Friday 7 August 2009

Mười Năm của Putin

August 07, 2009

Mười Năm của Putin

Nguyễn Xuân Nghĩa-Việt Tribune

Khi Trùm Cớm thành Ông Trùm

Tuần qua, ngày sinh nhật của Tổng thống Barack Obama – sinh nhật đầu tiên trong Phủ Tổng thống của một tổng thống gốc da đen đầu tiên của Mỹ – có tiếng vang của một cái pháo tẹt. Chuyện không có gì mà ầm ĩ, dù truyền thông Mỹ có ra sức thổi ống đu đủ lên tới trời xanh.

Một ngày kỷ niệm khác mới đáng ghi nhớ, vì làm thay đổi cục diện thế giới.

Mùng tám Tháng Tám, Liên bang Nga mở cuộc tấn công vào hai khu vực tự xưng là ly khai của Georgia. Kể từ ngày đó, một năm đã qua rồi mà Georgia vẫn như cá nằm trên thớt, và có thể sẽ bị xẻo thịt một đợt nữa trong những ngày tới! Công trình sư của biến cố ấy là Thủ tướng Vladimir Putin. Tuần này, ông lặng lẽ kỷ niệm một biến cố khác…

Mười năm về trước, ngày chín Tháng Tám, Vladimir Putin được Tổng thống Boris Yeltsin bổ nhiệm làm một trong ba Đệ nhất Phó Thủ tướng (!) của Nội các Sergei Stepashin. Cùng ngày đó, Thủ tướng Stepashin Yeltsin bị cách chức – chủ yếu vì thiếu nhiệt tình trong cuộc chiến tại Chechnya – Putin lên xử lý thường vụ. Lập tức Yeltsin tuyên bố sẽ chọn Putin làm người kế vị. Đến cuối ngày, Putin tuyên bố sẽ ra tranh cử Tổng thống….

Ngần ấy diễn biến dồn dập nội trong một ngày đã có âm hưởng của một cuộc đảo chánh của phe an ninh và quân đội sau khi Liên bang Nga có năm Thủ tướng trong 18 tháng. Từ mùng chín Tháng Tám năm 1999, nước Nga đã bước qua ngả khác. Vì thế mới có vụ tấn công Georgia vào năm ngoái.

Chúng ta nên nhìn lại chuyện này, một biến cố có ý nghĩa và rất đáng suy ngẫm….

***

Thử Tướng Nga Putin gặp gỡ Thủ Tướng Thổ Nhĩ Kỳ tại thủ đô Ankara ngày 6 tháng 8, 2009. POOL/AFP/Getty Images

Trong 10 năm liền sau 1989, cả thế giới và nhất là các nước Tây phương cứ mong là sau khi khối Xô viết khủng hoảng rồi tan rã, Liên bang Nga sẽ tiến dần ra chế độ dân chủ và cải cách theo kinh tế thị trường. Là một chính khách có bản lãnh, Boris Yeltsin không thực hiện nổi việc đó.

Di sản đáng nói nhất của ông không phải là đã cải tổ kinh tế cho một số tài phiệt có cơ hội chia chác tài sản quốc gia mà đã nhìn ra chân tướng của Vladimir Putin. Khi dọn đường cho Putin, ông được rút lui êm thắm để ra đi nhẹ nhàng trong vòng tay của Lưu Linh.

Kể từ đấy, Putin đưa nước Nga về chốn cũ... Còn chuyện dân chủ thì vẫn là giấc mơ.

Vì sao như vậy?

Vì Liên bang Nga là một lục địa bát ngát, có diện tích rộng gấp đôi lãnh thổ Hoa Kỳ, trải ngang 11 múi giờ trên mặt địa cầu. Nhưng là một lục địa không may. Sự nghèo khổ của Nga là cái nghiệp vì địa dư hình thể không thuận lợi cho canh tác và chuyển vận – như trường hợp Âu Châu và Hoa Kỳ hoặc miền Đông của Trung Quốc. Con sông lớn duy nhất có thể đẩy giang thuyền và hàng hóa từ nơi này qua nơi khác thì chỉ đẹp trong thi ca. Đó là sông Volga, thường bị đóng băng vì lạnh, lại chảy vào biển Caspian bị tù trong lục địa và có vị trí kinh tế thương mại rất thấp.

Nước Nga chỉ có thể tồn tại khi con người bước vào việc khai sông xẻ núi.

Con người ở đây là triều đình, Bộ Chính trị hay Chính quyền. Tải sản của quốc gia vì vậy được đầu tư vào chuyển vận, nếu không thì dân đói và nổi loạn – là chuyện đã từng xảy ra. Và ngoài Moscow, những trung tâm thị tứ lớn của Nga thường do con người xây dựng trên các trục giao lưu nhân tạo. Với địa hình địa vật ấy, việc kỹ nghệ hoá để canh tân xứ sở là bài toán mà Hoa Kỳ và Âu Châu không gặp nên khó mường tượng ra.

Việc sản xuất lương thực để đưa tới từng nhà cho xứ sở khỏi loạn là yếu tố tự nhiên dẫn tới nạn trưng thu và bóc lột nông dân, từ khi chủ nghĩa cộng sản chưa xuất hiện. Khi chủ nghĩa này được áp dụng tại Nga thì nó... vận hành đúng quy luật nhờ điều kiện thiên nhiên ấy. Và nhờ vậy mà có góp phần công nghiệp hoá nước Nga – bằng núi xương sông máu. Đó là thành tích của Stalin.

Nhiều người lý tưởng có thể khó chịu khi thấy nói rằng địa dư hình thể Nga là yếu tố giải thích chế độ tập trung quản lý và độc tài sắt máu. Nghĩa là hàm ý xá tội cho bạo chúa. Thực tế là con người vẫn bị chi phối bởi điều kiện thiên nhiên và 10 năm thử nghiệm dân chủ của Yeltsin có phần nào cho thấy sự thật đó. Nước Đức có thể đã rơi vào chế độ độc tài khát máu, của cả chủ nghĩa phát xít lẫn cộng sản, mà vẫn thoát ra được.

Nga thì không.

***

Cộng đồng dân tộc nào cũng muốn được tồn tại với bản sắc của mình và phải nương vào thiên nhiên để phòng thủ, tự vệ. Sống trên các vùng đất trống trải không có núi rừng bảo vệ hay sông nước để phòng ngự và chuyển quân, thì rất dễ bị ngoại xâm và bị đồng hoá, rồi tiêu vong. Dân ta có thể hiểu điều ấy từ khi còn sinh sống tại lưu vực sông Cả, sông Mã và nương vào hang động ở cuối rặng Trường Sơn để mình vẫn là mình. Nước Nga không được như vậy.

Xứ sở này không có biên giới thiên nhiên – như “hải đảo” Hoa Kỳ hay “lục địa” Trung Quốc, được đại dương hay núi rừng bảo vệ – mà là vùng đất trống trải. Ba rặng núi lớn nhất, từ Tây qua Đông là vùng Carphatian, Caucasus rồi rặng Thiên Sơn (tại Trung Á) là ba tấm bình phong quá hẹp. Ngoài ra, chỉ có đầm lầy bên Tây Bá Lợi Á. Còn lại là một sự trống trải vô bờ. Vì vậy, dân Nga không thể quên được các đợt tấn công của Mông Cổ, Napoleon hay Đức Quốc xã trong lịch sử.

Ngoài chuyện địa dư hình thể đã dẫn tới chế độ kinh tế tập trung thì nhu cầu an ninh cũng khiến Nga luôn luôn nghĩ tới việc thiết lập các vùng trái độn quân sự và trưng binh đồn trú khấp nơi. Không một quốc gia nào trên thế giới lại phải tốn kém như xứ này để nuôi một đạo quân lớn lao như vậy. Và chính quyền trung ương – Bộ Chính trị thời Xô viết – càng củng cố vùng trái độ thì quốc gia càng kiệt quệ.

Mà trong các vùng trái độn ấy, sắc tộc Nga la tư phải chung sống với nhiều sắc dân khác.

Làm sao chung sống trong thế mạnh nếu không đàn áp, tiêu diệt hay khuynh đảo các sắc dân này? Từ thời Stalin rồi, nhiều cộng đồng thiểu số bị bứng gốc và đầy qua nơi khác sinh sống trong khi dân Nga được đưa về làm chủ nhiều khu vực của vùng phiên trấn, từ biển Baltic phía Bắc đến Trung Âu hay Trung Á phía Nam. Trong những vùng trái độn có đặc tính xôi đậu ấy, an ninh và tình báo trở thành yêu cầu tất yếu. Hệ thống mật vụ được định chế hoá, với bàn tay cực kỳ thô bạo, để dẹp yên mọi mầm loạn, về cả chủng tộc lẫn ý thức hệ.

Nhân đây, cần nhắc lại là bốn chục năm về trước, hai đại trí thức Nga là Andrei Sakharov và Alekxandr Solzhenitsyn đã gián tiếp tranh luận về bài toán ấy. Nhà vật lý Sakharov thi cho rằng ý thức hệ Cộng sản là nguyên nhân của các tai họa và nếu từ bỏ chủ nghĩa cộng sản, nước Nga sẽ có một tương lai khá hơn. Văn hào Solzhenitsyn suy luận hơi khác vì nhìn thấy thuộc tính độc tài trong văn hoá Nga. Ông muốn tìm giải pháp cứu rỗi sâu xa hơn ý thức hệ, trong tôn giáo và tư tưởng văn hoá. Cả hai đều có lý, nhưng có lẽ con người nhân văn Solzhenitsyn bắt được cái thần của nền văn hoá chuyên chế đó.

Và cả hai đều là nạn nhân của một thuộc tính khác, là chế độ mật vụ.

Chế độ này đã hiện hữu từ thời các Sa hoàng và hệ thống hoá trong thời cộng sản – cho đến ngày nay… Chính là hệ thống quản lý tập trung, phòng ngự quân sự và cai trị bằng mật vụ mới đưa tới hiện tượng đặc thù của xứ này: lãnh đạo Nga cần mật vụ và đồng hóa với mật vụ, dưới rất nhiều tên gọi khác nhau. Nổi tiếng nhất là KGB.

Trẻ trung nhất trong thế giới đó có Vladimir Putin, người lọt mắt xanh của Boris Yeltsin.

***

Mười năm về trước, khi Putin được đưa lên làm Thủ tướng thứ sáu của Liên bang Nga trong có một năm rưỡi, ít ai tin là ông sẽ tồn tại quá một con trăng, huống hồ lên làm Tổng thống, Vậy mà Putin đã đắc cử, làm Tổng thống hai nhiệm kỳ và gồm thâu thiên hạ về một mối để giành lại thế lực đã mất của nước Nga. Ông có trình độ nghiệp vụ thích hợp cho nhu cầu!

Putin không thuộc loại tài phiệt, chuyên gia hay chính khách thư lại của hệ thống cũ mà là một người yêu nước… theo kiểu mật vụ. Ông nắm vững thông tin và kỹ thuật tổ chức để hiện đại hoá hệ thống bảo vệ bằng công an và tập trung quyền lực thiết yếu vào điện Kremlin. Kinh tài, tuyên truyền hay an ninh, quân đội, v.v… ngần ấy cơ chế đều có chức năng ưu tiên là xây dựng sức mạnh cho chế độ đã.

Vì vậy, trong 10 năm liền, Vladimir Putin đã làm nước Nga thay đổi, ổn định hơn thời Yeltsin, mà hà khắc và lưu manh hơn. Với hệ thống cai trị ấy, thế lực kinh tế của Nga không thể thay đổi và xứ này vẫn là một quốc gia chậm tiến. Nhưng khả năng bảo vệ chế độ và gây hấn với bên ngoài thì đã khác xưa.

Khi Phó Tổng thống Joe Biden của Hoa Kỳ lên giọng khinh miệt sức mạnh kinh tế Liên bang Nga (xin đọc lại bài “Liên bang Nga – Thế và Lực – Joe Biden nói đúng mà có khi… nghĩ sai” trên cột báo này vào tuần trước), ông chỉ nhìn thấy một phần của vấn đề. Nhờ hệ thống mật vụ của nó, chế độ này có thể tồn tại lâu hơn và gây họa nhiều hơn. Trong một quốc gia mà các phần tử ưu tú lại tập trung vào việc bảo vệ an ninh thì xã hội không tiến được và người dân sẽ còn khổ. Nhưng đấy là vấn đề của dân tộc Nga. Vấn đề của thế giới là sự tồn tại của Putin và những người sẽ kế tục sự nghiệp của ông ta: họ suy nghĩ và hành xử như Trùm Cớm, theo những quy luật khác.

Mười năm sau khi ngôi sao Putin xuất hiện, và nay vẫn còn sáng, mình cũng nên nhìn vào góc tối đó của nước Nga…. Khi ấy, may ra thì ta hiểu được võ công của Kim Chính Nhật tại Bắc Hàn và màn biểu diễn của nguyên Tổng thống Bill Clinton khi ông “vận động” để đón về hai nhà báo gốc Mỹ bị mật vụ Bắc Hàn bắt giữ – rồi ân xá đúng lúc! Tào lao! [NXN]

-----------------------------------------------------------------

source

Viet Tribune Online

No comments:

Post a Comment