác… Thí dụ như Chính quyền Obama muốn dùng đòn kinh tế, hay là tin rằng động lực kinh tế – một vụ khủng hoảng nữa – sẽ làm Liên bang Nga thay đổi?

Thủ Tướng Nga Vladimir Putin, cầm tách, trà đàm với TT Hoa Kỳ Obama tại Novo_Ogarevo ngày 7/7/2009. ALEXEY DRUZHININ/AFP/Getty Images

THI ĐUA TỚI ĐỨT HƠI
Chúng ta lại thử xoay ngược đồng hồ về quá khứ.
Sau khi Liên Xô tan rã, Liên bang Nga đã trải qua 10 năm khủng hoảng, từ 1991 đến 2001, cho đến khi Vladimir Putin được Boris Yeltsin đưa lên cầm quyền. Từ đó, Liên bang Nga ngoi lên khỏi đáy vực và Putin mở cuộc tổng phản công. Người thân tín của ông nay được đưa ra ứng cử Tổng thống và vừa nhậm chức, tân Tổng thống Medvedev đã khẳng định ý chí chinh phục lại ngôi vị cũ của Đế quốc Nga, của Liên Xô ngày xưa và Liên bang Nga ngày nay. Được dầu thô lên giá tới mức kỷ lục vào năm ngoái, Putin có phương tiện thực hiện chủ trương đó, với cao điểm là vụ tấn công Georgia vào tháng Tám, và khống chế Ukraine từ đầu năm nay.
Trong khi ấy, Hoa Kỳ vẫn mắc bận vì cuộc chiến chống khủng bố với hai chiến trường nóng là Iraq và Afghanistan. Mà nếu khỏi qua Pakistan, đường tiếp vận cho Afghanistan lại đi qua vùng Trung Á trong quỹ đạo của Nga, hoặc lãnh thổ Nga. Chuyện đổi chác vì quyền lợi, thí dụ hy sinh các đồng minh mới – như BaLan, Cộng hoà Tiệp, Georgia và Ukraine – để giải quyết mục tiêu chiến lược tại Afghanistan hay Iran có thể đặt ra cho Chính quyền Mỹ.
Putin chờ đợi chuyện ấy.
Bây giờ, sau khi thăm viếng Georgia và Ukraine, Phó Tổng thống Mỹ bỗng lên giọng miệt thị. Rằng về dài thì Hoa Kỳ vẫn chiếm thế thượng phong và Nga chẳng có lý do gì mà đòi trả giá vì thực chất đang là một quốc gia lụn bại về kinh tế...
Ông nói không khác gì... Tổng thống Ronald Reagan! Nhưng có khi lại làm khác. Chính quyền Obama nhất quyết không trở lại đối sách ngang bướng của tay cao bồi Texas là ông Bush, nhưng liệu có biết trở lại chủ trương ngang tàng của tay cao bồi điện ảnh đã làm Liên Xô hụt hơi mà sụp đổ không?
May ra, ta sẽ thấy lại truyền thống rất Mỹ của hai chục năm về trước.
Chính quyền Reagan biết nhược điểm bên trong của chế độ Xô viết và mở ra cuộc thi đua võ trang để làm soi mòn nền kinh tế kiệt quệ, đồng thời gây áp lực trên khu vực phiên trấn của Chủ tịch Mikhail Gorbachev. Ông đề nghị hợp tác nhưng thách thức Gorbachev kéo xập bức tường ô nhục tại Berlin. Khi bức tường sụp đổ, khu vực phiên trấn ấy được giải phóng thì Liên Xô tan rã.
Ngày nay, tức là hai chục năm sau, kinh tế Nga cũng bị kiệt quệ như vậy, dầu thô sụt giá rồi khủng hoảng tài chánh tại Âu Châu đã dội ngược về Nga. Putin có cái thế rất mạnh, nhưng cái lực của Nga thì không còn. Trong điều kiện ấy, Biden nói thẳng ra, rất công khai, là nước Nga không có gì để đòi Hoa Kỳ phải nhượng bộ. Suy diễn tiếp thì Hoa Kỳ đang ở trên thế mạnh nên việc gì mà phải nhượng bộ?
Bây giờ Nga sẽ tính sao?

PUTIN VÀ CHIÊU THỨC BẮC HÀN
Hỏi cho đúng hơn, Putin tính sao?
Vào cuối trào Xô viết, lãnh đạo Liên Xô như Yuri Andropov hay Mikhail Gorbachev không thể không biết rõ nội tình kiệt quệ của xứ sở. Là trùm mật vụ như Andropov thì càng biết rõ hơn vì có nhiều thông tin hơn. Giải pháp thoát hiểm khi đó là lấy của địch để đánh địch, là trao đổi kinh tế và đánh cắp kỹ thuật Tây phương – nghề riêng của mật vụ KGB. Một nhân viên KGB được gửi qua phục vụ tại Đông Đức có thể là để tìm hiểu về những cách “chuyển giao công nghệ” ấy.
Nhân viên đó là Vladimir Putin.
Nhớ lại thì Liên Xô thời Andropov đảo ngược chánh sách của Lenonid Brezhnev, chủ trương hoà dịu bên ngoài và cải cách cơ chế kinh tế bên trong. Được Andropov đưa lên, Gorbachev tiếp tục con đường ấy, nhằm cứu đảng Cộng sản chứ không để xây dựng dân chủ như ông sẽ trình bày sau này. Glasnost – minh bạch – hay perestroka – cải cách – là cuộc thử nghiệm đầy rủi ro được Gorbachev thi hành, và bị Reagan khai thác ngược. Kết quả là dự tính của Andropov-Gorbachev sụp đổ, Liên Xô tan rã, đảng Cộng sản Nga tiêu vong.
Mười năm sau đó là 10 hỗn loạn của đạo tặc và thổ phỉ mà bên ngoài cứ tưởng là dân chủ hoá theo kinh tế thị trường. Chứng kiến tận mắt chuyện đó, Vladimir Putin không thể bỏ qua được. Khủng hoảng bùng nổ vì trung ương mất hết quyền lực khi bao biện chuyện kinh tế, và giữa hai mục tiêu là cải thiện đời sống người dân hay củng cố quyền lực của nhà nước, ông đã chọn.
Putin thi hành đúng như vậy trong thời kỳ làm Thủ tướng cho Yeltsin rồi trong hai nhiệm kỷ Tổng thống, cho đến ngày nay…
Trong lịch sử lâu dài của nước Nga, với một lãnh thổ quá lớn cho một dân số quá nhỏ trên một vùng địa dư không mấy thuận tiện cho canh tác và chuyển vận, khủng hoảng kinh tế thường xảy ra trong nỗi lầm than triền miên của người dân. Nhiều triều đại đã sụp đổ vì các vụ khủng hoảng ấy. Nhưng chế độ Cộng sản thì tồn tại được 70 năm. Quy luật ở đây là phải tách rời hai chuyện, kinh tế quốc dân có kiệt quệ cũng không sao nếu chế độ vẫn nắm chặt quyền lực, kiểm soát được quân đội và an ninh. Tài nguyên kinh tế bị trưng thu để xây dựng quyền lực đó và mọi mầm mống đối kháng phải bị tiêu diệt.
Nhìn một cách nào đó thì Bắc Hàn ngày nay đang áp dụng đúng quy luật đó. Dân có chết đói hạng triệu người, quân đội vẫn đứng vững, mật vụ vẫn khống chế xã hội và chế độ vẫn tiếp tục đầu tư vào võ khí tàn sát để bắt bí xứ khác.
Chiến lược Andropov-Gorbachev đi ngược quy luật tồn tại đó khiến quyền lực chính trị tan rã, quân đội đòi đảo chánh và đảng Cộng sản tiêu vong. Sau khi Liên Xô tan rã, lại thấy Minh ước NATO cứ tiến về hướng Đông sau các cuộc cách mạng dân chủ muôn màu tại Đông Âu và Trung Á, thế hệ lãnh đạo nước Nga như Putin rút tỉa bài học.
Đừng mơ tưởng cải cách kinh tế mà để mất hết quyền lực chính trị. Nếu cần, phải hy sinh kinh tế để củng cố quyền lực, và đưa nước Nga trở lại vị trí cường quốc đáng sợ. Ngày nào mà còn cái thế mạnh đó, nước Nga còn có thể tồn tại.
Vì vậy, Joe Biden nói ra một điều rất thật về sự lụn bại kinh tế của Nga. Nhưng nếu điều ấy lại phản ảnh dự tính dùng mồi nhử hợp tác kinh tế để thuần hóa chế độ, làm chế độ biến chất, thì dự tính ấy có thể lạc quan. Sau kinh nghiệm của thế hệ Andropov, Gorbachev và Yeltsin, Putin ngày nay không còn thiết tha gì đến chuyện đó.
Bên trong, nếu ông vẫn kiểm soát được các tài phiệt và thành phần an ninh cùng quân đội và khống chế được truyền thông, thì quyền lực của ông vẫn còn nguyên vẹn. Trong vụ khủng hoảng vừa rồi, Putin đã tập trung lại để ra tối hậu thư cho các tài phiệt: đem tiền về cấp cứu chế độ! Quyền lực đó giúp ông tiếp tục trưng thu kinh tế để củng cố quân đội và an ninh. Đối ngoại, đứng trên thế mạnh mà Gorbachev và Yeltsin không có, Putin định lại luật chơi cho Hoa Kỳ.
Chính quyền Obama sẽ lầm nặng nếu tin rằng sự suy sụp kinh tế sẽ khiến Putin trở nên hoà hoãn biết điều hơn. Vì vậy, Joe Biden nói đúng mà có thể vẫn nghĩ sai.
Vladimir Putin là Kim Chính Nhật, không điên khùng mà lạnh lùng gấp bội. [NXN]

----------------------------------------------------------------------------------

SOURCE

Viet Tribune Online

No comments:

Post a Comment