Friday, 31 July 2009

Liên bang Nga - Thế và Lực

July 31, 2009

Liên bang Nga - Thế và Lực

Nguyễn Xuân Nghĩa-Việt Tribune

Joe Biden nói đúng mà có khi… nghĩ sai
Trong cuộc tranh cử tổng thống năm ngoái, Nghị sĩ Barack Obama mời Nghị sĩ Joe Biden chứ không mời Nghị sĩ Hillary Clinton đứng chung liên danh. Người ta cho rằng Biden đã hơn 66 tuổi và dày kinh nghiệm đối ngoại trong Ủy ban Ngoại giao Thượng viện nên có thể bù đắp cho yếu kém của Obama. Sau cuộc tranh cử, Phó Tổng thống Joe Biden mới gây bàng hoàng với quá nhiều phát biểu tùy hứng, khiến Chính quyền Obama cứ phải chữa cháy.
Tuần qua, ông Biden lại thi thố tài năng đó.
Sau khi thăm hai nước Cộng hoà đang bị Liên bang Nga uy hiếp là Georgia và Ukraine, ngày Thứ Sáu 25, Phó Tổng thống Mỹ trả lời phỏng vấn của nhật báo Wall Street Journal và nói ra sự thật phũ phàng được tờ báo lập tức đăng tải. Rằng trong quan hệ Nga-Mỹ, Hoa Kỳ đã tự đánh giá quá thấp, chứ Liên bang Nga đang gặp rất nhiều khó khăn sinh tử.

PTT Joe Biden, trái, gặp gỡ các nghị sĩ Georgia ở thủ đô Tbilisi ngày 23 tháng 7, 2009.Vano Shlamov/Getty Images

Lời phát biểu gây chấn động tới tận Moscow là “dân số Nga đang co cụm dần, kinh tế thì èo uột, hệ thống ngân hàng và cơ chế khó tồn tại trong 15 năm tới”.... Joe Biden dứt điểm: Đang ở vào hoàn cảnh mà thế giới đã thay đổi vậy, lãnh đạo Nga vẫn bám vào quá khứ nên ở trên một tư thế không vững bền!
Tại Moscow, và từ trong điện Kremlin ra, nước Nga có phản ứng gay gắt về cuộc phỏng vấn: Cứ tưởng Chính quyền Obama chủ trương đổi mới và cải thiện quan hệ với Nga, hoá ra vẫn đi theo đường lối Bush! Tại Hoa Kỳ, Ngoại trưởng Hillary Clinton phải xắn quần nhào ra chữa lửa rằng Liên bang Nga đang là một cường quốc. Đâm ra thiên hạ tự hỏi, như nhiều nhà bình luận của Nga, rằng Chính quyền Obama có thống nhất ý kiến không, và ai là người lãnh đạo?
Chúng ta cần nhìn lại câu chuyện lý thú này trên toàn cảnh, trước tiên là từ Chính quyền Obama.

ĐỐI SÁCH CỦA OBAMA
Ngay sau khi nhậm chức, Phó Tổng thống Joe Biden đã phát biểu rằng Hoa Kỳ phải bật lại cái nút đối thoại với Liên bang Nga (“reset the button”, mà đáng lẽ Biden phải nói là “hit the reset button” – ăn nói linh tinh vốn là tật khó chừa). Sau đấy, khi gặp Ngoại trưởng Nga, Hillary Clinton cũng tặng một hộp nhựa có cái nút đỏ, biểu tượng của thế hợp tác mới – được chính bộ Ngoại giao của bà dịch sai sang tiếng Nga. Mà thôi, đó chỉ là tiểu tiết.
Hơi luộm thuộm, nhưng chẳng sao!
Chuyện chính là đầu tháng Bảy, Tổng thống Barack Obama thăm viếng Liên bang Nga và gặp Tổng thống Dmitri Medvedev rồi lãnh tụ thật của Nga là Thủ tướng Vladimir Putin. Obama muốn thực sự hợp tác với Nga để cùng giải quyết một số vấn đề mà hai bên quan tâm. Về phía Hoa Kỳ là con đường tiếp vận cho chiến trường Afghanistan và việc can gián Iran. Về phía Liên bang Nga là hồ sơ Đông Âu hoặc vùng ảnh hưởng truyền thống của Nga – hay của Liên Xô cũ – trên các nước đã từng nằm trong quỹ đạo Xô viết, là vai trò của Minh ước NATO…
Tại thượng đỉnh ấy, đôi bên chưa đạt thoả thuận thật quan trọng ngoài thỏa ước tài giảm võ khí chiến lược START và việc Hoa Kỳ được lập cầu không vận trên lãnh thổ Nga để tiếp vận chiến trường Afghanistan. Những chuyện còn lại là sự bành trướng của NATO tới sát biên giới Nga, hay kế hoạch phòng thủ chiến lược BMD tại Ba Lan và Cộng hoà Tiệp, hoặc áp lực của Nga đối với Iran, v.v…. vẫn chưa ngã ngũ.
Nghĩa là sau khi cầm quyền, Chính quyền Obama có muốn cải thiện quan hệ với Nga và đôi bên đang ở giữa hoàn cảnh thương thảo để đạt mục tiêu riêng. Nếu vậy, cớ sao Phó Tổng thống Mỹ lại nói ra sự thật về nội tình nước Nga mà Putin ở trong cuộc không thể không biết? Vì Biden cao hứng nói bậy, hay có chủ đích vỗ mặt đối phương với ẩn ý nào đó? Hay vì Hoa Kỳ chuẩn bị hội nghị Mỹ-Hoa đầu tiên ngay tại thủ đô Washington?
Giả thuyết về ý đồ thì nhiều lắm… Dù không đặt nhiều kỳ vọng vào khả năng đối ngoại của Chính quyền Obama, người ta vẫn không thể tin là họ đã sớm lâm vào cảnh quân hồi vua phèng, trống đánh xuôi lèn thổi ngược như vậy. Chúng ta phải tìm giả thuyết khác… Thí dụ như Chính quyền Obama muốn dùng đòn kinh tế, hay là tin rằng động lực kinh tế – một vụ khủng hoảng nữa – sẽ làm Liên bang Nga thay đổi?

Thủ Tướng Nga Vladimir Putin, cầm tách, trà đàm với TT Hoa Kỳ Obama tại Novo_Ogarevo ngày 7/7/2009. ALEXEY DRUZHININ/AFP/Getty Images

THI ĐUA TỚI ĐỨT HƠI
Chúng ta lại thử xoay ngược đồng hồ về quá khứ.
Sau khi Liên Xô tan rã, Liên bang Nga đã trải qua 10 năm khủng hoảng, từ 1991 đến 2001, cho đến khi Vladimir Putin được Boris Yeltsin đưa lên cầm quyền. Từ đó, Liên bang Nga ngoi lên khỏi đáy vực và Putin mở cuộc tổng phản công. Người thân tín của ông nay được đưa ra ứng cử Tổng thống và vừa nhậm chức, tân Tổng thống Medvedev đã khẳng định ý chí chinh phục lại ngôi vị cũ của Đế quốc Nga, của Liên Xô ngày xưa và Liên bang Nga ngày nay. Được dầu thô lên giá tới mức kỷ lục vào năm ngoái, Putin có phương tiện thực hiện chủ trương đó, với cao điểm là vụ tấn công Georgia vào tháng Tám, và khống chế Ukraine từ đầu năm nay.
Trong khi ấy, Hoa Kỳ vẫn mắc bận vì cuộc chiến chống khủng bố với hai chiến trường nóng là Iraq và Afghanistan. Mà nếu khỏi qua Pakistan, đường tiếp vận cho Afghanistan lại đi qua vùng Trung Á trong quỹ đạo của Nga, hoặc lãnh thổ Nga. Chuyện đổi chác vì quyền lợi, thí dụ hy sinh các đồng minh mới – như BaLan, Cộng hoà Tiệp, Georgia và Ukraine – để giải quyết mục tiêu chiến lược tại Afghanistan hay Iran có thể đặt ra cho Chính quyền Mỹ.
Putin chờ đợi chuyện ấy.
Bây giờ, sau khi thăm viếng Georgia và Ukraine, Phó Tổng thống Mỹ bỗng lên giọng miệt thị. Rằng về dài thì Hoa Kỳ vẫn chiếm thế thượng phong và Nga chẳng có lý do gì mà đòi trả giá vì thực chất đang là một quốc gia lụn bại về kinh tế...
Ông nói không khác gì... Tổng thống Ronald Reagan! Nhưng có khi lại làm khác. Chính quyền Obama nhất quyết không trở lại đối sách ngang bướng của tay cao bồi Texas là ông Bush, nhưng liệu có biết trở lại chủ trương ngang tàng của tay cao bồi điện ảnh đã làm Liên Xô hụt hơi mà sụp đổ không?
May ra, ta sẽ thấy lại truyền thống rất Mỹ của hai chục năm về trước.
Chính quyền Reagan biết nhược điểm bên trong của chế độ Xô viết và mở ra cuộc thi đua võ trang để làm soi mòn nền kinh tế kiệt quệ, đồng thời gây áp lực trên khu vực phiên trấn của Chủ tịch Mikhail Gorbachev. Ông đề nghị hợp tác nhưng thách thức Gorbachev kéo xập bức tường ô nhục tại Berlin. Khi bức tường sụp đổ, khu vực phiên trấn ấy được giải phóng thì Liên Xô tan rã.
Ngày nay, tức là hai chục năm sau, kinh tế Nga cũng bị kiệt quệ như vậy, dầu thô sụt giá rồi khủng hoảng tài chánh tại Âu Châu đã dội ngược về Nga. Putin có cái thế rất mạnh, nhưng cái lực của Nga thì không còn. Trong điều kiện ấy, Biden nói thẳng ra, rất công khai, là nước Nga không có gì để đòi Hoa Kỳ phải nhượng bộ. Suy diễn tiếp thì Hoa Kỳ đang ở trên thế mạnh nên việc gì mà phải nhượng bộ?
Bây giờ Nga sẽ tính sao?

PUTIN VÀ CHIÊU THỨC BẮC HÀN
Hỏi cho đúng hơn, Putin tính sao?
Vào cuối trào Xô viết, lãnh đạo Liên Xô như Yuri Andropov hay Mikhail Gorbachev không thể không biết rõ nội tình kiệt quệ của xứ sở. Là trùm mật vụ như Andropov thì càng biết rõ hơn vì có nhiều thông tin hơn. Giải pháp thoát hiểm khi đó là lấy của địch để đánh địch, là trao đổi kinh tế và đánh cắp kỹ thuật Tây phương – nghề riêng của mật vụ KGB. Một nhân viên KGB được gửi qua phục vụ tại Đông Đức có thể là để tìm hiểu về những cách “chuyển giao công nghệ” ấy.
Nhân viên đó là Vladimir Putin.
Nhớ lại thì Liên Xô thời Andropov đảo ngược chánh sách của Lenonid Brezhnev, chủ trương hoà dịu bên ngoài và cải cách cơ chế kinh tế bên trong. Được Andropov đưa lên, Gorbachev tiếp tục con đường ấy, nhằm cứu đảng Cộng sản chứ không để xây dựng dân chủ như ông sẽ trình bày sau này. Glasnost – minh bạch – hay perestroka – cải cách – là cuộc thử nghiệm đầy rủi ro được Gorbachev thi hành, và bị Reagan khai thác ngược. Kết quả là dự tính của Andropov-Gorbachev sụp đổ, Liên Xô tan rã, đảng Cộng sản Nga tiêu vong.
Mười năm sau đó là 10 hỗn loạn của đạo tặc và thổ phỉ mà bên ngoài cứ tưởng là dân chủ hoá theo kinh tế thị trường. Chứng kiến tận mắt chuyện đó, Vladimir Putin không thể bỏ qua được. Khủng hoảng bùng nổ vì trung ương mất hết quyền lực khi bao biện chuyện kinh tế, và giữa hai mục tiêu là cải thiện đời sống người dân hay củng cố quyền lực của nhà nước, ông đã chọn.
Putin thi hành đúng như vậy trong thời kỳ làm Thủ tướng cho Yeltsin rồi trong hai nhiệm kỷ Tổng thống, cho đến ngày nay…
Trong lịch sử lâu dài của nước Nga, với một lãnh thổ quá lớn cho một dân số quá nhỏ trên một vùng địa dư không mấy thuận tiện cho canh tác và chuyển vận, khủng hoảng kinh tế thường xảy ra trong nỗi lầm than triền miên của người dân. Nhiều triều đại đã sụp đổ vì các vụ khủng hoảng ấy. Nhưng chế độ Cộng sản thì tồn tại được 70 năm. Quy luật ở đây là phải tách rời hai chuyện, kinh tế quốc dân có kiệt quệ cũng không sao nếu chế độ vẫn nắm chặt quyền lực, kiểm soát được quân đội và an ninh. Tài nguyên kinh tế bị trưng thu để xây dựng quyền lực đó và mọi mầm mống đối kháng phải bị tiêu diệt.
Nhìn một cách nào đó thì Bắc Hàn ngày nay đang áp dụng đúng quy luật đó. Dân có chết đói hạng triệu người, quân đội vẫn đứng vững, mật vụ vẫn khống chế xã hội và chế độ vẫn tiếp tục đầu tư vào võ khí tàn sát để bắt bí xứ khác.
Chiến lược Andropov-Gorbachev đi ngược quy luật tồn tại đó khiến quyền lực chính trị tan rã, quân đội đòi đảo chánh và đảng Cộng sản tiêu vong. Sau khi Liên Xô tan rã, lại thấy Minh ước NATO cứ tiến về hướng Đông sau các cuộc cách mạng dân chủ muôn màu tại Đông Âu và Trung Á, thế hệ lãnh đạo nước Nga như Putin rút tỉa bài học.
Đừng mơ tưởng cải cách kinh tế mà để mất hết quyền lực chính trị. Nếu cần, phải hy sinh kinh tế để củng cố quyền lực, và đưa nước Nga trở lại vị trí cường quốc đáng sợ. Ngày nào mà còn cái thế mạnh đó, nước Nga còn có thể tồn tại.
Vì vậy, Joe Biden nói ra một điều rất thật về sự lụn bại kinh tế của Nga. Nhưng nếu điều ấy lại phản ảnh dự tính dùng mồi nhử hợp tác kinh tế để thuần hóa chế độ, làm chế độ biến chất, thì dự tính ấy có thể lạc quan. Sau kinh nghiệm của thế hệ Andropov, Gorbachev và Yeltsin, Putin ngày nay không còn thiết tha gì đến chuyện đó.
Bên trong, nếu ông vẫn kiểm soát được các tài phiệt và thành phần an ninh cùng quân đội và khống chế được truyền thông, thì quyền lực của ông vẫn còn nguyên vẹn. Trong vụ khủng hoảng vừa rồi, Putin đã tập trung lại để ra tối hậu thư cho các tài phiệt: đem tiền về cấp cứu chế độ! Quyền lực đó giúp ông tiếp tục trưng thu kinh tế để củng cố quân đội và an ninh. Đối ngoại, đứng trên thế mạnh mà Gorbachev và Yeltsin không có, Putin định lại luật chơi cho Hoa Kỳ.
Chính quyền Obama sẽ lầm nặng nếu tin rằng sự suy sụp kinh tế sẽ khiến Putin trở nên hoà hoãn biết điều hơn. Vì vậy, Joe Biden nói đúng mà có thể vẫn nghĩ sai.
Vladimir Putin là Kim Chính Nhật, không điên khùng mà lạnh lùng gấp bội. [NXN]

----------------------------------------------------------------------------------

SOURCE

Viet Tribune Online

Kể chuyện đường xa: Từ Đài Loan tới Nam Hàn (3)

Cập nhật lúc: 7/22/2009 6:54:03 PM
Kể chuyện đường xa: Từ Đài Loan tới Nam Hàn (3)

Tác giả trước Dinh Tổng Thống Đài Loan

Cách đây không lâu, nhân đọc bài Đài Loan và cội nguồn Bách Việt” của tác giả Nguyễn Đức Hiệp và những chuyện cô dâu xứ Đài trên báo chí, tôi bỗng thấy muốn đi du lịch Đài Loan để xem có sự liên hệ gì giữa người dân đảo quốc này và Việt Nam không.

Có người đã nêu lên giả thuyết sở dĩ người Đài Loan thích lấy vợ Việt Nam bởi có một sợi dây liên hệ lâu đời từ ngàn xưa.

Chưa hết, lại có giả thuyết động trời ông Hồ Chí Minh không phải là người Việt Nam mà là người Đài Loan bởi sự ra đời mới đây của cuốn sách Hồ Chí Minh bình sanh khảo” của tác giả người Đài Loan Hồ Tuấn Hùng.

Theo tác giả Hồ Tuấn Hùng, người nằm ở lăng Ba Đình hiện nay không phải Hồ Chí Minh mà là Hồ Tập Chương, một người gốc Hẹ còn gọi là Khách gia (Hakka) sinh đẻ tại huyện Miên Lật thuộc Đồng La, Đài Loan.

Khi ở Đài Bắc, Linh mục Nguyễn Văn Hùng có đưa cuốn sách “Hồ Chí Minh bình sanh khảo” cho người viết xem, nhưng tiếc rằng người viết không đọc được một chữ Hoa nào nên đã không biết trong đó viết gì, chỉ nghe Linh mục Hùng nói “đây là chuyện có thể tin”.

Đài Loan có “liên hệ” với chuyến du lịch của người viết là như thế.

Một chút lịch sử, văn hóa và chính trị xứ Đài

Đi du lịch ở đâu, bạn cần biết về đất nước và con người xứ đó.

Các khảo cứu cho biết con người đã xuất hiện trên hòn đảo Đài Loan từ cả 50 chục ngàn năm, và người ở đây tỏa lan ra các hải đảo và các quần đảo chung quanh, đến Phi Luật Tân và tận Tân Tây Lan.

Theo tác giả Nguyễn Đức Hiệp, người Đài Loan chính hiệu không phải là người Hán đến từ lục địa từ nhiều thế kỷ trước hay sau khi Tổng thống Tưởng Giới Thạch thua trận chạy sang hòn đảo này duy trì chính phủ Trung Hoa Dân Quốc tại đây từ năm 1949.

Từng đoàn du khách người Hoa (có lẽ từ Hoa Lục) trước cổng vào Đài Tưởng Niệm Tưởng Giới Thạch ở Đài Bắc

Cư dân đầu tiên trên đảo này thuộc giống dân Austronesian và những thổ dân khác như, Hoklo (Mân Việt), Minnan (Mân Nam) và Hakka (Khách trú, Khách gia), những giống dân rất gần gũi với người Việt. Nói cách khác, người Đài Loan có gốc gác từ nhóm Bách Việt.

Lịch sử Trung Hoa đã nói đến đảo Đài Loan từ thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên khi có một số người từ Phúc Kiến và Quảng Đông chạy loạn sang trú ngụ ở đấy. Đến thế kỷ 16 có một số người Hán từ lục địa sang sinh sống ở phía bắc hòn đảo.

Đầu thế kỷ 17, người Hòa Lan chiếm hòn đảo này và đặt tên là Formosa (có nghĩa hòn đảo đẹp). Sau đó là những xự xung đột giữa người Hòa Lan và Tây Ban Nha để làm chủ hòn đảo này.

Đến cuối thế kỷ 19, khi nhà Thanh thua trận và phải ký Hiệp Ước Mã Quan với Nhật, hòn đảo này chính thức nằm dưới sự cai trị của Nhật cho đến năm 1945.

Giành lại hòn đảo này từ quân phiệt Nhật, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc đã cai trị một cách độc đoán khiến người địa phương nổi dậy qua cuộc bạo động ngày 28.2.1947. Chính quyền Quốc Dân Đảng đã thẳng tay đàn áp làm hàng chục ngàn người thiệt mạng và sự kiện này được coi là một bản lề trong lịch sử của Đài Loan hiện đại, làm người địa phương luôn nghi ngờ người Hán đến từ lục địa.

Từ khi Trung Hoa Dân Quốc (Republic Of China) bị loại ra khỏi Liên Hiệp Quốc vào năm 1971, đảo quốc từng là một trong 5 thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An chỉ còn được gọi là Đài Loan (Taiwan) và chỉ còn chừng hai chục quốc gia nhỏ công nhận nước Trung Hoa Dân Quốc trong đó có Vatican, Solomon Islands, Haiti...

Trung Cộng với cái thế mạnh đã tuyên bố sẽ không thiết lập quan hệ ngoại giao với bất cứ nước nào công nhận Đài Loan là một quốc gia, coi đây là một tỉnh của họ và tìm mọi cách để đưa “trở về đất mẹ”.

Đài tưởng niệm “quốc phụ” Tôn Dật Tiên

Từ khi bỏ chạy khỏi Hoa Lục, Tổng thống Tưởng Giới Thạch đã áp dụng thiết quân luật để cai trị.

Sau khi Tưởng Thống Chế qua đời năm 1975, con trai Tưởng Kinh Quốc lên thay thế, đã bắt đầu cởi trói cho dân bằng các cải tổ về chính trị. Năm 1986, đảng đối lập đầu tiên là Dân Chủ Tiến Bộ được thành lập và hoạt động. Năm sau, Tưởng Kinh Quốc bãi bỏ thiết quân luật và chọn một người sinh đẻ tại Đài Loan làm phó tổng thống. Lý Đăng Huy là đảng viên Quốc Dân Đảng nhưng sinh đẻ tại Đài Loan, người mà có giả thuyết cho rằng là hậu duệ của Lý Long Hiền, con của hoàng tử Lý Long Tường.

Tưởng Kinh Quốc qua đời năm 1988, Lý Đăng Huy lên thay, mở rộng đường cho người Đài Loan tham gia vào các cơ cấu chính trị và tạo cơ hội cho người địa phương phát huy bản sắc văn hóa của họ. Ngoài ngôn ngữ chính thức là tiếng Phổ Thông do người Hán từ lục địa đem ra và áp đặt lên hòn đảo này, tiếng địa phương như Phúc Kiến hay Hakka (còn gọi là tiếng Đài Loan) cũng được công nhận, sử dụng trên các phương tiện truyền thông và ở học đường.

Cổng vào ngôi đền Long Thần ở Đài Bắc

Năm 2000 khi Đảng Dân Chủ Tiến Bộ thắng cử và ông Trần Thủy Biển lên làm tổng thống, Đài Loan hầu như muốn lột xác. Trần Thủy Biển chủ trương độc lập vì thế Trung Cộng đã đưa ra đạo luật chống ly khai cho phép sử dụng vũ lực nếu Đài Loan tuyên bố độc lập.

Vì là người bản xứ, chính phủ Trần Thủy Biển tìm cách xóa bỏ những gì mang tính cách Hán tộc, biểu tượng của sự áp đặt từ Hoa Lục, dù đó là của chính phủ Trung Hoa Dân Quốc. Thậm chí Đài kỷ niệm của Tưởng Giới Thạch, một di tích đẹp và nổi tiếng ở thủ đô đã bị đổi tên, thành Quảng Trường Tự Do. Chính phủ Quốc Dân Đảng của Tổng Thống Mã Anh Cửu (Ma Ying-jeou) dự tính sẽ đổi tên hoặc lấy lại tên cũ.

Đảng Dân Chủ Tiến Bộ chủ trương Đài Loan là của người Đài Loan trong khi Quốc Dân Đảng lại muốn bắt tay với kẻ cựu thù, quan niệm rằng không nên tuyên bố độc lập và giữ nguyên trạng (tức không độc lập mà cũng chẳng là một tỉnh của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa).

Lên cầm quyền năm 2008, Mã Anh Cửu đã có những cải thiện với Trung Cộng, xích lại với Bắc Kinh sau 8 năm căng thẳng giữa eo biển Đài Loan bởi chính phủ Trần Thủy Biển.

Khi người viết đang du lịch ở Đài Loan trong thời gian từ ngày 29.4 đến 3.5.09, có tin chính phủ sẽ cho phép các định chế của Hoa Lục được đầu tư vào các công ty Đài Loan kể từ khi có sự chia cắt trong 60 năm qua.

Kể từ khi Bắc Kinh mở cửa, sự đầu tư vào Hoa Lục của Đài Loan gia tăng đáng kể nhưng Đài Loan lại không cho các công ty Hoa Lục mua cổ phiếu của họ. Nay chính phủ Mã Anh Cửu sẽ cho phép bao lâu sự đầu tư không quá 10% cổ phiếu của một công ty Đài Loan. Tin này đã làm cổ phiếu thị trường chứng khoán Đài Loan tăng 6.7% trong ngày 30.4.2009, một tỉ lệ cao nhất trong 18 năm qua.

Trước đó một ngày Tổng thống Mã Anh Cửu cho biết Đài Loan đã nhận được thư mời của tổ chức y tế thế giới là WHA (World Health Assembly) chấp nhận cho tham dự với tư cách là một quan sát viên nhờ thiện chí của Trung Cộng và các quốc gia khác.

Trong 13 năm qua, Đài Loan vận động để vào WHA nhưng bị Trung Cộng chống. Ông Mã Anh Cửu sau một năm lên cầm quyền, đã có thái độ mềm dẻo, hòa hoãn tránh đối đầu với Bắc Kinh và chấp nhận tham gia vào tổ chức y tế thế giới với tên là Chinese Taipei (Đài Bắc Trung Hoa) chứ không phải là Republic of China (Trung Hoa Dân Quốc), tên chính thức của nước Đài Loan.

Khi người viết ở thủ đô Đài Bắc, gặp rất nhiều toán du khách Hoa Lục trong khách sạn, ở những danh lam thắng cảnh. Cho đến nay, người Hoa Lục chỉ được phép sang Đài Loan du lịch từng đoàn có người cầm cờ hướng dẫn. Nhưng Đài Loan đang khuyến khích họ du lịch với tính cách cá nhân để hy vọng tăng thu nhờ số tiền tiêu trung bình khoảng $700 Mỹ kim một tuần của du khách. Vấn đề khó khăn hiện nay là đảo quốc này đang thiếu phòng ốc khách sạn để đón làn sóng du lịch từ đại lục.

Từ khi có những chuyến bay trực tiếp hồi tháng 7 năm ngoái, Đài Loan đón 100,000 du khách từ đại lục. Trong những năm tới con số này sẽ tăng lên một triệu hay nhiều hơn nữa.

Như những người quen biết ở Đài Loan kể cho người viết thì những du kháchTrung Hoa từ Đại Lục sang Đài Loan không tới phi trường quốc tế Đào Viên mà đáp phi cơ tại một phi trường khác.

Lý do: nếu họ tới phi trường Đào Viên thì phải sắp hàng trình passport và qua thủ tục di trú như mọi người khác. Bắc Kinh vẫn coi Đài Loan là một tỉnh nên muốn người từ Hoa Lục tới Đài Loan thì cũng giống như đi lại trong nước như tới Thượng Hải, Bắc Kinh, Thẩm Quyến, Hải Nam v.v...

Người bản xứ Đài Loan nghi ngờ chính phủ Quốc Dân Đảng của Tổng thống Mã Anh Cửu dù ông này nói ông vẫn chủ trương giữ nguyên hiện trạng các thể chế chính trị (cộng sản và quốc gia) giữa eo biển Đài Loan.

Việc chính phủ Quốc Dân Đảng đang tu chính luật để hạn chế những sự tụ họp và biểu tình là giọt nước tràn ly đã khiến hàng trăm ngàn người xuống đường biểu tình ở thủ đô Đài Bắc, trước Dinh Tổng thống hôm Chủ Nhật vừa qua. Phần lớn người biểu tình thuộc các đảng đối lập, những người gốc Đài Loan và những người lớn tuổi đã có kinh nghiệm về cuộc bỏ chạy ra đảo Đài Loan năm 1949.

Người ta nói rằng sau khi Mỹ đồng ý để cho Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (tức Trung Cộng) thay cái ghế của Đài Loan ở Liên Hiệp Quốc, Mỹ đề nghị Đài Loan nhân đang còn thương lượng với Bắc Kinh, nên nộp đơn xin vào Liên Hiệp Quốc với tư cách là một nước độc lập nhưng Tưởng Giới Thạch không chịu, vẫn cho rằng chính phủ ông là đại diện cho cả Hoa Lục, cho tất cả nhân dân Trung Hoa.

Sự giận hờn này của Đài Loan với đồng minh Mỹ và sự thiếu viễn kiến về chính trị và quan hệ quốc tế của Tưởng Giới Thạch là một sai lầm lớn mà Đài Loan phải trả giá sau này. Nên bây giờ muốn xin vào một cái ghế nhỏ như của tổ chức y tế thế giới Đài Loan cũng phải chịu lấy cái tên ra vẻ là một tỉnh của Trung Cộng như Chinese Taipei.

Ở Đài Loan, người viết vẫn thấy những dấu hiệu, huy hiệu hay bảng hiệu đề những chữ bằng Anh ngữ Republic of China, tức Trung Hoa Dân Quốc.

Gần thiên nhiên: con sông chảy qua Làng Sankeng nơi có khách sạn Holiday Inn mà tác giả trú ngụ

Địa lý

Theo Atlas, Đài Loan (Taiwan) là hòn đảo lớn nhất của Trung Hoa, cách thành phố Melbourne 7,277 km đường chim bay, xa hơn Sài Gòn khoảng 700 km. Hình như không có các chuyến bay thẳng từ Melbourne đi thủ đô Đài Bắc (Taipei). Phải bay lên Sydney hay Brisbane hay bay ngược lại, rồi mới bay đi Đài Bắc, vì vậy có thể có những chuyến bay kéo dài tới 20 tiếng đồng hồ do phải chuyển máy bay nhiều lần.

Nhưng nếu bạn ở Brisbane và mua được chuyến bay thẳng tới Đài Bắc, thì trung bình thời gian bay từ 8 tiếng rưỡi đến 9 tiếng đồng hồ.

Nằm ở vĩ tuyến 25, Đài Loan thuộc khí hậu gần nhiệt đới, bị ảnh hưởng nặng nề của gió mùa trong mùa hè nhưng mùa đông có tuyết trên núi.

Diện tích 32,260 cây số vuông, hòn đảo có chiều dài 394 km và bề ngang từ đông sang tây rộng từ 20 đến 150 km.

Dân số cả nước gần 23 triệu người. Thủ đô Đài Bắc nằm ở cực bắc hòn đảo có 2.8 triệu dân, là thành phố có diện tích lớn nhất nước.

Thành phố lớn thứ hai là Cao Hùng (Kaohsiung), một thành phố công nghiệp nằm ở phía tây nam, gần đáy của đảo, cách Đài Bắc 345 km tính theo đường xe lửa cao tốc. Khai trương vào ngày 5.2.2007, đường xe lửa cao tốc này giúp sự đi lại giữa hai thành phố lớn nhất của đảo quốc giảm từ 4 tiếng còn một tiếng rưỡi. Thành phố này có 1.4 triệu dân.

Thành phố lớn thứ ba là Đài Trung (Taichung) nằm ở phía nam cách Đài Bắc 131 km. Người viết dự tính sẽ đi Đài Trung thăm một người anh họ đang phục vụ cho dòng tu Thánh Gioan Tẩy Giả của của người Trung Hoa nhưng ông anh họ đã được chuyển lên Đào Viên nên đã không có dịp tới đây như dự tính.

Thành phố lớn thứ tư là Đài Nam (Tainan), cũng ở bờ biển phía tây như các thành phố vừa nói và gần Cao Hùng.

Các thành phố lớn khác gồm Cơ Long, Tân TrúcGia Nghĩa. Ngoài 8 thành phố, Đài Loan có 18 quận (counties) trong đó quận Đào Viên (Taoyuan) là một quận nổi tiếng với phi trường quốc tế hiện đại mang tên Tưởng Giới Thạch (C.K.S. international airport), cách thành phố Đài Bắc 1 giờ lái xe.

Quận Đào Viên với khoảng 20,000 người Việt là nơi có đông người Việt sinh sống nhất ở Đài Loan. Tại quận này, có 12 linh mục Việt Nam làm chánh xứ hoặc phó xứ của các giáo xứ người Đài Loan và linh mục hạt trưởng cũng là một người Việt, cha Nguyễn Văn Phúc chánh xứ giáo xứ Đức Mẹ Vô Nhiễm.

Tôn giáo chính của người Đài Loan là Phật Giáo, Khổng Giáo và Lão Giáo. Có nhiều tôn giáo nhỏ thờ đủ thần thánh lạ kỳ. Đạo Công Giáo đang trên đà phát triển với số tín đồ chiếm khoảng 1% dân số. Nghe nói hiện có khoảng 60 linh mục Việt Nam từ trong nước và ở các nước tây phương đang phục vụ công việc truyền giáo tại xứ này. Số nữ tu từ Việt Nam đến xứ Đài phục vụ cũng đang gia tăng. Phải chăng đây lại cũng là một sơi giây liên hệ hàng ngàn năm của “cội nguồn Bách Việt”?

Như ngày hội: mua bán trong ngày Thứ Bảy tại một con hẻm ở Làng Sankeng (có nghĩa là Thâm Sơn), thuộc Taipei County

Đài Bắc rộng 272 cây số vuông. Thành phố nằm trong lòng chảo được bao bọc bởi núi đồi có con sông Danshui River (Sông Đạm Thủy) chảy ngang, chia đôi thành phố. Cũng vì vậy mà Đài Bắc hay gặp nạn lũ lụt. Phần lớn phố xá và các cơ sở quan trọng đều tập trung ở hữu ngạn.

Khách sạn Holiday Inn chúng tôi trú ngụ nằm ở hữu ngạn Sông Đạm Thủy, phía đông nam của thành phố Đài Bắc (Taipei City). Địa chỉ:

No. 265, Sec. 3, Beishen Rd, Shensheng Shiang, Taipei County, 222, Taiwan, R.O.C. Phone: (886) 2 2662 8000. website: www.holidayinn.com

Sở dĩ người viết ghi ra là để bạn đọc có thể sử dụng khi cần. Đây là một khách sạn loại ba sao rất đáng đồng tiền, tuy nằm “hơi xa” trung tâm phố (10 phút lái xe) nhưng khung cảnh đẹp, không khí trong lành, là nơi trú ngụ lý tưởng khi đi nghỉ mát hay hưởng tuần trăng mật. Giá phòng mỗi đêm trong thời gian chúng tôi ngụ là $2,400 Đài kim (1 Úc kim ăn khoảng 21 Đài kim) tức khoảng $115 Úc kim, chưa kể thuế chính phủ 10%.

Sau này khi đã tới Đài Loan, người viết mới biết rằng khách sạn này nằm ở Quận Đài Bắc (Taipei County). Nhưng không sao, bạn có thể dùng các phương tiện di chuyển công cộng như xe bus ngay trước mặt khách sạn, xe shuthle bus đưa đón hàng giờ của khách sạn hay đón xe điện ngầm ở Sở Thú Taipei gần đó.

Vì Sankeng Shiang (Shiang = làng; Sankeng = Thâm Sơn) là một làng cách Thành phố Đài Bắc bởi một rặng núi nên có một không khí sinh hoạt của một thị xã, rất hấp dẫn với du khách và người bản xứ. Chính trong Làng Sankeng (đọc là Sân Khân Xeng) là nơi mà vợ chồng chúng tôi sau khi đi bộ cả tiếng đồng hồ để tham quan, đã có một bữa ăn trưa ngoài trời để nhớ hoài: rẻ và ngon không thể tưởng tượng được.

Trong bài, người viết sử dụng một số địa danh bằng tiếng Việt như Quận Đào Viên, Sông Đạm Thủy nhưng khi qua bên đó, nếu bạn không biết tiếng Quan Thoại hay Phúc Kiến, bạn hãy sử dụng địa danh bằng tiếng Anh như Taoyuan hay Danshui. Nhưng vẫn không bảo đảm người địa phương sẽ hiểu bạn muốn nói gì bởi phi trường Taoyuan (tức Đào Viên) được phát âm bằng tiếng địa phương là Thảo Duẩn chứ không phải... Tao-du-oan.

Thật là rắc rối! Nhưng bạn đừng lo, khi dùng “ngôn ngữ quốc tế” bằng tay, mọi chuyện sẽ ổn thỏa. (còn tiếp)

(TV- 1209 – 27.5.09)

----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

source

TiVi Tuan San

Friday, 24 July 2009

Hoa Kỳ tại Đông Nam Á

July 24, 2009

Hoa Kỳ tại Đông Nam Á

Nguyễn Xuân Nghĩa-Việt Tribune

Hoa Kỳ đã trở lại… để làm gì?

Từ Ấn Độ qua Thái Lan tham dự một loạt hội nghị quốc tế, Ngoại trưởng Hoa Kỳ đã trước tiên thông báo hôm Thứ Tư 22 tại Bangkok: “Hoa Kỳ trở lại Đông Nam Á!”
Kể là không quá chậm. Nhưng để làm gì? Và làm thế nào?
Hãy nói về bối cảnh trước…
Lịch trình làm việc của Ngoại trưởng Hillary Clinton là dự Hội nghị cấp Ngoại trưởng của Hiệp hội 10 Quốc gia Đông Nam Á ASEAN và các đối tác với ASEAN như aNam Hàn, Nhật Bản, Tân Tây Lan, Úc Đại Lợi và Liên hiệp Âu Châu. Hôm sau, ngày 23, bà vào Hội nghị của Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN (ASEAN Regional Forum – ARF) gồm các thành viên kể trên và bảy quốc gia trong khu vực Á châu và Thái bình dương (xin gọi tắt là Thái-Á) là Bắc Hàn, Bangladesh, Mông Cổ, Pakistan, Papua New Guines và Timor-Lese. Mười quốc gia hội viên ASEAN là Brunei, Việt Nam, Căm Bốt, Lào, Miến Điện, Thái Lan, Phi Luật Tân, Mã Lai Á, Indonesia và Singapore.

Ngoại trưởng Hillary Clinton bắt tay phó thủ tướng VN Phạm Gia Khiêm tại Hội nghị cấp Ngoại trưởng 10 Quốc gia Đông Nam Á ngày 23/7/2009.SUKREE SUKPLANG/AFP/GETTY IMAGES

Bên lề các hội nghị, bà Clinton cũng có hội kiến song phương với nhiều Ngoại trưởng tham dự.
Trước khi các hội nghị nhóm họp thì đã có nhiều đề tài nhạy cảm cần thảo luận, tùy mức độ quan tâm hay liên hệ: như nạn chà đạp nhân quyền tại Miến Điện, thành viên của ASEAN; việc Bắc Hàn thử nghiệm võ khí nguyên tử, lại còn có thể phổ biến võ khí đó cho chế độ quân phiệt Miến; vụ khủng bố hôm 17 tại thủ đô Jakarta của Indonesia (Nam Dương) và nguy cơ khủng bố trên toàn khu vực Đông Nam Á; việc Trung Quốc bành trướng thế lực ngoài biển và gây tranh chấp về chủ quyền trên một số quần đảo với Nhật Bản (Senkaku/Điếu ngư đài) và nhiều nước Đông Nam Á (Hoàng Sa và Trường Sa), v.v…
Nếu hội nghị của ASEAN tập trung vào các vấn đề Đông Nam Á thì hội nghị ARF lại chú ý đến chuyện an ninh và nhất là mối bất ổn tại Đông Bắc Á, xuất phát từ Bắc Hàn.
Trước khi Hội nghị cấp Ngoại trưởng nhóm họp thì khối ASEAN mau mắn thông qua văn kiện thành lập một Ủy ban Nhân quyền của ASEAN, mà không ai – kể cả nhiều hội viên ASEAN – tin là có khả năng và thực quyền phát huy nhân quyền. Đó là trò đùa muôn thuở và lố bịch của ASEAN vì nguyên tắc của câu lạc bộ làm ăn này là “không xen lấn vào nội bộ của xứ khác”.
Vào đến Hội nghị, Ngoại trưởng Clinton đã ghi danh Hoa Kỳ vào Thỏa ước Hữu nghị và Hợp tác của ASEAN. Thoả ước là một hài kịch khác vì được các hội viên ASEAN đưa ra từ 1976 – sau khi Việt Nam Cộng Hoà bị diệt vong – theo đó thì các nước ký kết sẽ phát huy hợp tác và giải quyết mâu thuẫn một cách hoà bình theo tinh thần của Hiến chương Liên hiệp quốc. Sau đó Thoả ước được tu chỉnh và mở rộng cho các nước nằm ngoài ASEAN, như Nhật Bản, Trung Quốc, và cả Bắc Hàn Cộng sản, rồi còn mở rộng thêm cho các thành viên không phải là quốc gia, như Liên hiệp Âu Châu. Hoa Kỳ và Liên Âu là hai thành viên mới nhất.
Bây giờ, hãy dẹp qua một bên những hài kịch ấy để nói về chuyện Mỹ.
Trong gần tám năm liền, vì tập trung vào mặt trận chống khủng bố Hồi giáo cùng hai chiến trường Iran và Afghanistan, Hoa Kỳ coi như thả nổi Đông Á và nhất là Đông Nam Á.
Tại Đông Bắc Á, Chính quyền Bush không ngăn được Bắc Hàn tiếp tục thử nghiệm hoả tiễn có tầm bắn ngày càng xa, trong khi vẫn xúc tiến kế hoạch chế tạo võ khí nguyên tử. Sau những cố gắng vừa dọa vừa dụ của cả hai Chính quyền Clinton và Bush, Bắc Hàn vẫn là hung đồ mà Nam Hàn và nhật Bản phải lo lấy.
Tại Đông Nam Á, Hoa Kỳ giữ vai trò của kẻ vắng mặt lẫy lừng. Ngoại trưởng Condoleezza Rice của ông Bush không dự hội nghị cấp Ngoại trưởng của ASEAN không chỉ một lần. Diễn đàn này không đáng chú ý và tình hình tệ mạt của Miến Điện không có cải tiến thì cũng do tinh thần bao che của ASEAN. Còn lại, chuyện làm ăn thì vẫn phát đạt: Hoa Kỳ xuất cảng 70 tỷ đô qua khối ASEAN – gần bằng kim ngạch xuất cảng vào Hoa lục.
Nhưng, trong khi nước Mỹ quay lưng về khu vực đó, Trung Quốc đã xuất hiện, ngày càng ngang ngược hơn và không chỉ uy hiếp các nước Đông Nam Á mà còn khiêu khích và tìm cách trung hòa khả năng can thiệp của Hoa Kỳ ngoài biển Đông.
Bây giờ, Hoa Kỳ có lãnh đạo mới và chiến lược đối ngoại mới của Chính quyền Barack Obama là tận dụng sức mạnh một cách thông minh. Thông minh nhất là tận dụng sức mạnh ngoại giao để liên kết với nhiều quốc gia hơn – thay vì đơn phương hành động như Bush – để bảo vệ quyền lợi của Hoa Kỳ.
Người ta thấy chủ trương mới được áp dụng tại Trung Đông, Trung Á và Âu Châu, với việc trấn an – hoặc xử ép – các đồng minh đang bị đe dọa (như Georgia, Ukraine, Israel, Ba Lan, v.v…) và dịu giọng với các đối thủ (như Iran hay Liên bang Nga) trước tiên là để bảo vệ quyền lợi của Mỹ tại chiến trường ưu tiên của Obama là Afghanistan.
Bây giờ, hãy xem chủ trương đó tại Đông Nam Á.
Sau khi ký kết vào Thỏa ước Hữu nghị và Hợp tác với ASEAN, quyết định có tính chất biểu kiến nữa là lập ra một Sứ quán Mỹ với một vị Đại sứ sẽ thường xuyên làm việc với ASEAN tại trụ sở nằm ở Jakarta.
Một tin vui? – Có còn hơn không!

Nhưng đại sứ này là ai? Và sẽ làm gì khi Hoa Kỳ vẫn có khả năng nói chuyện với từng hội viên ASEAN – trừ Miến Điện? Nhật Bản có thể cười buồn cho biết một khía cạnh về mức độ quan tâm của chính quyền Obama.
Xưa nay, Đại sứ Mỹ tại Tokyo là nhân vật có uy tín trong chính trường như Mike Mansfield, Walter Mondale, Tom Foley, Howard Baker và Tom Schieffer, cựu Đại sứ tại Úc, bạn thân của Bush và chuẩn ứng cử viên Dân Chủ vào chức vụ Thống đốc Texas. Tháng Năm vừa qua, Chính quyền Obama đề cử một doanh gia về luật pháp trong khu vực Sillicon Valley làm Đại sứ Nhật. Ông John V. Roos này không có kinh nghiệm về chính trị, ngoại giao hay về Nhật Bản nhưng góp tiền rất xộp cho cuộc tranh cử của Obama. Nhật Bản còn ngao ngán hơn vì Tổng thống Mỹ trả nợ cho thân chủ của mình sau khi gạt qua một bên Giáo sư Joseph Nye của Đại học Harvard, một chuyên gia của Hoa Kỳ về Nhật Bản!
Vì vậy, đừng vội hồ hởi về mối quan tâm đặc biệt của Hoa Kỳ với Đông Nam Á.
Tất nhiên là Ngoại trưởng Mỹ đã và sẽ còn lên tiếng về hồ sơ Miến Điện và tìm cách ngăn cản dự tính hợp tác giữa Miến Điện và Bắc Hàn – vẫn theo lối vừa dọa vừa dụ. Nhưng trong phạm vi đó thì cũng không ai quên vai trò của Trung Quốc với hai quốc gia thuộc diện “thân chủ” này.
Tuy nhiên, tình hình vẫn chưa hẳn là vô vọng.
Trong khi truyền thông quốc tế chú ý tới các hội nghị quy mô thì hôm 23, Ngoại trưởng Mỹ gặp riêng bốn Bộ trưởng Ngoại giao của Thái, Việt, Miên và Lào. Lý do chính thức là lưu vực sông Mekong. Lý do thực tế có khi nằm ở thượng nguồn… mãi tận bên Tầu.
Từ ít lâu nay, bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bỗng chú ý nhiều hơn đến dự án Lưu vực Mekong và nay muốn góp phần phát triển bốn quốc gia trong khu vực này. Mở bản đồ ra thì ta thấy là trong khi Trung Quốc tiến sâu xuống Đông hải thì Hoa Kỳ quay trở lại con sông trọng yếu của Đông Nam Á. Chỉ dấu tiên báo điều ấy là tháng trước, Chính quyền Obama bỗng quyết định tháo gỡ những rào cản pháp lý để cho phép Ngân hàng Xuất nhập cảng Ex-ImBank của Mỹ được tài trợ – bảo hiểm tín dụng – cho Lào và Căm Bốt.
Trong bốn quốc gia thuộc lưu vực Mekong, Thái Lan là một đồng minh kỳ cựu của Mỹ, Việt Nam là nước thân hữu tân tòng, hai xứ còn lại là Lào và Căm Bốt thì vẫn thuộc diện kinh tế chưa tự do – chưa phải kinh tế thị trường mà còn nhuốm mùi Mác-Lenin. Vì vậy vẫn nằm trong sổ đen của Ex-ImBank. Bây giờ, Hoa Kỳ bỗng gỡ bỏ chướng ngại đó, khiến quốc gia thứ năm bên cạnh sông Mekong phải phân vân. Đó là Miến Điện.
Và quốc gia thứ sáu ở trên đầu nguồn, phải suy nghĩ. Đó là Trung Quốc.
Quyết định ấy khiến chúng ta phải lùi lại. Và nhìn lại…
Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng Hòa hay Dân Chủ đều tiếp tục làm ăn với một cường quốc Cộng sản là Trung Quốc. Rồi tái lập bang giao với (...), một quốc gia vẫn tự đấm ngực xưng danh (...) mà lãnh đạo chỉ mong sớm thành tư bản. Với Mỹ, ý thức hệ hết quan trọng và việc giải thể các chế độ (...) hết cần thiết.
Tất cả các tổ chức đấu tranh cho nhân quyền đều có thể la làng về nạn chà đạp nhân quyền ở mấy quốc gia đó, hay tại nhiều nơi khác, Hoa Kỳ bất cần. Lâu lâu lên tiếng phê phán cho phải đạo, rồi thôi. Kêu gào phát huy dân chủ toàn cầu rồi, Tổng thống Bush vẫn có thể ngồi cười trước tượng (...) rồi nhịp nhàng chơi trò bắt-thả những người đấu tranh cho dân chủ với (...). Trong khi ấy, lãnh đạo (...) kiếm tiền bộn nhờ làm ăn với Mỹ và gửi con cháu qua Mỹ làm ăn tiếp để đóng góp cho sự thịnh vượng của Hoa Kỳ.
Bây giờ, đến lượt Căm Bốt và Lào cũng sẽ được mời vào vòng chơi, với Thái Lan và (...) ở hai bên. Kinh tế Miên Lào chỉ bằng hạt cát trong quan hệ buôn bán với Hoa Kỳ, nhưng tình hình hai xứ này dù sao cũng sẽ đổi khác. Và việc Trung Quốc bành trướng từ Vân Nam xuống bỗng dưng lại gặp sức cạnh tranh.
Nhìn ra khỏi lưu vực Mekong hay bán đảo Đông Dương và Vịnh Thái Lan, toàn khối ASEAN đang là đối tác không chỉ với Trung Quốc, Nhật Bản hay Nam Hàn mà còn có két bạc và cái neo hải quân rất nặng của Hoa Kỳ.
Nhìn sâu hơn vào lịch sử bang giao với bạn và thù của Mỹ, người ta cũng thấy điều lạ – mà quen.
Siêu cường này sẵn sàng hy sinh đồng minh và hợp tác để góp phần phát triển kẻ thù cũ – Đức, Nhật ngày xưa, rồi Trung Quốc, các nước trong khối Xô viết hay Warsaw và cả Việt Nam ngày nay – trong khi làm đảo lộn quan hệ trước đó của các nước liên hệ. Cũng nhờ vậy mà Hoa Kỳ thành siêu cường sau mỗi lần phá vỡ trật tự cũ để lập ra một trật tự mới mà không xứ nào có thể đe dọa hay xâm phạm vào quyền lợi Hoa Kỳ.
Lãnh tụ nào của Hoa Kỳ cũng có thể khoa trương về triết lý cao thượng hay chiến lược sáng suốt của mình, nhưng khi vào cuộc thì bộ máy vẫn vận hành theo quy luật nguyên thủy của nó. Việc nhảy vào Mekong tất nhiên đã có bài bản từ lâu để nếu có dịp thì đem áp dụng.
Nếu không may mắn nằm bên ngoài sự quan tâm của Mỹ mà bị liên lụy vào chuyện đảo điên bất lường như vậy, các quốc gia khác sẽ phải tự lo lấy thân – nhưng đừng tưởng bở. Vì vậy, khi Hoa Kỳ trở lại Đông Nam Á – trước tiên cũng vì quyền lợi tối thượng của Hoa Kỳ – nhiều nước trong vùng sẽ có cơ hội mới. Nhiều xứ khác sẽ gặp vấn đề. Tính trật là người dân sẽ khổ.
Riêng với trường hợp (...)?
Mối nguy của (...) không chỉ là Trung Quốc ngoài Đông hải mà còn là Trung Quốc tại Lào – một chư hầu cũ của (...) – và Cao nguyên Trung phần. Xung đột Hoa-(...) nếu có thì nhiều phần sẽ lặng lẽ xảy ra trong rừng già bên Lào chứ không ở ngoài khơi, nơi mà Hạm đội Mỹ vẫn có mặt. Bây giờ, bỗng dưng sông Mekong lại được chú ý thì đấy là cơ hội. Miễn là phải biết là quyền lợi (...) nằm ở đâu…
Là chuyện mà ta có quyền hoài nghi khi nhìn vào (...) và bãi bốc xít trên đầu! [NXN]

source

Nguyễn Xuân Nghĩa-Việt Tribune

Thursday, 16 July 2009

'Giấc mộng lớn'

'Giấc mộng lớn'

"Bước chân nhỏ của một con người là cú nhảy khổng lồ cho cả nhân loại".

Đó là chuyến bay lên Mặt Trăng ngày 20/07/1969 của hai phi hành gia Mỹ, Buzzz Aldrin và Neil Armstrong.

Hôm đến Trung tâm Hàng không Vũ trụ NASA ở Houston mùa hè 2008, hiện vật ở phòng điều khiển các chuyến bay cũng khiến tôi lòng đầy cảm xúc trước ước mơ vượt lên suy tư đời thường.

Đặc biệt, trong trung tâm NASA có rất nhiều thứ thu hút trẻ em với thông điệp rằng chinh phục không gian là công việc cho cả thế giới và cho các thế hệ sau.

Nhưng lên Cung Trăng của Hoa Kỳ lại không hoàn toàn là chủ đề lãng mạn.

Ngoài chuyện cạnh tranh ý thức hệ giữa Liên Xô và Hoa Kỳ trong Chiến tranh Lạnh là câu chuyện về con người và cả bi kịch của vinh quang.

Chạy đua lên không gian

Sau khi Liên Xô phóng vệ tinh Sputnik năm 1957, và đưa Yuri Gagarin vào vũ trụ năm 1961 thì độ nóng của cuộc chạy đua Xô-Mỹ bắt đầu tăng.

Với tổng thống JK Kennedy, chương trình không gian NASA là cách để Hoa Kỳ giành lại thế chủ động sau vụ thất bại đau đớn ở Vịnh Con Heo, Cuba.

Năm 1962, Tổng thống nói với các quan chức NASA:

Houston, căn cứ Tranquility đây. Đại Bàng đã hạ cánh

Lời điện đàm của Neil Armstrong từ Mặt Trăng

"Tôi không quan tâm quá vào không gian vũ trụ."

Nhưng mục tiêu cạnh tranh cũng không hẳn rõ ràng.

Phát biểu trước Liên hiệp quốc, Tổng thống Kennedy từng ngỏ ý sẵn sàng cùng người Nga lên Mặt Trăng.

Các sử gia nay đang cho rằng nếu không bị ám sát và lại thắng cử nhiệm kỳ hai, ông Kennedy có thể cho xóa sổ cuộc chạy đua vào không gian.

Và trong cả thập niên 60, với chính giới và truyền thông Mỹ, nói như Thomas Mallon của New York Times, dự án Gemini là một thứ 'lạc đề' bên cạnh các sự kiện lớn như vụ ám sát Kennedy, Cuộc chiến Việt Nam và vụ Charles Manson.

Nhưng cuối cùng thì trong bối cảnh sa lầy tại Nam Việt Nam, Hoa Kỳ cũng đưa được hai phi hành gia lên Mặt Trăng trong chuyến bay đầy bất trắc.

Trước lúc hạ cánh, Armstrong và Aldrin không chỉ bay quá điểm đã định mà còn phải lái chiếc tàu nhỏ tránh va vào các khối đá và bất chấp tín hiệu báo động sai do lỗi máy tính trên khoang.

Họ cũng chỉ có 17 giây là hết thời hạn quy định cho cú đáp gần hết nhiên liệu.

Nhưng phản ứng quốc tế đối với 'cú nhảy khổng lồ' thì vượt quá mong đợi của người Mỹ.

Tác động tuyên truyền về ưu thế của Hoa Kỳ và gián tiếp là thế giới tự do trong cuộc chạy đua với Liên Xô lan rộng ra toàn cầu và mạnh hơn mong đợi.

Chính vì thế, khối cộng sản đã cố ý không truyền hình cú đổ bộ của Mỹ xuống Mặt Trăng.

Chỉ riêng tại Ba Lan có có chuyện ngoại lệ.

Theo các sử gia, Tổng bí thư Wieslaw Gomulka, người từng có tinh thần chống chủ nghĩa Stalin, đã đích thân quyết định để truyền hình chiếu về chuyến bay của Apollo 11.

Trẻ em thăm NASA-hình của Khôi Nguyên

Trung tâm NASA muốn gợi cảm hứng cho các em nhỏ và thế hệ mai sau

Hiểu được lòng ngưỡng mộ người Ba Lan dành cho nước Mỹ, ông Gomulka tin rằng che dấu sự thật sẽ gây tác hại hơn là để dân Ba Lan được chứng kiến sự kiện lớn lao đó.

Tuy thế, các báo đảng ở Ba Lan và nhiều nước xã hội chủ nghĩa chỉ đưa dòng tin nhỏ về tàu Apollo 11 xuống mặt trăng ở mục 'văn hóa-thể thao'.

Một số báo tìm cách tránh ‘lề đường bên phải’ bằng cách đăng ít chữ nhưng để bức hình rất to.

Đêm 20/07/1969, khi Buzz Aldrin và Neil Armstrong ngủ trong chiếc module ở Tranquility Base, họ không biết rằng xe tự hành của Liên Xô cũng lao xuống Mặt Trăng ở một chỗ khác và bị hỏng nặng.

Hiển nhiên, báo chí các nước cộng sản cũng không đưa tin ngay về vụ Lunar 15 gặp nạn.

Bên kia Mặt Trăng

Thực ra, giấc mơ bay lên hành tinh khác cũng không xa lạ gì với người Việt Nam ta qua chuyện chú Cuội đã lên Cung Trăng.

Còn dùng chữ của Tản Đà thì cú đổ bộ lên Mặt Trăng năm 1969 của Hoa Kỳ đã gợi ra 'Giấc mộng lớn' c̉ủa loài người.

Nhưng với các nhân vật trong cuộc thì 'giấc mộng con' có khi trở thành đau khổ.

Trong một bộ phim tài liệu trên BBC, Neil Armstrong kể lại vấn đề ông phải đối mặt sau khi trở về Trái Đất.

Lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ, Armstrong và Aldrin trở thành người hùng nhờ tivi nhưng sức nặng danh tiếng không dễ gánh.

Sau hàng nghìn cuộc trả lời phỏng vấn và hàng vạn giờ ký tên (autograph) kéo dài nhiều năm Armstrong quá mệt mỏi và thấy ghê sợ chính mình.

Theo lời khuyên của Charles Lindbergh, người hùng bay vượt Đại Tây Dương đầu tiên của Mỹ nhưng gặp nạn vì tiếng tăm - con trai Lindbergh bị bắt cóc để đòi tiền chuộc rồi bị giết - Armstrong quyết định rút vào bóng tối.

Còn Buzz Aldrin trong cuốn ‘Return to Earth’ ra năm 1973, đã kể lại bệnh nát rượu và chứng trầm cảm kéo dài sau khi chấm dứt sự nghiệp ở NASA.

Bay lên vũ trụ hóa ra dễ hơn giải quyết các vấn đề lớn nhỏ ngay tại mặt đất này.

Sau 40 năm, cuộc chạy đua vào không gian tưởng như nguội lạnh lại đang có cơ hội sống lại và không còn là chuyện của các nước Âu Mỹ.

Sau khi Trung Quốc cho người bay vào vũ trụ và Nhật Bản, Ấn Độ đều bỏ tiền vào chương trình không gian, người ta cũng nói đến chuyện trở lại Mặt Trăng và chinh phục Sao Hỏa.

Cuộc chạy đua giữa các nước nay không chỉ hướng lên trời cao mà còn luồn sâu xuống đáy đại dương, kể cả ở Bắc Cực lạnh giá, và vươn ra các vùng đảo gần, biển xa nhằm giành nhau các nguồn lợi thiên nhiên.

Ước mơ lên các vì sao, hay trở về với vũ trụ , cội nguồn của nhân loại, chắc vẫn còn đó.

Nhưng không hiểu vì sao, các những dự án mới mẻ của thế kỷ 21 này, dù đầy tham vọng và cũng rất tham lam, chưa gợi ra được cho tôi cảm hứng gì cao thượng so với chuyến bay Apollo 11 hồi đó.

Sunday, 12 July 2009

Vết đứt gãy Trung Hoa


Người dân Urumqi

Các vụ bạo động tại Urumqi và Lhasa phá vỡ huyền thoại về một nước Trung Quốc đơn khối và cho thấy mối đe dọa chia cắt chạy ngay dưới bề mặt 'xã hội hài hòa' mà chính quyền nêu ra, như nhận định của giáo sư Dru Gladney.

Người ngoại quốc và cả chính dân Trung Quốc thường theo thói quen vẽ ra một quốc dân Trung Hoa như khối người Hán thuần nhất, cộng với các nhóm dân tộc thiểu số kỳ lạ điểm xuyết vào bức tranh và sống dọc các đường biên địa.

Nhưng cách hiểu này che dấu sự đa dạng rất lớn về văn hóa, địa lý và ngôn ngữ, đặc biệt là chính sự khác biệt văn hóa ngay trong nhóm Hán.

Các sự kiện gần đây gợi ý rằng Trung Quốc có thể sẽ ngày càng không an toàn trong mối quan hệ dân tộc mà cả trong mục tiêu liên kết quốc gia.

Từ thập niên 1980, tại Trung Quốc sự trỗi dậy của tính cách và văn hóa sắc tộc, đặc biệt là trong nhóm dân Quảng Đông và Khách Gia (Hakka) miền Nam vốn chính thức được xếp hạng là Hán.

Bức tranh nhiều màu

Chính thức mà nói, Trung Quốc gồm 56 dân tộc với nhóm chiếm đa số là Hán, và 55 nhóm còn lại.

Điều tra dân số năm 2000 cho thấy số dân sắc tộc là khoảng 104 triệu, bằng 9% tổng số. Điều ngạc nhiên là ngày nay, việc công khai nguồn gốc thiểu số, ngay tại Bắc Kinh, lại trở nên phổ biến, ví dụ như với người Mãn.

Theo thống kê, tính từ 1982 đến 1990, số dân Hán chỉ tăng 10%, nhưng các nhóm thiểu số 'bỗng tăng nhanh' từ 67 đến 91 triệu. Ví dụ người Mãn tăng từ 4,3 lên 9,8 triệu, còn người Gelao ở Quý Châu tăng 714% chỉ trong tám năm.

Lý do không phải là sinh suất mà là sự chỉnh sửa trong hồ sơ: nhiều người nay tự nhận mình thuộc nhóm thiểu số nào đó chứ không phải là Hán nữa.

Còn trong hôn nhân giữa hai nhóm sắc tộc cha mẹ có quyền chọn cho con hoặc người đến tuổi 18 tự nhận mình thuộc nhóm gì.

Về mặt chính thức, nhận là người thiểu số cũng có lợi về mặt ưu tiên giáo dục, và không phải tuân thủ chính sách một con. Người thiểu số cũng trả thuế ít hơn và được quyền học tiếng của mình. Họ cũng có quyền thờ cúng ma vốn bị cấm trong nhóm Hán.

Nhóm người bị xếp hạng là Hán chiếm 91%, gồm dân từ Bắc Kinh ở phía Bắc cho đến Quảng Đông ở phía Nam, và gồm cả Khách Gia, Phúc Kiến, và các nhóm khác.

Các nhóm Hán này được cho là có cùng lịch sử, văn hóa và văn tự; sự khác biệt bị coi là nhỏ thôi, chỉ có trong phương ngữ, trang phục, ẩm thực và phong tục. Tôn Trung Sơn, nhà lãnh đạo của phong trào cộng hòa lật đổ nhà Thanh năm 1911 cổ vũ cho ý tưởng Năm Dân Tộc Trung Hoa: Hán, chiếm đa số, Mãn, Mông, Tạng và Hồi. Hồi là chữ chỉ người theo đạo Islam, gồm cả Uighur, Kazakh và người Hồi hột v.v.

Thành phố Bắc Kinh

Người Hán chiếm 91% dân số

Bản thân Tôn Dật Tiên là người Quảng Đông, được học hành ở Hawaii, Hoa Kỳ nhưng muốn thống nhất tất cả người Hán cùng các nhóm không phải Mãn châu như Mông Cổ, Tây Tạng và Hồi để chống lại nhà Thanh của tộc Mãn và đuổi ngoại bang.

Mục tiêu của Tôn Trung Sơn nhằm xây dựng một nước Trung Hoa đa dân tộc, đa văn hóa cũng được những người Cộng sản ủng hộ với mục tiêu thống nhất bờ cõi.

Qua nhiều thế kỷ, TQ chỉ thống nhất nhờ nền chính trị tập quyền vào tay trung ương dù có những giai đoạn bị tan rã xen kẽ với thời tập trung và khác biệt văn hóa và ngôn ngữ có thể tệ hại hơn một khi TQ bị suy yếu vì chia rẽ nội bộ.

Chính sách công nhận quyền ưu tiên của thiểu số không chỉ giúp đảng Cộng sản thực hiện mục tiêu lâu dài là tạo là một dân tộc Trung Hoa trên nền tảng củng cố sự công nhận Hán là nhóm đa số thống nhất. Nhấn mạnh sự khác biệt giữa Hán và các dân tộc khác còn nhằm giảm bới sự khác biệt trong nội bộ dân Hán.

Khác biệt rõ nét

Đảng Cộng sản còn đem khái niệm đoàn kết, thống nhất Hán vào ý thức hệ Marxist về sự tiến bộ, với Hán đi tiên phong về phát triển và văn minh.

Các nhóm thiểu số càng "lạc hậu", "sơ khai", thì người Hán, được coi là càng "tiến bộ", "văn minh", và như thế nhu cầu tạo ra một bản sắc chung, thống nhất càng lớn. Những thiểu số không ủng hộ cho chính sách phát triển bị coi là "lạc hậu" và phản lại "hiện đại", vừa tự dậm chân tại chỗ vừa kéo cả nước tụt lại.

Nhưng ngay trong nhóm Hán cứ tưởng là thuần nhất thì cũng có tám phương ngữ: Bắc Kinh, Ngô, Việt, Tương (Hồ Nam), Khách Gia, Cống (Giang Tây), Mân Bắc và Mân Nam (chừng 40 triệu người dùng ở Triết Giang, Phúc Kiến, Đài Loan, Hải Nam). Họ nói không hiểu nhau, và ngay trong các nhóm nhỏ đó sự khác biệt văn hóa và ngôn ngữ là rất rõ nét.

Ví dụ trong nhóm Quảng (Việt) thì người ở Quảng Châu không thể hiểu được dân Thái Sơn, hay người nói phương ngữ Mân Nam nói thì dân Quan Châu, Thường Châu và Hạ Môn không hiểu.

Chuyên gia ngôn ngữ Trung Quốc Y. R. Chao chỉ ra rằng sự khác biệt giữa tiếng Phổ thông (Bắc Kinh -Mandarin) với Quảng Đông tương đương với khoảng cách giữa tiếng Hà Lan với tiếng Anh, hay giữa tiếng Ý và tiếng Pháp.

Bản đồ Tân Cương

Tiếng Bắc Kinh được dùng làm ngôn ngữ quốc gia, được dạy trong trường nhưng ít dùng ở ngoài trong cuộc sống hàng ngày.

Chính sách thiểu số của TQ gồm sự công nhận chính thức, tự trị hạn chế và các nỗ lực không công bố nhằm kiểm soát họ. Vì dù chỉ chiếm 9% dân số, các nhóm thiểu số sống ở vùng giàu tài nguyên bao khắp 60% đất đai cả nước. Họ cũng chiếm 90% số dân nông thôn hoặc thành phố, thị trấn biên giới từ Tân Cương, Tây Tạng, Nội Mông đến Vân Nam.

Thật vậy, có thể nói là người dân tộc hóa ra lại là mốt ở TQ ngày nay. Nào là lẩu cay Mông Cổ, mì Hồi giáo, quán thịt nướng Triều Tiên v,v, có ở mọi đô thị, trong lúc đồ trang sức, motif nghệ thuật và sắc thái văn hóa của thiểu số trang trí từ hình thể đến nhà riêng của người TQ.

Sự gia tăng của "văn hóa sắc tộc" ngày nay phản ánh chiều ngược lại của các phong trào đoàn kết cưỡng bức như chống phái Hữu cuối thập niên 1950, Cách mạng Văn Hóa ở thập niên 1960 và chính sách "thanh tẩy tinh thần" cuối thậpniên 1980, và tương phản với chính các vụ bạo động sắc tộc phía Tây TQ hiện nay.

Trong khi sự tách ra của một nhóm thiểu số tự nó sẽ không là một đe dọa nghiêm trọng cho một nước Trung Quốc mạnh, thì một khi nước này yếu đi vì chia rẽ nội bộ, kinh tế xuống dốc, lạm phát cao, tăng trưởng không đều hoặc tranh giành quyền lực kế vị thì quốc gia lại sẽ dễ bị chia cắt theo các tuyến văn hóa và ngôn ngữ.

Nhưng cũng vì thế, mối đe dọa với TQ có nhiều khả năng đến từ bạo loạn dân sự hoặc mang tính sắc tộc ngay trong nội bộ nhóm Hán. Chúng ta nên nhớ rằng chính những người Nam Trung Quốc có học và hướng ngoại đã đóng vai trò làm sụp đổ các triều đại Trung Hoa.

Các sắc dân miền Nam từ trước tới nay luôn duy trì ý thức họ là người Đường, lấy tinh thần là con cháu hoặc thần dân của triều Đường, chứ không phải triều Hán ở phía Bắc. (Đài truyền hình lớn chống Bắc Kinh ở hải ngoại có tên là Tân Đường Nhân-người dịch)

Cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên quốc suýt nữa lật đổ nhà Thanh cũng có nguồn gốc từ tỉnh Quảng Tây (nay là khu tự trị người Choang) với sự ủng hộ ban đầu trong số sắc dân Dao và Khách Gia.

Trong thập niên tới có thể chứng kiến sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc Đường nhân ở Nam TQ, đối nghịch với chủ nghĩa dân tộc Hán ở phía Bắc, nhất là khi sự giàu có của phía Nam làm lu mờ phía Bắc.

Dru Gladney là chuyên gia về Trung Quốc và chủ tịch viện Pacific Basin Institute tại trường Pomona College, California.

source

BBC Vietnamese

Friday, 10 July 2009

CÓ THỂ CHIẾN THẮNG SỰ GIAN DỐI !

Lượt người đọc : 1474



Ngày 3 tháng 8 vừa qua, đại văn hào Nga Aleksandr Isayevich Solzhenitsyn qua đời; và ngày 6, lễ nghi an táng của ông được cử hành rất long trọng tại Đan Viện Donskoy, Maskva, thủ đô nước Nga. Ông là người từng bị đày đọa tột cùng và cũng từng hưởng vinh dự rất cao ngay trên quê hương mình. Ông đã được trao giải thưởng Nobel văn học vào năm 1970, thời mà nước Nga còn do Đảng Cộng Sản lãnh đạo.

Diễn từ ông gửi đến Hội Đồng Nobel cách đây gần 40 năm vẫn còn nóng bỏng chất thời sự, đối với thế giới hôm nay, và đặc biệt đối với nước Việt Nam thân yêu của chúng ta trong những ngày vừa qua. Vì thế tôi dịch lại phần cuối cùng để chúng ta – nhất là những người cầm bút ở bất cứ môi trường nào – đọc lại mà thấm thía. ( Ảnh chân dung nhà văn ) Ai muốn xem trọn văn bản bằng tiếng Anh, xin tìm vào thẳng địa chỉ sau đây: http://nobelprize.org/nobel_prizes/literature/laureates/1970/solzhenitsyn-lec...

CÓ THỂ CHIẾN THẮNG SỰ GIAN DỐI !

Tôi đã hiểu và cảm nhận rằng văn học thế giới không còn là một tuyển tập trừu tượng, hoặc một tổng hợp do các nhà phê bình văn học tạo nên; nhưng đúng hơn đấy là một thân thể và một tinh thần chung, một sự thống nhất tình cảm phản ánh sự hiệp nhất ngày càng lớn lên giữa các thành phần nhân loại.

Biên giới giữa các nước vẫn còn đỏ rực, hừng hực vì dây điện và những tràng súng liên thanh; và nhiều bộ nội vụ vẫn nghĩ rằng văn học cũng là ‘nội vụ’ đặt dưới quyền điều khiển của mình; các tít báo vẫn còn chạy: “Không được can thiệp vào chuyện nội bộ chúng tôi !”

Thế nhưng không còn chuyện gì là Chuyện Nội Bộ trên cái thế giới đất hẹp người đông của chúng ta hiện nay ! Và cách duy nhất để giải cứu nhân loại hệ tại ở mọi công việc mà mỗi người làm trong lãnh vực mình; ở việc những người Phương Đông thực sự quan tâm đến những gì mà người ta suy nghĩ tại Phương Tây, và người Phương Tây thực sự quan tâm đến nhưng gì đang xảy ra tại Phương Đông.

Và văn chương, với tư cách là phương tiện nhạy cảm và đáp ứng kịp thời nhất mà loài người có được, là một trong những nhân tố đi hàng đầu để tiếp thu, hòa nhập và nắm bắt được cái cảm thức về sự hiệp nhất ngày càng lớn mạnh của cộng đồng nhân loại. Vì thế, tôi tin tưởng ngỏ lời với thế giới văn chương hôm nay – với hằng trăm bạn hữu mà tôi chưa bao giờ gặp được con người bằng xương bằng thịt và có thể tôi sẽ không bao giờ gặp được.

Hỡi các bạn ! Chúng ta hãy cố gắng giúp đỡ, nếu chúng ta còn một giá trị nào đó ! Từ thời xa xưa đến nay, ai làm nên sức mạnh hiệp nhất, chứ không phải chia rẽ, trên các đất nước chúng ta, những đất nước bị xâu xé bởi các đảng phái, phong trào, đẳng cấp và phe nhóm chống đối nhau ? Tự bản chất, người cầm bút có một vị trí: họ là những người thể hiện tiếng mẹ đẻ của mình, là lực lượng liên kết chính yếu của một quốc gia, của chính mảnh đất mà người dân cư ngụ và – ở mức cao nhất – của tinh thần quốc gia.

Tôi tin rằng thế giới văn học tự mình có sức mạnh giúp đỡ nhân loại, trong những giờ phút nhiễu nhương này, để nhân loại tự nhìn ra rõ chính mình, bất chấp sự tuyên truyền của những người và những đảng phái đầy định kiến.

Thế giới văn học có sức mạnh để chuyển tải kinh nghiệm tích lũy ở một miền đất này sang một miền đất khác, hầu cho chúng ta không còn bị chia cắt và đui mù, hầu cho các bậc thang giá trị khác nhau được mọi người đồng thuận, và một quốc gia nhất định sẽ học được một cách đúng đắn và cô đọng lịch sử chân chính của một quốc gia khác, với tinh thần thừa nhận và với cảm thức đớn đau như thể chính mình đang trải qua kinh nghiệm đó; và như thế, quốc gia ấy sẽ tránh phải lặp lại những sai lầm thảm khốc tương tự.

Có lẽ trong những điều kiện hiện nay, văn sĩ chúng ta có thể vun xới trong bản thân mình mảnh đất cho một tầm nhìn bao quát TOÀN THỂ THẾ GIỚI: tại trung tâm thì quan sát như một người khác ở bên cạnh mình, tại ngoài viền thì chúng ta bắt đầu kéo về những gì xảy ra từ mọi nơi trên thế gi ới. Và chúng ta sẽ nối kết, sẽ tôn trọng sự cân bằng của thế giới này.

Nếu không phải là những người cầm bút, thì ai sẽ đánh giá, không chỉ về việc quản lý thiếu hiệu quả trên đất nước mình, (mà trong nhiều nước thì đây là cách kiếm ăn dễ nhất, một công việc mà bất cứ người nào không làm biếng cũng có thể làm), mà còn đánh giá về chính người dân, về sự nhẫn nhục đê hèn hoặc về sự yếu kém đầy tự mãn của họ ? Ai sẽ đánh giá về cuộc chạy đua nhẹ dạ của thế hệ trẻ, và về những tên ăn cướp trẻ đang chìa dao găm ra ?

Người ta sẽ hỏi: văn học thì có thể làm gì để chống lại sự tấn công khốc liệt của bạo lực công khai ? Vậy thì chúng ta đừng quên điều này: bạo lực không sống một mình và không có khả năng sống một mình; nó buộc phải đan xen với dối trá. Giữa chúng có một mối dây liên kết tự nhiên, mật thiết và sâu đậm nhất. Bạo lực lấy gian dối làm nơi trú ẩn, gian dối lấy bạo lực làm chỗ nương tựa. Người nào từng một lần tuyên bố lấy bạo lực làm PHƯƠNG PHÁP thì người đó buộc phải chọn dối trá làm NGUYÊN TẮC.

Khi mới ra đời, bạo lực hoành hành một cách công khai và thậm chí vênh vang. Nhưng khi nó mạnh rồi, có ghế ngồi vững vàng rồi, nó cảm thấy bầu không khí quanh mình loãng ra nên không thể sống được nếu không hạ xuống mà nấp vào lớp mây của gian dối, ngụy trang mình bằng những lời đường mật. Không nhất thiết là lúc nào nó cũng công khai cắt cổ người ta đâu, mà thường thường nó đòi buộc dân đen của mình thề trung thành với dối trá, đồng lõa với dối trá.

Bước đi bình thường của người can đảm bình thường là không tham gia vào dối trá, không ủng hộ dối trá. Cứ để NÓ xâm nhập vào thế giới, thậm chí cai trị thế giới này – mà không có sự trợ lực của mình. Nhưng văn sĩ và nghệ sĩ thì có thể làm hơn như thế: họ có thể CHIẾN THẮNG SỰ GIAN DỐI ! Trong cuộc chiến chống lại gian dối thì nghệ thuật đã từng chiến thắng và sẽ chiến thắng mãi. Một cách rõ ràng và không thể phủ nhận được, vì mọi người ! Gian dối có thể khuất phục nhiều thứ trên thế giới này, nhưng không thể khuất phục nghệ thuật được.

Và ngày nào gian dối bị xua tan thì bạo lực trần trụi sẽ tỏ lộ thân hình gớm ghiếc – và bạo lực, thối rữa, sẽ đổ nhào.

Tác giả: Alexandr Solzhenitsyn, chuyển ngữ: Trần Duy Nhiên

source
http://dcctvn.net/

Happy Independence Day
















Happy Independence Day
Happy Independence Day
'; dc.writeln(''); if(navigator.appName.indexOf('Mic')');} dc.writeln('

The Struggle for Independence - TimelinePresidents' Hall
George Washington to George W Bush Quote Unquote History of the 4th of JulyThe Historic Declaration
National Emblems

National Anthem
National Flower
National Bird Patriotic Poems
I am the Flag

The 50 States State Flags The 4th of July Quiz (Flash)


You Have the Freedom to have a Great Time
Spread the Spirit of Independence with E Greetings

A Crafty 4th of July
Activity and Craft Ideas to keep your children busy and understand the significance of this day... Links to Other Sites
A Parade of Wishes and Greetings for friends, family and loved ones...
Free E greetings 4th of July on your PC
Free Wallpapers
Free Screensavers
Free Desktop ThemesHistory of Fireworks
Tips for Safer Fireworks
Patriotic Music
in Midi Format
Its Bar-B-Que time...
Recipes to spice up
your celebrations Forward this page A Taste of
American Humor
Jokes and One-liners
Contact Us with your suggestions
Home Holiday Index Leisure Index






















Tuesday July 4, 2006 - 04:34pm (ICT)

Previous Post: Helibotter
Comments
(1 total) Libra Offline IM Very nice! :)

Tuesday July 4, 2006 - 08:40pm (EST)




Wednesday August 23, 2006 - 09:45am (EDT) Permanent Link 0 Comments

Vietnam War - Ho Chi Minh Trail - 31 years later

Wednesday June 28, 2006 - 04:35pm (ICT)
Previous Post: Village_crater_2002


Village_crater_2002
Ethnic minorities along the HCMT live in villages like this one, and the lands they reside on are pockmarked by craters from B-52 saturation bombing.
Wednesday June 28, 2006 - 04:31pm (ICT)

Previous Post: UXO_as_house_posts_20024

UXO_as_house_posts_20024
The villagers, quick to take advantege of anything in their environment, here are using war debris as house posts. Each pillar is one half of a cluster bomb.
Wednesday June 28, 2006 - 04:28pm (ICT

Mom_with_child_at_river
More than 100 ethnic minority groups live in the areas surrounding the HCMT. For the most part they live a primitive existance as subsistence farmers, practising slash and burn (swidden) agriculture.



Sourse: http://www.asianbiketour.com/Slide_show_HO_CHI_MINH_TRAIL.htm

Wednesday June 28, 2006 - 04:25pm (ICT)

Previous Post: Vietnam appoints new president


Wednesday August 23, 2006 - 09:33am (EDT) Permanent Link 0 Comments
Happy summertime, all my friends!:)

I want to say thank you Cam Linh for the beautiful pics.
All my friends,Happy summertime!:)

photo sourse :

http://360.yahoo.com/profile-zAI9Vho1crAqRthqTEQTW58-?cq=1
Wednesday July 12, 2006 - 05:12pm (ICT) Permanent Link 0 Comments
Summertime in Saigon-HCMC we have many way to do tour
We can stay in Saigon and go around downtown, i allway go to Duc Ba catholic-church's square at noon to see this scene and the people

(this pic for sample only)

photo sourse :

http://360.yahoo.com/profile-zAI9Vho1crAqRthqTEQTW58-?cq=1
Wednesday July 12, 2006 - 05:10pm (ICT) Permanent Link 0 Comments
Last year i was in Phan Thiet in the summertime, not for tour
i was there for my job, i did CM work in one 4 star-resort project

(this pic for sample only)

photo sourse :

http://360.yahoo.com/profile-zAI9Vho1crAqRthqTEQTW58-?cq=1
Wednesday July 12, 2006 - 05:07pm (ICT) Permanent Link 0 Comments
Phan Thiet is a nice-small city with many scene to come
but i like the best Mui Ne beach and sand-hill.We need around 4 hours to visit this city from Saigon because the road is too small with many cars, bikes and others.

(this pic for sample only)

photo sourse :

http://360.yahoo.com/profile-zAI9Vho1crAqRthqTEQTW58-?cq=1
Wednesday July 12, 2006 - 04:57pm (ICT) Permanent Link 0 Comments
We need around 4 hours to visit this city from Saigon
because the road is too small with many cars, bikes and others.

(this pic for sample only)

photo sourse :

http://360.yahoo.com/profile-zAI9Vho1crAqRthqTEQTW58-?cq=1
Wednesday July 12, 2006 - 04:52pm (ICT) Permanent Link 2 Comments
Comments
(2 total) debby L Offline Hello Binh!! That Yahoo link, is that your sisters? Great picture! :)
hugs

Wednesday July 12, 2006 - 04:55am (CDT)
Binh... Offline IM she just is my friend same as u, Debby L.but she look like my old girlfriend and i like her.have a nice day,men!:)

Wednesday July 12, 2006 - 05:00pm (ICT)


I have one close-friend in Lai Thieu town and same time i go to
i like Lai Thieu because i fall in love the first-time here with the friend and i love the river too, this is Sai gon river.

(this pic for sample only)



photo sourse :



http://360.yahoo.com/profile-zAI9Vho1crAqRthqTEQTW58-?cq=1

Wednesday July 12, 2006 - 04:47pm (ICT) Permanent Link 0 Comments
pics bellow are typical for Mekong delta area.
this pic for sample only

photo sourse :

http://360.yahoo.com/profile-zAI9Vho1crAqRthqTEQTW58-?cq=1
Wednesday July 12, 2006 - 04:44pm (ICT) Permanent Link 0 Comments
XeloiCanTho
this pic for sample only

photo sourse :

http://360.yahoo.com/profile-zAI9Vho1crAqRthqTEQTW58-?cq=1
Wednesday July 12, 2006 - 04:40pm (ICT) Permanent Link 0 Comments
Comments
(2 total) Riihele Offline Hei Binh.

Happy Summertime to yourself, too. =))

Wednesday July 12, 2006 - 10:06am (CEST)
Libra Offline IM Lovely pictures! Thanks for sharing :)

Wednesday July 12, 2006 - 03:15pm (EST)

Wednesday August 23, 2006 - 09:10am (EDT) Permanent Link 0 Comments
NORAD Tapes Only Intensify Implausibility Of 9/11 Official Story

"These guys are smart," statement completely inconsistent with flight instructors description of hijacker's skills
Paul Joseph Watson/Prison Planet.com August 2 2006

Newly released portions of NORAD tapes from 9/11 featured in a Vanity Fair article do little to answer skeptic's questions about the impotence of U.S. air defenses on 9/11 and if anything only increase focus on the incompatibility of the official version of events with what is actually known to have taken place on that day.

It is clear that the exercises revolving around hijacked airliners scheduled for that morning created so much noise in the system that controllers could not pinpoint the positions of any of the real airliners to orchestrate any kind of intercept.

Errant 'ghost' aircraft such as 'Delta 89' and American Airlines 11 which controllers weren't aware had already crashed into the World Trade Center north tower continually confuse NORAD officials and at one point after Flight 77 has hit the Pentagon, they even intercept their own aircraft.

Several exchanges between NORAD personnel outline the confusion that the drills caused and delayed the response of air defense procedures.

08:37:52
BOSTON CENTER: Hi. Boston Center T.M.U. [Traffic Management Unit], we have a problem here. We have a hijacked aircraft headed towards New York, and we need you guys to, we need someone to scramble some F-16s or something up there, help us out.
POWELL: Is this real-world or exercise?
BOSTON CENTER: No, this is not an exercise, not a test.

8:37:56
WATSON: What?
DOOLEY: Whoa!
WATSON: What was that?
ROUNTREE: Is that real-world?
DOOLEY: Real-world hijack.
WATSON: Cool!

"When they told me there was a hijack, my first reaction was 'Somebody started the exercise early,'" said mission-crew commander Major Kevin Nasypany.

The exercise of running numerous war games where planes would be mock-hijacked and crashed into high-profile targets is dismissed as a coincidence by the writer Michael Bronner, with no discussion of the astronomical improbability of the two scenarios colliding, in alliance with similar same target, same time drills which took place during the London bombings.

The tapes betray the fact that NORAD's attention to the fact that Flight 77 was heading towards Washington are virtually non-existent as they struggle to gain authorization to shoot down stray aircraft.

Despite the lies of Cheney in his subsequent TV interviews and statements given under oath to the 9/11 Commission, those shoot down orders never arrived, even after United 93 had crashed in Pennsylvania.

While NORAD struggled to comprehend what exactly was heading towards Washington, in Dick Cheney's PEOC bunker things were apparently a lot clearer. The testimony of Secretary of Transportation Norman Mineta is brought under more scrutiny by the NORAD tapes.

How could Cheney know exactly what was heading for Washington and give clear orders for its path to remain clear, while the very people mandated to defend the skies of America scrambled desperately to make sense of the chaos and get fighters in the positions they needed to be?



"During the time that the airplane was coming in to the Pentagon, there was a young man who would come in and say to the Vice President, "The plane is 50 miles out." "The plane is 30 miles out."

And when it got down to "the plane is 10 miles out," the young man also said to the Vice President, "Do the orders still stand?"

"And the Vice President turned and whipped his neck around and said, "Of course the orders still stand. Have you heard anything to the contrary?"

Secretary of Transportation Norman Mineta's testimony to the 9/11 Commission, May 23, 2003.

The impotence of NORAD in only having access to four fighters to cover the entire eastern seaboard of the US contradicts the fact that 35 USAF bases alone were within range of the hijacked flights but were never called upon or given as an option.

The quick response by NORAD to the golfer Payne Stewart's off-course aircraft in 1999 is often cited as contradicting with procedure on 9/11. In addition, there were 67 occasions where fighters were scrambled to intercept errant aircraft in the 9 month period before 9/11.

Other segments of the tapes only raise more questions and do not provide any answers to long-standing mysteries.

- How did the admittedly incompetent pilot hijackers turn off the transponders of all the aircraft? A procedure, according to professionals that we have talked to, is often beyond the capability of even the most experienced commercial pilots?

- In one portion of the tapes, NORAD personnel are heard to marvel at the excellence of the hijacker's strategy.

9:23:15
ANDERSON: They're probably not squawking anything [broadcasting a beacon code] anyway. I mean, obviously these guys are in the cockpit.
NASYPANY: These guys are smart.
UNIDENTIFIED MALE: Yeah, they knew exactly what they wanted to do.

These guys are smart? Contrast this statement with those of the flight instructors when describing the skills of the alleged hijackers.

Mohammed Atta: "His attention span was zero."

Khalid Al-Mihdhar: "We didn't kick him out, but he didn't live up to our standards."

Marwan Al-Shehhi: ?He was dropped because of his limited English and incompetence at the controls.?

Salem Al-Hazmi: "We advised him to quit after two lessons.?



Do the descriptions afforded to these men square with the chaos that their skills in evading detection brought to the NORAD control room? Or were the planes being controlled by some other means than morons who could barely get single engine Cessna's off the ground - but who apparently ran the world's most sophisticated air defense ragged for hours?

Does the panic that envelops the NORAD control room and the fear that new reports of hijacked planes will never end, coupled with speculation that anything (the White House and the Statue of Liberty are mentioned) could be a target, corroborate with the actions of President Bush's security detail?

Reports of numerous stray aircraft, bombs on planes, and truck bombs at the Pentagon fly and yet President Bush sits calmly in a Florida classroom apparently safe in the knowledge that he is not a target. Why wasn't the President hurried into the nearest underground bunker as soon as Card told him "America is under attack," unless Bush's people were confident of the exact targets beforehand, and that Bush himself wasn't one of them?

The writer of the Vanity Fair piece has taken the NORAD tapes on their own and attempted to forward them as proof that the official version of events is largely accurate, minus the proven lies about the non-authorization of shoot downs.

The problem is that the behavior of the errant planes, when overlaid with the activities of Cheney and Bush, standard intercept operating procedure (minus the intentional confusion of an untold number of blips from the NORAD drills) and the incompetent hijackers, simply does not corroborate.

Furthermore, the tape portions amount to a total of no more than 20 minutes of hand-picked cmmunications and it is admitted that the discussions of the higher brass are not recorded due to secrecy. Nothing is mentioned of the six tapes of air traffic control communications with the hijacked airliners that were deliberately destroyed by FAA managers.

The purpose of the Vanity Fair and a similar Washington Post article is to whitewash the entire affair and blame 9/11 on the incompetence of NORAD.

The NORAD tapes, far from dissolving so-called "conspiracy theories," only serve to support the weight of evidence that points directly towards a deliberate plan on September 11, 2001 to make the air defenses of the United States impotent and to enable the planes to find their targets.

COMMENT ON THIS ARTICLEPrison Planet.tv: The Premier Multimedia Subscription Package: Download and Share the Truth!Sourse: "Paul Joseph Watson" Thursday August 3, 2006 - 12:00pm (ICT)

Wednesday August 23, 2006 - 09:05am (EDT) Permanent Link 0 Comments

Diên Biên Phu

















The Lancaster Delta CMC staff group

The Lancaster Delta CMC staff group

we are a team inside and outside the construction site.

Friday July 21, 2006 - 11:58am (ICT)
Previous Post: My friends in Lancaster Project
Comments(1 total) Post a Comment

shoe...
Offline IM
Looks like everyone is having a very happy time! it is good to share laughter!
Friday July 21, 2006 - 02:08am (CDT)
Sunday August 27, 2006 - 05:37am (EDT) Permanent Link 0 Comments
We need around 4 hours to visit this city from Saigon

We need around 4 hours to visit this city from Saigon

because the road is too small with many cars, bikes and others.
(this pic for sample only)
photo sourse :
http://360.yahoo.com/profile-zAI9Vho1crAqRthqTEQTW58-?cq=1
Wednesday July 12, 2006 - 04:52pm (ICT)
Previous Post: I have one close-friend in Lai Thieu town and same time i go to
Comments(2 total) Post a Comment
debby L
Offline
Hello Binh!! That Yahoo link, is that your sisters? Great picture! :)hugs
Wednesday July 12, 2006 - 04:55am (CDT)

Binh...
Offline IM
she just is my friend same as u, Debby L.but she look like my old girlfriend and i like her.have a nice day,men!:)
Wednesday July 12, 2006 - 05:00pm (ICT)
Thursday August 24, 2006 - 09:06am (EDT) Permanent Link 0 Comments
Pope meets with Castro, preaches to thousands in Cuba

Pope meets with Castro, preaches to thousands in Cuba

Pope meets with Castro, preaches to thousands in CubaSANTA CLARA, Cuba (AP) - On his first full day in "this beloved country," Pope John Paul II went straight to the hearts and home life of the Cuban people, despairing over the island's easy access to abortion and scolding the Castro government for closing the doors to Catholic education.
When it comes to schools, "parents ... should be able to choose," the pope declared to applause from tens of thousands assembled for Mass in the dust and sweltering heat of an athletic field in this provincial city.
The demand for Catholic education was also believed high on John Paul's agenda for the most important official encounter of his five-day visit - a meeting yesterday with President Fidel Castro.

AP PHOTO Cuban president Fidel Castro presents Pope John Paul II with a 120-year-old biography of Father Felix Varela at the Palace of the Revolution in Cuba yesterday. In just two addresses over less than 24 hours, on the first papal visit ever to this Caribbean nation, the pontiff has been blunt in listing what he considers failings - along with accomplishments - of Cuba's communist system.
And in this unprecedentedly open, high-profile criticism of the 39-year-old revolution, he has found help from a surprising quarter - the system itself.
The Communist Party newspaper, Granma, published Wednesday's papal arrival speech, including its call for "a climate of freedom" in Cuba. Even more important, the government is devoting hours of national television time to the papal events, giving the merely curious - in bars, shops and homes - a heavy helping of John Paul's message.
The Havana leadership clearly is taking a calculated risk that this may encourage dissent. But just as clearly it hopes to burnish its image with a display of tolerance and openness.
What the curious saw yesterday was an outpouring of deep emotion and affection for the 77-year-old pontiff after he flew in for a half-day in this heartland city.
"We feel it! We feel it! The pope is here among us!" the crowd chanted as the "popemobile," a white pickup truck topped by a bulletproof-glass compartment, wended its way toward the open-air altar.
01-23-98
Previous Article
Next Article
HOME NEWS EDITORIAL ARTS SPORTS ARCHIVES
©1998 The Michigan Daily
Sourse: http://images.google.com/imgres?imgurl=http://www.pub.umich.edu/daily/1998/jan/01-23-98/photos/apnewpopecuba012298.gif&imgrefurl=http://www.pub.umich.edu/daily/1998/jan/01-23-98/news/news13.html&h=215&w=307&sz=17&hl=en&start=24&tbnid=M3E6V6wlhnsheM:&tbnh=82&tbnw=117&prev=/images%3Fq%3DFidel%2BCastro%2BPope%26start%3D20%26ndsp%3D20%26svnum%3D10%26hl%3Den%26lr%3D%26rls%3DAMSA,AMSA:2006-18,AMSA:en%26sa%3DN
Tuesday August 8, 2006 - 10:35am (ICT)
Previous Post: Fidel Castro: A life in pictures
Wednesday August 23, 2006 - 10:32am (EDT) Permanent Link 0 Comments
The day of Vietnamese wounded soldier and revolutionary martyr July 27
The day of Vietnamese wounded soldier and revolutionary martyr July 27

Diên Biên Phu

Le 6e BCP sur la DZ Natacha

Les paras campent aux abords de la piste dans le bruit des premiers Dakota. Fumée et poussière.

Paillotes thaï à Muong Thanh le 20 novembre 1953.

Une équipe de pièce du 35e RALP à la recherche d'un emplacement pour son 75SR

Cabiro sur le Pu San : "Le Laos n'est pas loin ?"

Le général Gilles dans son PC : "Vivement le bateau..."

Le 2/1 RCP occupe l'ancien poste, sur une colline qui n'est pas encore Eliane 2.

Sur le Pu Ya Tao, le 5e BPVN, attaqué par un régiment de la division 316.

Près de Muong Pon, les paras rendent à leurs morts les derniers honneurs.

Sur le bord de la piste Pavie, Patrice de Carfort, le médecin du 8e Choc, donne les premiers soins aux blessés.

De son observatoire, de Castries montre à Cogny les résultats d'un tir d'artillerie déclanché par Piroth

La section "lourde" du 8e Choc. Au fond, à gauche, Dominique 2. A droite, Eliane 2.

Vue de la partie sud-est du camp retranché, à peu près depuis l'emplacement du PC de de Castries.

Le BEP sur "Anne-Marie".

Le "Bawouan" sur le Pu Ya Tao.

Le 8e Choc près de Ban Co My.

Premier coup au but : un Fairchild-Packett brûle en bout de piste.

Les avions à croix rouge ne peuvent plus se poser. Les blessés regagnent l'antenne chirurgicale.

Le dernier avion "régulier" décolle de Diên Biên Phu et survole l'emplacement du 1er bataillon de la 13e demi-brigade

Le Colonel Gaucher et le Capitaine Capeyron (torse nu).

Le PC du Colonel Gaucher, commandant la 13e demi brigade de la légion.

Le 16 mars 1954, le bataillon Bigeard revient à Diên Biên Phu.

Une tranchée viet, au sud de Diên Biên Phu.

Une tranchée française sur Eliane 4.

Le ravitaillement de Diên Biên Phu exige en moyenne cent cinquante tonnes par jour...

...en dépit d'une DCA de plus en plus violente.

Le char Conti, véhicule de commandement du Capitaine Hervouët, patron de l'escadron du RCC

Mise en place d'un tir viet sur le réduit central

Au lendemain de la chute de Béatrice, les viets autorisent les français à aller chercher leurs blessés.

De g. à d. : Botella, Bigeard, Tourret et Langlais.

Les 155 appuient une opération.

14 mars, largage du 5e Bawouan.

Reconnaissance du village de Ban Pape.

Ouverture de route vers Isabelle

Le BEP attaque une tranché V.M. sur la route d'Isabelle, le 23 mars 1954.

La tranché conquise, les paras s'abritent des tirs de l'artillerie ennemie.

Opération "Castor" : ainsi commence ce qui sera le Waterloo de l'Indochine.

Ce sont les effets de l'artillerie que les médecins appréhendent le plus.

Univers lunaire dans la jungle ; le centre de résistence avant la bataille.

Ils le savent, le viets poussent des boyaux en direction de leurs tranchées.

Qu'il soient français ou Vietminh, les blessés sont acheminés vers l'antenne chirurgicale.

Le Damany en campagne de vaccinations chez les civils du camp retranché.

Jean Louis Rondy

Jean-Marie Madelaine, parmi ses infirmiers, en béret, au centre.

Jacques Gindrey, à gauche et Jean Vidal, à droite, effectuent une intervention sur un abdomen.

Paul Grauwin opère un fracas de jambe. a,b

. b

Patrice de Carfort, médecin du 8e Choc, effondré : il n'a pu sauver le sergent Lambert, lors de l'opération "Brochet, en octobre 1953.

Sans le dévouement de leurs infirmiers,

les médecins auraient été débordés.

a

De nombreuses blessures l'attestent ; le Vietminh disposait d'un armement moderne redoutable. (a,b,c)

c

Fuite vers l'infirmerie de Le Damany : l'artillerie viet interrompt toutes les évacuations.

Assis et couchés, les blessés s'entassent dans les locaux souterrains d'hospitalisation de l'antenne chirurgicale mobile.

L'ouverture quotidienne de la route reliant le centre de résistence à Isabelle, au sud, a provoqué de nombreuses pertes.

Malgré les croix rouges et les fanions,...

...les viets ont tiré sur tous les hélicoptères.

99 blessés seront évacués par hélicoptères en une semaine.

Le plus accablant : regagner les abris quand les Dakota n'ont pu atterrir.

Seuls les Dakota militaires étaient bien équipés pour évacuer le blessés


Encore fallait-il pouvoir accéder aux appareils : deux minutes au plus, pour embarquer.

Les moins chanceux : les aveugles et les polyblessés.


Geneviève de Galard, coincée à Diên Biên Phu, après plusieurs atterrissages en voltige.

Les convoyeuses de l'air ont participé à l'évacuation de centaines de blessés dans la vallée encerclée.

Don du sang exceptionnel pour Diên Biên Phu : l'équipage et les aviateurs de l' "Arromanche" ancré en baie d'Along ont tous participé.

Le pacha du Porte-Avion a offert le premier ses veines aux infirmières laborantines secondant le Dr Léon Lapeyssonnie.

Evacuation de 858 blessés sur Luang-Prabang, puis Hanoï, après la bataille.

Le retour des camps : des spectres...
Crédit photos : E.C.P.A., D. Camus - Perraud - Adrian - Keystone, Sipa Presse,
Pages en construction
Collections : Coll. Part. D.R., Capeyron, Lepinay, Rondy, Willer, et particuliers.
Copyright © 1999, 2000, 2001, Maximilian Stemp / www.dienbienphu.org Tous droits réservés / Alle Rechte vorbehalten / All rights reserved

http://www.dienbienphu.org/ mailto:webmaster@dienbienphu.org
Thursday July 27, 2006 - 12:14pm (ICT)
Previous Post: The Third World War and The writing of Albert Pike
Wednesday August 23, 2006 - 10:24am (EDT) Permanent Link 0 Comments
Show this to your children and grandchildren
Show this to your children and grandchildren

From:
"Tina Marie" Add to Address Book Add Mobile Alert
Date:
Wed, 5 Jul 2006 09:05:00 -0700 (PDT)
Subject:
[2ND-INF-DIV-KOREA-INDIAN-HEAD] Fwd: Amazing History Lesson]?? THE YEAR 1906?? This will boggle your mind, I know it did mine! The year is 1906. One hundred years ago. What a difference a century makes! Here are some statistics for the Year 1906 : ************************************ The average life expectancy was 47 years. Only 14 percent of the homes had a bathtub. Only 8 percent of the homes had a telephone. . There were only 8,000 cars and only 144 miles of paved roads. The maximum speed limit in most cities was 10 mph. The tallest structure in the world was the Eiffel Tower! The average wage was 22 cents per hour. The average worker made between $200 and $400 per year . A competent accountant could expect to earn $2000 per year, a dentist $2,500 per year, a veterinarian between $1,500 and $4,000 per year, and a mechanical engineer about $5,000 per year. More than 95 percent of all births took place at HOME . Ninety percent of all doctors had NO COLLEGE EDUCATION! Instead, they attended so-called medical schools, many of which were condemned in the press AND the government as "substandard." Sugar cost four cents a pound. Eggs were fourteen cents a dozen. Coffee was fifteen cents a pound. Most women only washed their hair once a month, and used borax or egg yolks for shampoo. Canada passed a law that prohibited poor people from entering into their country for any reason. Five leading causes of death were: 1. Pneumonia and influenza 2. Tuberculosis 3. Diarrhea 4. Heart disease 5. Stroke The American flag had 45 stars. . The population of Las Vegas, Nevada, was only 30!!!! Crossword puzzles, canned beer, and ice tea hadn't been invented yet. There was no Mother's Day or Father's Day. Two out of every 10 adults couldn't read or write. Only 6 percent of all Americans had graduated from high school. Marijuana, heroin, and morphine were all available over the counter at the local corner drugstores. Back then pharmacists said, "Heroin clears the complexion, gives buoyancy to the mind, regulates the stomach and bowels, and is, in fact, a perfect guardian of health." ( Shocking? DUH! ) Eighteen percent of households had at least one full-time servant or domestic help. There were about 230 reported murders in the ENTIRE ! U.S.A. ! Now I forwarded this from someone else without typing it myself, and sent it to you and others all over the United States,& Canada possibly the world, in a matter of seconds! Try to imagine what it may be like in another 100 years. IT STAGGERS THE MIND, ?
Thursday July 6, 2006 - 10:38am
Wednesday August 23, 2006 - 09:54am (EDT) Permanent Link 0 Comments